Monday, February 8, 2010

THƯ VIỆN VIỆT NAM TOÀN CẦU

Thăm Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu
Nguyên Huy/Người Việt
Friday, February 05, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107927&z=3
Saturday, February 06, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107965&z=3

Thư Viện VN Toàn Cầu hôm nay tổ chức họp mặt với thân hữu nhân dịp khai trương trụ sở mới ở Fountain Valley. Trong dịp này, Bác Sĩ Trần Lý Lê, một thành viên hỗ trợ chính của thư viện sẽ có cuộc nói chuyện về đề tài “Thức ăn, sức khỏe và trí nhớ” cho mọi người đến tham dự.
Thư Viện Toàn Cầu chính thức được thành lập từ năm 1990 khi ấy có tên là Thư Viện VN trên Net (
http://tvvn.org/tvvn/) . Nhưng trước đó, từ năm 1987 một số anh chị em học viên của Giáo Sư Tâm Vô Lê ở San Diego đã cùng nhau soạn thảo và đưa lên Net được hơn 200 ngàn trang sách báo tài liệu của VNCH. Giáo Sư Tâm cho biết, “Khi ấy kỹ thuật điện tử chưa cho chúng ta được nhiều khả năng sử dụng như ngày nay, nhưng các sách báo tài liệu được thu nhập vào Thư Viện VN trên Net đã thu hút khá nhiều bạn đọc trẻ tìm đến và vui biết bao là họ không chỉ đến như những độc giả mà còn góp công xây dựng thêm cho thư viện được phát triển nữa.”

Hiện Thư Viện Toàn Cầu đang đặt ra ba nhiệm vụ chính yếu để nhắm tới là:
-Phong phú hóa tài liệu sách báo cho thư viện.
-Mở các lớp chỉ dẫn về computer, về y tế liên quan đến trí tuệ.
-Soạn thảo và cập nhật các USB Tech 2020 PRO để giúp cho cộng đồng người Việt sử dụng thông thạo computer trong việc học, trau giồi kiến thức và thực hiện những nhu cầu tinh thần về nhạc, họa hay hình ảnh (photo).
Về nhiệm vụ thứ nhất, theo Giáo Sư Tâm và Bác Sĩ Lý Lê thì thư viện đang nỗ lực làm một cuốn “Bách Khoa Tự Ðiển” để giúp cho các thế hệ trẻ giữ được sự trong sáng của tiếng Việt. Cuốn Tự Ðiển này hiện trên mạng là Vietwibipedia.org hay TVVN.org.
Về các lớp hướng dẫn về computer thì tại thư viện trước đây ở trên lầu 2 khu thương mại “Saigon Village” có thường xuyên 7 ngày trong tuần các lớp về Computer, các trình độ và các lớp về sức khỏe, về phong thủy do các chuyên viên cộng tác với thư viện đến hướng dẫn.
Về soạn thảo và cập nhật USB Tech 2020 PRO thế hệ thứ hai, theo Giáo Sư Tâm thì nay thư viện được sự kết hợp của các giáo sư như: Lê Tân ở Gia Nã Ðại, Giáo Sư Phạm Sơn ở Northridge và Lê Tang Hồ, thư viện đang đi sâu vào việc soạn những thảo trình tiếng Việt để phục vụ cộng đồng. Từ nhiều năm nay, thư viện đã giúp cho nhiều người sử dụng được nhiều lãnh vực trong khả năng cung ứng của computer qua dạng thức USB Tech 2020 PRO từ 4 GB, 8 GB đến 16 GB chứa được hàng trăm thảo trình (program, software) giúp cho người mới sử dụng computer, cả Desktop lẫn Laptop và cả cho những người đã khá thuần thục với computer, nghiên cứu, tìm hiểu học hỏi, thâu lượm những kiến thức, giao dịch rộng rãi trên mạng, v.v... Nhưng kỹ thuật điện toán hiện nay thì tiến triển hàng giờ nên USB Tech 2020 PRO soạn ra phải cập nhật hóa từng thời gian ngắn. Thư Viện sẽ cập nhật không tính lệ phí cho tất cả những ai đã mua và đang sử dụng “Cây Ðũa Thần” này.
Giải thích về USB Tech 2020 PRO có một cái tên thông dụng là “Cây Ðũa Thần,” Giáo Sư Tâm vui vẻ cho biết, “Vào năm ngoái có một nhà báo đến mua USB Tech 2020 PRO khi ấy mới chỉ tới 4 GB, sau khi về sử dụng thấy đáp ứng được nhiều nhu cầu báo chí và kiến thức cũng như công dụng của nó trên các mặt đánh máy các phông chữ, lưu trữ tài liệu, truy tìm tài liệu, sửa hình ảnh, cất giữ hình ảnh... quá dễ dàng, nhanh chóng nên ông ta đã gọi nó là cây đũa Thần và thư viện thấy cũng đúng nên đặt tên cho USB Tech 2020 PRO là Cây Ðũa Thần Ðiện Toán luôn.”
Cắt nghĩa một cách tổng quát, Giáo Sư Tâm đã trình bày cho biết đó chỉ là một cái USB như chúng ta thường dùng để chứa tài liệu nhỏ như một cái chìa khóa. Chỉ cần cắm vào bất cứ máy điện toán nào (Wndows 7, Vista, XP, 2000, NT, ME...) là chúng ta có khoảng hơn 300 thảo trình (program, software) hiện ra mà không cần phải cài đặt (Install) hay hao tốn tiền bạc gì.
“Cây Ðũa Thần Ðiện Toán” hiện đang được bán tại thư viện với giá 60 Mỹ kim có đủ từ 4 GB đến 16 GB chứa hơn 300 thảo trình, từ đánh máy tiếng Việt, thảo trình Office (tương tự Microsoft Office), thảo trình lên mạng an toàn (Fire Fox Plus), thảo trình xem phim, nghe nhạc, chống bọ điện toán, thảo trình làm CD và DVD và Blu-Ray, thảo trình viết nhạc, thảo trình làm sạch máy, thảo trình tán gẫu (Chat)... và nhiều thảo trình thông dụng khác.
Vẫn theo lời chỉ dẫn của Giáo Sư Tâm thì khi cắm Cây Ðũa Thần vào máy, trên màn hình sẽ hiện ra 23 cái Icon chỉ cho chúng ta biết những thảo trình kể trên để từ đó chúng ta có thể đi vào chi tiết một cách dễ dàng và an toàn.
Với mỗi Cây Ðũa Thần Ðiện Toán, thư viện còn soạn ra những tập cẩm nang cho người sử dụng, nếu là người mới biết sử dụng computer. Còn những người đã quen với computer thì Cây Ðũa Thần sẽ là người bạn nhiệt tình giúp cho chúng ta đỡ mất nhiều thời gian và cũng là giúp cho chúng ta “tung hoành” trong ngôn ngữ VN về ngành điện toán.
Theo Bác Sĩ Lý Lê thì bà đang vận động để cơ quan giáo dục Hoa Kỳ coi những lớp học tại Thư Viện Toàn Cầu có giá trị như những lớp học tại các đại học Hoa Kỳ vì tại những lớp học này, Thư Viện Toàn Cầu đã dựa theo những tiêu chuẩn giảng dạy của đại học Hoa Kỳ. Hiện Giáo Sư Mary Powers tại một đại học ở New York đã rất lưu tâm đến Thư Viện Toàn Cầu và đang cùng bác sĩ nỗ lực vào công việc vận động này.
Quí độc giả muốn biết thêm chi tiết về Thư Viện Toàn Cầu hay Cây Ðũa Thần có thể gọi về (714) 210.8444 hay lên mạng TVTC - tvvn.org.
Ðịa chỉ mới của Thư Viện Toàn Cầu là: 11170 Warner, #204, Fountain Valley, CA 92708.

Thủy tổ của laptop là một khoa học gia Việt Nam
Tiếp tục nói chuyện với các thành viên của Thư Viện Toàn Cầu là Giáo Sư Tâm Vô Lê và Bác Sĩ Lý Lê, chúng tôi được biết khá nhiều điều lý thú.
Trước hết là về những hoạt động của các thành viên này, sau đó là một số điều mà thư viện đã làm được.
Bác Sĩ Lý Lê tốt nghiệp văn bằng bác sĩ tại đại học Y khoa Wake Forest Universary và về Nội khoa tại Yale Medical Center năm 2004. Ngoài ra bà còn tốt nghiệp Luật khoa tại Seton Hall Universary. Bà từng đi thuyết trình nhiều nơi trên thế giới về các vấn đề y tế, sức khỏe đặc biệt là về tâm trí. Bà cho biết: “Do một thân hữu giới thiệu nên được biết Thư Viện Toàn Cầu và thấy rằng đây là nơi bà phải giúp vào một tay”. Giáo Sư Tâm cũng cho biết: “Bác Sĩ Lý Lê không chỉ giúp cho Thư Viện Toàn Cầu bằng khả năng trí thức của bà mà nhiều khi bà còn hỗ trợ cho thư viện cả về mặt tài chính nữa”.
Còn Giáo Sư Tâm Vô Lê vốn là một giáo sư tại đại học San Diego về Computer Sience và là người chủ trương Thư Viện Toàn Cầu từ lúc đầu. Giáo Sư Tâm đã bỏ nhiều công sức cùng các thành viên của thư viện để hoàn thành các USB Tech thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai giúp cho người sủ dụng computer rất nhiều kiến thức. Ông cũng là giáo sư chính của các lớp Computer mở tại thư viện trong đó có hai lớp miễn phí cho cộng đồng người Việt.
Trong những công trình Thư Viện Toàn Cầu hoàn tất được, có những thảo trình tiếng Việt khiến cho giới cao niên sử dụng computer rất thích thú. Ðó là “Bảng đối chiếu những từ ngữ kỹ thuật điện toán Việt-Anh và Anh-Việt”. Bên cạnh đó còn có phần đối chiếu và so sánh những từ ngữ trong ngành điện toán tại quốc nội và tại hải ngoại. Theo lời Giáo Sư Tâm thì “công việc này nhằm để làm trong sáng tiếng Việt vì trong nước tùy theo hoàn cảnh chính trị mà nhà cầm quyền khi thì bắt sử dụng những tiếng nôm na ‘thuần Việt’, khi thì lại khuyến cáo nên dùng nhiều chữ Hán Việt trong ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ điện toán khiến cho tiếng Việt nhiều khi mất đi sự phong phú và súc tích”.
Một tài liệu được giữ trong thư viện là chuyện “Thủy Tổ của Laptop là một người Việt Nam” đã khiến cho người đọc rất lưu tâm.
Tài liệu viết rằng: “Kỹ sư Trương Trọng Thi (1936-2005) người Việt Nam mang quốc tịch Pháp, là một trong những sáng lập viên của công ty R2E (Realisations et Études Électroniques) và là người đồng sáng chế ra máy điện toán cá nhân đầu tiên trên thế giới mang tên là Micral”.
Tài liệu cho biết khi còn học ở École Francaise d'Électricite de Paris, kỹ sư Thi đã say mê nghiên cứu về việc thu nhỏ các con chip điện toán. Ông từng sang Hoa Kỳ thăm hãng Intel vào năm 1971 và có ý định mở hãng tại Hoa Kỳ nhưng vì không đủ ngân sách ông đành quay về Pháp. Khi về Pháp ông cùng với một số các kỹ sư khác mở công ty R2E tung ra thị trường máy Micral N dùng Intel 8008. Máy điện toán xách tay của ông ra đời trước 1 năm so với máy Altair của công ty Mỹ MITS Electronics vào năm 1973 mà mọi người cho là máy điện toán xách tay đầu tiên trên thế giới.
Sau đó kỹ sư Thi thành lập công ty điện toán TTT (Trương Trọng Thi) ở Pháp để chế tạo loại máy điện toán cá nhân tiện nghi hơn gọi là Optile nhưng vào lúc này thì các máy điện toán của Hoa Kỳ đã hầu như làm chủ thị trường điện toán thế giới và máy Optile của Pháp do hãng TTT chế tạo đành phải chịu lui bước.
Tài liệu này đã khiến cho người đọc Việt Nam rất thích thú và không khỏi cảm thấy niềm tự hào về dân tộc mình. Chỉ tiếc rằng đất nước đã không thuận lợi, sớm phát triển để biết bao nhiêu nhân tài phải lưu lạc nơi xứ người.



No comments: