Saturday, February 6, 2010

CA KHÚC KHÔNG LỜI

Ca khúc không lời
Lề Trái
06/02/2010 3:35 chiều
Chưa có phản hồi.
http://www.talawas.org/?p=15767
(Một vài nhận định về/từ bản dịch bài viết của Jon Elster)

Nói thật trong thời đại đồ đểu là hành động mang tính cách mạng – Speaking the truth in time of universal deceit is a revolutionary act
George Orwell

Với thời đại của Google và Wikipedia, sẽ trở thành thừa thãi khi liệt kê tiểu sử một nhân vật như Jon Elster. Tôi sẽ bỏ qua phần này vì đối với giới nghiên cứu bên ngoài [VN], Jon Elster không cần tới sự giới thiệu kiểu Google hay Wikipedia. Chiều rộng và bề sâu của những vấn đề Jon Elster đặt ra đủ để bảo đảm một tầm nhìn và tiếng nói có trọng lượng trong những vấn đề ông quan tâm. Ông là một trong số ít học giả phương Tây trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào những cuộc thảo luận về việc tái thiết nền dân chủ ở Đông Âu và Nga ngay sau khi thể chế cộng sản bị đào thải. Vì vậy, những vấn đề ông nêu ra có thể là những kinh nghiệm quý báu cho những quá trình dang dở chưa hoàn tất. Hay ít nhất, tiếng nói của ông có một số thẩm quyền nhất định trong giới học giả về vấn đề này. Đây là lý do chính thúc đẩy tôi dịch qua bài phân tích này của ông.
[1]
Điều đầu tiên tôi muốn nêu ra là thời điểm của bài viết. Chắc độc giả có thể dễ dàng nhận ra được là bài viết này xuất hiện khi Gorbachev vẫn còn tại vị chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô cũ. Vì vậy, những nhận định về Liên Xô nói chung và Gorbachev nói riêng, mặc dù có độ chính xác nhất định, có thể được coi không hợp thời và cần bổ sung. Tuy nhiên, ở những quốc gia vẫn “kiên trì” với thuyết cộng sản, những nhận định trong bài viết có thể được tham chiếu ở một vài khía cạnh nào đó.
Một nhận định về ngôn ngữ của bài viết tưởng cũng rất cần thiết. Nếu tôi không lầm, ngôn ngữ của bài viết khá lạnh, với sự phân tích khá kỹ càng về phía cầm quyền. Theo tôi, điều này cũng dễ hiểu. Quần chúng bao giờ cũng là một ẩn số có mức giao động rất lớn, dẫn tới khó khăn trong việc đưa tới một kết luận khả thể trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, động lực và động thái của phía đương quyền tương đối có một quy tắc nhất định, mặc dù quy tắc đó đôi khi rất hỗn độn. Ít ra ta vẫn có thể suy ra, mọi quyết định từ phía cầm quyền sẽ phải dẫn tới sự tồn tại lâu hơn của chính họ ở vị thế quyền lực. Với quần chúng, động lực dẫn tới thay đổi và những điều kiện để động lực tạo thành một thế lực đáng kể dẫn tới biến chuyển thật sự diễn ra khá chậm (nếu có diễn ra), chưa kể việc động lực thường phát xuất từ rất nhiều mục tiêu, mà dân chủ chưa chắc là mục tiêu tối hậu.
Với những hạn chế như vậy, cách tốt nhất đôi khi là một cái nhìn lạnh.
Kế tới rất cần làm rõ khái niệm “thị trường xã hội chủ nghĩa” (market socialism). Có lẽ phải định nghĩa lại khái niệm “chủ nghĩa xã hội”. Theo tôi hiểu, khái niệm “chủ nghĩa xã hội” được dùng ở đây thoáng hơn hẳn so với những gì ta biết . Từ định nghĩa cơ bản nhất là cá nhân nào cũng thuộc về một tập thể dẫn đến sở hữu công, có thể thấy có một khoảng cách đáng kể từ chủ nghĩa Xã hội đi tới chủ nghĩa Cộng sản. Có thể tra ngược lên tới thời Plato với những đề nghị không tưởng (tạm dịch từ utopian) về sự tham dự đáng kể của chính quyền và những tư tưởng tiền thân của chủ nghĩa cộng sản. Tới Marx, “chủ nghĩa xã hội” nhuốm màu cách mạng, cổ vũ bạo lực đưa tới chủ nghĩa cộng sản (communism). Với những biến tướng khá kinh hoàng từ những quốc gia đã và đang là cộng sản, tồn tại một xu hướng đánh đồng 2 khái niệm đã nêu, nhất là ở Mỹ. Tuy vậy, về nguyên thủy ta thấy chủ nghĩa xã hội –trong chừng mực nào đó- vẫn còn đề cập tới tự do cá nhân, nhưng khi biến tướng qua chủ nghĩa cộng sản, cá nhân hoàn toàn biến mất. Trong bài viết này, chủ nghĩa Xã hội mang nghĩa nguyên thủy (trước Marx) rất có thể được dùng ở đây, vì chỉ nó mới cho phép một số giải pháp dẫn tới thị trường xã hội chủ nghĩa. Rất nhiều ý kiến cho rằng chủ nghĩa xã hội, một khi đã được áp dụng, sẽ dẫn tới chủ nghĩa cộng sản. Và ngay tới bây giờ có vẻ cuộc tranh luận vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Một trong những giải pháp đưa ra là bổ sung khái niệm chủ nghĩa xã hội bằng cách giới hạn sự can dự của nhà nước trong quản lý vi mô (micro), để dành năng lực tập trung vào vĩ mô (macro) và các phúc lợi xã hội. Hay nói theo ý của Karl Popper rằng việc tìm kiếm hạnh phúc nên để cá nhân, (nhà nước) chỉ nên lo cho những người kém may mắn.
Một điều cần chú ý nữa là sự khác biệt giữa tư bản và dân chủ. Tuy khác nhau nhưng 2 khái niệm có mối liên quan khá chặt chẽ. Mối liên hệ này, tiếc thay, lại không hữu cơ theo nghĩa nôm na kiểu con gà và quả trứng. Dân chủ sẽ dẫn đến thị trường tư bản, nhưng đây là quan hệ một chiều. Tư bản chưa và không bao giờ sản sinh ra dân chủ mặc dù nó là một trong những sản phẩm đặc trưng của dân chủ. Với mục tiêu tối quan trọng là lợi nhuận, tư bản rất dễ đi vào con đường cực đoan như tất cả các giáo điều khác. Một trong những sản phẩm phụ mà tư bản đưa tới là thời gian dùng để lo toan kinh tế cá nhân giảm một cách đáng kể. Kết quả, nói cho vui, xuất hiện một loạt hoạt động kiểu “nhàn cư vi bất thiện”. Ý thức cá nhân dân sự, có thể nói, là một kiểu như vậy. Sẽ sai lầm khi nghĩ ý thức cá nhân về dân chủ sẽ dẫn tới một nền dân chủ thực sự. Đây chính là bãi cát lún (quick sand) lớn nhất của Marxism khi dựa trên tam đoạn luận a = b và b = c suy ra a = c. Cái gì muốn là có thể, cái gì có thể là tất yếu, suy ra cái gì muốn là tất yếu
[2]. Tôi chấp nhận ý thức cá nhân về dân chủ sẽ tốt nếu nó xuất hiện trong một xã hội đã dân chủ, hay chí ít có được nền móng.
Theo kết luận của nhiều người, John Roemer là một, nếu chủ nghĩa xã hội chỉ bao gồm nhà nước phúc lợi (welfare state) và sự can dự tối thiểu của nhà nước vào hoạch định xã hội cũng như kinh tế, khái niệm “thị trường xã hội chủ nghĩa” có lý do để tồn tại, hoặc ít nhất là một bước đệm cho quá trình dân chủ và dân sự hóa xã hội, với điều kiện tiên quyết rằng 2 thực thể “thị trường” và “xã hội chủ nghĩa” phải được tách biệt cả về khái niệm lẫn chức năng.
Nếu sự phân chia rạch ròi xảy ra, ta có lý do để hy vọng. Nhưng nếu sự phân biệt không tồn tại, những gì đã thấy thời gian qua đưa tới ít nhiều lo ngại. Marx đúng duy nhất một lần khi chỉ ra nghịch lý lớn nhất của tư bản là về bản chất, nó khó song hành ngay cả với chủ nghĩa xã hội (khái niệm mở), chưa bàn tới chủ nghĩa cộng sản. Nếu 2 thực thể trên không được tách biệt, với 2 tầng nghịch lý sẽ đẻ ra muôn vàn nghịch lý. Ở mức nhẹ nhất, để “quẳng gánh lo đi” từ phía nhà nước, ta sẽ thấy xuất hiện quá trình tư bản hóa các chương trình xã hội, song song với việc nhà nước hóa một số lãnh vực tư bản vì lý do lợi nhuận hay quyền lợi . Ở mức cao hơn, tư bản và cộng sản trở thành 2 gọng của một thứ kìm, và nạn nhân đầu tiên sẽ là dân chủ. Gọng kìm thứ nhất, như đã trình bày ở trên, từ bản chất không sản sinh ra dân chủ của tư bản. Với sự hỗ trợ của tư bản, một kiểu cộng sản (theo nghĩa quyền lực tập trung) mới xuất hiện, một thứ tân cộng sản không đi qua thời “hậu”. Cái khác là tân cộng sản sở hữu một quyền lực kinh tế đủ mạnh để có thể gọi là thật, và họ nhận thức đầy đủ rằng độc quyền về chính trị dẫn tới quyền lợi vô hạn về kinh tế. Cái bánh vẫn không là thật, nhưng chắc chắn đã hết là bánh vẽ. Một loại bao cấp mới ra đời. Bây giờ người ta có thể đủ sống không cần vào Đảng Cộng sản, nhưng nếu muốn bung ra thêm tí đỉnh hay làm ăn riêng lẻ, quyền sinh sát vẫn tập trung trong tay đảng. Và đây là gọng kìm thứ nhì; một lệ thuộc nhìn bề ngoài có vẻ lỏng lẻo nhưng lại vô cùng chặt chẽ. Ngày xưa, đảng không có gì để dân theo ngoài đàn áp, ngày nay một cuộc đổi chác bằng kinh tế đưa tầng lớp trung lưu bậc trên và một số trí thức không nhỏ đi hẳn vào quỹ đạo lợi lộc của đảng, dẫn tới thái độ miễn cưỡng của tầng lớp này đối với các vấn đề dân chủ. Đúng hơn, hồi xưa im miệng vì sợ, ngày nay phần thưởng của sự im miệng là xa hoa. Giữa 2 cái sợ và xa hoa, cái nào có lợi hơn cho dân chủ xin không bàn tới ở đây. Chưa kể vòng kim cô của bản tuyên ngôn cộng sản vẫn tồn tại chưa hề mất đi, nhưng ít ra hào quang của nó cũng được che bớt.
Với thời điểm của bài viết và khái niệm mở về chủ nghĩa xã hội, tôi đoán khái niệm “thị trường xã hội chủ nghĩa” quá mới đối với học giả ngoài này mà Jon Elster là một. Nhưng lý luận (logic) cho thấy đủ vững để tồn tại một hình thức như vậy –cũng xin nhấn mạnh, không phải lý luận của Marxism- và cũng, theo tôi hiểu, trùng hợp với mô hình giới thiệu trong bài viết. Những gì xảy ra ở Trung Quốc và Việt Nam có dẫn tới kết luận 2 nước này đi đúng lý luận hay không là việc (khỏi) cần làm sáng tỏ. Sở dĩ sự khác biệt giữa mô hình của giới nghiên cứu ngoài này và mô hình Trung Quốc và Việt Nam đang đi được nhấn mạnh vì muốn tránh những ngộ nhận mang tính khái niệm giữa 2 mô hình chỉ giống nhau cái tên. Hay nói đúng hơn, cái tên do Trung Quốc đề ra, còn tính khả thể trên lý luận và điều kiện để nó phát triển tốt nhất là do giới nghiên cứu Tây phương đưa ra sau này. Ở bài này, mô hình đưa ra có thể được xem là sơ bộ, một đáp án khả thể cho giai đoạn chuyển tiếp trong tình hình Đông Âu.
Theo bài viết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến biến cố chính trị dây chuyền ở Đông Âu cuối thập niên 80 là sự án binh bất động của quân đội Liên Xô. Bài phỏng vấn cựu Tổng Bí thư Gorbachev gần đây càng cho ta cơ sở để tin vào tính xác đáng của vấn đề. Dựa vào tinh thần cụm từ “tinh thần quốc tế vô sản”, ta có thể đưa ra một số giải thích khả thể trong những lời chỉ trích khá nặng nề từ phía Việt Nam khi đề cập tới Liên Xô cũ và trách nhiệm của Liên Xô trong sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu. Tương tự, tính chất mới trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc cũng có thể giải thích bằng những điều trên. Bao nhiêu phần “quốc tế vô sản” trong mối quan hệ này vẫn có thể còn là ẩn số, nhưng tính thống nhất đánh dấu từ công hàm Phạm Văn Đồng cho tới nay (ngoại trừ thời gây hấn) cho ta thấy, phía Việt Nam, cụm từ “quốc tế vô sản” vẫn còn giá trị nào đó. Các biến cố ở Đông Âu và quan hệ từ lúc đó giữa Việt Nam và Trung Quốc có lẽ chỉ ra một điều Việt Nam không mấy tự tin lắm nếu xảy ra một sự kiện tương tự -ở đây tôi công nhận đảng xứng đáng với từ “sáng suốt”.
Từ đây ta có thể lo lắng vì cụm từ “quốc tế vô sản” chấm dứt ý nghĩa tại chỗ này. Có thể loại trường hợp Việt Nam không ý thức được bản chất lệ thuộc của quan hệ này, mà xem đây là một lựa chọn hoàn toàn chủ ý và đã cân nhắc. Đất nước và dân tộc có bao nhiêu gờ ram trong lựa chọn chắc cũng đáng là chủ đề bàn luận. Với những nhượng bộ tới mức khó hiểu từ phía Việt Nam, có lý do để tin rằng sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm một phần quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc này. Nếu đúng như vậy, vấn đề dân chủ của Việt Nam sẽ trở thành một bài toán cực kỳ khó. Yếu tố Trung Quốc sẽ trở thành vấn đề rất nan giải cho tất cả những ai muốn xảy ra một thay đổi chính trị đáng kể ở Việt Nam. Sự hiện diện ngày càng rõ rệt của Trung Quốc ở Việt Nam với sự giúp đỡ không giấu giếm – hay nói đúng hơn, giấu (hơi bị) dở – từ phía Đảng Cộng sản có thể sẽ gây khó khăn cho dân chủ ở Việt Nam, nhưng không thể loại bỏ tác dụng phụ của việc này là tới một lúc nào đó, thế ngồi trên lưng (ít nhất một con) cọp sẽ xuất hiện. Theo thiển ý của tôi, Trung Quốc trúng thầu bauxite chính là thời điểm này. Đất nước có đi vào thời Bắc thuộc mới hay không sẽ bắt đầu từ đây. Chỉ có thể chắc chắn một điều vì đã được khẳng định, bauxite là chủ trương lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, và việc Trung Quốc trúng thầu có thể cũng đã nằm trong “chủ trương lớn” này. Hay đúng hơn, thầu rất có thể chỉ là bình phong. Con cọp khả dĩ thứ 2 có thể là lòng yêu nước của chính nhân dân Việt Nam. Nếu Trung Quốc hiện diện chính thức qua bauxite, có thể con cọp này sẽ được đánh thức, và phải chờ hạ hồi phân giải để xem mèo nào cắn mỉu nào. Điều tôi quan tâm là vấn đề dân chủ sẽ bị quên lãng, hay lợi dụng để rồi đưa vào quên lãng như đã từng xảy ra ít nhất vài lần trong một quá khứ (không lấy gì là) xa xưa. Mọi việc sẽ đơn giản hơn nếu sự thay đổi diễn ra trước ở Trung Quốc, nhưng những gì xảy ra không cho chúng ta lý do để lạc quan.
Có thể thấy qua bài viết của Jon Ester, di sản một chế độ độc tài để lại cho bất kỳ 1 quốc gia nào không nhẹ một tí nào, nếu không muốn nói là quá nặng. Tất cả đều phải bắt đầu từ đầu trong những điều kiện hết sức ngặt nghèo -cụm từ của Jon Elster là “Đóng tàu ngoài khơi” (Building the Ship at Sea). Mỗi cố gắng đều có thể dẫn tới nguy cơ bất ổn dân sự và mầm mống độc tài lại có điều kiện trỗi dậy, chưa kể một loạt các bóng ma của quá khứ đều hiện về cùng một lúc. Đông Âu đã vậy, lịch sử Việt Nam càng không làm chúng ta an tâm một chút nào với truyền thống chuyên chọn lựa sai lầm làm lỡ tàu. Ngay cả “vươn ra biển lớn” cũng gặp phải “tàu lạ” để rồi cách giải quyết là bán tàu trả nợ. Các chế độ độc tài để càng lâu, càng gây nhiều tác hại cho đất nước và dân tộc. Tôi hy vọng chưa phải dùng đến cụm từ “quá trễ” để chỉ tình trạng đất nước và dân tộc hiện nay. Ở đây, ta có hai cách hiểu “quá trễ”; ở nghĩa tương đối, tức những cơ hội hiếm có bị bỏ lỡ, hoặc theo nghĩa tuyệt đối tức khả năng thể chế chính trị Việt Nam bị/được (nếu là thành viên Bộ Chính trị) sáp nhập vào nước “lạ”. Dân ta có khả năng làm được chuyện phi thường hay cứ theo “truyền thống”? Tôi mong mình không quá bi quan.
Tuy vậy, đây không phải là cái cớ để nói dân chủ chưa có điều kiện ở Việt Nam, nếu không nói là rất cần. Sẽ sai lầm khi nói dân chủ là một loại “xuyên tâm liên” trị bách bệnh, hay kiểu “một cỡ cho mọi người” (one size fits all). Cùng lắm, dân chủ chỉ là một biện pháp làm giảm sai số, và, hy vọng, sẽ dẫn tới tản quyền. Tối thiểu, dân chủ thật sự sẽ chấm dứt những tác hại do chính thể độc tài đương nhiệm gây ra. Nó cũng làm giảm tác hại của cả tư bản lẫn xã hội chủ nghĩa nếu một hoặc cả hai mang chiều hướng đi quá đà dẫn tới cực đoan
[3]. Tất nhiên, đây phải là dân chủ thực sự hay chí ít cũng phải là dân chủ tập sự. Còn “dân chủ tập trung”; từ tư duy câu nói có cánh “Quản lý là quản có lý” của một ông quan cộng sản, ta có thể hiểu dân chủ tập trung là dân chủ trong/của trại tập trung.
Ta cũng có thể thấy dân chủ là một quá trình, dài ngắn tùy trình độ chung của từng dân tộc. Có lẽ không khập khiễng lắm khi so sánh dân chủ như cái cây bắt đầu từ những hạt giống. Theo ý riêng của tôi, Đảng Cộng sản Việt Nam không có trong tay những hạt giống đó. Hay nói đúng hơn, những cụm từ về dân chủ chỉ tồn tại bên tuyên truyền. Từ năm 1945 tới giờ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có biết bao nhiêu cơ hội để đưa đất nước đến dân chủ. Những gì xảy ra chỉ cho ta thấy khi lợi ích của đất nước mâu thuẫn với sự tồn tại của một độc đảng, đảng chưa bao giờ do dự gạt mọi sự qua một bên để chăm lo tới sự tồn tại của chính mình. Với những câu nói từ cấp lãnh đạo như “Đổi mới hay là chết” hoặc “Bỏ điều 4 là tự sát”, ta có thể thấy cái-gọi-là đổi mới thật ra bắt nguồn từ dân chúng, và chấp nhận đổi mới từ phía lãnh đạo có thể đã là một bước nhượng bộ, một lần nữa, vì sự tồn tại của đảng. Thật ra cũng không khó hiểu lắm nếu một số vấn đề nguyên tắc được xét đến. Nếu Marxism bây giờ chỉ là cái lá nho như nhiều người nghĩ, ít nhất 1 điều của Marxism sẽ tồn tại cho tới ngày cuối của Đảng Cộng sản (nếu điều này xảy ra): Đó là cụm từ “chuyên chính vô sản”. Nếu dịch lại từ tiếng Anh “Dictatorship of the Proletariat”, nền độc tài của giới vô sản, có thể thấy đây là bản chất của chế độ.
Những hạt dân chủ, theo tôi, cũng không nằm trong đám đông dân chúng, có thể nói cách khác, nó không/chưa tồn tại trong dân tộc tính. Những câu nói kiểu “Đảng là tinh hoa của dân tộc” không phải không có cơ sở. Lấy lại hình ảnh con amip (amoeba) –loại động vật đơn bào- của bác Hà Sĩ Phu. Nếu đọc các bài viết gần đây xuất phát từ hình ảnh đó của các tác giả như Tưởng Năng Tiến để chỉ bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam, chắc sẽ khó hình dung được trong bài “
Đôi điều suy nghĩ của một công dân” (hasiphu.com), hình tượng loại động vật đơn bào được dùng nguyên thủy trong một quan sát về dân tộc Việt Nam. Chắc cần rất nhiều dữ liệu nhưng có thể đặt được giả thuyết rằng tính thông minh (nếu có) của dân tộc chưa chắc vượt ra khỏi phạm vi sinh tồn. Đúng hơn, nếu không đụng chạm trực tiếp vào điều kiện sinh tồn của cá nhân, chưa chắc họ muốn làm một điều gì mới. Điều này có thể cho thấy đối với đại bộ phận dân chúng, nếu cứ để cho họ làm ăn, dân chủ vẫn còn là chuyện “bên trời Tây”[4]. Khác với những nước Đông Âu 20 năm về trước, khi tất cả mọi thứ đều tốt hơn những thành quả tươi đẹp của chủ nghĩa cộng sản, phong trào dân chủ của những nước như Việt Nam đang phải đối mặt với một chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn mới (về hình thức). Và việc thiếu hẳn một định nghĩa rõ ràng cho chủ nghĩa tân-cộng sản này, theo tôi, đã gây không ít khó khăn cho sự định hình một tư tưởng đối kháng trong dân chúng bản địa[5]. Chưa kể một loạt những thứ sao nhãng (distractions) do tư bản đưa lại cũng làm không ít người tạm quên những điều thiết yếu. Hạt dân chủ, tuy vậy, lại nằm trong những cá nhân của đám đông dân chúng. Tôi không nêu tên nhưng mọi người dư biết họ là ai và cũng dư biết họ không là ai, và dân chủ ở Việt Nam –nếu có thể gọi- sẽ phải nhờ tới họ rất nhiều. Một lần nữa, lấy hình tượng cái cây nảy mầm từ hạt, việc những hạt này có cơ may sản sinh ra một thể chế dân chủ hay không lại nằm trong tay dân tộc. Quyền lựa chọn của một dân tộc chưa bao giờ mất đi, nó chỉ -vì một vài lý do rất cụ thể nào đó- không được dùng tới và dần dần “để gió đưa vào lãng quên”.
Ở trên, tôi công nhận sự sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc đánh giá khả năng tồn tại của mình trước một biến cố chính trị, nếu xảy ra, nhưng cho tới bây giờ có thể thấy một sự cẩn thận quá đáng. Có lẽ cũng nên phân biệt tấm màn the mỏng manh phân cách sự cẩn thận quá đáng và tầm nhìn xa trông rộng; hướng nhìn là một. Phải chăng Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không tin lắm vào chính những khẩu hiệu mình đưa ra như “Đảng là tinh hoa của dân tộc”, hay những biến cố ở châu Âu đã gây ra một cơn lạnh cẳng (cold feet) trầm trọng hơn những gì ta nghĩ? Theo thiển ý của tôi, câu nói trên có cơ sở khá vững. Chỉ tiếc, để sự thay đổi từ bên trong đủ đáng kể để có thể dẫn tới những thay đổi bên ngoài chiếm quá nhiều thời gian. Mọi chuyển động bên ngoài không đủ để dấy lên một niềm lạc quan. Zinoviev có viết, “Cầm đầu một bầy chuột không thể là con sư tử”. Nếu câu này có giá trị nào đó, ta hoàn toàn không có lý do để trách móc phương thức đối ngoại của Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Trung Quốc; cũng chỉ là những kiến nghị, không hơn và không kém.
Để kết thúc, tôi lược dịch lời tranh luận cuối liên quan tới lời trích của St. Augustine trong phim “The Great Debaters” về bất tuân dân sự (civil disobedience):
Một thứ luật phi lý không phải là luật, có nghĩa ta có quyền, hơn nữa, có nghĩa vụ phản đối nó bằng bạo lực hoặc bằng bất tuân dân sự.

© 2010 Lề Trái
© 2010 talawas


[1] Việc dịch một bài viết của Jon Elster qua tiếng Việt buộc tôi phải làm rõ một số điều. (1) Chuyên môn của tôi không phải kinh tế, chính trị, hay cả hai, ở mặt này này chỉ giới hạn ở chừng mực quan tâm đặc biệt (peculiar interests). Lý do cũng dễ hiểu, nó liên quan tới Việt Nam. (2) Về Jon Elster, tôi chỉ đi sâu vào những nghiên cứu của ông về “có lý và vô lý” (rationality & irrationality), và Marxism. (1) + (2) có thể suy ra kiến thức của tôi về những vấn đề nêu ra trong bản dịch rất giới hạn. Nói đúng hơn, nó dừng lại ở mức liệt kê (indexical), một loại kiến thức khá nguy hiểm đối với học giả ngoài này. Khốn nỗi, bản dịch đòi hỏi một số nội hàm cần phải được làm rõ, nhất là bản dịch qua tiếng Việt. Tôi quan niệm bản dịch qua một thứ tiếng tức giới thiệu vấn đề cho một cộng đồng đặc biệt với tất cả những ưu khuyết điểm tượng trưng. Qua những gì đã nói, tôi xin được bảo lưu quyền sai sót của mình và mong muốn sự đóng góp của tất cả.
[2] Theo Shlomo Avineri, không phải ngẫu nhiên mà Marx mừng quá đỗi khi gặp thuyết lịch sử của Hegel. Aniveri chỉ ra Marx đã phải đối đầu với vấn nạn này (từ ước muốn đến tất yếu), và Hegel là câu trả lời khả dĩ. Khốn nỗi thuyết lịch sử của Hegel lại chình ình một Thượng Đế, tức Thượng Đế muốn thì tất yếu. Vì ta hoàn toàn không biết Thượng Đế muốn gì nên suy ngược lại, những gì xảy ra là tất yếu vì đó là ý muốn của Thượng Đế. Liệu có thể thay thế Thượng Đế bằng biện chứng duy vật được không là vấn đề nằm ngoài phạm vi bài viết này.
[3] Ở đây ta thấy Tocqueville và Mill (thời kỳ đầu) hơn hẳn Marx ít nhất 1 cái đầu. Tối thiểu 2 ông đã nhìn ra một cơ chế có thể chế ngự được bất cứ một chiều hướng cực đoan nào, trong khi Marx thay thế cái cực đoan này bằng cái khác.
[4] Điều này có thể đưa tới sự kéo dài vô thời hạn của tình trạng bây giờ (không quay lại với 10 điều răn của bản tuyên ngôn cộng sản), hay bánh xe lịch sử của bà Phạm Thị Hoài có quay lại đúng điểm xuất phát hay không vượt quá khả năng dự đoán của bản thân người viết. Thiển ý của riêng mình, tôi nghĩ bánh xe sẽ quay lại không sớm thì muộn. Nhưng lần này quá trình sẽ chậm hơn. Kết quả sẽ vẫn thế, tất nhiên.
[5] Khó khăn này không chỉ riêng ai. Trong các đảng cộng sản hiện nay, theo tôi, chỉ có các nước Nam Mỹ là vẫn còn hoang tưởng về chủ nghĩa cộng sản. Các đảng còn lại ít nhiều đều lâm vào một vài kiểu khủng hoảng, bắt đầu từ khủng hoảng về danh xưng/căn cước. Trung Quốc là một ví dụ khá sinh động. Xem thêm http://www.economicexpert.com/a/Socialism:with:Chinese:characteristics.htm. Từ phía “phản biện” (tư cách của những cha cố thời Trung Cổ) lề phải, ta nghe lại nhóm từ “Chủ nghĩa xã hội với bộ mặt người” của Dubcek thời xa vắng nào đó. Chỉ không biết cái chủ nghĩa xã hội trước đây là gì.


No comments: