Saturday, February 6, 2010

KHI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN TAN RÃ

Khi chế độ cộng sản tan rã
Jon Elster
Lề Trái dịch
06/02/2010 11:35 sáng
Chưa có phản hồi.
http://www.talawas.org/?p=15761
Biểu hiện tối thiểu của một xã hội có trật tự là mọi người dừng xe khi đèn đỏ. Một vài trường hợp chỉ ra lý do đôi khi người ta không tôn trọng đèn đỏ cũng có thể, đôi lúc, cho thấy terminus a quo (khởi điểm) và terminus ad quem (kết cuộc) trong một số biến cố chính trị gần đây.
Ở Thượng Hải thời Cách mạng Văn hóa, Hồng vệ binh không thể chấp nhận màu đỏ có nghĩa dừng lại. Họ muốn thay đổi hệ thống đèn đường để đèn đỏ cho phép đi. Chu Ân Lai chấp nhận đề nghị này, cho tới khi tài xế của ông nói đèn đỏ dễ thấy hơn khi tối trời và thời tiết xấu.
Ở Bắc Kinh thời gian gần đây, tôi nghe lời giải thích tại sao xe đạp vẫn vượt đèn đỏ: vì kiếm được phụ tùng cho bộ thắng rất khó khăn, người đi xe đạp thà liều có tính toán hơn dừng lại.
Ở Sao Paolo, cũng mới đây, tôi ngạc nhiên khi người tiếp tôi vốn tôn trọng pháp luật lại không dừng khi đèn đỏ. Ông giải thích việc dừng lại nguy hiểm hơn, vì người đi sau sẽ tưởng ông không dừng. Khả năng bị xe sau đụng là khá lớn nếu dừng lại.
Ở Chicago, tại nhiều ngã tư, tài xế các xe đi gần lề đường thường vượt đèn đỏ, vì sợ bị bọn cướp lê la gần đó dùng súng trấn lột.
Tính chất mê sảng của trường hợp Thượng Hải cũng có thể tìm thấy trong những bản phóng sự gửi đi từ Romania dưới thời Ceaucescu. Những biểu hiện đầy kịch tính của một ý thức hệ [đã trở nên] điên rồ không phải là hậu quả trực tiếp của một hệ thống xã hội nào đó. Mặc dù những biểu hiện này có thể xảy ra dưới chế độ này nhiều hơn dưới chế độ khác, nhưng kinh nghiệm lịch sử của Argentina thời Peron và của Đức thời Weimar cho chúng ta biết rằng những hệ thống dân chủ không phải là vô nhiễm trước sự kết hợp nguy hiểm của ý thức hệ và chứng vĩ cuồng của người lãnh đạo.
Trường hợp Bắc Kinh vạch rõ một sự thất bại nội tại trong hệ thống. Một hệ thống kinh tế không tạo ra được hàng hoá có thể, vì nhiều lý do khác nhau, không bảo đảm sẽ tôn trọng luật pháp. Đặc biệt là, một số công ty, vì không kiếm đủ nguyên liệu để hoàn thành chỉ tiêu, phải dùng cả biện pháp hối lộ.
Trường hợp Sao Paolo chỉ ra một xã hội bị đóng khuôn trong loại quân bằng kém cỏi (inferior equilibrum). Ở đây khi mọi người đều nghĩ người khác sẽ vượt đèn đỏ, vì lợi ích của mình, mọi người đều vượt đèn đỏ. Khái niệm không vượt đèn đỏ sẽ có lợi hơn cho mọi người chưa bao giờ tồn tại. Tham nhũng trở thành ví dụ của cùng một hiện tượng: nếu mọi người hối lộ và đòi hỏi được hối lộ, không hối lộ chỉ còn nước phá sản.
Trường hợp Chicago cũng có thể xảy ra ở Sao Paolo: thật ra, hiện tượng đó phổ biến hơn [ở Sao Paolo]. Nó chỉ ra khả năng bùng nổ khi hai thế giới biệt lập tiếp cận nhau. Ở các nước thứ ba, những cuộc gặp gỡ như vậy thường làm cho người ta cảm thấy rất nao lòng. Khi xe tôi dừng lại ở một ngã tư Mexico City, trẻ con lại gần để biểu diễn trò nuốt lửa hòng kiếm được vài xu dù nguy hiểm đến tính mạng. Phần lớn trẻ em này, về sau tôi biết, thường mất sớm vào tuổi vị thành niên (teens). Ở Delhi, tại một ngã tư đặc biệt, chúng tôi gặp một kẻ ăn mày mù vì mắt của anh ta có thể đã bị chính băng đảng của mình móc ra để làm tăng sự thương hại–một người biết rõ câu chuyện đã kể lại cho tôi như vậy. Cả hai trường hợp cho ta thấy mục tiêu riêng – theo kiểu hằn lên ký ức trong Herald of Free Enterprise – đang được áp dụng.
Về phong trào cải cách đang diễn ra trong thế giới cộng sản, trường hợp Bắc Kinh và Thượng Hải tượng trưng cho terminus a quo (một khởi điểm). Những trường hợp khác cho thấy terminus ad quem (một chung cuộc) chăng? Khi hệ thống bưng bít cộng sản tan rã, kết quả có thể sẽ là tư bản man rợ. Năm 1988 ở Delhi, các nhà khoa học xã hội tôi gặp bày tỏ niềm tự ti trước Trung Quốc, vì Trung Quốc đã giải quyết xong tình trạng đói nghèo thâm căn cố đế ở thôn quê. Trong tương lai, cách phát triển ở Trung Quốc có làm họ [Delhi] cảm thấy ít tự ti hơn chăng? Liệu ta có thấy được Hungary và Ba Lan bắt kịp Tây Ban Nha, hay vẫn bị kẹt cứng trong tình trạng cò kè và hối lộ?
Trước khi nhìn vào tương lai của các phong trào cải cách, ta nên thử nhìn vào quá khứ gần đây. Có lẽ ta không bao giờ có thể hiểu được tính năng động đích thực của những chuyển biến đang diễn ra ở các nước cộng sản vài năm gần đây. Sự kết hợp của các động lực – hợp lý và phi lý, ích kỷ và xả thân – đã dẫn tới thành công trong một số trường hợp và thất bại ở những trường hợp khác. Sự kết hợp này hầu như quá phức tạp để có thể thấu hiểu toàn bộ, nhưng ít nhất ta có thể chỉ ra một số thành tố trong hỗn hợp, và nhận biết một số chiến lược mà những bên tham gia được có.
Đầu tiên ta xét về những lựa chọn các lãnh đạo độc tài toàn trị phải đương đầu trong một quốc gia đầy rẫy bất lực của chính quyền và bất mãn của nhân dân. Để duy trì quyền lực, giới lãnh đạo có bốn chọn lựa: cải tổ, đàn áp, án binh bất động (inaction), hoặc ra tay trước (preemption). Những biến cố gần đây xác minh câu nói của Tocqueville rằng những cải tổ hời hợt, tượng trưng có tính chiến thuật vì áp lực từ dân chúng chỉ làm cho họ phẫn nộ thêm chứ không làm cho họ thoả mãn (ne font jamais qu’enflammer le people sans le contenter). Ở Trung Quốc, những nhượng bộ [nửa vời] vào tháng 4-5, 1989 đã chia rẽ không những phe chống đối mà cả giới lãnh đạo chính quyền, làm mất khả năng mặc cả và tương nhượng. Quyết định của Krenz – mở biên giới Đông Đức hòng làm giảm sự ra đi ồ ạt của dân chúng – có thể đã là một đòn chính trị tuyệt vời nếu xảy ra 3 tháng trước đó. Một toan tính sảy non nhằm áp đặt hệ thống chính trị kiểu giữ trinh một nửa (demi-virgins) ở Tiệp cũng vô ích như vậy.
Vai trò của đàn áp phức tạp hơn. Tôi có thể nhìn ra bốn hậu quả khác nhau của việc dùng vũ lực thô bạo trong các trường hợp đưa ra. Đầu tiên và rõ ràng nhất, việc đàn áp sẽ mang lại hiệu quả mong muốn là làm cho đối lập chịu thêm tổn thất và gặp thêm nhiều rủi ro. Kế đến là hậu quả mà nhà cầm quyền không lường trước và cũng không hề mong muốn: đàn áp càng nặng nề, giới bị đàn áp càng không còn gì để mất, làm sự bất mãn tăng cao, và vì vậy quyết tâm hy sinh của họ sẽ lớn hơn. Những gì đã diễn ra tại Romania có thể được giải thích, ít nhất một phần, bằng sự tính toán sai lầm của Ceaucescu liên quan tới lực tương tác của hai hiệu quả này. Hơn nữa, một cuộc đàn áp có thể cung cấp thông tin cho các phần tử đối kháng thiếu tổ chức và hoạt động tản mác đồng thời làm cho họ vững tin vào chính nghĩa: nếu chính phủ đàn áp thẳng tay, điều này nhất định có nghĩa là phong trào phản kháng đã lan rộng hơn bất cứ một cá nhân bất đồng chính kiến nào có thể nhìn thấy được, hoặc có nghĩa là trong thực tế chế độ đã trở nên lung lay hơn cái vẻ bên ngoài của nó. Và cuối cùng, đàn áp càng quyết liệt khả năng dẫn tới hình phạt càng nặng nề cho những kẻ đàn áp khi chính quyền bị lật đổ, vì vậy họ càng bám lấy quyền lực bằng mọi cách, mọi giá và càng lâu càng tốt. Một nghịch lý xảy ra từ các chính thể cực cứng rắn kiểu Romania là cả phe chống đối lẫn tay chân của chế độ không còn gì để mất khi phải đối đầu sống mái với nhau.
Hiệu ứng của việc đàn áp nói trên còn có ngụ ý sâu xa. Trong các cuộc chuyển đổi từ chế độ quân nhân sang chính phủ dân sự ở Châu Mỹ Latin, vấn đề được bàn thảo là, các tướng tá phải bị đem ra xử nghiêm khắc trước toà khi họ phạm luật, không những để đảm bảo tính chính đáng của thể chế dân chủ, mà còn ngăn ngừa những phạm pháp tương tự trong tương lai. Cứ lẽ thường, đúng là hình phạt nặng sẽ làm khả năng một cuộc đảo chánh khó diễn ra. Nhưng nếu nó thật sự diễn ra, chính nguyên cớ đó sẽ làm cho những kẻ cầm quyền khó có thể từ bỏ quyền lực trong hòa bình. Tính đổ đồng, kết quả đôi lúc còn tệ hơn. Ở Đông Âu tranh luận có tính chiến lược này chưa xảy ra, dù ta có thể ngỡ ngàng về ý nghĩa của việc xóa bỏ án tử hình cho nhiều thành viên trong các lực lượng an ninh đàn áp tại Romania [dưới thời Ceaucescu]. Ở Trung Quốc, với truyền thống thay đổi chính sách xoành xoạch như chuyển động con lắc, tranh luận nói trên rất có thể mang một ý nghĩa.
Án binh bất động (inaction) trước một tình trạng bất ổn xã hội là một chính sách đòi hỏi một mức độ tỉnh táo đáng kể. Điều này hoàn toàn không được thử nghiệm trong những biến động gần đây; và ngay cả nếu áp dụng, chắc cũng không thành công. Đầu tháng 6, 1989, phần lớn sinh viên ở Thiên An Môn là từ các tỉnh đổ về. Không có động lực thật sự, sinh viên Bắc Kinh và các giáo sư đã rút lui khỏi quảng trường. Rất có khả năng lực lượng biểu tình đang chiếm đóng quảng trường sẽ tan rã sau vài ngày nữa. Phải chăng ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mất kiên nhẫn khi ra lệnh đàn áp? Rất có thể họ chọn đàn áp vì sự chia rẽ trong ban lãnh đạo cần một hành động quyết liệt. Ta cũng có thể hỏi tại sao đường lối án binh bất động đã không được sử dụng như một chính sách có cân nhắc tại Tiệp Khắc khi phong trào quần chúng hầu như bất bạo động và không có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của công nhân nhà máy, chính phủ mất gì nếu không can thiệp? Ít nhất không can thiệp có khả năng ít nguy hiểm hơn đàn áp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phong trào sẽ lắng xuống nếu công an được lệnh không can thiệp: nó vẫn tiếp diễn như trường hợp Đông Đức.
Nếu chính sách án binh bất động cần đến kiên nhẫn và tỉnh táo, chính sách “tiên hạ thủ vi cường” (ra tay trước) đòi hỏi phải có trí tuệ. Gorbachev đạt được nhiều thành tích ngoạn mục là nhờ việc ông ta biết đi trước các đòi hỏi của nhân dân một vài bước—chí ít cho đến thời điểm của bài viết này. Nhưng những cải tổ của ông cho tới nay vẫn chưa mang lại ấm no cho dân chúng. Một lần nữa dựa quan niệm của Tocqueville, người ta có thể tranh luận rằng nâng cao kỳ vọng của nhân dân mà không đáp ứng được chúng tức là tạo điều kiện cho cách mạng. Lẽ thường, nếu cứ trông chờ cho sự việc xấu đi trước khi khá hơn, thì tình hình sẽ trở nên ngày càng bất ổn. Chiến lược của Gorbachev đôi khi mang vẻ một bước nhảy vọt về phía trước, trong đó mỗi nhượng bộ chính trị được thực hiện là để giảm bớt những bất bình mới xuất hiện vì nhượng bộ trước đó chỉ mang tính tượng trưng. Có lẽ không bao lâu nữa Gorbachev sẽ cạn kiệt luôn cả những hành động tượng trưng. Tuy vậy, theo thiển nghĩ của tôi, con đường cải tổ kinh tế sâu rộng có thể còn nhiều bấp bênh hơn nữa.
Đối với dân chúng, vấn đề chính là liệu họ có cần xuống đường hay không. Tại những nước thuộc khối Warsaw, muốn giải thích về lý do và thời điểm của các cuộc xuống đường, người ta phải bàn đến hai chuỗi biến cố chồng chất lên nhau, một từ bên trong mỗi nước và một xuyên biên giới quốc gia.
Ta biết từ lý thuyết về hành xử tập thể rằng không ai chịu xuống đường với những động cơ hoàn toàn vị kỷ. Từ cách nhìn đó, tốt nhất là ngồi nhà và để người khác hy sinh. Nhưng rõ ràng phần lớn những hành vi ta chứng kiến đều có tính cách xả thân (selfless). Nhưng đối với phần lớn dân chúng, có thể họ sẽ chấp nhận rủi ro đến một giới hạn nào đó. Một yếu tố chính yếu trong việc lựa chọn xuống đường hay không rất có thể là sự mong đợi số người có thể tham gia. Một đám đông to lớn sẽ cho người tham dự cảm giác an toàn, vì công an sẽ chùn tay khi bắn vào các đám đông to lớn, không thể xem họ là đám du côn ăn tiền nước ngoài, và vì độ rủi ro sẽ giảm cho mỗi người nếu công an quyết định bắn. Hơn nữa, khi số người tham dự biểu tình gia tăng, nhiều người sẽ làm theo vì nghĩ rằng họ phải đóng góp phần mình hay vì lý do ít cao thượng hơn là để tránh mang tiếng làm một kẻ quá giang.
Từ Leipzig tới Bucharest, ta đã chứng kiến hiệu ứng quả tuyết (snowball) khi các đám đông và các cuộc biểu tình càng ngày càng lớn từ trường hợp này sang trường hợp khác. Ở Đông Đức và Prague, phản ứng thiếu thông minh của giới cầm quyền trở thành chất xúc tác làm tăng tốc tiến trình. Nhưng phong trào này cũng có những động lực tự thân. Ta biết rất ít về mục đích của những người làm hạt nhân cho các cuộc biểu tình đầu tiên, số tham gia thường không vượt quá 4 con số. Một số có thể không còn gì để mất, số khác có thể hành động vì lý do nào đó như đạo đức cơ bản [categorical imperative, từ của Kant - ND], một số có thể khôn ngoan cho rằng nếu tham dự vào một biến cố có thể là nhỏ, họ có thể ảnh hưởng lên số người tham gia những cuộc biểu tình trong tương lai, một số có thể chỉ vì ham náo nhiệt, số nữa chỉ vì lập dị. Dù lý do gì đi nữa, họ đã tạo ra một nhóm đủ lớn để hấp dẫn nhiều người với nhiều lý do khác nhau cho lần tới. Y như đi theo một bài bản, quả tuyết đã tăng trưởng theo cách thế sau đây. Mỗi lần ra thông cáo cho sự kiện kế, dân chúng thường nghĩ số người tham gia ít nhất sẽ đông như lần trước. Như các lý do đã nêu ở đoạn trước, sự chần chừ trong số người tham gia thêm biến mất; và càng tham gia, họ càng tạo ra những mong đợi lớn hơn, vì vậy sẽ dẫn đến càng nhiều người tham gia sự kiện kế, cho tới lúc lượng người tham gia lên đến 6 con số và chính quyền sụp đổ.
Không cần nói, đây không phải toàn bộ vấn đề. Ta phải giải thích tại sao các chính thể ở Đông Âu lại sụp đổ năm 1989, thay vì 1979 hoặc 1969. Một yếu tố giải thích có thể là sự bất mãn ngày càng tăng về một nền kinh tế càng lúc càng rõ ràng thất bại theo ý nghĩa tương đối và cả tuyệt đối. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất hiển nhiên là chính sách không can thiệp của Gorbachev vào Đông Âu. Bao lâu mà việc đưa quân đội Xô-viết vào Đông Âu vẫn còn được coi như một khả năng, người phản kháng sẽ phải đối mặt với thực tế này: trong khi những chống đối nhỏ lẻ chỉ làm hại chính bản thân họ, những phong trào lớn lại có thể làm cho cả nước lâm nguy. Khi tình huống nguy hiểm thứ nhì đã bị loại bỏ, sự leo thang của phong trào phản kháng là tất yếu. Hiệu ứng domino đang tác dụng: một khi chính quyền Xô-viết từ chối can thiệp vào một quốc gia, có thể nó sẽ không can thiệp vào quốc gia kế tiếp. Sự kiện công an Đông Đức không nổ súng vào đoàn biểu tình cho phép ta suy diễn rằng họ bị Liên Xô ngăn cản và một sự chế ngự tương tự cũng sẽ diễn ra ở Prague.
Một khía cạnh quan trọng của phong trào cải tổ trong thế giới cộng sản là sự chuyển tiếp – bị hủy bỏ ở Trung Quốc, đang tiến hành ở Liên Xô, tiến xa hơn ở Đông Âu – từ chế độ độc đảng qua dân chủ. Những cuộc chuyển đổi tương tự đã xảy ra vài lần ở châu Mỹ La tinh và Nam Âu, và một số bài học từ các quốc gia này có thể áp dụng cho các chế độ cộng sản. Có thể điều độc đáo về quá trình hiện nay là chuyển đổi chính trị thường đi kèm với chuyển đổi kinh tế không kém phần sóng gió; đó là sự chuyển biến từ một nền kinh tế hoạch định trung ương sang một nền kinh tế thị trường có tính tản quyền (decentralized). Câu hỏi được đặt ra ở đây là, liệu hai nền kinh tế ấy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhau hay sẽ cản trở nhau – hoặc vừa thuận lợi vừa cản trở.
Sự kết hợp giữa cải tổ chính trị và kinh tế, tuy nhiên, không phải chỉ diễn ra ở Đông Âu. Tháng 11 trước, tôi dự một hội nghị ở Buenos Aires về tình trạng nhân quyền và dân chủ của Argentina. Trong cuộc họp, tôi gặp cựu Tổng Thống Alfonsin. Nền dân chủ Argentina rất mỏng manh. Nước này vừa thoát khỏi một nền độc tài quân phiệt cực kỳ hung bạo và, vì những lý do như được bàn dưới đây, đã bầu chọn một tổng thống tương tự như Peron trước đây. Kinh tế Argentina hiện nay là rất tồi tệ. Vào khoảng Thế chiến I, sản lượng trên mỗi đầu người của Argentina gấp 5 lần của Nhật, bây giờ tỉ lệ ấy là 4:1 theo chiều ngược lại. Mọi thành phần và phe nhóm kinh tế đều được hưởng những trợ cấp to lớn từ chính phủ hoặc do những dàn xếp đặc biệt khác. Trong đất nước có đến 30 triệu dân, nhưng chỉ có 30 ngàn, cả cá nhân và công ty, đóng thuế lợi tức . Để loại bỏ các công ty độc quyền và các khu vực kinh tế bao cấp, sự tiến tới một nền kinh tế thị trường cạnh tranh tự do là tối cần thiết: khốn nỗi mỗi khu vực kinh tế đều có những đại diện chính trị mạnh mẽ quyết liệt bảo vệ đặc quyền của nó. Câu hỏi tôi đặt ra với Tiến sĩ Alfonsin khi tới phiên mình phát biểu là như thế này: “Từ những sự kiện xảy ra ở Đông Âu và Trung Quốc, ngài có nghĩ rằng một kế hoạch cải tổ cùng lúc cả chính trị lẫn kinh tế là khả thi hay không?” Ông nghiêm mặt nhìn tôi, và nói: “Tôi biết ngài muốn ám chỉ cái gì. Nhưng tôi nói với ngài rằng, ở châu Mỹ La tinh, kế hoạch đưa cải cách kinh tế trước chính trị đã được thử đi thử lại. Nhưng chưa bao giờ thành công.” Nếu cải tổ thành công bao gồm sự phân phối lợi tức công bằng, ông ta đúng; ngoài ra, lịch sử cận đại Chile đưa ra một ví dụ ngược lại.
Như tôi thấy, cải tổ kinh tế và cải tổ chính trị tại các quốc gia cộng sản và đã từng là cộng sản gồm hai thành tố (components) cho mỗi bên. Phía kinh tế, cả cải tổ về giá cả và cải tổ quyền sở hữu đều cần thiết. Cải cách giá cả – tức là để cho giá cả được quyết định bởi luật cung cầu, và chính phủ không nhúng tay vào việc điều chỉnh giá cả – là cần thiết để bảo đảm rằng giá cả sẽ phản ánh sự hiếm (hoặc đầy đủ) của tài nguyên, và rằng việc đầu tư, phát triển hoặc co cụm sẽ diễn ra đúng khu vực kinh tế. Cải cách quyền làm chủ là cần thiết nhằm đảm bảo các nhà quản lý được khích lệ vật chất để thi hành nhiệm vụ một cách hữu hiệu. Mặc dù mục đích đó có thể đạt được bằng cách cải tổ quản lý, nhưng dạng thức công ty cổ phần vẫn là một khí cụ đáng tin cậy hơn. Cải cách giá cả và sở hữu không chắc sẽ đưa các quốc gia này đến tư bản. Ít ra, người ta có thể quan niệm được hai dạng thức xã hội chủ nghĩa theo kinh tế thị trường, mặc dù chúng có sống được hay không vẫn còn là vấn đề chưa ai giải đáp. Người ta có thể chuyển qua kinh tế thị trường với mỗi công ty được làm chủ hoặc quản lý bởi nhân viên làm việc tại đây. Để vận hành hiệu quả, hệ thống này cần tới một thị trường tín dụng, nhưng thị trường lao động có thể sẽ không cần thiết. Nói thế khác, người ta có thể phát hiện yếu tố “xã hội chủ nghĩa” (socialist component) của chủ nghĩa xã hội theo kinh tế thị trường (market socialism) trong việc nhà nước áp dụng những khí cụ của chính sách kinh tế vĩ mô nhằm đảm bảo rằng tiến độ và phân phối đầu tư phản ánh hệ thống chính trị.
Trên bình diện chính trị, cả chế độ dân chủ lẫn những đảm bảo hiến định về tự do cá nhân là những điều rất được người dân mong muốn (desiderata), trong tự thân và như là những điều kiện tiên quyết cho cải cách kinh tế. Tôi muốn tranh luận rằng tiến trình cải cách song hành sẽ gặp nhiều khó khăn. Tôi sẽ làm điều này bằng cách đưa ra năm thế tương lập (interdependencies) không thể có được cùng một lúc—theo như tôi thấy.

Đầu tiên, để có hiệu quả, cải cách giá cả và cải cách quyền sở hữu phải tương tác với nhau. Việc cho phép kinh doanh tư nhân trong một nền kinh tế giá cả bị kiểm soát sẽ làm tăng những cuộc buôn bán ngắn hạn để kiếm lời, thay vì hoạt động sản xuất. Hơn nữa, lợi tức không thể dùng như một chỉ số hiệu năng (index of efficiency). Thả nổi giá cả, trong khi dựa dẫm giới quan liêu gọi là để thương lượng tìm kiếm vốn tư bản và lao động, sẽ vô hiệu hóa tác động của thị trường.
Thứ nhì, cải cách giá cả sẽ loại bỏ dân chủ chính trị, nếu những cải cách này chỉ làm cho người nghèo trở nên nghèo hơn. Thả nổi giá cả chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát; nếu kết hợp với cải cách sở hữu, việc thả nổi giá cả sẽ dẫn tới phá sản và thất nghiệp; sẽ có thể xảy ra nạn đói ở một số nước. Nếu giới công nhân có sức mạnh chính trị, qua các đảng phái hoặc công đoàn, họ có thể dùng sức mạnh này để chặn đứng hoặc đẩy ngược tiến trình. Lý luận cho rằng tình trạng thắt lưng buộc bụng là cần thiết trong thời kỳ quá độ nhưng sẽ biến mất trong hệ thống ổn định ở cuối đường hầm, không có sức thuyết phục mấy đối với giới công nhân.
Thứ ba, cải cách sở hữu sẽ không tương hợp (incompatible) với dân chủ chính trị nếu những cải cách này chỉ giúp người giàu trở nên giàu sụ. Sở hữu tư nhân dẫn tới thu nhập không đồng đều, điều không chấp nhận được trong nhiều bộ phận dân chúng đông đảo. Như một éo le của lịch sử, giới công nhân ở Trung Quốc và Liên Xô ngày nay trương ra chủ nghĩa bình quân (egalitarian ideology) như một vũ khí nhằm chống lại chế độ; trường hợp này cũng xảy ra gần đây ở Hungary. Làm chuyện này, họ tranh thủ được sự ủng hộ của giới bảo thủ trong bộ máy nhà nước, vốn đã không mong gì hơn ngoài sự thất bại của cải cách. Mặc dù tới bây giờ mọi người đều biết chẳng còn ai tin chủ nghĩa Mác, những chế độ đang bám víu vào chủ nghĩa này sẽ gặp khó khăn trong việc chống đỡ những cáo buộc dựa trên nền tảng Mác-xít.
Thứ tư, cải cách sở hữu đòi hỏi sự ổn định pháp lý và những bảo đảm hiến định. Để đảm bảo các tác nhân kinh tế sẵn sàng bỏ vốn vào những đầu tư lâu dài mới sinh lợi, quyền sở hữu tài sản phải được tôn trọng, và luật hồi tố (retroactive legislation) phải bị ngăn cấm.
Cuối cùng, những giới hạn hiến định và chế độ dân chủ cần đến lẫn nhau. Ta thường nghĩ tách riêng hai vấn đề này ra dễ hơn là tách riêng hai thành phần (components) của việc cải cách kinh tế, trong đó mỗi thành phần cần đến thành phần kia nếu những kết quả tồi tệ không xảy ra. Dẫu sao, chế độ quân chủ lập hiến đã hoạt động hữu hiệu theo một cách nào đó: nền độc tài hiến định tại sao lại không? Cái khó là, như tôi đã bàn trong một bài viết về Trung Hoa xuất bản trên báo này tháng 11, 1988, chỗ mạnh của nhà độc tài lại chính là chỗ yếu của ông: nhà độc tài hoàn toàn bất lực trong việc giữ mình không can thiệp vào hệ thống luật lệ khi thấy tiện. Các chế độ quân chủ lập hiến bị giới hạn bởi những cơ quan trung gian có đủ quyền hành, còn trong những thể chế độc tài hiện đại, xã hội phần lớn bị phân hóa (atomistic). Quyền lực phải được chia ra để bảo đảm sự tôn trọng hiến pháp. (Một lần nữa, Chile dưới quyền Pinochet cho ta một phản ví dụ [counter-example] khó xử). Ngược lại, một chế độ dân chủ nếu không chịu những câu thúc hiến định (constitutional constraints) cuối cùng sẽ trở nên bất lực. Nó có thể cho ra những quyết định, nhưng khó giữ vững lập trường.

Tóm lại, cải cách về giá cả và sở hữu cần lẫn nhau, cũng như chế độ dân chủ và tính hiến định (constitutionalism). Mọi cải cách kinh tế nói trên đều không tương hợp với chế độ dân chủ, trong khi cần tính hiến định để cải cách sở hữu thành công. Nếu các tiền đề trên đúng, cải cách toàn bộ là vô khả thi. Với hướng mũi tên nhân-quả (causual arrows), cải cách chính trị mà không chuyển đổi qua thị trường cạnh tranh tự do vẫn có thể diễn ra, nhưng về lâu dài dân chủ sẽ bị thiệt hại nếu kinh tế đình trệ. Cải cách kinh tế trong khuôn khổ toàn trị lại càng bất khả thi.
Ở đây, mỗi một trong năm luận điểm nói trên có thể bị phản biện. Nỗ lực điều chỉnh và từng bước bổ sung từ phía chính quyền, cùng với thái độ chấp nhận những gian khổ và bất công tạm thời từ phía quần chúng, có thể duy trì một đường lối khả thi nhằm tiến tới một nền dân chủ thị trường ổn định, có thể với một thành tố xã hội chủ nghĩa. Đề nghị của Lech Walesa về một thứ độc tài kinh tế tạm thời để giải quyết những khó khăn trong thời kỳ chuyển tiếp cũng là một cách để thoát khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan (dilemma). Tôi không thể bác bỏ những đề xuất này, nhưng tôi không tin tưởng lắm. Giới công nhân Ba Lan có chấp nhận một nền độc tài có thể kéo dài cả mười năm hoặc lâu hơn không? Không có lý thuyết nào làm bản chỉ dẫn cho những nhà cải cách, hoặc kinh nghiệm trước đó để học hỏi. Những bài học từ thử nghiệm sẽ mất tác dụng với thực tế vì người dân sẽ hành xử khác nếu họ biết chính sách hiện tại chỉ là thử nghiệm. Trong tình trạng vô cùng bất ổn này, dân chúng sẽ có nhiều lý do chính đáng, và cả những lý do rõ ràng không chính đáng, để phản đối những chủ trương gian khổ hi sinh. Trong một quốc gia như Ba Lan, giới lãnh đạo có thể giải quyết vấn đề bằng cách giao quyền hạn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để có thể nói với dân chúng: “Chúng tôi bị trói tay”. Nhưng rất khó tưởng tượng Liên Xô sẽ rơi vào tình trạng nhận viện trợ. Những báo cáo cho rằng Liên Xô sẽ bán đồ gia bảo (thật ra, dự trữ vàng) để tài trợ cho việc nhập khẩu hàng hóa tiêu thụ trong thời kỳ chuyển tiếp đầy sóng gió tới một nền kinh tế tự lực là rất khó tin – những lãnh đạo cẩn trọng rất ít khi dùng tới chiến lược nhiều rủi ro này.
Ngoài ra, còn có nhiều khó khăn khác. Văn hóa chính trị – một yếu tố rất quan trọng cũng rất khó nhận ra – có thể trở thành vật cản. Việc cải tổ song hành như nói ở trên sẽ không thành công trừ phi quân đội chịu đứng ngoài chính trị; và trừ phi các giao dịch kinh tế được kềm hãm bằng những chuẩn mực sơ đẳng của tính lương thiện và sự tín cẩn. Trong những xã hội mà quân đội bị chính trị hóa đến tận cốt lõi, tính giả dối và sự ngờ vực trở thành không thể thiếu để tồn tại, những giá trị kể trên sẽ không xuất hiện một sớm một chiều. Một phái đoàn học giả Xô-viết về ngành luật gần đây tới thăm Đại học Chicago để nghiên cứu qui trình chấp hành pháp luật. Họ nói: “Chúng tôi có những luật lệ thật tuyệt vời, nhưng chúng tôi không biết làm thế nào để mọi người chấp hành”. Người nghe câu đó chỉ muốn buột miệng trả lời: “Xin quí vị chờ thêm vài trăm năm nữa”. Những nước đang đổi mới hiện nay cố gắng dồn vào trong vài thập niên hay thậm chí vài năm những gì mà Phương Tây mất hàng thế kỷ và cố tình đạt những thành quả mà Phương Tây gọi là kết quả không tính trước của những quyết định có tính tản quyền (decentralized decisions). Nỗ lực này là khó khăn và nguy hiểm.
Hơn nữa, có thể dân chúng không muốn dân chủ. Một lần nữa, tôi xin căn cứ vào những bằng chứng lấy từ Argentina. Các tham dự viên trong hội nghị gặp chủ tịch Đảng Pê-rôn-nít (Peronist Party), Ông Cafiero. Ông kể cho chúng tôi ông đã sử dụng quyền lực trong một cách thế có hại cho địa vị của ông như thế nào. Sau khi chính quyền quân phiệt đổ, ông nhận lãnh nhiệm vụ làm tăng sự tôn trọng những giá trị dân chủ trong đảng. Trong nhiệm vụ tái định hướng này, ông tổ chức Đảng gần đường lối dân chủ hơn. Theo truyền thống, các vị lãnh đạo chóp bu của Đảng cứ việc lựa chọn ứng cử viên để ra tranh cử tổng thống, không mảy may quan tâm tới các ý kiến của những đảng viên thường (ở hạ tầng). Với tư thế một người vận động để được đề cử làm ứng viên, lẽ ra Cafiero có thể tự chọn chính mình, nhưng ông quyết định không làm như vậy. Ông cũng có thể đi theo con đường dân chủ hoá có giới hạn, bằng cách để ứng viên tổng thống được chọn bởi Đại hội đảng (the Party Congress), tại đó Cafiero chắc chắn đã đánh bại đối thủ (và là đương kim Tổng thống), Carlos Menem, tỉ số 10:1. Dù vậy, ông giao sự lựa chọn cho toàn bộ đảng viên, và họ đã chọn Menem sát nút. Mặc dù Menem gần với kiểu mẫu độc tài Peron hơn, nhưng ông lại được dân chúng hậu thuẫn nhiều hơn đối thủ Cafiero, người muốn chọn lựa ứng cử viên bằng phổ thông đầu phiếu. Tôi kể lại chuyện này không phải vì sự chính xác của lịch sử, điều tôi hoàn toàn không biết, nhưng chỉ nhận xét rằng chuyển biến kiểu này ở Liên Xô là có thể. Chính sách ra tay trước (policy of pre-emption) của Gorbachev cũng có nghĩa dân chủ phần lớn được đưa từ trên xuống dưới. Ta sẽ phải chờ xem là liệu, trong những cuộc bầu cử hoàn toàn tự do, ứng cử viên dân chủ nhất có được bầu chọn hay không. Đường hướng phản hiện đại trong văn hóa Nga có vẻ chỉ ra là không.
Để bảo đảm cuộc chuyển tiếp suôn sẻ, chuyện cần thiết là phải bảo đảm giới thượng lưu trước đây (the former elite) không mất mát quá nhiều. Để việc cải tổ giới chức hành chánh Trung Hoa dễ dàng, Đặng Tiểu Bình đã loại bỏ những người thủ cựu ra ngoài bằng cách cấp cho họ những số lương hưu hậu hĩ. Chính sách này rất tốn kém nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả: cả vào tháng giêng 1987 và tháng sáu 1989, ảnh hưởng của giới thủ cựu trong đảng mang tính quyết định. Tình thế của Gorbachev còn khó khăn hơn. Ở Liên Xô, chống lại cải tổ không phải chỉ ở những kẻ thủ cựu, nhưng còn từ một số lớn những cán bộ trung cấp. Mua chuộc toàn bộ thì không thể; ý kiến thay đổi tư duy của họ thì không tưởng; cưỡng bách họ cần đến các thế lực cưỡng bách có khả năng, nhưng vấn đề là không ai dám đứng ra làm việc này. Có thể khó làm được gì cho tới khi họ nghỉ hưu.
Dàn xếp với giới lãnh đạo chế độ toàn trị trong thời gian chuyển đổi qua dân chủ còn khó khăn hơn. Không có gì bảo đảm những cơ chế tự trị dân chủ sẽ tôn trọng những dàn xếp riêng tư với giới đã từng đàn áp. Argentina lại một lần nữa đưa ra một số bài học. Để đáp lại áp lực mạnh từ phía quân đội, Tổng Thống Alfonsin đã hứa với các tướng tá là sẽ không truy tố họ về những tội ác xảy ra dưới chế độ quân nhân. Kế đến ông đưa ra một chỉ thị vào tháng 12/1986 mang nội dung mọi truy cáo sẽ phải làm trước cuối tháng giêng 1987 – tư pháp thường đi nghỉ vào thời gian này. Bất bình trước âm mưu lèo lái tư pháp của Alfonsin, viện công tố quyết định làm việc cả ngày lễ và vì thế có thể đã đưa ra nhiều vụ hơn thường lệ. Ta chưa biết dàn xếp nào, nếu có, đã được thực hiện với giới chức lãnh đạo quân đội, đảng và công an ở Romania, Đông Đức và Tiệp Khắc; hoặc, nếu có những dàn xếp, liệu chúng có được các cơ chế dân chủ tương lai tôn trọng hay không; hoặc, nếu có những dàn xếp nhưng chúng không được tôn trọng, liệu giới lãnh đạo cũ có đủ quyền lực để lật ngược quá trình cải tổ hay không. Vấn đề nan giải trong việc hứa hẹn nhân danh những cơ chế dân chủ đang thành hình có thể sẽ là một trở ngại trong cuộc chuyển động về hướng dân chủ ở Trung Quốc.
Nhiều vấn đề sẽ cộm lên khi ta hỏi ai sẽ làm chủ các [xí nghiệp tư (private enterprises)] (theo tôi hiểu, đây là những công ty riêng của nhà nước cũ, không phải các công ty tư nhân theo kiểu tư bản). Tại Ba Lan, xu thế cho phép giới đảng viên cũ làm giàu mang mầm mống bất ổn dân sự và, có lẽ vì lý do này, nay đã chấm dứt. Chiều hướng của Hungary và Đông Đức bán tháo với giá rẻ mạt cho phương Tây cũng gây ra một số nguy hiểm. Dự kiến bất ổn dân sự có thể xảy ra và mối lo tài sản có thể bị tịch thu không những góp phần làm phá giá mà còn tạo ra động lực cho công ty nước ngoài rút lợi nhuận đem về nước thay vì đầu tư lại vào quốc gia sở tại.
Tôi bi quan khi nghĩ đến tương lai của việc cải tổ ở Liên Xô. Gorbachev có thể vẫn giữ được quyền lực nếu ông vẫn tiếp tục tránh né những quyết định kinh tế khó khăn, nhưng ông sẽ không biết dùng quyền lực để làm gì. Nếu ông cố dùng nó, hoặc ngay cả khi ông không dùng, nguy cơ có thể xảy ra là ông có thể bị một chế độ quân nhân thay thế và những cải tổ kinh tế cỏn con có thể bị dẹp bỏ. Dù vậy tôi không nghĩ chủ thuyết Gorbachev sẽ bị đảo ngược. Khả năng quân đội Xô Viết có thể can thiệp vào cả bốn nước Đông Âu là điều rất khó nghĩ ra, vì lý do hậu cần và chính trị.
Tháng Nămvừa rồi, Phó Tổng Thống Mỹ Dan Quayle, theo lời tường thuật, có nói: “Diễn biến hướng về dân chủ ở Trung Quốc là không thể đảo ngược – nhưng điều đó có thể thay đổi.” Chỉ vì thương hại ông Quale, ta mới có thể nhận ra một ít khôn ngoan thơ thẩn trong câu nói này. Ấy là ông Quale có thể đảo ngược cái cảm nhận của ông về chuỗi biến cố được coi là không thể đảo ngược. Đám cháy đang lan khắp Đông Âu không khỏi cho ta cái ấn tượng về một chuyển động không thể đảo ngược, hướng về chế độ dân chủ tư bản Phương Tây. Cộng sản đã thua; tư bản đã thắng. Cũng không ngạc nhiên khi cộng sản đã thua; nó chưa bao giờ có vẻ gì là thắng. Mặt khác, chế độ dân chủ thị trường không phải chỉ là một hệ thống đơn nhất, nhưng nó lại nằm dưới nhiều dạng thức khác nhau. Nó bao gồm cả Brazil lẫn Thụy Điển; nó có thể thô bạo cũng như nó có thể văn minh. Chế độ dân chủ thị trường cũng không phải là biện pháp duy nhất để thay thế chủ nghĩa cộng sản. Hay, nói ngược lại, một nền kinh tế do trung ương hoạch định và chế độ độc đảng Lê-nin-nít không phải là giải pháp duy nhất cho thị trường cạnh tranh và dân chủ đa nguyên. Luận điểm của tôi không phải chỉ là, khi suy luận về tương lai của các quốc gia cộng sản hoặc trước đây là cộng sản ta phải cân nhắc mọi khả năng: nếu ta muốn ảnh hưởng tới bước phát triển đó, điều quan trọng phải nhớ là sự chuyển đổi qua một xã hội dựa trên ba cột trụ dân chủ hiến định, kinh tế thị trường và nhà nước phúc lợi là không tự động xảy ra và cũng chẳng phải là không thể đảo ngược.

Nguồn:
http://web.archive.org/web/20060911154358/www.geocities.com/hmelberg/elster/AR90WCD.HTM

Bản tiếng Việt © 2010 Lề Trái
Bản tiếng Việt © 2010 talawas




No comments: