Quyền lực mềm nhìn từ khía cạnh đối nội
Nguyễn Quang A
09/02/2010
http://boxitvn.blogspot.com/2010/02/quyen-luc-mem-nhin-tu-khia-canh-oi-noi.html
Năm ngày trước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc Việt Nam, sáu ngày trước ngày quân Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam 35 năm trước, Vietnamnet đã mời một khách quen của mình, giáo sư Joseph Nye, người được coi là cha đẻ của thuyết quyền lực mềm do ông đưa ra năm 1990, thăm Việt Nam. Quyền lực mềm trở thành một từ được rất nhiều học giả, chính trị gia nhắc đến. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng trên khắp thế giới, không chỉ để lại dấu ấn trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ mà ngay cả lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào, cũng nhấn mạnh tại đại hội thứ 17 của đảng cộng sản Trung Quốc năm 2007 rằng Trung Quốc phải tăng cường quyền lực mềm của mình và thực tế Trung Quốc đã ngày càng tăng cường quyền lực mềm của mình ở mọi nơi bằng những hành động rất cụ thể.
Báo chí đưa tin về hoạt động 2 ngày của ông ở Việt Nam khá rầm rộ, kể cả việc ông gặp Thủ tướng, thuyết trình tại Bộ Ngoại giao, đủ thấy ông cũng có ảnh hưởng không nhỏ ở Việt Nam.
May mắn được trực tiếp nghe ông thuyết giảng sáng 13-1-2010 cho giới doanh nhân, tôi thấy ông rất khiêm tốn. Đúng là ông đưa ra thuật ngữ “quyền lực mềm” trong một bài báo năm 1990 và trình bày chi tiết hơn trong sách, nhiều bài báo và bài thuyết trình khác, nhưng theo ông quyền lực mềm cổ như chính con người và được sử dụng ở mọi nơi, từ Trung Quốc cổ đại, Đức thời phát xít, Liên Xô thời cộng sản, Mỹ tư bản, v.v.
Theo ông, quyền lực là khả năng tác động đến ứng xử của những người khác để có được những kết quả mình mong muốn và có ba cách cơ bản để làm việc đó: ép buộc họ bằng sự đe doạ (bạo lực, kinh tế,...); dụ dỗ họ bằng lợi ích (vật chất, danh vọng,...); hay thu hút, hấp dẫn họ (bằng sức hấp dẫn, các giá trị, tư tưởng,...). Hai cách trước thường được biết đến như dùng “cây gậy và củ cà rốt”, là cách dùng quyền lực cứng; cách thứ ba là cách dùng quyền lực mềm. Quyền lực mềm đến từ ba nguồn: văn hoá có sức hập dẫn người khác; các giá trị chính trị và đạo đức có sức hấp dẫn người khác; và các chính sách có sức hấp dẫn người khác. Sự thành công về kinh tế có thể tạo ra sức hấp dẫn, thậm chí quân đội cũng có thể tạo ra quyền lực mềm. Quyền lực mềm có thể được dùng cho mục đích tốt hay xấu. Sự kết hợp khéo léo giữa quyền lực cứng và quyền lực mềm được gọi là quyền lực thông minh.
Được thừa nhận là một nhà tư tưởng đối ngoại hàng đầu, các bài viết cũng như thuyết trình của giáo sư Joseph Nye nhấn mạnh đến quan hệ giữa các quốc gia, đến chính sách đối ngoại. Toạ đàm với nhà ngoại giao ông cũng nhấn mạnh khía cạnh “đối ngoại” đó và đưa ra những lời khuyên bổ ích cho chính sách đối ngoại của Việt Nam, nhất là đối với khu vực và Trung Quốc. Nhiều người Việt Nam cũng đã đưa ra các lời khuyên tương tự, hy vọng với uy tín của mình lời khuyên của ông được các nhà chức trách cân nhắc cẩn trọng.
Dưới đây chỉ muốn bàn sơ đến khía cạnh đối nội của quyền lực mềm.
Theo tôi biết ông không bàn sâu về khía cạnh này và điều đó cũng dễ hiểu đối với một chuyên gia hàng đầu về chính sách đối ngoại. Ông có bàn đến quyền lực mềm và sự lãnh đạo nói chung, ngay tại Bộ Ngoại giao ông cũng nói về “tính chính đáng”. Đấy là những điểm quan trọng cả về mặt đối nội nữa.
Quyền lực thể hiện trong mối quan hệ (thí dụ: giữa các nước; giữa người lãnh đạo và nhân viên; giữa những người cầm quyền và nhân dân). Chúng ta nói tới mối quan hệ thứ ba.
Xét cho cùng quyền lực cứng và mềm ở trong nước là cái gốc, là quan trọng nhất để tạo ra quyền lực cứng và mềm với các nước khác. Nếu kết hợp khéo, chúng tạo ra các nguồn lực, giá trị, cơ sở cho quyền lực cứng và mềm trong quan hệ đối ngoại.
Một nước mà tham nhũng tràn lan, lời nói của các quan không đi đôi với việc làm, sự bất bình của người dân với nhà cầm quyền ngày tăng lên, đời sống nhân dân nghèo khổ, chăm sóc ý tế kém, giáo dục sa sút, người dân bị tước mất hay bị cắt xén các quyền con người, không có tự do; nơi nhà cầm quyền độc đoán, đàn áp những người khác chính kiến và có tiếng nói khác; v.v., thì nước đó chẳng thể tạo ra các nguồn lực cho quyền lực cứng cũng chẳng có gì hấp dẫn với bên ngoài, tức là không có quyền lực cứng và mềm đối với các nước khác.
Càng tồi tệ hơn nếu có sự nhầm lẫn trong hiểu và áp dụng quyền lực cứng và mềm ở trong nước.
Trong quan hệ nhà nước – người dân (kể cả các tổ chức kinh tế, xã hội dân sự) quyền lực cứng thể hiện ở năng lực ép buộc của nhà nước đối với việc thực thi các thoả thuận tư, với sự thực thi pháp luật, chứ không chỉ là nhà tù, lực lượng vũ trang và sự trấn áp.
Nếu quyền lực cứng không được sử dụng tốt, nhất là khi các cơ quan nhà nước, các quan chức nhà nước không làm đúng pháp luật mà không bị trừng trị, khi kẻ ăn cắp vặt bị phạt nặng còn quan chức nhà nước tham ô, ăn hối lộ, ăn “hoả hồng” hàng chục triệu USD và gửi tiền sang ngân hàng Thuỵ Sỹ thì nhởn nhơ, thậm chí được thăng chức, v.v., thì không thể thuyết phục người dân tôn trọng thoả thuận tư, tôn trọng pháp luật, làm xói mòn cơ sở của quyền lực cứng. Chức càng cao mà không làm gương, nói một đằng làm một nẻo, thậm chí làm sai pháp luật, thì càng làm xói mòn cơ sở của quyền lực cứng và cũng chẳng thể tạo ra quyền lực mềm. Trong quan hệ này, người dân phải tạo áp lực để các cơ quan nhà nước và các quan chức nếu không gương mẫu thì chí ít phải tôn trọng và thực thi nghiêm quy định pháp luật do chính họ đưa ra. Nếu các quan nhũng nhiễu, như lấy đất của dân chia chác lẫn nhau, thì nhà cầm quyền phải trừng trị thẳng thay “những kẻ cướp ngày đó”, còn nếu chỉ “bức xúc” thôi và không trừng trị, thì quyền lực cứng không được dùng và lấy đâu ra quyền lực mềm đối với dân chúng, nói chi với nước ngoài.
Ngược lại, nếu dùng các biện pháp kiềm chế, ép buộc, trấn áp với những hoạt động tạo cơ sở cho quyền lực mềm như trong hoạt động văn hoá, báo chí, xã hội dân sự, tự do tư tưởng, đấu tranh cho quyền con người, v.v., thì làm sao có thể tạo ra các nguồn lực cho quyền lực mềm trong đối nội và đối ngoại.
Báo chí không được đưa những thông tin không có lợi cho đất nước, cho dân tộc. Nghe có vẻ rất đúng, nhưng thế nào là không có lợi? Ai có quyền phán xét về tính có hại hay có lợi đó. Nghe rất có lý, nhưng có thể bị lạm dụng để biến thành một công cụ của quyền lực cứng bị lạm dụng rất tai hại cho đất nước.
Mới bàn sơ sơ mà đã thấy vấn đề không đơn giản, không dễ dàng. Chỉ có thực sự tôn trọng các quyền con người, nhất là quyền của cá nhân, của thiểu số, tạo cơ hội cho tranh luận lành mạnh, các cơ quan nhà nước và quan chức nhà nước phải gương mẫu trước tiên trong tuân thủ pháp luật,..., thì từng bước chúng ta mới củng cố được quyền lực cứng và quyền lực mềm của mình, cả trong đối nội lẫn đối ngoại. Đó là sự tương tác hai chiều, chứ không phải một chiều. Quan chức nghiêm túc, tôn trọng pháp luật, tận tuỵ phục vụ, người dân tham gia tích cực thì sẽ tạo ra một vòng phản hồi tốt. Nếu làm ngược lại thì sẽ tạo ra vòng luẩn quẩn và nói về quyền lực cứng và mềm cũng chẳng có ý nghĩa mấy.
No comments:
Post a Comment