Saturday, February 13, 2010

NELSON MANDELA là BIỂU TƯỢNG của TINH THẦN TỰ DO

Từ nhà tù đến phủ tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela là biểu tượng của tinh thần tự do
Tú Anh
Bài đăng ngày 11/02/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 11/02/2010 13:55 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/122/article_6856.asp
Vào năm 91 tuổi, ông Nelson Mandela vẫn là hiện thân cho tiến trình hoà giải dân tộc Nam Phi. Ngoài cuộc đấu tranh bất bạo động đòi xoá bỏ chế độ apartheid, ông còn là biểu tượng của tinh thần tự do và lòng bao dung. Nhân dịp này RFI phỏng vấn giáo sư Đoàn Viết Hoạt.

Cách nay 20 năm, người tù lừng danh thế giới Nelson Mandela được chính quyền da trắng Nam Phi trả tự do vào ngày 11 tháng 2 năm 1990 sau 27 năm lao ngục. Bốn năm sau, chế độ kỳ thị apartheid cáo chung. Nelson Mandela trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên được bầu một cách dân chủ tại Nam Phi.
Tổng giám mục Desmond Tutu, người đóng vai trò rất lớn làm trung gian hòa giải giữa chính phủ da trắng và phong trào dối lập da đen đã nhận định về giá trị của Nelson Mandela như sau : Ông là "thần tượng của hòa giải dân tộc" đã chuyển hóa đất nước bằng tấm lòng bao dung từ tình trạng "cấu xé lẫn nhau thành một chế độ dân chủ đa sắc tộc và ổn định".

Hôm nay, nhân kỷ niệm 20 năm ngày ông được tự do nhiều sinh hoạt trên thế giới được tổ chức đánh dấu ngày trọng đại này. Nhật báo Mỹ New York Times mời 7 cựu tù nhân chính trị trình bày cảm tưởng của mình vào ngày mà ông Nelson Mandela được ra khỏi nhà tù. Bảy nhân vật được mời có hai nhà ly khai Trung Quốc, Ngụy Kinh Sinh và Vương Đan, nhà ly khai Miến Điện Ko Bo Kyi, và bác sĩ Nguyễn Đan Quế đang bị quản thúc tại Việt Nam, sáng lập viên Cao Trào Nhân Bản.

Nam Phi bước vào câu lạc bộ các nước dân chủ mà không qua đấu tranh đẫm máu cũng nhờ vào tinh thần can đảm của vị tổng thống da trắng cuối cùng Frederik de Klerk, của tinh thần đấu tranh ôn hòa của nhà lãnh đạo đối lập da đen mặc dù 27 năm tuổi trẻ bị chính quyền tước đoạt với bản án chung thân từ năm 1964. Nói một cách công bình, không thể nào quên đi nhân vật thứ ba đóng góp vào cuộc chuyển hóa chính trị lịch sử này là Tổng Giám Mục giáo phận Cap, đức cha Desmond Tutu. Cả ba nhân vật này được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình.

Thật ra thì từ thời sinh viên, Nelson Madela đã biểu lộ tinh thần nổi loạn chống chế độ kỳ thị da đen đương quyền. Tinh thần đấu tranh quyết liệt này đã làm cho ông bị đuổi ra khỏi đại học Fort Hare nhân một cuộc bầu cử tổng hội sinh viên. Tốt nghiệp luật sư, ông tham gia vào tổ chức chính trị da đen Đại Hội Dân tộc Phi châu ANC và thành lập cũng như lãnh đạo Liên đoàn thanh niên của tổ chức ANC.

Đến năm 1948, khi chính phủ da trắng chính thức ghi vào hiến pháp "chế độ apartheid" thì luật sư Nelson Madela lên lãnh đạo đảng ANC Đại Hội Dân Tộc Phi Châu. Từ đó bắt đầu một con đường đầy chông gai : ông bị bắt lần đầu vào năm 1958 với tội "phản quốc" nhưng được tha bổng. Một năm sau, ông lên lãnh đạo đảng tranh đấu vũ trang. Năm 1960 đảng bị cấm hoạt động, vị luật sư trẻ tuổi này ra tòa cùng với những chiến hữu kiên cường với tội danh "âm mưu phá hoại Nhà nước".

Bị kết án tù chung thân, ông tuyên bố như một cương lĩnh tranh đấu : "Lý tưởng cao cả nhất của tôi là xây dựng một xã hội tự do, dân chủ …mọi người dân đều được quyền bình đẳng…vì lý tưởng này, tôi sẳn sàng hy sinh cuộc sống". Trong tù, tấm gương của Nelson Madela đã thu phục được lòng mến mộ của các bạn đồng cảnh ngộ.

Đến ngày 11 tháng 2 năm 1990, sau 27 năm lao lý, ông được tổng thống da trắng mới Frederic de Clerk vừa được bầu nửa năm trước, trả tự do để cùng nhau hợp sức đưa Nam Phi ra khỏi nguy cơ bạo loạn vì khủng hoảng kinh tế do bị cấm vận và tranh đấu sắc tộc. Vừa được người da đen hâm mộ, ông cũng chinh phục được lòng tin cậy của người da trắng. Ngày 27 tháng 4 năm 1994, bốn năm sau khi được trả tự do, Nelson Madela đắc cử tổng thống.

Hai mươi năm sau ngày ông rời nhà giam một trong 7 cựu tù nhân chính trị trên thế giới ghi lại cảm tưởng của mình trên báo NewYork Times, bác sĩ Nguyễn Đan Quế , người từng bị chính quyền Việt Nam sau năm 1975 kết án 20 năm tù ghi lại rằng : "Thời gian ông Mandela ra tù …. Tôi đã trải qua 10 năm tại nhiều nhà tù và trại cải tạo lao động …Cuộc tranh đấu của ông Mandela đối với tôi, cũng như đối với những nhà tranh đấu trên thế giới , là một tấm gương sáng chói, sinh động của lòng can đảm không thể thiếu trên đường chiến đấu cho tự do". Hiện nay bác sĩ Nguyễn Đan Quế vẫn ở Việt Nam và bị theo dõi chặt chẽ.

Để tìm hiểu thêm về con đường tranh đấu của nhà hoạt động Nam Phi đã ảnh hưởng như thế nào với những nhà dan chủ Việt Nam, RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, khuôn mặt tranh đấu có nhiều kinh nghiệm nhà tù cùng thời với bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Hiện nay, giáo sư Đoàn Viết Hoạt định cư tại Washington.

NGHE : Phỏng vấn giáo sư Đoàn Viết Hoạt
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/122/article_6856.asp




No comments: