Thursday, February 11, 2010

CHIẾN LƯỢC HẢI QUÂN của TRUNG QUỐC

Chiến lược hải quân của Trung quốc *
China's evolving naval strategy
Lý Nam
Nguyễn Hải chuyển ngữ
10/02/2010
http://bauxitevietnam.free.fr/

Mở đầu cho chiến lược hải quân
1.1 Nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc (TQ) có vẻ vẫn tiếp tục phần nào đó nhờ vào kinh tế TQ tăng trưởng nhanh chóng nên có thể cung cấp được nguồn tài nguyên cần thiết. Một khía cạnh quan trọng của nỗ lực này là việc hiện đại hóa hải quân. Vốn là một cường quốc trên bộ, cú thọc mới của TQ vào vùng biển, nơi do các cường quốc biển như Hoa Kỳ và Nhật Bản thống trị, đã và đang tạo ra vài mối quan tâm.
[1] Mối quan tâm như thế cũng có lẽ do sự thiếu minh bạch trong ý đồ và năng lực của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (People’s Liberation Army (PLA) Navy – PLAN).
1.2 Là thành quả của cuộc nội chiến, PLA không có binh chủng hải quân cho đến sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949. Vào những năm đầu của PLAN, không chiến lược hải quân nào được xây dựng một cách có hệ thống. Nhưng các nhà lập kế hoạch quân sự của TQ đều thống nhất là nhiệm vụ trọng tâm của PLAN là bảo vệ bờ biển, hay là phòng vệ 12 hải lý lãnh hải tính từ đường ven bờ ra biển khơi, và 300 km lãnh thổ kéo dài từ đường ven biển vào đất liền, đó là vùng tập trung các thành phố quan trọng về chính trị và kinh tế của TQ.
1.3 Do bờ biển TQ được cho là dài 18,000 km, việc phòng vệ của hải quân tập trung phần lớn vào các eo biển và thủy lộ được xem là có tầm quan trọng chiến lược, hay vào những nơi mà kẻ địch có thể khai thác để xâm lược TQ bằng đường biển hầu chiếm giữ các mục tiêu chiến lược quan trọng trên đất liền. Những nơi này gồm eo Bột Hải, là cửa ngõ đường biển đi đến Thiên Tân (Tianjin) và Bắc Kinh và gắn liền với sự an toàn của vùng biển phía bắc TQ; eo Đài Loan, liên quan đến sự an toàn của bờ biển phía đông TQ, đến sự thống nhất của Đài Loan với lục địa và đến sự an toàn của tuyến đường giao thương trên biển (sea lanes of communication – SLOC) xung quanh đảo; và eo biển Quỳnh Châu (Qiongzhou 琼州海峡), là trung tâm an toàn cho đảo Hải Nam và bờ biển phía nam TQ. Cả ba hạm đội của PLAN, hạm đội Bắc Hải, hạm đội Đông Hải và hạm đội Nam Hải, liên kết khá tốt trong việc phòng vệ cả ba eo biển và các vùng biển lân cận.
1.4 Vào những năm 1950 và 1960, mối quan tâm chính của PLA là các cuộc xâm nhập mức độ nhỏ vào đường bờ biển của các lực lượng Quốc Dân Đảng đóng tại Đài Loan, thường bị nghi ngờ là đang chuẩn bị cho những vụ tiến công lớn hòng chiếm lại lục địa . Để đẩy lùi các vụ xâm nhập đó, PLA trông cậy vào lực lượng phòng ngự bờ biển trên bộ hơn là vào PLAN.
1.5 Khi quan hệ của TQ với Liên Xô xấu đi vào cuối những năm 1960, PLA bắt đầu chuyển trọng tâm phòng thủ của mình từ hướng đông và nam sang việc chuẩn bị chống lại sự xâm lược ổ ạt của quân Xô Viết từ phương bắc vào TQ. Để đối phó với một đối thủ mạnh hơn về công nghệ như Liên Xô, PLA phải bù đắp cho sự yếu kém về công nghệ của mình bằng số lượng dư thừa về không gian, nhân lực và thời gian. Lãnh thổ rộng lớn, quen thuộc của TQ, được kết hợp với cuộc chiến tranh nhân dân trường kỳ, biển người theo cách phân tán, cơ động, quấy rối và tiêu hao, sẽ giúp TQ kéo dài đủ thời gian. Cách thức này sẽ cho phép TQ làm suy yếu dần các lực lượng xâm lược quá dàn trải, đánh giá những điểm yếu của chúng, gầy dựng lại các lực lượng kháng chiến và cuối cùng là chiến thắng cuộc chiến bằng cuộc tiến công chiến lược, quyết định. Tuy nhiên, chiến lược “nhử địch vào sâu” như vậy làm cho PLAN hầu như không còn thích hợp vì trong một kịch bản như thế, việc bảo vệ bờ biển trở nên không cần thiết.
1.6 Không phải cho đến sau khi Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh đạo tối cao vào cuối những năm 1970 mà một chiến lược hải quân mới hoàn toàn linh động hơn. Để hiểu được diễn biến của chiến lược hải quân và năng lực của TQ, ba khái niệm then chốt làm trọng tâm là: 1) “phòng vệ cận bờ,” cũng được biết như là phòng thủ ven biển, 2) “phòng ngự chủ động cận duyên,” cũng được biết như là bảo vệ tích cực xa bờ, và 3) “hoạt động viễn dương.”(biển khơi )


Phòng vệ cận duyên
2.1 Sau năm 1979, Đặng thay khái niệm “chiến tranh nhân dân” bằng “chiến tranh nhân dân theo điều kiện hiện đại,” với biên giới và các thành phố được bảo vệ, không bị bỏ rơi để “nhử địch vào sâu.” Từ đó, hoạt động của hải quân được cho là cần thiết. Một cuộc chiến tranh lớn với Liên Xô đương nhiên sẽ xảy ra trong lục địa và chủ yếu do lực lượng bộ binh đảm nhiệm. Nhưng vì TQ có bờ biển dài với nhiều thành phố quan trọng, điều này tạo ra khúc sườn biển, không những quan trọng về mặt chiến lược mà còn phô bày [trước mắt mọi người] và dễ bị tấn công. Do đó, với ý đồ tăng tốc cuộc tiến công trên bộ hoặc loại bỏ thái độ chiến lược tiêu cực, lực lượng xâm lăng thù địch có thể mở cuộc tiến công vào sườn này bằng hoạt động hải- lục quân để chiếm các eo biển, hải đảo và thành phố chính. Điều này phục vụ cho ý đồ tạo ra vị thế “tiến vào cả hai đất liền và biển” và “đột kích hai mũi từ nam và bắc.”
[2]
2.2 Để đối phó với cuộc tiến công như vậy từ biển, PLAN sẽ hỗ trợ bộ binh bằng phản công hải- lục quân để ngăn lực lượng xâm lăng tiến thẳng vào đất liền. Hơn nữa, vì các cuộc hành quân tiến công của kẻ địch thường cần số lượng khí tài lớn và lực lượng kẻ thù ở khá xa tổ quốc, chúng sẽ bị lệ thuộc nhiều vào các tàu chở hàng tiếp tế dễ bị tấn công. Như thế, PLAN sẽ mở các chiến dịch phục kích và phá hoại chống lại các hạm đội chở hàng của địch, do đó làm yếu đi nỗ lực chiến tranh trên bộ của kẻ thù.[3]
2.3 Nói chung, chiến lược phòng ngự gần bờ kiểu này liên quan đến sự sống còn của đất nước trong cuộc chiến tranh lớn với Liên Xô. Đó là chiến lược phòng vệ thuần túy đặt trọng tâm vào các chiến dịch phản công hải- lục quân, dù nó bao hàm cả những cuộc tấn công loại chiến tranh du kích vào đường tiếp tế trên biển của địch bằng tàu thuyền nhỏ hơn. Cũng trong chiến lược này, PLAN chỉ giữ vai trò hỗ trợ các cuộc hành quân trên bộ. Đối mặt với một kẻ thù mạnh hơn như Hải quân Xôviết, PLAN có những khó khăn lớn trong việc ngăn chặn cục bộ và tạm thời kẻ địch đột nhập vào các bờ biển TQ, chưa nói đến việc có được mức độ kiểm soát hải phận. Chiến lược này chung quy là chiến thuật trì hoãn.

Năng lực
2.4 Với chiến lược phòng vệ gần bờ, các hạm đội của PLAN gồm chủ yếu các tàu nhỏ như tàu quét mìn và tàu phóng ngư lôi, tàu tuần tiểu có súng và tên lửa, và chúng được bổ sung bằng một vài tàu khu trục hạng nhẹ và tàu khu trục nhỏ do Liên Xô chế tạo và các oanh tạc cơ hải quân tầm ngắn đậu trên đất liền. PLAN cũng có một hạm đội dựa theo thiết kế của Liên Xô, các tàu ngầm hạng Romeo (Típ 033) dùng động cơ thông thường (conventional-powered submarine – SS). Các tàu nổi trên mặt nước tương đối nhỏ và có bán kính hoạt động giới hạn và tính bền vững thấp. Chúng không có nhiều vai trò và yếu về báo động sớm, chỉ huy và điều khiển, phương tiện liên lạc và bảo hộ. Kết quả là chúng dễ bị tấn công trên biển và trên không, và phụ thuộc khá nhiều vào tình báo, chỉ huy và điều khiển và sự hỗ trợ của hỏa lực đặt trên đất liền.
2.5 Để so sánh, lực lượng tàu ngầm của PLAN có khả năng hoạt động trong những khu vực xa hải phận nước nhà. Đây là vì các tàu ngầm này lớn và bền vững hơn,
[4] và chúng được che dấu kỹ hơn. Nhưng chúng khá kém về phương tiện liên lạc và kết quả là không có khả năng vận hành theo nhóm. Chúng cũng hơi ồn và thường phải nổi lên mặt nước để hồi phục. Vì những khiếm khuyết này, chúng cũng khá dễ bị tấn công và phần lớn bị hạn chế trong vùng nước nông ven biển.
2.6 Từ đầu những năm 1970, một số lượng đáng kể các tàu khu trục có tên lửa điều khiển được (guided-missile destroyer – DDG) thuộc thế hệ đầu tiên hạng Luda (Típ 051) và các tàu khu trục nhỏ có tên lửa điều khiển được (guided-missile frigate – FFG) hạng Jianghu (Típ 053) đã được PLAN đặt hàng. TQ cũng đã bắt đầu triển khai một số nhỏ các tàu ngầm nguyên tử (nuclear-powered attack submarine – SSN) hạng Hán.
[5] Trong chừng mực nào đó, chúng đã thay đổi cấu trúc của PLAN theo nghĩa là các chiến binh trên và dưới mặt nước này lớn hơn, sức chịu đựng bền hơn và vì vậy có thể hoạt động khá xa vùng biển quê nhà.[6]
2.7 Nhưng tầm xa và tốc độ cao của các chiến binh trên mặt nước bị giới hạn do thiếu năng lực chiến đấu bảo vệ bầu trời và chống tàu ngầm (anti-submarine warfare – ASW). Chúng cũng không có hệ thống hướng dẫn chiến đấu (combat direction system – CDS) giúp các bộ cảm biến trên tàu tích hợp với các hệ thống vũ khí để chúng có thể nhanh chóng phản ứng lại các cuộc tấn công đang đến. Một số ít tàu này sau đó đã được sửa đổi thêm vào các tên lửa mặt-đối-không (surface-to-air missile – SAM), trực thăng chống tàu ngầm, radar trinh sát và điều khiển hỏa lực tốt hơn, năng lực chiến tranh điện tử (electronic warfare – EW), các CDS và tên lửa chống tàu chiến (anti-ship missile – AShM). Nhưng hệ thống SAM HQ-7 mới đặt có tầm tối đa chỉ 8-12 km và vì vậy không có khả năng đương đầu với các cuộc không kích tầm xa; nó cũng không xử lý hữu hiệu được các cuộc tấn công bằng tên lửa chống tàu chiến bay là là trên mặt biển. Vì đây là hệ phòng thủ trọng điểm, nó không lo liệu được vấn đề phòng không cho các tàu khác. Kết quả là các tàu này khá dễ bị tấn công và được dùng chủ yếu cho việc tuần tra bờ biển để chúng được máy bay hải quân đặt trên bờ bảo vệ. Các tàu ngầm nguyên tử bị những nhược điểm như vấn đề phóng xạ và không có khả năng phóng tên lửa khi đang lặn. Những điều này kiềm hãm khả năng vận hành hữu hiệu của chúng trong các đại dương xa xôi và sâu thẳm.


Phòng ngự chủ động cận duyên
3.1 Lưu Hoa Thanh đưa ra khái niệm này lần đầu vào cuối năm 1983, được diễn đạt bằng ý niệm “tích cực phòng ngự, hoạt động trong các vùng biển gần.”
[7] Khái niệm này được truyền tụng rộng rãi trong giới lãnh đạo của PLAN cũng như là trong các học viện trung ương của PLA, giúp tạo ra sự nhất trí chung đạt được vào năm 1987 qua việc xem khái niệm này như là chiến lược hải quân mới của TQ.[8] Trong chiến lược đó, PLAN được xem như là “quân chủng chiến lược,” nghĩa là nó sẽ hoạt động độc lập hơn và có không gian hoạt động riêng, một sự đi chệch rõ ràng khỏi chiến lược phòng vệ gần bờ với việc xem PLAN như là một quân chủng chủ yếu hỗ trợ cho các hoạt động trên bộ.
3.2 Đối với không gian tác chiến trên biển, phòng ngự cận duyên được định rõ là bao gồm 1) vòng chuỗi đảo đầu tiên, kéo dài từ quần đảo Kurile qua quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, Đài Loan, Philippines, đảo Borneo (Kalimantan) đến Singapore; 2) Hoàng Hải, Biển Đông và Biển Nam TQ, hay là ba biển gần trong nội vành của vòng chuỗi đảo đầu tiên, và 3) các vùng biển bên cạnh vành ngoài của vòng chuỗi đảo này và các đảo ở bắc Thái Bình Dương. Do đó, không gian được chỉ định như là “cận duyên” lớn hơn khái niệm thường hiểu về việc kéo dài 200 hải lý từ đường bờ biển TQ ra ngoài biển.
3.3 Đối với các nhiệm vụ, không như chiến lược phòng ngự cận duyên liên quan đến sự sống còn của TQ chống lại sự xâm lăng có thể xảy ra của một kẻ địch mạnh nước ngoài, chiến lược phòng ngự chủ động cận duyên nhắm đến việc hợp nhất Đài Loan vào lục địa, phục hồi các lãnh hải tranh chấp, bảo vệ tài nguyên biển của TQ, đảm bảo an toàn cho các đường vận tải biển trong thời gian có chiến tranh, ngăn chặn và phòng vệ chống lại sự gây hấn của ngoại bang từ biển, và thực hiện răn đe hạt nhân chiến lược. Về điều kiện vận hành, không như phòng ngự gần bờ chủ yếu là tự vệ, phòng ngự chủ động cận duyên đòi PLAN phải có được khả năng tiến công để thu giữ và duy trì sự kiểm soát biển cục bộ và tạm thời cho việc vượt biển và hoạt động của hải- lục quân, cho việc thiết lập sự kiểm soát các đường chính của vận tải biển trong những vùng biển gần, và cho sự trả đũa hạt nhân.
[9] Chiến lược này được chấp thuận có thể là do các nhân tố bên trong như ảnh hưởng của Lưu Hoa Thanh và sự ủng hộ của cấp lãnh đạo chính trị như Đặng Tiểu Bình, và nhờ các yếu tố bên ngoài như sự đe dọa của Liên Xô giảm xuống.
3.4 Tuy nhiên, kể từ khi được chấp thuận vào cuối những năm 1980, chiến lược mới này vẫn không cải thiện đáng kể năng lực của hải quân trong hơn một thập niên. Lý do chính là vì Đặng muốn TQ tự hạ mình và tập trung vào phát triển kinh tế. Điều này làm chi tiêu quốc phòng giảm xuống, còn tài nguyên được dùng cho phát triển kinh tế. Việc thiếu công nghệ hải quân tiên tiến và tình trạng không rõ ràng về vấn đề đe dọa trên bộ cũng đã hạn chế sự phát triển của hải quân.

Năng lực
3.5 Những hạn chế đó có nghĩa là PLAN chỉ có thể đạt được sự tiến bộ vừa phải trong vấn đề phát triển của hải quân. Thí dụ, vào những năm 1990, PLAN đã đặt hàng các tàu DDG thế hệ thứ hai hạng Luhu (Típ 052) và hạng Luhai (Típ 051B). Các tàu FFG thế hệ thứ hai hạng Jiangwei (các Típ 055 và 057) cũng đã bắt đầu hoạt động từ đầu những năm 1990. Hơn thế nữa, ngay vào đầu những năm 1980, PLAN bắt đầu triển khai một số tàu ngầm SS hạng Minh (Típ 035), một biến thể cải tiến của hạng Romeo. Chiếc tàu ngầm đơn độc SSBN hạng Hạ (Típ 092), một thành phần thuộc lực lượng răn đe hạt nhân của TQ, cũng bắt đầu hoạt động vào đầu những năm 1980.
[10]
3.6 Hai tàu DDG Luhu và một tàu DDG Luhai lớn hơn nhiều các tàu DDG Luda cũ, cũng như các tàu FFG Jiangwei so với loại FFG Jianghu cũ.[11] Điều này có nghĩa là chúng bền hơn và có thể hoạt động trong những vùng biển xa biển nhà. Chúng cũng được trang bị các hệ hướng dẫn chiến đấu (CDS) cải tiến. Thí dụ, CDS của chiếc Luhu được nối với các bộ cảm biến ngoài tàu bằng kết nối dữ liệu, làm cho nó có khả năng theo dõi cùng lúc hàng trăm mục tiêu và chỉ định mục tiêu lên hệ thống vũ khí trên tàu. Các tàu này cũng được trang bị trực thăng chống tàu ngầm (ASW) và một số chiếc có tên lửa ASW. Tuy nhiên, hệ thống phòng không của chúng không đáng tin cậy. Thí dụ, các hệ thống tên lửa mặt-đối-không (SAM) có tầm trong khoảng 10 đến 14 km, nên chúng dễ trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công đa hướng từ máy bay tầm xa hoặc tốc độ cao, bay thấp, và từ tên lửa bay sát mặt biển. Điều trớ trêu là chiếc Luhu có radar tầm xa có khả năng dò được mục tiêu cách nó 150 km, nhưng SAM lại không thể khóa được các mục tiêu này vì chúng quá xa. Cũng như vậy, thiết kế không tàng hình của phần lớn các tàu này làm chúng dễ bị định vị và tấn công.
3.7 Nếu so với chiếc Romeo cũ kỹ, tàu ngầm Minh có vận tốc, khả năng điều khiển, thích nghi với biển và thời gian lặn đều tốt hơn. Nhưng thiết kế của các tàu này quá cổ và dường như chúng có vấn đề nghiêm trọng về mức độ an toàn.
[12] Mức tiếng ồn của chúng tương đối cao và vì vậy dễ bị phát hiện và tấn công. Chiếc Hạ đơn độc được báo cáo là có khả năng giới hạn và hầu như không hoạt động, và việc thử phóng tên lửa không thỏa cho lắm do vấn đề điều khiển. Vì những khiếm khuyết và điểm yếu đó, các chiến binh trên và dưới mặt biển này không thể hoạt động hữu hiệu trong các vùng biển gần và xa.
3.8 Vụ khủng hoảng tại eo biển Đài Loan năm 1996 và khả năng can thiệp của các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ trong một cuộc khủng hoảng tương tự khác tạo nên sức đẩy mạnh cho nỗ lực hiện đại hóa nghiêm túc hơn được bắt đầu vào cuối những năm 1990. Lần hiện đại hóa mới này đã và đang tạo ra những biện pháp khắc phục quan trọng cho các nhược điểm lớn trong năng lực hải quân của TQ. Thí dụ như PLAN đã có được 4 chiếc DDG hạng Sovremenny (Típ 956E và Típ 956EM) từ nước Nga.
[13] PLAN cũng đặt đóng 2 chiếc DDG hạng Luyang I (Típ 052B), 2 chiếc DDG hạng Luyang II (Típ 052C) và 2 chiếc DDG hạng Luzhou (Típ 051C). Hơn nữa, 2 chiếc FFG hạng Jiangkai (Típ 054) được đặt hàng, và 4 chiếc Jiangkai biến thể mới (Típ 054A) đang được đóng. Thêm vào đó, PLAN có từ Nga 8 tàu ngầm SS hạng Kilo (Típ 636 và Công trình 636) và sẽ có thêm 4 chiếc nữa trong tương lai gần. PLAN cũng triển khai đến 10 chiếc SS hạng Tống (Típ 039G) được cải tiến và đóng tại bản xứ, và thêm một số nữa đang được đóng. Việc đóng 2 chiếc SS hạng Yuan (Típ 039A) cũng đã hoàn tất. Cuối cùng, 2 chiếc SSN hạng Thương (Típ 093) và 1 chiếc SSBN hạng Tấn (Típ 094) đã được hạ thủy, với các chiếc khác sẽ được thêm vào sau.
3.9 Việc có được các bệ phóng trên và dưới mặt biển này đã và đang lấp đi các lỗ hổng chính cho năng lực của PLAN. Thí dụ, các chiến binh trên mặt biển tương đối lớn hơn, sức bền dai hơn và vì vậy có thể duy trì hoạt động trong các vùng biển xa lãnh hải quê nhà.
[14] Các tàu này cũng có khả năng chống lại tàu. Các chiếc DDG Sovremenny mang tên lửa chống tàu (AShM) siêu âm có tầm giữa 160 km (Típ 956E) và 240 km (Típ 956EM), các chiếc Luyang và Luzhou mang AShM hạ âm có tầm giữa 150 km (Luyang I và Luzhou) và 280 km (Luyang II). Các tàu này cũng có khả năng chống tàu ngầm nhờ mang theo thiết bị dò sóng âm cải tiến và trực thăng chống tàu ngầm. Hơn nữa, hầu hết các tàu này đều có thiết kế tàng hình tiên tiến và khó bị phát hiện hơn. Chúng cũng có hệ thống hướng dẫn chiến đấu tiên tiến hơn được tích hợp với các cảm biến trên và ngoài tàu, các hệ thống chỉ huy và điều khiển, và hệ thống vũ khí.
3.10 Nhưng quan trọng hơn cả là giờ đây chúng có khả năng phòng không cho khu vực và hạm đội chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay và tên lửa với những tầm và cao độ khác nhau. Tên lửa SAM trên chiếc Sovremenny có tầm giữa 25 km (Típ 956E) và 45 km (Típ 956EM). Chiếc Luyang II có hệ thống hướng dẫn tên lửa loại Aegis của Hoa Kỳ, với một hệ thống radar chuỗi pha (phased-array radar – PAR) đa phương, tự động phát hiện và theo dõi, được gắn vào kiến trúc thượng tầng phía trước của chiếc tàu và được tích hợp với tám hệ thống phóng thẳng đứng (vertical launching system – VLS) 6 ống, hoặc 48 SAM với tầm 90 km. Các chiếc Luzhou được trang bị hệ thống phòng không tích hợp với một hệ thống PAR với 48 SAM dựa vào hệ thống VLS có tầm 120 km. Các chiếc Jiangkai Típ 054A có 32 SAM dựa vào hệ thống VLS với tầm là 80 km. Cuối cùng, các tàu này được trang bị các hệ thống vũ khí bắn gần (close-in weapon system – CIWS). Như là tuyến phòng ngự cuối cùng, CIWS có thể tự động dò tìm, phát hiện, theo dõi và khóa lại máy bay tầm thấp, bay nhanh và tên lửa bay là là trên mặt biển của kẻ thù.
3.11 Cũng như vậy, việc có được các chiếc Kilo đã tăng cường khả năng dưới nước của PLAN để hoạt động hữu hiệu hơn trong vùng duyên hải và hải lộ của các vùng biển gần. Các bệ phóng này đủ vững vàng để mang theo các hệ vũ khí khác nhau và có sức lặn tốt.
[15] Một vài chiếc mang theo SAM và có hệ hướng dẫn chiến đấu kỹ thuật số tích hợp với các bộ cảm biến và hệ thống vũ khí. Quan trọng hơn, các tàu ngầm Kilo có động cơ rất im và được lót bằng các tấm hấp thụ âm thanh nên chúng khó bị định vị và tấn công. Mô hình mới hơn thuộc Công trình 636 được lắp AShM với tầm 300 km, làm cho nó có sức mạnh đáng gờm để thực hiện nhiệm vụ trong các vùng biển gần và trung. So với chiếc Minh, chiếc Tống của mô hình 039G có thiết kế thủy động lực trơn tru hơn và sức đẩy yên lặng hơn. Các tấm ngắt âm cũng được sử dụng để làm giảm hơn nữa mức âm. Các tàu này cũng được trang bị AShM với tầm 120 km, và các tên lửa này có thể được phóng ra khi tàu đang lặn.[16] Mặt khác, chiếc Yuan được đánh giá là đọ được với chiếc Kilo về kích cỡ, bộ cảm biến, chỉ huy và điều khiển, hệ thống vũ khí và tính năng.
3.12 Cuối cùng, việc triển khai các chiếc tàu ngầm SSN hạng Thương và SSBN hạng Tấn chắc chắn sẽ tăng cường hữu hiệu hơn năng lực của PLAN trong hoạt động ở các vùng biển xa và trong răn đe hạt nhân. Thí dụ, chiếc Thương đủ lớn để duy trì hoạt động trong các đại dương xa và sâu, và mang theo đủ loại hệ vũ khí bao gồm tên lửa ASW, các tên lửa AShM và tên lửa hành trình tấn công trên bộ.
[17] Nó có thiết kế thủy động lực hữu hiệu và sức đẩy yên lặng, và mức âm của nó được làm giảm hơn nữa với các tấm giảm âm. So với chiếc Hạ đơn độc, chiếc Tấn có các bộ cảm biến tốt hơn, sức đẩy đáng tin cậy hơn và kỹ thuật giảm ồn được áp dụng nhiều hơn.[18] Quan trọng hơn cả là chiếc Tấn được trang bị từ 12 đến 16 tên lửa đạn đạo Julang II phóng từ tàu ngầm với các đầu đạn có khả năng đi đến đa mục tiêu độc lập (multiple independently targetable re-entry vehicle – MIRV) và tầm 8,000 km.


Hoạt động viễn dương
4.1 Lưu Hoa Thanh đã giới thiệu chiến lược phòng ngự chủ động cận duyên vào giữa những năm 1980 và lập luận là PLAN nên hoạt động bên trong và xung quanh chuỗi đảo đầu tiên, hay là bên trong các “cận duyên” cho thời gian dài đang đến. Nhưng ông ta cũng đã gợi ra ý tưởng là sự tăng trưởng kinh tế và việc tăng cường khoa học và công nghệ rút cục sẽ thể hiện thành sự phát triển sức mạnh của hải quân TQ. Tới phiên nó, điều này sẽ cho phép PLAN nới rộng tầm hoạt động từ chuỗi đảo đầu tiên đến chuỗi đảo tiếp theo, từ đảo Honshu của Nhật Bản, qua các đảo Bắc Mariana, Guam đến đảo Mindanao của Philippines. Vào lúc mà PLAN có khả năng hoạt động độc lập và hữu hiệu xung quanh và bên ngoài chuỗi đảo thứ hai, nó sẽ thực sự trở thành hải quân nước xanh khu vực.
[19]
4.2 Về không gian hoạt động, vì “tất cả các vùng biển bên ngoài các ‘cận duyên’ là các ‘trung và viễn dương’,”[20] các vùng biển ở cạnh các vành trong và ngoài chuỗi đảo thứ hai và khoảng biển ngoài chuỗi này có thể được hiểu như là định nghĩa về “viễn dương” của PLAN. Đây rõ ràng là một khu vực rộng lớn kéo dài từ bắc Thái Bình Dương đến đông Ấn Độ Dương. Một định nghĩa như thế cũng ngụ ý là để cho PLAN có thể ôm trọn được khu vực bao la này một cách hữu hiệu, nó phải phát triển năng lực quân sự đáng kể để phô trương sức mạnh đến trên 1,000 hải lý kể từ lãnh hải của nó.
4.3 Trong khi bài viết chính thức tiếp tục dùng “phòng ngự chủ động cận duyên” như là chỉ dẫn chiến lược cho việc hiện đại hóa hải quân của TQ, khái niệm mới về “hoạt động viễn dương” cũng bắt đầu xuất hiện trong bài viết của PLA về chiến lược hải quân, đặc biệt là từ năm 2004.
[21] Trong thuật ngữ hành động, sự quan tâm có tính phân tích bắt đầu chuyển sang những vấn đề đặc biệt liên quan đến hoạt động trung và viễn dương, từ việc tổ chức nhóm chiến đấu đa chức năng cho hoạt động viễn dương, “chuẩn bị chiến trường” cho hoạt động biển xa, đến ngành hậu cần để duy trì hoạt động viễn dương.[22]
4.4 Việc giới thiệu chiến lược hành động viễn dương do đóng góp từ nhiều nhân tố quan trọng. Thí dụ, thể chế nghiên cứu hải quân cho phép các nhà nghiên cứu hải quân thực hiện việc nghiên cứu tinh vi và hệ thống hơn bằng cách dùng những diễn biến quan trọng để hợp lý hóa chiến lược mới. Những diễn biến này kể từ sự thiếu tiến triển trong giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ với các lân bang biển của TQ, khả năng can thiệp của Hoa Kỳ trong xung đột quân sự với Đài Loan, cho đến thế yếu đang tăng lên của TQ bắt nguồn từ sự tùy thuộc khá nhiều của nó vào nguồn tài nguyên hải ngoại đối với nhu cầu năng lượng và vật liệu sản xuất, và vào đường vận chuyển trên biển cho những nhu cầu này và hàng hóa trao đổi thương mại.[23] Tương tự như vậy, các nhà nghiên cứu hải quân cho rằng khoảng không gian hoạt động bị giới hạn trong các vùng cận duyên tạo ra thế yếu chỉ có thể được làm giảm bớt bằng cách đào sâu và mở rộng khoảng không gian này ra các vùng biển xa và rằng tăng trưởng kinh tế nhanh và tiến bộ công nghệ làm cho việc xây dựng bệ phóng hải quân tập trung vào tiền vốn và công nghệ có khả năng hoạt động viễn dương trở nên khả thi hơn.[24]
4.5 Hơn nữa, chính Giang Trạch Dân đã chỉ thị cho PLAN cần “xem các đại dương từ tầm cao chiến lược” và “nâng cao ý thức về biển đảo trên toàn quốc” bằng cách xây dựng một “binh chủng hải quân hiện đại với năng lực hoạt động mạnh mẽ và toàn diện.” Theo Giang, một binh chủng hải quân như thế phải “không những phấn đấu tăng cường năng lực hoạt động trong các vùng biển gần, mà rút cục còn phải chú ý đến việc nâng cao năng lực hoạt động trong các vùng biển xa.”[25] Những gì các nhà nghiên cứu hải quân đã làm chỉ là cụ thể hóa những chỉ thị chung của giới lãnh đạo dân sự trung ương, và trong trường hợp này, đó là những chỉ thị của Giang Trạch Dân. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu hải quân bàn cãi về chiến lược mới vì chiến lược này tạo ra lý do hợp pháp cho việc cấp thêm tiền và công nghệ tốt hơn cho PLAN, và điều này rõ ràng phục vụ cho mối quan tâm của PLAN về tài chính và công nghệ.

Năng lực
4.6 Chiến lược mới về hoạt động viễn dương cho thấy là PLAN quan tâm đến năng lực nước xanh, hoặc đến những gì có thể hoạt động và tranh đấu hữu hiệu trong các vùng biển xa. Sự chuẩn bị hiện nay của hải quân rõ ràng góp phần vào sự phát triển của năng lực như vậy. Hơn nữa, PLAN có thể chuẩn bị những gì cần thiết cho những năm sắp đến. Trước hết, nó có thể đóng hàng không mẫu hạm. Chiến lược mới hàm ý là PLAN nên có được năng lực tiến công, tầm xa để hỗ trợ hoạt động viễn dương và để “đập tan hậu phương kẻ địch” nếu TQ bị tấn công. Hiện nay, các tàu mới có của PLAN có thể lo liệu việc phòng không khu vực và hạm đội, nhưng chúng không có khả năng không kích để hỗ trợ hoạt động viễn dương và để “đập tan hậu phương kẻ địch.” Chỉ tàu chở máy bay mới tạo ra khả năng đó.
4.7 Hơn nữa, các hạm đội thiên về đồn trú trong những khó khăn hiện nay có thể được tổ chức lại thành những nhóm tác chiến đa chức năng để hoạt động trong những không gian có tầm khác nhau như lãnh hải, biển gần và biển xa. PLAN cũng có thể thử đạt được những căn cứ hải ngoại dùng vào việc hỗ trợ tình báo và hậu cần cho hoạt động viễn dương. Sau cùng, PLAN có thể tăng cường năng lực tiếp tế trên biển để kéo dài hoạt động của hải quân trong các vùng biển xa.

-----------------------

* TS. Lý Nam được mời đến nghiên cứu tại Viện Đông Á (East Asian Institute – EAI) thuộc Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore – NUS). Mã số của bài viết là EAI Background Brief No. 343, xuất bản ngày 26/07/2007.
[1] Xem “Navy Commander: US Is ‘Wary’ of China: Hopes It Will Become a Stabilizing Force in Asia (Người chỉ huy hải quân: HK ‘cảnh giác’ TQ: Hy vọng nó sẽ trở thành một lực lượng ổn định tại châu Á),” Associated Press, 5 July 2007.
[2] Xem Liu Jixian, et al., Haiyang zhanlue huanjing yu duice yanjiu (Research on the Maritime Strategic Environment and Policy Response – Nghiên cứu về đáp ứng của chính sách và môi trường chiến lược biển) (Beijing: Liberation Army Press, 1997), p. 355.
[3] Như trên, pp. 355-356.
[4] Trọng lượng nước rẽ chuẩn của chiếc Romeo là 1,710 tấn. Thông tin về các loại tàu của PLAN được đề cập trong bài này có tại http://www.globalsecurity.org/military/world/china/navy.htmhttp://mil.jschina.com.cn/huitong/index.html.
[5] Tuy nhiên, việc triển khai các tàu DDG và SSN không liên quan đến chiến lược phòng thủ gần bờ vì chúng quá lớn cho một nhiệm vụ như vậy. Các tàu DDG được dùng để bảo vệ an ninh và hậu cần cho địa điểm thử nghiệm tên lửa tầm xa trong Thái Bình Dương, trong khi các chiếc SSN được dùng để giải quyết các vấn đề công nghệ trong việc đóng tàu ngầm có tên lửa đạn đạo (ballistic missile submarine – SSBN), chẳng hạn như sức đẩy nguyên tử và việc phóng tên lửa từ tàu ngầm khi đang lặn. Xem Liu Huaqing, Liu Huaqing huiyilu (Liu Huaqing’s Memoirs – Hồi ký Lưu Hoa Thanh) (Beijing: Liberation Army Press, 2004), pp. 314, 316.
[6] Trọng lượng nước rẽ đầy tải của chiếc Luda là từ 3,670 đến 3,730 tấn (cho biến thể cải tiến), trong khi của chiếc Jianghu là từ 1,702 đến 1,925 tấn (cho biến thể cải tiến). Trọng lượng nước rẽ của chiếc Hán được phỏng tính là giữa 4,500 và 5,500 tấn khi đang lặn.
[7] Lưu là chỉ huy của PLAN từ 1982 đến 1988 và là phó chủ tịch Quân Ủy Trung ương (Central Military Commission – CMC) trong giai đoạn 1988-1997. Khái niệm này được giới thiệu trong diễn văn của ông ta đọc trước một lớp nghiên cứu quân sự của các sĩ quan cấp cao hải quân, có tựa là “Nhiều câu hỏi liên quan đến việc Hải quân thực hiện Nguyên tắc Chiến lược của Phòng ngự Chủ động.” Xem Hồi ký Lưu Hoa Thanh, tr. 434.
[8] Lưu quảng bá tư tưởng này tại nhiều cuộc họp cấp cao của PLAN giữa 1984 và 1986. Vào đầu năm 1987, ông ta đã có thể đưa ra một báo cáo chính thức có tựa “Về câu hỏi làm rõ Chiến lược Hải quân,” và đã đưa cho CMC và Bộ Tổng Tham mưu (General Staff Department – GSD). Sau đó là cuộc họp của Bộ Hành quân với đại diện của chín học viện trung ương của PLA được mời thảo luận bản báo cáo. Những người tham dự cuộc họp này đều tán đồng khái niệm đó. Xem n.t., tr. 434-439.
[9] Về “quân chủng chiến lược,” không gian hoạt động, nhiệm vụ và các yêu cầu hoạt động, xem n.t., tr. 434-438.
[10] Chiếc Minh nặng 2,100 tấn khi lặn. Trọng lượng nước rẽ của chiếc Hạ được đánh giá giữa 6,500 và 8,000 tấn.
[11] Trọng lượng nước rẽ đầy tải của chiếc Luhu là 4,800 tấn, trong khi của chiếc Luhai đơn độc là 6,600 tấn. Trọng lượng nước rẽ của chiếc Jiangwei trong tầm từ 2,250 đến 3,000 tấn (cho biến thể được nâng cấp).
[12] Theo báo cáo chính thức của TQ, một chiếc Minh đã mất trong vịnh Bohai vào cuối tháng Tư hoặc đầu tháng Năm năm 2003 vì hư hỏng cơ khí trầm trọng. Vào cuối tháng Năm năm 2005, một chiếc Minh khác đã bị tổn thương do cháy trên tàu trong Biển Nam và đã được lai kéo về bến cảng nhà trên đảo Hải Nam.
[13] Có những báo cáo cho thấy là chiếc DDG hạng Sovremenny cuối cùng mà TQ mua được có vấn đề với hệ thống kiểm soát hỏa lực.
[14] Các trọng lượng nước rẽ đầy tải của chiếc Sovremenny, Luyang I, Luyang II và Luzhou theo thứ tự là 7,625 tấn, 6,600 tấn, 7,000 tấn và 7,000 tấn. Trọng lượng nước rẽ đầy tải của chiếc Jiangkai được đánh giá giữa 3,000 và 4,000 tấn (cho Típ 054A).
[15] Trọng lượng nước rẽ khi lặn của chiếc Kilo được ước tính khoảng 3,076 tấn.
[16] Trọng lượng nước rẽ khi lặn của chiếc Tống là 2,250 tấn.
[17] Trọng lượng nước rẽ đầy tải của chiếc Thương được ước tính giữa 6,000 và 8,000 tấn.
[18] Trọng lượng nước rẽ của chiếc Tấn được phỏng đoán giữa 8,000 và 9,000 tấn.
[19] Xem Hồi ký Lưu Hoa Thanh, tr. 437. Các nhà lập kế hoạch của PLAN chia hải quân thế giới thành ba loại: loại tiến công đại dương xa (hay là loại nước xanh toàn cầu), loại tiến công và phòng ngự khu vực (hay là loại nước xanh khu vực) và loại phòng vệ bờ biển. Hải quân Hoa Kỳ thuộc vào loại thứ nhất, trong khi các Hải quân Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Nga thuộc loại thứ hai. Hải quân Ấn Độ bị đưa vào “tiểu vùng,” hay là ở đâu đó giữa loại hai và loại ba, các hải quân khác thuộc loại ba. Mục tiêu trung hạn (khoảng 2020) của PLAN là trở thành loại hai. Loại hải quân này có thể hoạt động và đấu tranh một cách hữu hiệu cho việc kiểm soát các biển trong khu vực của riêng nó. Trong lúc ấy, nó cũng có khả năng phô trương quyền lực ngoài khu vực của nó và cạnh tranh thực sự việc kiểm soát biển và áp đặt quyền phủ nhận biển trong vùng biển của các đại dương khác, như Hải quân Anh đã làm trong cuộc chiến đảo Falklands.
[20] N.t., tr. 434.
[21] Xem Ye Xinrong và Zuo Liping, “Guanyu haijun you jinhai zouxiang yuanhai de zhanlue sikao” (“Strategic Reflections Regarding the March of the Navy from the Near Seas to the Far Seas – Suy nghĩ chiến lược về bước đi của hải quân từ biển gần đến biển xa”), Junshi xueshu (Military Art Journal – Tập san Nghệ thuật Quân sự), No. 10, 2004, pp. 30-33.
[22] Xem Su Jinrong, “Haijun zhanyi ying guanche ‘xiaojiqun jidong zuozhan’ de zhidao sixiang” (“Navy Campaign Should Implement the Guiding Thought of ‘Small Group Mobile Operations’ – Chiến dịch hải quân nên thực hiện tư tưởng chỉ đạo về ‘Hoạt động cơ động nhóm nhỏ’”) Guofang daxue xuebao (Journal of NDU), No. 3, 2004; Jiang Kaihui, “Youhua Haizhan huanjing, jiaqiang zhanchang jianshe” (“Optimize Sea Operations Environment, Enhance Battlefield Construction – Tối ưu hóa môi trường hoạt động biển, tăng cường xây dựng chiến trường”), Military Art Journal, No. 5, 2005; và Zhou Hanrong, “Xinxihua tiaojianxia haishang zuozhan houqin baozhang yanjiu” (“Research on Logistics Services for Sea Operations under Informationized Conditions – Nghiên cứu về dịch vụ hậu cần cho hoạt động biển theo điều kiện tình báo hóa”), Military Art Journal, No. 1, 2005.
[23] Xem Zhang Wei, Zheng Hong, “Lun wo haijun fazhan de zhanlue xuqiu yu jiyu” (“On the Strategic Necessities and Opportunities for the Development of Our Navy – Về quy luật tất yếu chiến lược và Cơ hội cho sự phát triển của hải quân ta”), Military Art Journal, No. 10, 2004, p. 34; Liang Fang, “Haiyang zai guojia anquan zhong de diwei zuoyong ji duice” (“Status and Role of Oceans in National Security and Policy Response – Vị thế và vai trò của các đại dương trong đáp ứng về chính sách và an ninh quốc gia”), Military Art Journal, No. 1, 2005, p. 66; Ye và Zou, “Strategic Reflections – Suy nghĩ chiến lược,” p. 31; Hou Zhiping, “Dui weihu woguo shiyou anquan de zhanlue sikao” (“Strategic Reflections on Safeguarding the Oil Security of Our Country – Suy nghĩ chiến lược về gìn giữ an ninh dầu mỏ của đất nước ta”), Journal of NDU, No. 8, 2005, p. 86.
[24] Xem Ye và Zuo, “N.t.,” pp. 31-32; Zhang và Zheng, “N.t.,” p. 34; Liang, “N.t.,” pp. 66-67.
[25] Giang được trích dẫn trong Wang Zhigang, “Haijun shi hanwei guojia liyi tuozhan de zhongyao liliang” (“Navy Is an Important Force in Defending the Extension and Development of National Interests – Hải quân là một lực lượng quan trọng trong việc bảo vệ sự mở rộng và phát triển lợi ích quốc gia”), Journal of NDU, No. 10, 2005, p. 24.

Copyright © 2009 by Bauxite Việt Nam International
http://bauvinal.info.free.fr http://bauxitevietnam.free.fr



No comments: