Friday, February 5, 2010

MỘT TRÍ THỨC HÀ NỘI KHỔ ĐÂU VÌ PHÁT BIỂU (Nguyễn Mạnh Tường)

Christian Science Monitor
27 tháng 4, 1995
Đối với một người, sự chấm dứt chiến tranh là bình thường so với những gian truân của ông
For One Man, War's End Was Trivial Next to His Travails
Cameron Barr

HAI MƯƠI NĂM SAU NGÀY SAIGON SỤP ĐỔ
Nạn nhân của chủ nghĩa Cộng sản không chỉ ở miền Nam. Một nhà trí thức Hà Nội khổ đau vì phát biểu.


Gần 40 năm trước đây, một luật sư và một người hàn lâm Việt Nam tên Nguyễn Mạnh Tường đã đứng lên để chỉ trích những lỗi lầm của chính phủ ông.
Tiến sĩ Tường là một gương mặt quan trọng thời bấy giờ – ông được Hồ Chí Minh, người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, chọn để biện hộ cho chủ quyền của Việt Nam đối với thực dân Pháp ngay sau Thế chiến 2.
Những người Cộng sản không bỏ tù hay xử tử ông Tường vì những ý kiến của ông, nhưng ông bị cấm hành hai nghề của ông. Ông được phép sống, nhưng chỉ trong im lặng.

Trong khi Mỹ và Việt Nam đánh dấu 20 năm ngày chấm dứt cuộc chiến mà họ đã đánh nhau, câu chuyện của ông Tường cho thấy những gì có thể là cái di sản lớn lao nhất của sự tranh đấu giành thống nhất và độc lập của Việt Nam: một sự cai trị chuyên chế cuả những người chủ Cộng sản. Đối với những áp bức mà giới trí thức Việt Nam cảm thấy, ông Tường nói, sự kết thúc cuộc chiến “không có nghĩa gì cả”.

Mới đây, Đảng cố tỏ ra khoan hồng hơn với những sự phê phán, một phần là để xoa dịu những quan ngại của các quốc gia Tây phương vốn là những nguồn chính cho đầu tư quốc tế cần thiết cho sự “đổi mới” kinh tế đang diễn ra ở Việt Nam. Năm ngoái, Tổng bí thư Đỗ Mười đến thăm ông Tường như một cử chỉ hoà giải. Ông Tường cho biết cuộc gặp gỡ ấy chỉ là xã giao, không có thực chất.

Cuốn hồi ký của ông Tường xuất bản năm 1992 ở Pháp, bị cấm ở Việt Nam, dù nhiều ấn bản của cuốn sách này đuợc bí mật lưu truyền . Ông cho biết là cho tới ngày nay, một bài phát biểu công khai phê phán Đảng sẽ đưa đến chuyện bị bắt giữ.

Ông Tường chấp thuận cho phỏng vấn vào tháng trước, một cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông cho một tờ báo Mỹ . Ông không thể giống người trí thức hơn được, một nhãn hiệu ông hãnh diện mang lấy như chiếc khăn lụa quàng quanh cổ ông. Cử chỉ ông thanh lịch, tiếng Pháp của ông nhã nhặn, và đôi mắt ông không che giấu nỗi buồn gây ra bởi những gì ông gọi là “những năm đen tối”.

Sinh ra ở Hà Nội năm 1909, ông Tuờng đã nhanh chóng nổi bật trên đuờng học vấn. Được gửi đi Pháp để học cao hơn, ông được trao tặng hai bằng tiến sĩ luật và văn chương ở tuổi 22.
Năm 1946, ông Tường trở về Hà Nội hành nghề luật và dạy học. Đó là lúc ông được gọi vào văn phòng của ông Hồ. “Ông Hồ yêu cầu tôi trình bày một cách có quy củ ... những luận cứ chính thức mà phái đoàn Việt Nam sẽ trình bày” với những người đàm phán người Pháp ở hội nghị hai bên, ông Tường nói. Người Pháp bác bỏ những luận cứ này, nhưng ông Tường sau dó được yêu cầu đại diện Việt Nam tại ba cuộc hội nghị quốc tế và được bổ nhiệm vào ban lãnh đạo của nhiều tổ chức hàng đầu.
Ông nói, “Không may, những thời kỳ tốt đẹp đó không kéo dài được lâu.”

Một thập niên sau khi ông trợ giúp Hồ Chí Minh, ông Tường là một phần của cái được biết ở Trung Quốc và Việt Nam như là phong trào “trăm hoa đua nở”, một thời kỳ mà Đảng Cộng sản của hai nước cho phép những người đối lập lên tiếng phê bình. Ở cả hai quốc gia những người Cộng sản sau đó quay về theo lối cũ – bịt miệng, tù đày, và đôi khi xử tử những ai đã phát biểu.

Ông Tường phê bình chiến dịch cải cách ruộng đất tàn bạo của chính phủ mà hàng ngàn người, trong đó có nhiều người vô tội, bị xử tử, nhân danh sự tái phân phối đất đai và tài sản ở vùng quê.
Trong bài tham luận năm 1956, ông Tường nói thẳng, “Chúng ta đã để những người già và trẻ em bị chết một cách khủng khiếp. Đó là những người chúng ta không muốn đàn áp.” Đó là theo một bản tường trình xuất bản sau này bởi chính phủ Nam Việt Nam.

Ông Tường nói ông muốn đòi thêm quyền tự do ngôn luận và làm cho những người Cộng sản lắng nghe giới trí thức của đất nước. Ông nói rằng ông không chống bản thân Đảng – ông ca ngợi “những thành công vượt bậc” của cộng sản Việt Nam về giáo dục, cuộc chiến chống đói, và nhiều lãnh vực khác – nhưng ông chống những lỗi lầm và bất công của Đảng.

Tuy vậy, bổng nhiên ông bị cấm dạy học, xuất bản, và hành nghề luật, và bị công an theo dõi. Thế thì quan hệ của ông với ông Hồ thì sao?, ông Tường đáp, “Tất cả những đảng viên của Đảng Cộng sản, từ chủ tịch cho đến cán bộ cấp thấp nhất.. đều không thể phát biểu ý kiến ngược lại với Đảng. Đó là tại sao họ để cho tôi chết đói.”

Qua nhiều thập niên, những người quen biết và học trò cũ đi băng qua đường để tránh gặp mặt ông công khai. Để có thể sống còn, ông bán những sách trong thư viện nhà ông tùy theo giá trị chất lượng giấy in sách. Ông vẫn trông cậy vào “sự hảo tâm của bạn bè”

Ông sẽ nói gì với thế giới về Việt Nam ngày hôm nay? “ Dù những cuộc cải cách kinh tế giờ đây đang được tiến hành và sự nổi lên cuả một giai cấp thương gia có khả năng quăng tiền qua cửa sổ, vẫn còn một đa số không vui vẻ gì”.

Bản dịch của viet-studies ngày 4-2-10
http://www.viet-studies.info/NMTuong/NMTuong_CSM_translated.htm




No comments: