Tuesday, February 9, 2010

MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG ĐỘC TÀI CỦA BỨC KINH LIỆU CÓ TIẾP TỤC TỒN TẠI ?

Kết thúc sự đồng thuận Bắc Kinh – Liệu mô hình tăng trưởng độc tài của Bắc Kinh có tiếp tục tồn tại?
Yang Yao
Lê Ngọc Tú dịch
09/02/2010 3:59 chiều
1 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=16056
Tóm tắt: Những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của Bắc Kinh đang xâm phạm đến các quyền lợi về kinh tế và chính trị của người dân. Để tồn tại, chính phủ Trung Quốc sẽ phải bắt đầu cho phép công dân bình thường tham gia vào tiến trình chính trị.
YANG YAO là Phó Trưởng khoa Trường Phát triển Quốc gia và là Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh.
---------------------

Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải cách kinh tế vào năm 1978, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển với tốc độ gần mười phần trăm một năm, và GDP bình quân đầu người hiện nay lớn hơn mười hai lần so với ba thập kỷ trước. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự thành công kinh tế của đất nước này là do phương pháp độc đáo trong chính sách kinh tế – một sự kết hợp của quyền sở hữu hỗn hợp, quyền sở hữu cơ bản, và sự can thiệp sâu của chính phủ. Cựu biên tập khu vực nước ngoài của tạp chí Time, Joshua Cooper Ramo, thậm chí đã đặt cho nó một cái tên: sự đồng thuận Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong 30 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã chuyển dịch một cách hiển nhiên theo học thuyết thị trường của kinh tế học tân cổ điển, với sự nhấn mạnh đến chính sách tài khóa thận trọng, sự cởi mở kinh tế, tư nhân hoá, tự do hóa thị trường, bảo vệ tài sản tư nhân. Bắc Kinh đã rất thận trọng trong việc duy trì ngân sách cân bằng và kiềm giữ lạm phát. Các chương trình chỉ tái phân phối được giữ ở mức tối thiểu, và sự chuyển khoản cho chính quyền trung ương hạn chế chủ yếu vào chi tiêu hạ tầng cơ sở. Gánh nặng thuế tổng thể (đo bằng tỷ lệ doanh thu thuế so với GDP) nằm trong khoảng 20-25 phần trăm. Quốc gia này là nước nhận đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đứng thứ hai trên thế giới, và trong nước thì tới hơn 80 phần trăm các công ty quốc doanh đã chuyển sang tay tư nhân hoặc chuyển đổi thành các công ty niêm yết giá công khai.
[1] Vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thiếu tính hợp pháp theo nghĩa dân chủ cổ điển, nó buộc phải tìm kiếm tính hợp pháp dựa trên tính hiệu quả, bằng cách liên tục cải thiện đời sống của người dân Trung Quốc. Cho đến nay, chiến lược này đã thành công, nhưng có những dấu hiệu cho thấy nó sẽ không bền, vì sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng gia tăng và sự mất cân bằng trong và ngoài do chiến lược này tạo ra.
Các chính sách thị trường tự do của ĐCSTQ, như người ta dự đoán, đã dẫn đến chênh lệch thu nhập lớn tại Trung Quốc. Hệ số Gini
[2] tổng thể – một cách đo lường sự bất bình đẳng về kinh tế, trong đó số không có ý nghĩa là sự bình đẳng hoàn hảo và số một là sự bất bình đẳng tuyệt đối – của Trung Quốc lên tới 0,47 trong năm 2008, cùng mức với Hoa Kỳ. Điều đáng lo ngại hơn nữa là cư dân thành phố Trung Quốc đang kiếm được gấp ba lần rưỡi so với đồng bào của họ ở nông thôn; đây là cách biệt thu nhập đô thị-nông thôn cao nhất trên thế giới.
Vậy thì làm thế nào mà chính phủ Trung Quốc có thể áp dụng các nguyên tắc kinh tế học tân cổ điển trong khi vẫn tuyên bố rằng chủ nghĩa Mác là hệ tư tưởng của mình? Câu trả lời là Trung Quốc đã có ba thập kỷ được cai trị bởi một chính phủ vô tư (disinterested government)- một hệ thống cai trị tách ra, không thành kiến , giữ lập trường trung lập khi phát sinh các xung đột về lợi ích giữa các nhóm xã hội và chính trị khác nhau. Điều này không có nghĩa là Bắc Kinh không có quyền lợi của mình. Ngược lại, nhà nước thường trấn áp người dân, nhưng sự trấn áp đó ở hình thức “mù loà về căn cước” (identity-blind) theo nghĩa Bắc Kinh nói chung không quan tâm đến vị thế xã hội và chính trị của những nạn nhân bị chọn – không giống nhiều nước khác nơi chính phủ hành động để bảo vệ và làm phong phú các nhóm chính trị xã hội đặc thù. Kết quả là, chính phủ Trung Quốc có nhiều khả năng hơn so với các chế độ độc tài khác trong việc thông qua chính sách nâng cao tăng trưởng.
Trong 30 năm qua, ĐCSTQ chủ định áp dụng chính sách ưu đãi các nhóm hoặc khu vực cụ thể để thúc đẩy cải cách và tăng trưởng kinh tế. Việc chính phủ ĐCSTQ vô tư (disinterested) không chịu gắn bó với một nhóm hoặc khu vực nhất định nào đó có giúp mang lại thuận lợi [cho việc áp dụng những chính sách này]. Sự hòa nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới là một ví dụ. Vào cuối những năm 1970, Hoa Kỳ muốn kéo Trung Quốc về phe của mình như vật đệm chống lại quyền bá chủ của Liên Xô, và Trung Quốc nhanh chóng nắm lấy cơ hội đó. Nhưng việc sớm thông qua chính sách “mở cửa” đó làm gia tăng sự đối kháng trong nước: các đặc khu kinh tế, như Thâm Quyến, được hưởng nhiều ưu đãi, khiến các khu vực khác của đất nước ghen tị. Hơn nữa, mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của ĐCSTQ buộc Bắc Kinh đi theo một chiến lược phát triển không cân bằng, nó khuyến khích tăng trưởng cho vùng bờ biển phía đông của đất nước trong khi bỏ qua vùng nội địa; ngày nay, gần 90 phần trăm hàng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn còn đến từ chín tỉnh ven biển.
Việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001 cũng là một bước đi có tính toán. Trước khi gia nhập, nhiều người tin rằng Trung Quốc sẽ phải chịu đựng các chính sách điều chỉnh cơ cấu khó nhọc trong nhiều lĩnh vực để có thể gia nhập WTO. Mặc dù vậy, chính phủ trung ương trên thực tế đã tăng cường đàm phán với các thành viên của tổ chức. Bất chấp những gánh nặng đặt ra cho nông nghiệp và khu vực bán lẻ, việc gia nhập WTO đã thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc, cho thấy rằng thật sai lầm khi lo lắng về ảnh hưởng của việc gia nhập WTO. Giữa năm 2002 và 2007, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc hàng năm là 29 phần trăm, gấp đôi tỷ lệ trung bình trong thập niên 1990.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng vô cùng to lớn của Trung Quốc đã đặt nó vào một tình trạng bấp bênh. Các quốc gia đang phát triển khác đang mắc kẹt vào cái gọi là bẫy thu nhập trung bình – một tình huống thường phát sinh khi một đất nước GDP bình quân đầu người đạt mức từ $3,000 đến $8,000, nền kinh tế ngừng phát triển, sự bất bình đẳng thu nhập gia tăng, và nhiều xung đột xã hội bùng phát. Trung Quốc đã tiến vào phạm vi này, và những dấu hiệu cảnh báo của cái bẫy đã lù lù hiện ra.
Trong vài năm qua, sự tham gia của chính phủ vào kinh tế đã tăng lên – đáng chú ý nhất là kế hoạch kích thích kinh tế bốn-nghìn tỷ nhân dân tệ (586 tỷ đô la Mỹ) hiện nay. Vốn đầu tư của chính phủ đã giúp Trung Quốc đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP gần chín phần trăm trong năm 2009, được nhiều người ca ngợi; nhưng về lâu dài, nó có thể bóp nghẹt nền kinh tế Trung Quốc bằng việc giảm tính hiệu quả và đẩy khu vực đầu tư tư nhân [vốn] sôi động hơn ra rìa.
Nền kinh tế hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào cầu bên ngoài, gây ra xung đột giữa các đối tác thương mại lớn. Tài khoản tiết kiệm 52% của GDP, và mức tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp trong lịch sử. Trong khi các chính phủ trong hầu hết các nền dân chủ tiên tiến chi tiêu chưa tới 8% tổng thu nhập của chính phủ về vốn đầu tư, con số này là gần 50 phần trăm ở Trung Quốc. Và thu nhập của người dân như một phần thu nhập quốc gia đang giảm, khiến cho công dân trung bình cảm thấy nghèo hơn khi nền kinh tế mở rộng. Thu nhập của người dân Trung Quốc càng tăng, thì họ càng không chỉ đòi hỏi lợi ích kinh tế, do đó ĐCSTQ sẽ ngày càng khó kiềm chế hoặc ngăn cản bất mãn xã hội bằng cách chỉ dùng liều thuốc tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù có quyền lực tuyệt đối và đạt được thành tích gần đây về tốc độ tăng trưởng kinh tế, ĐCSTQ vẫn phải đối mặt với sự đối kháng định kỳ của công dân. Sự kiện Thiên An Môn ngày 05 tháng 4 năm 1976, là hoạt động dân chủ tự phát đầu tiên tại Trung Quốc trong lịch sử Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; phong trào ngày 04 tháng 6 năm 1989, và nhiều cuộc biểu tình sau đó đã chứng minh rằng nhân dân Trung Quốc khá sẵn sàng chống đối có tổ chức khi nhu cầu của họ không được nhà nước đáp ứng. Giám sát của quốc tế đối với công việc nội bộ của Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng; Hiện nay, khi đã nổi lên như một thế lực toàn cầu to lớn, Trung Quốc bỗng nhiên quan tâm tới tính chính đáng của nó trên trường quốc tế.
Chính phủ Trung Quốc nói chung cố gắng để quản lý sự bất mãn phổ biến như vậy bằng nhiều “liều thuốc giảm đau” khác nhau, bao gồm các chương trình nhanh chóng giải quyết những dấu hiệu ban đầu của tình trạng bất ổn trong nhân dân, như các trung tâm việc làm cho công nhân thất nghiệp, các chương trình di dân nhằm giảm chênh lệch vùng miền, và gần đây là “phong trào nông thôn mới” để cải thiện cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, và giáo dục ở các vùng nông thôn.
Tuy nhiên, những biện pháp trên có lẽ là quá yếu kém để ngăn cản sự nổi lên của các nhóm lợi ích đầy quyền lực, tìm cách gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính phủ. Mặc dù các doanh nghiệp tư nhân từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng chính phủ để có lợi nhuận lớn hơn, họ không phải là ngoại lệ. Bản thân chính quyền, bè lũ thân hữu của nó và các doanh nghiệp quốc doanh đang nhanh chóng hình thành các nhóm lợi ích mạnh mẽ và độc quyền.Theo một cách nào đó, chính quyền địa phương ở Trung Quốc hành xử giống như các tập đoàn lớn: không giống như ở các nền dân chủ tiên tiến, nơi một trong những nhiệm vụ chính của chính phủ là phân phối lại thu nhập để cải thiện phúc lợi trung bình của công dân, chính quyền địa phương ở Trung Quốc chỉ theo đuổi lợi ích kinh tế.
Quan trọng hơn, những nỗ lực hiện thời của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP chắc chắn sẽ dẫn đến vi phạm quyền kinh tế và chính trị của người dân. Ví dụ, việc thu hồi đất tùy tiện vẫn phổ biến ở một số thành phố, chính phủ giám sát Internet chặt chẽ, các công đoàn lao động bị đàn áp, công nhân phải lao động nhiều giờ và trong điều kiện không an toàn. Công dân Trung Quốc sẽ không giữ im lặng khi đối mặt với các hành vi vi phạm nữa, và sự bất mãn của họ chắc chắn sẽ dẫn đến kháng cự định kỳ. Không lâu nữa, một số hình thức chuyển tiếp chính trị rõ ràng, cho phép công dân bình thường tham gia vào tiến trình chính trị, sẽ là cần thiết.
Những cải cách thực hiện trong vòng 30 năm qua phần lớn nhằm đối phó với những khủng hoảng sắp xảy ra. Sự kháng cự của người dân và sự mất cân bằng kinh tế đang dẫn Trung Quốc đến một cuộc khủng hoảng lớn khác. Các nhóm lợi ích mạnh và có đặc quyền cùng các chính quyền địa phương bị thương mại hóa, đang ngăn chặn sự phân phối công bằng các lợi ích của tăng trưởng kinh tế trong xã hội, và do đó, vô hiệu hoá chiến lược của ĐCSTQ trong việc dùng tăng trưởng kinh tế để giành sự đồng thuận của người dân cho quyền cai trị tuyệt đối của đảng này.
Tại các nền dân chủ tiên tiến, một tiến trình chính trị mở và bao gồm mọi nhóm nói chung [có tác dụng] kiểm soát sức mạnh của các nhóm lợi ích, chẳng hạn như Hoa Kỳ. Thật vậy, đây chính xác là sự ủy quyền cho một chính phủ vô tư (disinterested) – để cân bằng đòi hỏi của các nhóm xã hội khác nhau. Một chính phủ Trung Quốc cởi mở hơn vẫn có thể vô tư (disinterested) nếu những thể chế dân chủ đúng đắn được áp dụng để kiểm soát những nhóm quyền lực mạnh nhất. Nhưng rốt cuộc thì không thể có chọn lựa nào khác hơn là phải dân chủ hóa nhiều hơn nếu ĐCSTQ mong muốn khuyến khích tăng trưởng kinh tế và duy trì sự ổn định xã hội.

Nguồn:
http://www.foreignaffairs.com/articles/65947/the-end-of-the-beijing-consensus

Bản tiếng Việt © 2010 Lê Ngọc Tú
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

---------------------------------------

[1] Công ty niêm yết giá công khai (publicly listed company): Là một công ty đã phát hành cổ phần công khai (và do đó có quyền sở hữu công cộng) và được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
[2] Hệ số Gini (hay còn gọi là hệ số Loren) là hệ số dựa trên đường cong Loren (Lorenz) chỉ ra mức bất bình đẳng của phân phối thu nhập giữa cá nhân và hệ kinh tế trong một nền kinh tế.
Hệ số Gini thường được sử dụng để biểu thị mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các tầng lớp cư dân. Số 0 tượng trưng cho sự bình đẳng thu nhập tuyệt đối (mọi người đều có cùng một mức thu nhập), số 1 tượng trưng cho sự bất bình đẳng thu nhập tuyệt đối (một người có toàn bộ thu nhập, trong khi tất cả mọi người khác không có thu nhập).



No comments: