Friday, February 5, 2010

VIỆT NAM TÌM ĐỒNG MINH ĐỂ CƯỠNG LẠI TRUNG QUỐC

New York Times
04 Tháng 2 năm 2010
Việt Nam tìm đồng minh để cưỡng lại Trung Quốc
Vietnam Enlists Allies to Stave Off China’s Reach
EDWARD WONG

HÀ NỘI, Việt Nam - Quần đảo Hoàng Sa nằm trên biển Đông cách bờ biển phía đông của Việt Nam 250 dặm, gồm hàng loạt các đá, các rạn san hô và các doi đất, trông qua dường như chỉ có giá trị để san hô vỡ dạt vào trên bãi biển.
Nhưng quần đảo đó và quần đảo Trường Sa lân cận lại giàu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, vậy nên chúng được các quốc gia nằm trên một vòng cung rộng của toàn biển Đông thèm muốn. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đang cạnh tranh chủ quyền ở Hoàng Sa, trong khi cả ba nước và thêm vào đó là Philippines, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền ở Trường sa và các vùng nước xung quanh.
Lớn tiếng nhất là Việt Nam và đối thủ tranh chấp truyền thống của họ, Trung Quốc. Thật vậy, không có vấn đề nào giữa hai nước này lại nhiều cảm xúc hơn khó xử hơn.

Vào tháng trước, căng thẳng đã leo lên một mức độ khác, sau khi Trung Quốc công bố những kế hoạch phát triển du lịch Hoàng Sa, nơi quân đội Trung Quốc đã chiếm giữ từ năm 1974. Đó là một sự khởi đầu bất trắc đối với những gì mà chính phủ hai nước đã chính thức ghi nhận là “Năm Hữu nghị” của họ.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam lớn tiếng lên án hành động của Trung Quốc, như Bộ này vẫn thường làm trong các tình huống thế này. Tuy lặng lẽ, Việt Nam đã làm được nhiều hơn chỉ là phản đối suông; họ đã đặt căn cứ cho một chiến lược khác để xía vào những hòn đảo này từ sự chiếm đoạt của Trung Quốc.

Việt Nam đang vận động mạnh phía sau hậu trường để lôi kéo nhiều quốc gia khác vào các cuộc thương lượng để cho Trung Quốc sẽ phải mặc cả trong một thể chế đa phương với tất cả các quốc gia Đông Nam Á đã tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong vùng biển Đông. Điều này đi ngược lại ưu tiên của Trung Quốc, là đàm phán đơn phương với từng quốc gia một.
Nói cách khác, Việt Nam mong muốn tất cả các bên cùng ngồi tại bàn đàm phán để ngăn chặn Trung Quốc, cường quốc khổng lồ. Chiến lược "quốc tế hoá" tranh chấp này là điều mà các quốc gia nhỏ hơn ở Á châu như Việt Nam có thể lựa chọn thường xuyên hơn khi họ tranh chấp với lực lượng lớn kinh khủng của Trung Quốc trên nhiều mặt trận. Với tư tưởng là: Khi quyền lực chính trị trên thế giới của Trung Quốc mở rộng, các quốc gia nhỏ hơn sẽ đạt được đối trọng với Trung Quốc chỉ khi họ ép Trung Quốc đàm phán trong các diễn đàn đa phương.

Ông Carlyle A. Thayer, một học giả chuyên về Đông Nam Á và an ninh hàng hải tại Học viện Quốc phòng Úc nói: “Các quan chức Việt Nam đang quốc tế hoá vấn đề, và họ đang thực hiện điều đó một cách im lặng, không theo cách trực tiếp", "Họ nói là họ muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, nhưng để cộng đồng quốc tế nêu lên vấn đề."

Các nhà phân tích cho rằng một sự thử thách lớn cho chiến lược này sẽ diễn ra trong năm nay, khi Việt Nam tiếp quản chức vụ lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam có thể sử dụng vị thế của mình để cố gắng thuyết phục các nước khác tham gia vào các đàm phán lãnh thổ với Trung Quốc, các nhà phân tích nói. Vào tháng mười một, Việt Nam đã tổ chức một hội thảo tại thủ đô Hà Nội, nơi 150 học giả và các quan chức từ khắp châu Á đến để thảo luận về các tranh chấp trên biển Đông – mà các nhà phân tích cho là màn đầu của chiến lược mới.
Ông Thayer, người đã tham dự hội thảo nói "Ấn tượng của tôi sau hội thảo này là những biến chuyển ở Biển Đông hoặc đã xấu đi hoặc đã có khả năng xấu đi"

Các viên chức tình báo và quân lực của Mỹ nói rằng Biển Đông, nơi có một số luồng vận chuyển hàng hải bận rộn nhất thế giới, đang trở thành một mối quan tâm an ninh vì Bắc Kinh đang ngày càng táo bạo phô trương sức mạnh hải quân của họ ở đó. Trong hai năm qua, Trung Quốc đã tích cực hơn trong việc đòi kiểm soát khu vực này – bắt giam các ngư dân Việt Nam, gia tăng các họat động tuần duyên và cảnh báo các công ty dầu mỏ nước ngoài tránh làm việc với Việt Nam.
Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong các tranh chấp này, nhưng các viên chức Mỹ "vẫn lo ngại về căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, khi cả hai nước đang tìm cách khai thác các mỏ dầu hỏa và khí đốt tiềm năng nằm bên dưới Biển Đông," Scot Marciel, Phó trợ lý ngọai trưởng đã phát biểu vào tháng bảy, trong khi điều trần trước khi Quốc hội liên bang. Ông Marciel nói thêm rằng Trung Quốc đã thể hiện "sự khẳng định tăng cường" liên quan đến những gì họ cho là thuộc chủ quyền hàng hải của họ.
Căng thẳng về các quyền lợi kiểu này ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Chỉ mới tháng rồi, Nhật Bản đã lên tiếng phản đối Trung Quốcvề kế hoạch khai thác các mỏ khí đốt ở Biển Đông Trung Hoa.

Đối với người Việt, tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề nhạy cảm đến mức mà nó hầu như đoàn kết tất cả mọi người dưới ngọn cờ dân tộc chống lại Trung Quốc, thậm chí cả những người đang sống tha hương thường ghét cay ghét đắng Đảng Cộng sản đương quyền ở Việt Nam. Tại Houston, một cộng đồng người Việt miền Nam thường đối nghịch với chính phủ Việt Nam, một ban nhạc pop đã tự hảo lấy tên là Hoàng Sa, là tên tiếng Việt của quần đảo (Paracels) này.

Trong tháng mười hai, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc trả lại tàu thuyền và các ngư cụ đánh bắt đã tịch thu cho những ngư dân đã bị quân đội Trung Quốc giam giữ gần quần đảo. Một cơ quan thông tấn Việt Nam ước tính Trung Quốc đã bắt giữ tổng cộng 17 tàu cùng với 210 ngư dân hồi năm ngoái; tất cả các ngư dân này đã được trả tự do.
Cũng trong tháng mười hai, thủ tướng Việt Nam đã ký một thỏa thuận mua vũ khí của Nga gồm hợp đồng mua sáu tàu ngầm chạy điện và diesel trị giá 2 tỷ USD, theo nguồn tin chính thức, có lẽ sẽ được sử dụng ở Biển Đông.

Trong thời gian đó, Trung Quốc đã đồng ý tiếp tục đàm phán với Việt Nam, nhưng Trung Quốc chỉ sẵn sàng thảo luận về việc hợp tác phát triển trong khu vực, chứ không phải về những vấn đề chủ quyền lãnh hải. Và Trung Quốc đã từ chối thương lượng với tất cả các nước Đông Nam Á có liên quan trong bất kỳ cuộc đàm phán đa phương nào.

“Có quá nhiều nước liên quan,” ông Xu Liping, một học giả khu vực Đông Nam Á làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh nói.
Ông Đỗ Tiến Sâm, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, đã cho biết là chính phủ Việt Nam tin tưởng điều hoàn toàn trái ngược, rằng các cuộc đàm phán “phải liên quan đến những thảo luận giữa ít nhất năm quốc gia.” “Tất cả các bên cần phải ngồi lại bàn bạc với nhau”, ông Đỗ nói.
Hội thảo diễn ra tháng mười một vừa qua không phải là một hội nghị chính thức cho các cuộc đàm phán mà là một hội thảo phần nào thăm dò những cách tiếp cận đa phương cho vấn đề này. Mặc dù Trung Quốc phản đối các phương pháp tiếp cận như thế, nhiều học giả từ các nhóm nghiên cứu ở Bắc Kinh cũng đã tham dự.

Các nhà phân tích hoài nghi về việc liệu Việt Nam sẽ có được bất kỳ sự ủng hộ nào cho chiến lược mới của mình, đặc biệt là nếu Việt Nam quyết định nhấn mạnh vấn đề đó khi giữ chức chủ tịch Asean. Hiệp hội này có các thành viên không có bất cứ tranh chấp gì cả như Campuchia và Myanmar.

“Cách tiếp cận của Việt Nam đang đối mặt với những trở ngại thực sự”, ông M. Fravel Taylor, một nhà khoa học về chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, người đã viết một cuốn sách về các vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc đề cập. “Thật khó tưởng tượng làm sao sự đồng thuận có thể đạt được trong khối Asean mà không có một đụng độ vũ trang liên quan đến các lực lượng của Trung Quốc.”

viet-studies ngày 5-2-10
http://www.viet-studies.info/kinhte/VN_staves_off_China_transaton.htm





No comments: