Thursday, February 11, 2010

CHÓ NGHIỆP VỤ

Chó nghiệp vụ
Đáy
Đăng ngày 11/02/2010 lúc 15:59:43 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4583
Đứa cháu gái tôi sang đây tu nghiệp ngoại ngữ. Nó trúng tuyển vào bộ thông tin và truyền thông từ mấy năm nay sau khi tốt nghiệp đại học và đã lên tới chức trợ lý vụ trưởng. Nó thông minh lạ thường, khác hẳn với bố nó.
Bố nó thì tôi quá biết. Gia đình hắn vào Nam sau năm 1975 và tìm đến chúng tôi. Quan hệ giữa hai gia đình cho tới ngày chúng tôi xuất ngoại đặt nền tảng trên tinh thần “người Bắc nhận hàng, người Nam nhận họ”. Diễn nghĩa: người miền Nam nhận có họ với một quan chức cộng sản để được tiếng là thuộc “gia đình cách mạng” và được yên thân; ngược lại gia đình vị quan chức cách mạng nhận hàng hoá và quà cáp.
Họ hàng thế nào thì tôi không rõ. Hình như bố hắn có họ với mẹ tôi. Nhưng họ xa và chồng chéo tới độ giữa hắn và tôi không biết đứa nào là anh đứa nào là em; chúng tôi gọi nhau bằng mày tao cho tiện việc sổ sách.
Ông bác tôi – cứ gọi như thế – rất lo lắng cho tương lai của hắn. Ông nói trong những năm chiến tranh ông đi công tác liên tục, gia đình cũng sơ tán thường xuyên nên hắn chẳng học hành gì cả. Vả lại, theo ông, có học cũng vô ích vì hắn vừa tối dạ vừa lười. Lúc đó hắn đã bắt đầu học đại học nhưng bác tôi cảnh giác là chớ vội tin bề ngoài, hệ trung học lúc đó chỉ có mười năm và học sinh tốt nghiệp trung học không theo học lực mà theo hạnh kiểm và theo diện. Diện là một chế độ phân loại theo tiêu chuẩn chính trị, có diện gia đình cách mạng, diện bần cố nông, diện tư sản và sau năm 1975 có thêm diện ngụy quân ngụy quyền. Tôi chơi thân với hắn và có thể xác nhận là những gì bố hắn nói về hắn hoàn toàn đúng. Hắn thuộc diện gia đình cách mạng nhưng cũng thuộc nhiều diện khác không được nói đến trong ngôn ngữ xã hội chủ nghĩa nhưng rất lan tràn: ngu dốt, vô tích sự, vô tư và vô tư cách. Hắn sống theo bản năng ăn ngủ, thụ hưởng. Chính tôi cũng thắc mắc như bố hắn là sau này hắn có thể làm gì.

Nhưng cả hai chúng tôi đều không ngờ là trong chế độ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có một nghề hoàn toàn phù hợp với những người như hắn: nghề thẩm phán. Nghề này tuyệt đối không đòi hỏi một khả năng nào, trái lại nó còn đòi hỏi không bao giờ suy nghĩ và thắc mắc. Điều cần nhất là phải vô liêm sỉ. Bạn chỉ cần mặc quần áo chỉnh tề ngồi chễm chệ làm bộ như nghe buộc tội và biện hộ cho có lệ rồi sau đó tuyên án, nghĩa là đọc những bản án đã được ai đó quyết định từ trước. Án có thể rất nặng, mười năm, hai mươi năm tù, thậm chí tử hình, thẩm phán cứ đọc một cách thản nhiên không cần biết bị cáo có tội hay không. Đảng quyết định bị cáo có tội là đủ, ngay cả nếu trong thâm tâm bạn nghĩ họ vô tội. Tốt nhất là đừng có thâm tâm. Nghề thẩm phán là nghề duy nhất hắn có thể làm, ngược lại hắn cũng là mẫu người lý tưởng cho nghề này. Gần đây qua truyền hình tôi thấy hắn nghênh ngang ngồi xử những người dân chủ. Có mọi triển vọng hắn sẽ tiến tới tột đỉnh danh vọng trong ngành tư pháp: chánh án toà án nhân dân tối cao.

Công việc của con cháu tôi là bồi dưỡng văn hoá cho các cán bộ có chức năng truyền thông trong guồng máy đảng và nhà nước, để họ viết và nói đúng ngữ pháp, đúng câu, đúng chữ, đúng chỗ.
Nó nói:
- Khó lắm chú ạ, phải nắm rất vững tiếng Việt để vận dụng đúng chính sách. Thí dụ như những người dân chủ vừa bị xét xử, họ nêu ra những cái xấu có thực của chế độ, như vậy phải buộc tội họ thế nào. Không lẽ lại nói họ xuyên tạc bịa đặt? Ai chẳng biết những điều họ nói ra là hoàn toàn đúng. Vậy phải buộc tội họ là “lợi dụng những điểm tiêu cực trong xã hội ta để tuyên truyền chống nhà nước”, rồi kết luận “đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng”. Một thí dụ khác là người Việt ở nước ngoài. Hàng năm họ gửi về bảy tỉ đô la, ta ca tụng họ là “khúc ruột nghìn dặm của tổ quốc”, là “đồng bào ở nước ngoài hướng về đất nước” v.v., nhưng nếu họ đòi dân chủ thì phải gọi họ là “những thành phần phản động lưu vong chống lại đất nước”. Các cán bộ có vai trò truyền thông phải học tập nhiều lắm, sự tuyển chọn ngày càng căng. Dĩ nhiên cũng có những công thức họ có thể học thuộc lòng và sử dụng trong mọi trường hợp, chẳng hạn như “quyết định trên đây của đảng và nhà nước đã được sự đồng tình của đông đảo nhân dân, cán bộ, đảng viên”, nhưng dùng nhiều quá thì cũng chứng tỏ là mình kém, thiếu nghiệp vụ.

Nghiệp vụ! Lại một từ mới. Tôi chợt nhớ tới cụm từ “chó nghiệp vụ” được nghe khá nhiều gần đây. Cháu tôi giải thích:
- Chó nghiệp vụ là chó được huấn luyện để tấn công người, khác với chó ăn thịt. Tuy vậy khi chó nghiệp vụ không còn dùng được nữa thì người ta vẫn làm thịt.

Tôi bày tỏ sự phiền lòng khi nhìn bố nó xử phạt những người dân chủ những bản án nặng nề.
Nó đáp:
- Chú đừng buồn bố cháu làm gì. Ông ấy có xử ai đâu, người ta đã xử trước rồi, công việc của ông ấy chỉ là đọc bản án thôi. Bố cháu và các thẩm phán Việt Nam cũng chẳng khác gì những con chó nghiệp vụ, người ta bảo cắn ai là phải cắn, không cắn thì người ta làm thịt.

Đáy
© Thông Luận 2010


No comments: