Saturday, February 13, 2010

VIỆT NAM là QUÂN CỜ DOMINO ĐẦU TIÊN của CHÂU Á

Việt Nam là quân cờ domino đầu tiên của Châu Á
Đăng bởi anhbasam on 13/02/2010
http://anhbasam.com/2010/02/13/470-vi%e1%bb%87t-nam-la-quan-c%e1%bb%9d-domino-d%e1%ba%a7u-tien-c%e1%bb%a7a-chau-a/

Asia Times
Việt Nam là quân cờ domino đầu tiên của châu Á
Shawn W Crispin
Ngày 10-2-2010

BANGKOK – Trong khi thị trường thế giới lo ngại về các khoản nợ bảo đảm bởi chính phủ châu Âu, liệu Việt Nam có thể là quân cờ domino kinh tế đầu tiên ở châu Á bị kích thích quá mức hay không? Với [chính sách] tiền tệ không vững chắc, việc cho vay dễ dàng và nhanh chóng của ngân hàng, cùng với thái độ thiếu tin tưởng trong nước đối với sự quản lý kinh tế của chính phủ, Việt Nam nổi lên như là ứng viên hàng đầu trong khu vực về việc bất ngờ định giá lại thị trường đối với tác động tài chính của các nguồn chi tiêu của chính phủ, thường do phân bổ không hợp lý cũng như chi tiêu quá nhiều trong thời gian gần đây.
Đằng sau các khoản kích thích kinh tế rất lớn của chính phủ, năm ngoái Việt Nam đã [tăng trưởng] tốt hơn một số nước trong khu vực với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP là 5,5%. Để chống lại tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, chính phủ đã cam kết những gói kích thích kinh tế ở mức độ khác thường, lên tới 8% GDP. Mặc dù chưa tới một nửa số tiền đó đã thực sự được chi tiêu, song mức chi tiêu trong ngân sách và số cho vay của ngân hàng nhà nước ngoài ngân sách đã giúp nền kinh tế tránh được cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Với dấu hiệu [kinh tế] toàn cầu đang hồi phục, chính phủ do đảng CS lãnh đạo đã phát đi tín hiệu về ý định muốn kềm chế các khoản kích thích và đưa nền kinh tế trở lại mức tăng trưởng bằng định hướng xuất khẩu. Thế nhưng, tình trạng thiếu phối hợp về chính sách khắp các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước đã làm xói mòn hơn nữa niềm tin trong nước đối với chính phủ về khả năng kiểm soát lạm phát trong tương lai, và ở một mức độ đáng kể, nó đã phá hủy các nỗ lực quan trọng trong việc kiềm chế sức ép lên đồng nội tệ và thị trường bất động sản quá nóng.
Tình trạng phân cách giữa mệnh lệnh của trung ương với phản ứng không tuân phục từ bên dưới đã thể hiện rõ vào năm ngoái, khi nhiều ngành công nghiệp xuất khẩu đã bị từ chối trả bằng tiền mặt trong các biên lai xuất khẩu của mình theo tỉ giá trao đổi chính thức giữa đồng nội tệ và đô la Mỹ. Tính đến tháng mười, chênh lệch giữa tỉ giá chợ đen và tỉ giá chính thức lên tới 9%, và sự chênh lệch đó đã buộc chính phủ phải quyết định hạ giá tiền đồng 5% vào tháng mười một bằng cách nới rộng biên độ trao đổi ở mức chấp nhận được. Thậm chí với việc giảm giá tiền đồng như vậy, các nhà phân tích tài chính chuyên theo dõi tình hình đã nhận xét là vẫn còn có một khoảng cách 5% giữa tỉ giá chính thức và tỉ giá chợ đen.
Một yếu tố gây nên tình trạng méo mó này là các khoản hỗ trợ lãi suất của chính phủ, biện pháp được thực hiện vào năm ngoái như là một phần của gói kích thích nhằm khuyến khích thêm các khoản vay trong nước. Chính sách này đã giảm bớt một cách hiệu quả lãi suất cho vay từ 10% xuống còn 6,5% và sinh ra các khoản cho vay mới, rất lớn, trị giá khoảng 24 tỉ đô la, tức là gần 23% GDP. Theo Standard & Poor’s, một tổ chức đánh giá mức độ tín nhiệm, mức tăng trưởng tín dụng cho vay của Việt Nam đã tăng 37% so với năm trước.
Các nhà phân tích tài chính cho rằng, do các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hầu như không có nhu cầu sử dụng vốn luân chuyển và các công ty xuất khẩu tư nhân nhận được nhiều khoản tín dụng mới, nên phần lớn lượng tiền này đã được chuyển vào thị trường chứng khoán trong nước. Khả năng thanh toán bằng tiền mặt tự do không được kiểm soát, đã góp phần làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những nơi hoạt động sôi nổi nhất thế giới trong suốt nửa đầu năm 2009; và rồi sau đó nó đột ngột suy giảm vào nửa sau của năm.
Có điều không rõ ràng đối với các nhà phân tích tài chính và các nhà phân tích của chính phủ là, có bao nhiêu trong tổng số 24 tỉ đô la vừa được cho vay trong năm ngoái đã bị thua lỗ trong việc đầu tư ở thị trường chứng khoán. Kim Eng Tan, một nhà phân tích tài chính công và thuộc Standard & Poor’s, đã bày tỏ những mối quan ngại ban đầu của mình về tốc độ gia tăng 37% các khoản tiền cho vay năm ngoái. Ông nói rằng các bảng cân đối thu chi của các ngân hàng lớn ở Việt Nam nằm ở mức “hợp lý” vào cuối năm 2008, song điều mà “chúng ta cần là thấy nó thay đổi như thế nào sau làn sóng cho vay mới”.
Từ quan điểm của chính phủ, việc kiếm tiền dễ dàng cho thấy trước sự khó khăn trong vấn đề thất nghiệp khi các ngành công nghiệp dựa vào xuất khẩu lao động phải đối mặt với nền kinh tế toàn cầu gần như là sụp đổ. Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản rõ ràng là muốn tránh lặp lại tình trạng bất ổn xã hội mà họ đã từng chứng kiến hồi năm 2008, khi lạm phát lên tới đỉnh điểm, vượt khỏi mức 25% và thất nghiệp lan rộng cả nước, ở các xí nghiệp trong nước lẫn nước ngoài làm chủ.
Lạm phát phi mã cũng đã góp phần vào việc thiếu hụt rất lớn lượng tiền mặt thanh toán, vì hàng hóa nhập khẩu của các công ty để đầu cơ, nằm trong kho ngày càng nhiều, dẫn đến tình trạng giá cả và nhu cầu tăng cao. (đoạn này có nghĩa là: lạm phát phi mã làm cho các công ty mua hàng với giá thấp để sẵn trong kho sau này bán giá thật cao do lạm phát – gọi là đầu cơ tích trữ, hay arbitrage – việc này gây ra: 1- giá tăng cao; 2-thiếu tiền mặt thanh toán, vì tiền chôn trong số hàng nằm trong kho-người hiệu đính). Việc mất kiểm soát kinh tế được biết đến là đã làm suy yếu vị thế của vị Thủ tướng có khuynh hướng tự do Nguyễn Tấn Dũng, người mà một số nhà phân tích dự đoán rằng ông cố gắng tránh tình trạng lạm phát nghiêm trọng do suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn tới sự sụp đổ giá cả hàng hóa. Một số nhà phân tích tin rằng những người bảo thủ trong đảng có thể trở lại nắm quyền trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 dự kiến khai mạc vào tháng 1-2011.
Ông Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Australia, đã nêu rõ trong các bản báo cáo rằng giới bảo thủ trong đảng đã yêu cầu ông Dũng từ chức tại một cuộc họp ban chấp hành trung ương năm 2008 khi người ta thấy cung cách quản lý kinh tế yếu kém của ông. Sự chia rẽ trong chính sách giữa giới bảo thủ và phái tự do trong đảng liên quan tới tốc độ phát triển và phạm vi hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng của nó đối với sự ổn định trong nước và khả năng quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế, theo nhận xét của ông Thayer.
“Giới bảo thủ theo đuổi việc duy trì nguyên tắc một đảng [cầm quyền], giữ trật tự và ổn định, với sự kiểm soát của nhà nước đối với các thành phần kinh tế mà họ coi như là ‘những con bò sữa’ của mình”, ông Thayer đã viết như vậy trong một bức thư điện tử gửi cho Asia Times Online. “Chẳng hạn như, rõ ràng là tiến trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước đã bị chựng lại. Những người [như ông Dũng] thúc đẩy việc gia tăng hội nhập toàn cầu muốn nhìn thấy những tác động của thị trường đóng vai trò lớn hơn”.
Trong khi chương trình tự do hóa kinh tế và tài chính rộng lớn của ông Dũng vẫn đang đi đúng hướng, thì có những dấu hiệu cho thấy rằng các thành phần bảo thủ đang khẳng định uy thế nhiều hơn trong quản lý kinh tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) đã quy định rằng, các ngân hàng nhỏ, từng góp phần vào cuộc khủng hoảng thông qua việc cho vay tràn lan vào năm 2008, phải tăng gấp ba lần số vốn cơ bản của mình vào cuối năm nay hoặc phải đối mặt với việc đóng cửa. Chính phủ cũng đã ra lệnh đóng cửa các sàn giao dịch vàng trên khắp cả nước – một hạn chế sẽ tạo nên ảnh hưởng đầy đủ vào tháng ba này trong một nỗ lực nhằm chặn đứng tình trạng đô xô đi mua vàng, làm giảm giá trị đồng nội tệ.

Áp lực và biến dạng
Những thử nghiệm mang tính kỹ trị mới đang nổi lên với những dấu hiệu lạm phát, tình trạng thâm thủng mậu dịch và sức ép liên tục theo chiều đi xuống làm giảm giá trị đồng nội tệ so với đồng đô la vốn đã yếu trên toàn cầu. Thậm chí với việc giảm giá trị đồng nội tệ xuống 5% vào tháng mười một năm ngoái và quyết định tăng đột ngột mức lãi suất cơ bản từ 10% lên 12%, các doanh nghiệp nhà nước và các công ty tư nhân tiếp tục tích trữ đô la thay vì tiền đồng, cho thấy tình trạng thiếu tin tưởng ở trong nước đối với sự ổn định của Ngân hàng NNVN hoặc thái độ sẵn sàng kiểm soát tình trạng lạm phát của cơ quan này.
“Ngân hàng trung ương cần gửi đi một tín hiệu kiên quyết tới thị trường rằng họ sẵn sàng bảo vệ biên độ dao động của đồng tiên, có lẽ bằng việc nâng cao lãi suất hơn nữa”, theo ý kiến của ông Sriyan Pieterz, trưởng bộ phận nghiên cứu của JP Morgan tại Bangkok. “Nếu không làm được điều đó, thì rủi ro mà họ sẽ chịu là để mất đi các nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp FDI trong tương lai, do tiền tệ không ổn định”.
Một tỉ đô trái phiếu phát hành đã được các nhà đầu tư nước ngoài mua hết hồi tháng một, nhưng các nhà phân tích cho rằng vẫn chưa đủ để làm giảm bớt sức ép vây quanh đồng tiền nội tệ. Đồng tiền cần phải nhận được một biện pháp ứng cứu ngắn hạn từ những dòng tiền gửi tiết kiệm liên quan tới kỳ nghỉ Tết trong tháng này, song nhiều nhà phân tích tin là NHNNVN cần nâng lãi suất ít nhất thêm 3% nữa để đánh thuế mạnh vào những người muốn đổi từ tiền đồng sang đô la.
Trong lúc NHNNVN chỉ là một nguồn chính thức duy nhất để chuyển đổi ngoại hối trong nước, thì chính phủ duy trì biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ để bảo vệ đồng tiền nội tệ. Theo quy định của luật pháp, các công ty và doanh nghiệp chỉ được phép giữ đủ số ngoại tệ để trả nợ và giải quyết các hoạt động mua bán kinh doanh hiện tại của mình. Tuy nhiên trong quý ba năm ngoái, 27% trong số toàn bộ khả năng thành toán bằng tiền mặt của hệ thống tài chính trong nước đã chạy từ tiền đồng sang đô la, theo JP Morgan.
Bất chấp những kiểm soát tiền tệ, các DNNN theo ước tính vẫn cầm giữ lượng ngoại tệ chủ yếu được cho là bằng đô la vào khoảng 10 tỉ. Đáng chú ý, mới đây họ đã coi thường
một thông tư do chính phủ ban hành đặc biệt nhắm vào 10 DNNN lớn phải gửi tiền đô la của mình vào ngân hành, bao gồm Tập đoàn Dầu khí VN, Tập đoàn Than và Khoáng sản VN và Tổng công ty Hóa chất Quốc gia VN.
Theo bản thông tư này, các DNNN đã chuyển hơn 3 tỉ đô la trong số ngoại hối mà họ nắm giữ cho NHNNVN vào cuối năm ngoái; kể từ đầu tháng hai, họ chỉ đưa ra 300 triệu đô la, theo như các nhà phân tích theo dõi tình hình cho biết. Thái độ thách thức, theo như các nhà phân tích nói, đã góp phần cho hành động miễn cưỡng của NHNN phải bơm thêm tiền mặt lưu thông vào thị trường nhằm bảo vệ đồng bạc nội tệ. Theo các thống kê chính thức thì NHNN hiện nắm giữ lượng dự trữ ngoại tệ trị giá vào khoảng 16 tỉ đô la.
Trong khi Việt Nam rõ ràng là bị giam hãm chặt chẽ từ biện pháp đối phó về tài chính khác thường của Trung Quốc trước cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì Hà Nội đang thiếu những biện pháp kiểm soát toàn bộ, điều đó cho phép Bắc Kinh được quyền đặt thêm chốt hãm vào [chương trình] kích cầu của họ. Khi cuộc chiến giành giật đồng ngoại hối hiện tại cho thấy rõ, thì các DNNN lớn của Việt Nam vẫn thường được điều hành như những lãnh địa riêng của các thành viên Đảng Cộng sản đầy quyền lực với đầy đủ sức mạnh ảnh hưởng, coi thường những chỉ thị của trung ương.
Một số nhà phân tích tin chắc rằng các DNNN của VN lâu nay luôn làm ăn thua lỗ, rốt cuộc đang giành được những điều kiện thuận lợi từ chính sách của nhà nước. Đối với các doanh nghiệp khác, rõ ràng là luôn thiếu sự minh bạch và trách nhiệm giải trình từ các DNNN lớn và dấy lên những lo ngại mới về số lượng bao nhiêu tỉ đô la từ các khoản vay của ngân hàng mà họ đã nhận được vào năm ngoái đã được đưa vào sử dụng. Việc thúc đẩy cho vay của chính phủ hồi năm ngoái giống như cái phễu hút nguồn tiền vào các hoạt động đầu cơ trên thị trường chứng khoán, giờ đây có vẻ như [số tiền đó] đang đẩy giá nhà đất tăng cao, đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí minh.
Điều rõ ràng hơn là Việt Nam vẫn thiếu sự kết hợp chính sách có hiệu quả trong khắp các cơ quan và doanh nghiệp vào thời điểm mà các giới chức kinh tế cần cho thị trường thấy một cam kết được làm mới nhằm duy trì sự ổn định giá cả và kinh tế vĩ mô. Việc thiếu kiểm soát cũng gợi lên những dấu hỏi về các giải pháp chắp vá của ngân hàng trung ương trước làn sóng lạm phát năm 2008 và năng lực kỹ trị của cơ quan này trong việc ngăn chặn những sức ép lạm phát mới đang nổi lên, trong đó có thị trường bất động sản.
Ông Pietersz của JP Morgan cho biết, các giới chức liên quan đều “rất lanh lẹ và tận tụy”, song vẫn “đang học hỏi qua việc thực hành” trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Các nhà phân tích khác thì nói rằng không rõ là chính phủ bị chia rẽ về chính trị từ bên trong liệu có giảm bớt những giải pháp kích thích của năm ngoái do sự chính trị hóa thời gian sắp diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc vào năm tới.
Rút cục thì chính phủ không thể đóng cửa toàn bộ nền kinh tế … song những khả năng lạm phát mà người ta trông đợi sẽ phải được níu chặt lại bằng cách nào đó”, ông Tan thuộc Standard & Poor’s nhận xét. “Nếu như lạm phát diễn ra ở mức cao trong một thời gian dài, thì sẽ nguy hiểm trầm trọng”.
Một nhà phân tích với một ngân hàng đầu tư Âu châu đánh giá rằng “cái ngày kết toán” của Việt Nam là “không thể tránh khỏi do sự bất lực của chính phủ trong việc nâng mức dự trữ quốc gia” và rằng đất nước này sẽ phải đối mặt với “những cú phá giá đồng bạc gây chấn động” cho tới khi ngân hàng trung ương được độc lập hơn trước những nhân vật bảo thủ trong đảng.
Bất chấp những sức ép gần đây lên đồng nội tệ, ông Tan cho là Việt Nam không bộc lộ những dấu hiệu của một “cuộc khủng hoảng tiền tệ cổ điển” do “mức vay bên ngoài phần lớn vẫn nằm trong sự kiểm soát” và “FDI duy trì tốt”. Không giống như các quốc gia mắc nợ do các đòn giáng xuống từ cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997-1998, ông lưu ý, gánh nặng nợ nần của Việt Nam thì vừa phải do phần lớn nó nằm trong nguy cơ thấp, với những khoản vay ưu đãi dài hạn.
Nhưng khi xem xét tỉ mỉ thị trường qua những gia tăng tài chính công ở Âu châu, nguy cơ dây chuyền từ nước này sang nước khác ở châu Á sẽ ngày càng thấy rõ bởi những nhận thức sáng suốt của nhà đầu tư về việc các chính phủ đã quản lý và chi tiêu ra sao qua các giải pháp tài chính mạnh mẽ được thực hiện mới đây. Các địa phương ở Việt Nam đã cho thấy rõ sự hồ nghi của họ trước sự quản lý của chính phủ và lịch sử cho thấy các ý kiến từ nước ngoài thường đi chậm song rốt cục lại đi theo những người bản xứ hướng tới những thị trường ngày càng có độ rủi ro cao.
Khi những nỗi lo sợ về căn bệnh truyền nhiễm trong chi tiêu tài chính nhà nước dấy lên ở Âu châu, Việt Nam có vẻ như là ứng viên hàng đầu cho một cơn khủng hoảng lòng tin tương tự tại châu Á.

Hiệu đính: Ngọc Mai
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2010




No comments: