Xuất khẩu văn học
Nguyễn Văn Lục
19-01-2010
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7089
Tin Nhà vừa nhận được ba tác phẩm của Mai Nguyên là: Giọt buồn trên quê hương, Đã mang lấy nghiệp và Là biết nghìn trùng. Một tác phẩm tiếng Việt khác của Mai Nguyên do Tủ sách Tiếng Quê Hương phát hành là Thư gửi vào không.
Đây là những dòng tâm bút của tác giả ghi lại nhiều cảnh đời mà tác giả đã trải qua. Tôi thật ít thấy ai chịu khó viết hơn Mai Nguyên. Mai Nguyên đã có 5 tác phẩm viết bằng Anh ngữ là God’s Will, Little Daisy, Shadow Of Happiness, A Certain Kind Of Life, A Blade Of Grass In The Wind.
Xin trân trọng giới thiệu ba tác phẩm trên của Mai Nguyên.
Xuất khẩu văn học
Sau khi xuất khẩu tài nguyên như nông phẩm thô, nguyên liệu thô hoặc sơ chế rồi đến sản phẩm gia công, Việt Nam đi đến “xuất khẩu lao động rẻ”. Sau đó là “xuất khẩu cô dâu” sang Đài Loan, Đại Hàn.
Phải chăng đây là giai đoạn chót, họ nghĩ tới “xuất cảng Văn học”?
Dự án xuất khẩu Văn Học này được giao cho Hội Nhà Văn do ông Hữu Thỉnh, chủ tịch hội ba nhiệm kỳ liên tiếp. Hội Nhà Văn đã tổ chức từ ngày 5/01 đến 10/01 một Hội Nghị Quốc Tế để giới thiệu Văn Học Việt Nam.
Hội Nghị này đã để lại rất nhiều dư âm xấu nhiều hơn tốt. Tin Nhà xin dành chỗ cho anh Ng. T. L. ghi lại diễn biến toàn thể Hội Nghị này. Những tiêu đề và chú thích do Tin Nhà thêm vào.
Về số người tham dự
Thưa anh Lục
Như đã thư cho anh trong những lá thư trước, tôi được Hội Nhà Văn mời tham dự Hội Nghị Quốc Tế này từ hơn tháng nay. Tôi cũng không kỳ vọng gì nhiều vào nó mà chỉ cốt ra Ha Nội gặp một số bạn bè nhà văn lâu chưa gặp và xem các người ngoại quốc họ nghĩ gì về Văn Học VN.
Truyện “xuất khẩu văn học” VN nghe như xuất khẩu gạo hay than đá chăng!
Thật ra thì trước đó các nhà xuất bản hoặc các tổ chức văn hóa các nước như Pháp, Đức, Mỹ đã làm truyện đó rồi từ nhiều năm nay trong một quy mô nhỏ.
Đây là lần đầu tiên chính thức chính quyền đứng ra đảm nhiệm công việc này.
Tôi không mấy tin tưởng vào Hội Nghị Quốc tế này mà tôi nghĩ chỉ nhằm mục đích tuyên truyền và phô trương nhiều hơn là thực tế. Nếu mình hay thì “hữu xạ tự nhiên hương” phải không anh?
Số người tham dự khoảng 300 người anh ạ. Ấn tượng lắm đấy chứ. Xứng đáng tầm vóc một Hội nghị Quốc Tế ! Nhưng thật ra chỉ có độ 50 khách ngoại quốc đến từ hơn 10 quốc gia.Trong số 50 khách ngoại quốc là tính cả các Việt Kiều Hải ngoại. Vậy mà họ phóng lên là có 32 quốc gia tham dự! Cái tật phét lác vẫn không chừa anh ạ.
Tôi nghĩ thật sự không có như vậy. Họ nói thế để làm gì không biết.
Còn lại là khoảng trên dưới 100 người là là các nhà văn, nhà thơ, dịch giả trong nước. Thêm vào đó có khoảng 50 chục các em nam nữ sinh viên để tiếp đón và phục vụ các khách mời. Nó cũng giống như các kỳ hội Vesak hay Hội Nghị Việt Kiều trước đó cũng có đám sinh viên phục dịch rất chu đáo. Bên cạnh đó, phải thêm khoảng 50 chục nhà báo, đi dự “được ăn ké” các buổi tiếp tân mỗi ngày. Ban tổ chức còn chu đáo tổ chức các đội văn công, văn nghệ sĩ đi theo để hát hoặc múa giúp vui. Chắc cũng 5, 6 chục người nữa. Hầu như lúc nào cũng có văn nghệ giúp vui trong các buổi tiếp tân đó. Có vị vừa mới tham dự Hội Nghị Việt Kiều cho biết kỳ trước có mời các ca sĩ như Quang Linh chỉ hát mấy bài mà phải trả đến 4000 đô la. Nghe nói Hội Nghị Việt Kiều tốn 10 triệu đô la. Kỳ này, nghe các anh em nhà báo cho biết tốn 5 tỉ 8 (tiền ông Hồ - DCVOnline).
Tất cả ăn, ở rất sang và tốn kém và đều được nhà nước đài thọ. Khách sạn thì có hai tiêu chuẩn: Người trong nước thì ở khách sạn thường, còn khách mời ngoại quốc và Việt Kiều thì ở các khách sạn quốc tế, khách sạn Hồ Tây, 5 sao.
Điều này đã gây “bức xúc” cho các nhà văn trong nước và Hải ngoại. Họ không nói ra. Nhưng các anh em hải ngoại họ cảm thấy ái ngại và rất khó chịu khi có sự phân biệt như vậy.
Các buổi chiêu đãi liên tiếp diễn ra trong mấy ngày của Hội Nghị.
Bữa thì Bộ Văn Hóa,Thể thao và du lịch chiêu đãi ở Hotel Sheraton năm sao, bữa thì Ủy Ban Nhân TP Hà Nội đãi ở Hotel Hồ Tây, bữa đi Hạ Long ra nghỉ hai đêm ở đảo Tuần Châu thì Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hạ Long chiêu đãi. Cuối cùng thì Hội Nhà Văn đãi bữa ăn buffet ở nhà hàng Sen có đến 150 chục món.
Bữa nào cũng trên dưới vài trăm người. Những dịch vụ sinh viên, những dịch vụ báo chí, những dịch vụ ca sĩ múa hát, những dịch vụ nhà hàng, Tất cả chỉ là chia nhau phần bánh ngọt mà chủ tịch Hội Nhà Văn là đầu nậu.
Tất cả đều là tiền của Nhân dân đóng góp mồ hôi sương máu cả đấy. Cốc mò, cò xơi là thế.
Có vị từ nước ngoài về than thở:
“Ăn thì cũng chả ngon gì, nhưng mình ngao ngán vì tốn kém một cách vô ích, tội nghiệp cho những người nghèo”.
Họ ở xa về mà có tấm lòng xót xa như thế. Còn trong nước thì cứ “vô tư” hưởng thụ.
Nói đúng ra, họ tổ chức chỉ muốn để phô trương cái mà họ không có. Họ chiêu hàng mà không bán hàng, vì có hàng gì đâu mà bán. Bán đã ai mua?
Chiêu hàng là chính, phô trương là chính. Bán là phụ.
Một dịch giả được mời vốn là trí thức miền Nam du học có nhận xét như than phiền: Tôi để ý xem có nhà văn, nhà báo miền Nam nào trước 1975 được mời không? Không có ai cả. Họ hình như cũng tránh né không muốn nhắc nhở gì đến Văn học miền Nam trước 1975. Chỉ trừ Phạm Xuân Nguyên, còn được gọi là Nguyên đầu bạc có lần giới thiệu nhà văn Dương Nghiễm Mậu. Sau đó tờ Sài Gòn Giải Phóng có bài viết “lên lớp” Phạm Xuân Nguyên. Thế là im chuyện.
Văn Học miền Nam chắc là bị xóa sổ không được xuất cảng.
Dự Hội Nghị mà những chuyện thảo luận, tôi ít quan tâm, nhưng lại thích để ý những truyện bên lề mà theo tôi bao giờ cũng mang nhiều ý nghĩa.
Chẳng hạn trong số những người vắng mặt đặc biệt có nhà văn Nguyên Ngọc và nhóm Tia Sáng bị đóng cửa mới đây. Ông Nguyên Ngọc là người có tư cách lắm. Chắc ông có dính dáng đến nhóm Tia Sáng, rồi nhóm “Think Tank” nên không được mời? Các nhà văn có tiếng, có sách dịch ra tiếng nước ngoài như Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh được biết cũng từ chối tham dự. Danh sách mời các nhà văn cũng trục trặc đến giớ phút cuối cùng vì nhiều phản đối không được mời
Nhất là phái đoàn Pháp cũng không có đại diện mặc dầu nhiều đầu sách của các nhà văn đã được dịch sang tiếng Pháp đạt thành công như Bảo Ninh, Bùi Ngọc Tấn, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Thiều, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Khắc Trường.
Những dịch giả trong nhón “Ăn mày văn chương” như Phan Huy Đường, Phạm Trọng Luật vừa có văn hóa cao, có kiến thức triết học lẫn văn học, rành rẽ tiếng Pháp, từng là các dịch giả của các nhà văn vừa kể trên, tôi cũng không thấy có mặt? Họ có được mời mà không về dự hay không được mời? Cái đó phải hỏi họ hay hỏi ông Hữu Thỉnh. Nhưng điều tôi biết chắc là danh sách được mời phải đệ trình lên chính phủ duyệt.
Cái khó của VN là như thế. Hội Nhà Văn tổ chức. Nhưng duyệt xét phải trình bẩm.
Tôi cũng thấy hình như các vị trí thức trong nhóm Diễn Đàn Forum cũng không có một người nào? Phải chăng nay họ trở thành những trí thức không cần thiết có mặt ở Việt Nam?
Ôi chỉ chuyện mời hay không mời đã gây om xòm rồi anh ạ. Cái đất nước này nó như thế anh ạ.
Những lấn cấn trong Lễ Khai Mạc
Mở đầu là bài diễn văn “đề dẫn” lê thê mà chắc nhiều người chẳng để ý xem ông chủ tịch Hội Nhà Văn nói gì?
Nhất là trí thức hải ngoại, họ cảm thấy khó chịu lắm về những thủ tục rườm rà, lễ nghi khách sáo. Họ có vẻ không kiên nhẫn, có người định bỏ cuộc. Anh em khuyên mới chịu ở lại.
Chúng tôi thì quen cái trò này rồi anh ạ. Cùng lắm chúng tôi rủ nhau ra ngoài tán phét, hút thuốc lá vặt. Câu chuyện của họ là mang ông nọ ông kia ra mổ xẻ, ngay cả đối với các ông quan văn nghệ đang hò hét bên trong Hội Trường. Ngồi lâu sốt suột, có anh sai thằng khác:
“Mày vào xem chúng nó đi đến đâu rồi.”
Vẫn chưa xong. Tiếp tục đấu láo..tiếp tục ăn tục nói phét. Đó là cái văn hóa Hà Nội đáng lẽ phải đem xuất cảng mới phải.
Bài diễn văn mất một phần tư cho việc thưa mới gửi, cảm tạ quan khách trong đó hình như có ông Tô Huy Rứa, nếu tôi nhớ không lầm, Ủy viên bộ chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Nhiệt liệt chào mừng. Nhiệt liệt. Vỗ tay rào rào. Rồi đến phó trưởng ban tuyên giáo trung ương. Nhiệt liệt. Ông Mguyễn Thiện Nhân, phó thủ tướng chính phủ. Nhiệt liệt. Ông Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng bộ Văn Hóa, thể thao và du lịch. Nhiệt liệt. Rồi có đáp từ. Mỗi lần có đáp từ, ông chủ tịch Hội nhà văn lại khúm núm lên có lời cám ơn.
Một ông ở trong bỏ đi ra, tôi không nhớ là ông nào vừa đi vừa lắc đầu nói: “Họ nịnh, nịnh quá, nịnh từ đầu tới cuối. Nó buồn cười. Nó khôi hài.”
Trong khi đó thì một số nhà văn, người Việt ở nước ngoài ngồi “chịu trận”, xì xầm chỉ trỏ bàn tán về cái khẩu hiệu lớn trên tấm màn sân khấu:
Hội Nghi Quốc Tế. Giới thiệu Văn Học Việt Nam. Ở dười có dòng chữ dịch mot-à-mot, từng chữ một như sau: International Conference To Introduce Viet Nam Literature.
Thôi chết rồi. Phen này hố to rồi. Dư luận thấy trình độ dịch thuật a, b, c quá trước mặt bá quan văn võ. Thật đến xấu hổ. Cơ quan báo chí nhà nước thì cho rằng Hội Nghị Quốc Tế đã thành công vượt bực, ngoài cả mong muốn của Ban Tổ Chức, mặc dầu có một vài trục trặc kỹ thuật vì chưa có kinh nghiệm tổ chức Quốc tế!
Báo Thể thao Văn Hóa chạy những tít lớn, “Một bước ngoặt đưa văn học Việt ra thế giới: Văn học Việt Nam trước biển lớn hội nhập.”
Chú thích của Tin Nhà
Có người phán vu vơ rằng dịch thế này thì có khác gì thời Tây nó dịch: Tiếng chuông thiên mụ nó dịch là Vợ Trời ! !
Các quan chức trong Hội Nhà Văn biết mình hố rồi nên Ban tổ chức trong bữa bế mạc đã khéo léo đến tiểu xảo đổi lại chữ và viết nhỏ xíu ngồi dưới không cách nào đọc ra chữ. Họ ăn gian thấy rõ.
Tin Nhà phải dọi đèn và phải dùng kính lúp đọc cho rõ thêm dòng chữ dịch nhỏ li ti.
Họ che giấu lỗi lầm bằng cách để chữ Lễ bế mạc, Closing ceremony rất lớn ở giữa choán hết khung tấm màn.
Trên cùng tấm màn sân khấu là một dòng chữ rất nhỏ đổi lại là: International Conference for advancement of Vietnamese Literature
Họ đã chào hàng món “xuất khẩu văn học” chẳng khác gì một món “hàng dởm” đối với khách hàng ngoại quốc bằng sự dịch lủng củng của họ.
Thực trạng “đời sống sách dịch” của Việt Nam qua các bài tham luận của các tác giả ngoại quốc.
Mặc dầu trong buổi lễ bế mạc, vì xã giao, vì lịch sự cũng có, nhiều tác giả ngoại quốc đã phát biểu đầy tình nghĩa. Rồi lại cộng thêm các nhà báo Việt thêm mắm thêm muối và rất có thể nói bịa thêm nên người ta đọc được những câu như sau:
“Buổi bế mạc tổ chức vào tối ngày 10/01/2010 đã trở nên nóng rang bởi những tiếng nói nhiệt thành của các bạn văn quốc tế đối với nền văn học VN, đối với đất nước con người VN và những tràng vỗ tay không dứt bởi sự sung sướng trước những lời nói, tình cảm mà các bạn văn quốc tế giành cho văn học Việt Nam”
Thôi xin phép trích dẫn một câu thôi kẻo nhàm tai người đọc.
“Thực tế không phải như vậy. Nó thê thảm hơn nhiều anh ạ.”
Ông Gunter Giesenfeld Vorsitzender, chủ tịch Hội Hữu nghị Đức-Việt phải thừa nhận rằng sách văn học VN xuất bản ở Đức không quá 1000 bản và hiếm khi nào bán hết. Tháng 10/2008, có cho in một cuốn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với 1000 bản in, nhưng đến nay 2010 mới bán được 200 cuốn.
Tình trạng như thế cũng tương tự như ở Pháp, Mỹ, Trung Quốc.
Phần ông Chúc Ngưỡng Tu, đại biểu Trung Quốc cho biết:
Năm 2008, Trung Quốc xuất bản 275 ngàn đầu sách với tổng số in là 7 tỉ cuốn. Sách dịch chiếm một thị phần rất nhỏ trừ những cuốn được giải Nobel. Nhưng ông Chúc Ngưỡng Tu tiết lộ một điều làm tôi ngạc nhiên hết sức. Ông cho biết, ông là người đã dịch cuốn Ông cố vấn của Hữu Mai sang tiếng Trung Hoa.. Nhưng NXB ở Trung Quốc đã “câu” độc giả với cái tên “thương mại” hơn, Tuyệt đối bí mật - vụ án gián điệp lớn nhất trong cuộc chiến Việt Nam.
Tôi thật không hiểu nổi tại sao cuốn sách Ông cố vấn được xếp vào loại sách rẻ tiền, hạ cấp, bôi nhọ miền Nam. Vậy mà ai đó có đủ can đảm để giới thiệu dịch ra tiếng nước ngoài? Tôi thật chịu không hiểu nổi anh ạ. Họ chạy theo lợi nhuận hay vô văn hóa nên làm như thế chăng?
Đến lượt ông giáo sư Đại Hàn Ahn Kyong Hwan (Đại học Chosun), theo thống kê cho hay từ 1992 đến 2009, chỉ có khoảng 13 đầu sách văn học Việt Nam được dịch và xuất bản tại Hàn Quốc với số lượng hạn chế như: Nhật ký trong tù, (2000 bản năm 2003). Chỉ có vậy thôi.
Chú thích của Tin Nhà
Trong khi đó, ông chủ tịch Hội Nhà Văn Hữu Thỉnh trong một buổi nói truyện tại Hotel Hòa Bình trước đó, tại Long Xuyên, đã phét lác không thua gì Nguyễn Minh Triết như sau:
Một tác giả Hàn Quốc đã cho ông biết là khi cuốn sách truyện Cánh đồng bất tận của của Nguyễn Ngọc Tư được dịch ra tiếng Hàn Quốc thì dư luận tại Hàn quốc cho thấy:
- Cuốn sách dịch đạt kỷ lục bán ra chưa từng có
- Chưa có một tác phẩm nào đạt thành công lớn như vậy
- Cuốn Cánh Đồng bất tận đã làm lu mờ tất cả những sách văn học của Hàn Quốc.
Ông nói tiếp, “người ta nói thế thì mình không tin cũng phải tin.”
Trước khi bế mạc
Ngày bế mạc đã gần kề, Vẫn đầy đủ hơn 300 người đã lúi cúi, quây quần nghe những điều nhạt nhẽo không đáng nói và vẽ lên một vận hội mới cho việc xuất khẩu văn học. Nhưng một tham dự viên cho biết, đây phải được coi như một buổi “chào hàng” mà sản phẩm chào hàng không có. Không đưa ra nổi bất cứ sản phẩm văn học nào ra mắt khách hàng.
Chắc là khách hàng ngoại quốc ra về tay không kèm theo mấy tập “Hồ sơ ghi nhớ” chưa biết bao giờ thực hiện được.
Mấy ngày Hội thảo xong. Đây là chuyến đi Hạ Long, nhưng nghỉ ở Tuần Châu hai đêm để khoản đãi phái đoàn Hội Nghị.
Chuyến đi thăm Hạ Long và điểm dừng là Tuần Châu với 7 chiếc xe buýt 50 chỗ ngồi là điểm hẹn chót.
Đường đi ra Hạ Long nay khang trang ra vẻ một nếp sống văn minh được đô thị hóa. Đã mấy năm chưa ra Hà Nội, tôi thấy có nhiều thay đổi trong việc xây cất. Hà Nội ngày càng trở thành “lạ mặt” mất đi vẻ quen thuộc đối với tôi.
Trên đường, không có nạn kẹt xe khủng khiếp như trong thành phố. Nhưng tôi đã có dịp ra nước ngoài một số lần, tôi vẫn có cảm tưởng, sự phát triển qua xây dựng đường phố nhà của thiếu đồng bộ, lạc lõng, chọi nhau, đôi khi chướng mắt, mất cá tính và theo đuôi bắt chước một cách vụng về.
Người bạn nhận xét chỉ sợ rằng sau này Cây Xanh không cạnh tranh nổi với xây dựng quá tốc.
Đi một quãng đường đang mải mê tranh luận với một người bạn thì nghe như có tiếng còi hú như tiếng hú của xe chữa lửa. Đi qua một khúc quanh thì người ta mới nhận ra có xe còi hụ của công an đang dẫn đầu mở đường cho đoàn khách.
Tự nhiên, không ai bảo ai nghĩ đến đoàn xe mở đường có còi hụ mà trước đây Nguyễn Hữu Liêm đã khoe nhân dịp Đại Hội Việt kiều,
Buổi tối ở Tuần Châu cũng vẫn cảnh khách nước ngoài trú ngụ ở khách sạn 5 sao. Còn thường dân thì ở chỗ thường dân. Nơi đây cũng là nơi tổ chức Hoa Hậu thế giới vừa qua. Phòng Hội trường to lớn có thể chứa cả ngàn người. Nhưng lại bắt chước xây đúng như tòa nhà trắng (White House) ở Hoa Thịnh Đốn.
Một nhà thơ Mỹ trông thấy Hội Trường chỉ lắc đầu và hỏi: Tại sao phải xây cất như vậy.
Tại sao nữa. Sự bắt chước lố bịch và vô văn hóa đã sản sinh ra những công trình lố bịch như vậy.
Buổi tối có Hội thơ Quốc tế. Báo chí và nhiều tham dự viên than phiên đã Hội thơ thì đừng chen vào các màn múa hát, dân ca bỏ túi làm loãng không khí Thơ. Phần dành cho khách ngoại quốc cũng hơi nhiều. Nổi bất là Nguyễn Bá Chung trong nhóm 5 người thuộc nhóm William Joiner từ Boston. Phần thơ Việt Nam thì đành nghe thơ Hữu Thỉnh thôi. Mấy nhà thơ khác được hỏi nghĩ sao. Họ chỉ lắc đầu cười trừ.
Theo Hiêu Minh Blog có kể nhiều nhà thơ lớn tuổi đã chuẩn bị quần áo xênh xang đâu vào đó, lại đi nhuộm mái tóc đen cho trẻ. Nhiều vị móm đã bỏ tiền đi làm lại hàm răng để chuẩn bị lên đọc thơ của mình. Nhưng chương trình kéo dài quá thành bắt buộc phải cắt hết. Thế là uổng công nhuộm tóc và làm răng giả.
Nói tóm lại, tổ chức xôm trò, nhưng vẫn người cũ, cách làm cũ (Phạm Xuân Nguyên)
Đúng là một buổi tối vô duyên và mệt mỏi.
Ngày hôm sau đi ngắm cảnh vịnh Hạ Long tương đối không bị ai làm phiền. Nhìn thấy những con thuyền cánh buồm đang trôi lặng lờ trên mầu nước biển xanh một cách êm đềm, tự nhiên tôi không khỏi nghĩ đến:
“Xuất cảng văn học của chúng ta đi ra biển lớn chắc hẳn bằng những cánh buồm bọc gió này đây? Thử hỏi bao giờ nó đi ra tới biển lớn?”
Nghĩ mà buồn.
Sau đó, nhân tiện tôi rũ mấy người bạn văn về quê cũ của tôi mấy ngày.
Xin hẹn anh thư sau. Chúc anh và gia đình an khang, khỏe
Hà Nội, tối 10/01/2009
Kg.T. L.
Chú thích đặc biệt
Tin Nhà nhận được tin có bài viết của Phạm Xuân Nguyên với nhan đề rất mực khiêm tốn: Thưa ban tổ chức hội nghị, tôi chưa mấy lạc quan. Bài viết được đưa lên mạng Tuần Viet Nam của Vietnam Net vào ngày 12/01/2010. Sáng hôm sau mới kịp vào truy cập. Bài đã biến mất trên mạng. Tin Nhà tìm đến Viet-Studies của Trần Hữu Dũng; Đây rồi. Mừng quá.
Thất vọng. Bài chỉ còn giữ lại cái tên mà thôi. Nhưng tôi tin chắc Trần Hữu Dũng đã cất đâu đó. Rồi may mắn có người có được được và đã gửi cho Tin Nhà.
Nội dung bài viết của Phạm Xuân Nguyên là trung thực, nêu lên một số điểm tiêu cực như dịch không chuẩn tiêu đề của Hội Nghi, quá nhiều tham luận mà không có trao đổi giữa các nhà văn, không trình làng được một tuyển tập văn học Viêt Nam xứng đáng đề “chào hàng”. Đấy chỉ là mấy nhận xét bình thường. Vậy mà nó trở thành quan trọng và kiểm duyệt lại bỏ.
Tự nhiên chỉ nêu ra một vài ý kiền mà nhiều người cũng nhận xét như vậy. Ông Phạm Xuân Nguyên trở thành nổi tiếng. Xem ra muốn nổi tiếng ở VN cũng không phải là điều khó.
Trường hợp nhà thơ Hoàng Hưng với bài viết: Người Phương Tây nói gì về các tác phẩm văn học VN đương đại. Nội dung bài chỉ là sưu tầm các sách đã được dịch ra tiếng nước ngòai với những dư luận. Bài cũng bị kiểm duyệt cắt bỏ phần nọ, phần kia.
Với chế độ kiểm duyệt khắt khe như hiện nay, Văn học VN không thể chính thức xuất khẩu được.
© DCVOnline
No comments:
Post a Comment