Friday, February 12, 2010

Nhóm nhạc LẠC HỒNG Giữ VĂN HOÁ VIỆT SỐNG ĐỘNG

Nhóm nhạc Quận Cam giữ cho văn hóa Việt Nam vẫn sống động
Đăng bởi anhbasam on 11/02/2010
http://anhbasam.com/2010/02/11/469-nhom-nh%e1%ba%a1c-qu%e1%ba%adn-cam-gi%e1%bb%af-cho-van-hoa-vi%e1%bb%87t-nam-v%e1%ba%abn-s%e1%bb%91ng-d%e1%bb%99ng/

Los Angeles Times
Nhóm nhạc Quận Cam giữ cho văn hóa Việt Nam vẫn sống động

Nhóm Lạc Hồng của Little Saigon, khởi đầu bởi nghệ nhân đàn tranh gốc Việt Mai Nguyễn, đã phát triển lên đến 100 học sinh học nhạc và múa truyền thống.

My-Thuan Tran
Ngày 1-12-2008

Trước cuộc Chiến tranh Việt Nam, Mai Nguyễn là một giáo sư âm nhạc được suy tôn tại Nhạc viện Quốc gia Sài Gòn. Học sinh từ những phương xa tới nhằm tìm kiếm kiến thức lão luyện ở bà về đàn tranh, một nhạc cụ giống như đàn thụ cầm [harp] thích hợp cho đôi tay trình diễn một thứ âm hưởng thanh tao và hấp dẫn như ma ám.
Khi Sài Gòn rơi vào tay quân đội cộng sản năm 1975, bà Mai là một trong hàng ngàn người tị nạn trốn khỏi đất nước bằng thuyền. Bà đã bỏ lại cây đàn tranh yêu dấu của mình và cam chịu trước ý nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ trở lại dạy học nữa.
Thế nhưng không lâu sau khi tới Quận Cam, nơi có hàng ngàn người Việt tìm quê hương mới tới định cư, những người cùng tị nạn đã bắt đầu tìm tới bà. Xin hỏi, bà có thể dạy cho con chúng tôi được không? Họ hỏi.
Bà Mai đã có được một người bạn có thể gửi chiếc đàn tranh từ Việt Nam sang cho bà.
Và bà bắt đầu dạy các em học sinh trong nhà để xe của mình.
Bà Mai, cùng với một cựu giáo sư âm nhạc khác, ông Châu Nguyễn (không phải bà con thân thuộc với bà), đã bắt đầu lập một nhóm vào năm 1989 để dạy học sinh sử dụng các nhạc cụ Việt Nam truyền thống. Lớp học bắt đầu với 10 học sinh lên lớp bằng những bài học thông thường.
Ngày nay, nhóm Lạc Hồng đã phát triển lên tới 100 học sinh tham gia vào dàn nhạc, hát đồng ca cho trẻ em và người lớn, thậm chí cả các điệu múa truyền thống. Họ tập luyện trong một căn phòng tại tầng hai của một khu buôn bán.
Vào thứ Bảy, căn phòng đầy ắp những âm thanh của đàn luýt hình mặt trăng (đàn nguyệt), đàn bầu một dây, đàn cò trông giống như cây vĩ cầm, và đàn thập lục huyền cầm 16 dây (đàn tranh), được gảy bằng những cái móng đồi mồi đeo vào các ngón tay.
“Hồi đầu, tôi nghĩ rằng không ai muốn học loại âm nhạc này, thế nhưng không bao lâu sau khi tôi đến đây, họ đã tới và hỏi thăm,” bà Mai Nguyễn kể. “Càng dạy tôi càng thấy rằng tất cả người Việt Nam đều yêu thích âm nhạc của dân tộc mình.”
Mục đích của bà là gìn giữ âm nhạc Việt Nam truyền thống tại Hoa Kỳ. Lạc Hồng là nhóm nhạc lớn nhất tại đất nước mà việc trình diễn nghệ thuật Việt Nam truyền thống được quảng bá.
Những đứa trẻ mới lên 4 đã bắt đầu hát những bản dân ca cùng hai thầy cô giáo. Sau cùng, các học sinh chọn ra một thứ nhạc cụ để học. Nhiều người vẫn tiếp tục luyện các bài học cho tới khi họ rời đây để vào đại học.
“Các học sinh không chỉ học nhạc,” bà Mai cho biết. “Họ đang học cả văn hóa.”
Các học sinh trình diễn tại các sự kiện trong cộng đồng người Việt và cả tại các lễ hội quốc tế ở Nam California. “Chúng tôi cố gắng đem nghệ thuật này, văn hóa này vào trong dòng âm nhạc chủ đạo,” bà nói.
Bà Mai nói rằng bà thấy sửng sốt khi âm nhạc Việt Nam lại tiếp tục được trình diễn tại một xứ sở mới, nơi mà bà và hàng ngàn người tị nạn khác đã tới để xây dựng lại cuộc sống của mình. Một số học sinh bắt đầu học trước hết là do họ muốn làm vui lòng cha mẹ, bà kể.
Thế nhưng nhiều người đã trở nên say mê âm nhạc, bà cho biết, thỉnh thoảng thậm chí họ còn học thêm một nhạc cụ thứ hai nữa. Có những học sinh lớn tuổi của bà đã bắt đầu dạy cho những học sinh mới tới học.
“Văn hóa của chúng ta,” bà nhận xét, “vẫn còn đó.”

---------------------

Trần là Phóng viên của Times.

Hiệu đính: Blogger Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2008



No comments: