Friday, January 29, 2010

TỪ THIỆN và CHÍNH TRỊ

Từ thiện và chính trị
Phạm Phú Đức
27.01.2010
http://damau.org/archives/10704
Lâu nay, từ thiện là vấn đề được nhiều người Việt (hải ngoại) quan tâm, từ ủng hộ đến chống đối, bởi nhiều thành phần khác nhau: tôn giáo, y tế, giáo dục, xã hội, chính trị, phi chính trị v.v… Gần đây nhất là những đối đáp sôi nổi, trực tiếp với nhau cũng như gián tiếp, giữa những người như Nguyễn Mỹ Linh, Trịnh Hội, Trần Cao Việt, Trần Đông A, Lê Tất Lộc v.v…, từ khung trời Úc cho đến Mỹ cho đến Canada v.v…
Những cuộc tranh cãi (chưa phải tranh luận) vừa qua có đề cập đến nhiều vấn đề. Để nói đến nơi đến chốn chắc tốn nhiều bút mực và trang giấy lắm. Trong bài này, tôi xin chọn bàn về một số điểm sau đây: Vì sao phong trào từ thiện nở rộ?; Những giới hạn của từ thiện là gì?; Vì sao có những ý kiến xung đột về từ thiện?; Thái độ nào cho từ thiện đây?; Vài chia sẻ quan niệm cá nhân.
(Xin mở ngoặc ở đây để thưa rằng đề tài này không nằm trong lãnh vực chuyên môn của tôi. Vì chưa nghiên cứu đủ và chưa có đầy đủ dữ kiện để trình bày nó một cách khoa học, tôi chỉ mong đóng góp vài ý kiến hầu đưa cuộc tranh luận này xa hơn một chút thôi. Hy vọng những người có nghiên cứu đề tài này góp phần làm sáng tỏ hơn.)

1. Trăm “từ thiện” đua nở
Tuy chưa có thống kê cụ thể nào nhưng nhìn chung các chương trình gây quỹ như buổi cơm hay các hình thức lạc quyên khác cho từ thiện tại Việt Nam ở Mỹ, Canada, Úc (và có lẽ nhiều nơi khác mà tôi chưa được biết) càng ngày càng nhiều trong thời gian qua, và có lẽ tỷ lệ thuận với dân số người Việt tại nơi đó.
Theo tôi, có ba nguyên do vì sao công tác từ thiện ngày càng phổ biến ở hải ngoại.

Thứ nhất, từ thiện, nói chung, là một công việc tương đối dễ làm, kết quả có thể thấy liền, và ít bị gây phiền phức bởi chính quyền tại Việt Nam, cấp trung ương lẫn địa phương. Chỉ cần có tấm lòng, đầu óc tổ chức, và kiên trì thực hiện, thì dần dần sẽ tạo uy tín và được sự ủng hộ rộng rãi. Nhìn chung, người Việt tương đối rộng rãi đóng góp vào các quỹ từ thiện, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho các hoạt động nhân đạo ở các quốc gia sở tại. Điển hình là tại nước Úc này, nhưng hình như nơi nào có đời sống kinh tế kha khá một chút thì người Việt đều hành sử vậy. Thí dụ như những lần lạc quyên cho các chương trình Good Friday Appeal, cho Black Saturday năm ngoái, hay cho nạn nhân thiên tai tại Việt Nam bao nhiêu năm qua. Bao nhiêu lần tôi đến tham dự các buổi cơm gây quỹ cho từ thiện tại Việt Nam, trung bình gây quỹ được ba bốn chục ngàn đô la trở lên, cho thấy người Việt rất hào phóng. Vì dễ thực hiện và dễ được nhiều người ủng hộ, không phức tạp hay nguy hiểm như các hoạt động chính trị, nên đó là phương pháp nhiều người muốn chọn hơn.

Thứ hai, càng làm từ thiện và càng có cơ hội đi sâu vào địa bàn Việt Nam thì lại càng thấy lắm nhu cầu để giúp người dân tại đó, nhất là những vùng xa xôi hẻo lánh, chẳng bao giờ hết. Hơn nữa, càng làm càng thấy bao nhiêu cũng không đủ, bởi cái nghèo (bằng vật chất lẫn tinh thần) nó đâu có thể giải quyết được bằng những vật chất trước mặt, dù bao nhiêu cũng chẳng đủ. Mà làm sao đủ được khi cái thiểu số ở hải ngoại, cho dù là tất cả cũng chỉ là bốn triệu người, có thể đi cứu cái đa số ở quốc nội, ít nhất là cũng vài chục triệu người (trong số 87 triệu người) nghèo khổ, bởi trung bình mỗi ngày họ chỉ kiếm được dưới ba đô la Úc, mà đó là cộng hết thành phần giàu có kiếm hàng chục ngàn đô la một ngày dễ như chơi so với thành phần cực nghèo mỗi ngày chưa chắc kiếm ra đô la nào rồi chia đều để có con số ba đô la nói trên. Sự phát triển kinh tế tại Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu làm giàu, rất giàu, cho một thiểu số, trong khi đại đa số, vì đời sống vật chất đắt đỏ hơn, cái gì cũng leo thang, chưa kể bao nhiêu bất công khác trong xã hội và do chế độ chính trị gây nên, nên tính ra đời sống của người dân, nhất là thành phần nghèo, càng khó khăn hơn. Nhu cầu từ thiện, do đó, gia tăng chứ không giảm đi chút nào.

Thứ ba, là yếu tố chính trị, ở hải ngoại lẫn quốc nội. Đối với hải ngoại, công cuộc đấu tranh cho dân chủ kéo dài 35 năm nay nhưng vẫn chưa có dấu hiệu gì khả quan lắm. Nếu 20 đến 30 năm trước đấu tranh chính trị là chính, và hàng vài chục (nếu không phải cả trăm) tổ chức hình thành trong thời điểm đó, thì 10 năm trở lại đây, chỉ còn một vài tổ chức có phương tiện, nhân sự và đường lối. Các buổi cơm cho từ thiện mà tôi có dịp tham dự có thể gây quỹ thành công lên đến năm sáu chục ngàn đô la, và có những cá nhân đóng góp vài ngàn dễ dàng. Thế nhưng các buổi cơm gây quỹ yểm trợ cho hoạt động tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam thì con số thu được khá khiêm nhường, nếu được 10 ngàn là hiếm lắm rồi.
Đây là một vấn đề tế nhị, nhưng nếu không bình tâm nhìn thẳng vào vấn đề thì e rằng những người quan tâm (Cộng Đồng, các tổ chức chính trị, các cá nhân ưu tư về tình hình Việt Nam v.v…) chưa nắm bắt được nguyên do nào người Việt hải ngoại thờ ơ với chính trị nhưng lại sốt sắng với từ thiện. Vấn đề này cần sự quan tâm tìm hiểu rốt ráo.

Tôi chưa nghiên cứu đủ để khẳng định điều gì, nhưng theo nhận xét sơ khởi thì có lẽ do ba nguyên nhân sau đây.
Một, đa số người Việt hải ngoại, vì công cuộc đấu tranh chính trị kéo dài quá lâu, ngày càng mất niềm tin rằng sẽ có một sự biến chuyển lớn tại Việt Nam trong tương lai gần. Chế độ hiện nay ngày càng yếu dần, và để lộ nhiều chân tướng không thể tuyên truyền bào chữa, nhưng các lực lượng dân chủ chưa đủ mạnh để thay thế nó.
Hai, một sự thật hiển nhiên, tuy đáng buồn, là phần lớn người Việt vẫn mang tâm lý nghi ngờ chính trị, do hoàn cảnh lịch sử cũng như những gì đã xảy ra trong đời họ, cho nên họ sẵn sàng ủng hộ các công tác từ thiện nhưng, như đã nói trên, rất ít tham dự các sinh hoạt mang màu sắc chính trị, và đặc biệt rất ít tin tưởng vào một tổ chức chính trị nào.
Ba, hình như tâm lý chung của người Việt là muốn làm việc có kết quả sớm, cái mà đấu tranh chính trị khó thể đáp ứng được, trong khi từ thiện có thể. Đại đa số người Việt, có thể ngoại trừ một thiểu số nào đó và giới trẻ, không thích làm những việc xây dựng nền móng hay mang tính chiến lược lâu dài hàng chục năm. Phải chăng vì thế mà đa số người Việt hải ngoại cảm thấy thà làm cái gì đó còn hơn không làm gì cả, thà cứu một người bớt đói bớt khổ còn hơn chờ đợi sự thay đổi lớn lao không biết khi nào mới đến cho hơn tám mươi triệu người Việt Nam!

Đó là yếu tố chính trị tại hải ngoại. Còn yếu tố chính trị ở quốc nội cũng “quan trọng” không kém. Được các tổ chức nước ngoài về Việt Nam làm từ thiện, dù đó là Tây phương hay Việt kiều, hiển nhiên giảm bớt gánh nặng xã hội cho nhà cầm quyền. Đó là chưa kể có thể ăn chặn hay chia chác một phần nào đó.
Khuyến khích người ta về Việt Nam vừa thăm quê hương vừa làm việc nghĩa thì quả là một cách tiếp thị ăn tiền. Người làm từ thiện cũng vui vì thấy làm được cái gì đó cho người dân nghèo khổ; người nhận quà từ thiện cũng vui vì đỡ lo được cái ăn cái mặt hay các nhu cầu đời sống trong một thời gian ngắn nào đó; và chính quyền cũng vui vì rảnh tay hơn lo việc khác (biết đâu rảnh tay hơn để đàn áp những người đấu tranh cho dân chủ). Ai cũng thắng cả (win-win situation).
Có người khẳng định rằng cũng vì chính sách của nhà cầm quyền hiện nay là phát huy việc làm từ thiện tối đa nên phong trào từ thiện nở rộ như đã thấy. Tôi không có đầy đủ dữ kiện nên không dám khẳng định như thế, nhưng rất có thể đó là một trong những yếu tố đóng phần không nhỏ, nhưng chắc chắn không phải là tất cả.
Tóm lại, vì từ thiện là công việc dễ làm mà có kết quả trước mặt, vì nhu cầu cần giúp đỡ ở Việt Nam ngày càng lớn, vì có những thay đổi chính trị trong ngoài, cho nên, theo tôi, trên dưới 10 năm nay, từ thiện đã như phong trào “trăm hoa đua nở” vậy. Điều này cho thấy người Việt hải ngoại rất quan tâm đối với phúc lợi của người Việt trong nước.

2. Những giới hạn của từ thiện
Không cần phải chứng minh nhiều, từ thiện không giải quyết được quốc nạn nghèo của Việt Nam. Và như đã nói trên, càng gia tăng từ thiện bao nhiêu thì càng thấy nhu cầu từ thiện bấy nhiêu. Nó chẳng bao giờ đủ cả.
Theo quan niệm của nước Úc, và có lẽ của đa số các quốc gia dân chủ tiến bộ, nghèo là một vấn đề xã hội, nhưng nó cần một đáp án chính trị.
Thật vậy, từ khi chế độ nới lỏng vòng kiểm soát kinh tế tập trung gọi là Đổi Mới năm 1986 đến nay thì nền kinh tế Việt Nam đã gia tăng đáng kể, từ bình quân đầu người dưới một đô la thời đó nay lên đến gần ba đô la. Nhưng sự nới lỏng đó chủ yếu ở trong lãnh vực kinh tế, và khá chọn lọc, nghĩa là những lãnh vực quan yếu vẫn do nhà nước quản lý. Ngoài ra, chế độ đã sắp đặt rất kỹ càng, từ hiến pháp (như điều 4) đến pháp luật đến những tổ chức xã hội như Mặt Trận Tổ Quốc và bao nhiêu biện pháp bí ẩn khác (ở đây không thể đi sâu vào và nó không phải là trọng tâm của bài này) để duy trì quyền lực và quyền lợi. Cho nên cái nghèo (vật chất lẫn tinh thần) vẫn còn đó, và sẽ còn một thời gian dài nữa, khi mà điều kiện chính trị tại Việt Nam vẫn không thay đổi về mặt căn bản. Nghĩa là khi mà người dân vẫn chưa thể sử dụng quyền tự do tối thiểu của mình, trong đó có tự do thông tin ngôn luận.
Cũng xin nói thêm rằng khi nói đến đáp án chính trị đối với Việt Nam, nó không đơn thuần là thay đổi thể chế cầm quyền hiện nay bằng một thể chế khác, bằng một ý thức hệ khác, mà cần một sự thay đổi gần như toàn diện, một sự dân chủ hoá mọi địa hạt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội v.v… Chẳng hạn như thay đổi triệt để về chính sách giáo dục. Một nền giáo dục đúng đắn, nhân bản, khoa học, tôn trọng sáng kiến và khả năng sáng tạo, và hiển nhiên không từ chương, nhồi sọ, giáo điều, coi thường đạo đức trí thức như cái nền giáo dục tại Việt Nam bây giờ, thì có khả năng xây dựng một thế hệ nhân sự mới, một đội ngũ trí thức tài năng và đức độ trong vòng một hai thế hệ tới. Tài nguyên chính của một quốc gia hôm nay và mai sau nằm trong những con người, những công dân Việt Nam như thế. Nghèo cần những chính sách cách tân triệt để. Từ thiện không thể đáp ứng, dù là một phần nhỏ, của những nhu cầu quá lớn tại Việt Nam.

3. Vấn đề, hay là cách nêu vấn đề?
Vì hiểu rõ những giới hạn của từ thiện như thế, nay lại thấy từ thiện không chỉ giảm mà gia tăng thành phong trào khắp nơi, nhiều người đã bày tỏ sự quan tâm rằng phải chăng từ thiện đang bị lợi dụng, lạm dụng, và không khéo mắc mưu nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay. Những người này chủ yếu lập luận như sau: từ thiện chỉ giải quyết cái ngọn, không phải cái gốc; hơn nữa, chính quyền tại Việt Nam phải có trách nhiệm đối với người dân; trên hết, nếu cứ tiếp tục nỗ lực làm từ thiện thì không những “quét rác” cho chế độ cầm quyền hiện tại, chẳng khác gì tiếp tay cho sự cai trị của họ lâu nay, mà còn cản trở công cuộc dân chủ hoá Việt Nam v.v…
Hiển nhiên những quan tâm này rất chính đáng. Và nêu lên những quan tâm này trên các phương tiện truyền thông là cần thiết. Cần thiết nêu lên vì ít nhất là cảnh giác nhau rằng rất có thể có người hay tổ chức lợi dụng từ thiện để làm lợi cho mình, và làm lợi cho cái chế độ đang là nguyên nhân chính của cái nghèo tại Việt Nam. Cần thiết nêu lên để nhắc nhở nhau rằng chúng ta cần giải quyết cái gốc không phải cái ngọn của vấn đề, phải cùng nhau hợp lực kéo Việt Nam ra khỏi cái tủi nhục bấy lâu nay. Cần thiết nêu lên để cùng nhau nhìn ra rằng trong hoàn cảnh Việt Nam bây giờ, ưu tiên vẫn là đấu tranh để dân chủ hoá Việt Nam, từ thiện chỉ là phụ. Tóm lại, nêu lên để khẳng định rằng vẫn cần một đáp án chính trị toàn diện.
Tuy nhiên, cách nêu vấn đề cũng không kém quan trọng so với chính vấn đề được nêu. Tôi không đồng ý với cách mà lâu nay trở thành khá phổ biến nhưng hậu quả lại đầy tiêu cực. Nặng là những bài viết chửi đổng, chỉ trích kết tội nặng nề, vu khống chụp mũ lung tung, chẳng trình bày bằng chứng gì cụ thể, chỉ giỏi chẻ sợi tóc thành hai thành ba. Nhẹ là những lập luận mang tính cách đổ tội lên những người khác quan điểm từ thiện với mình, buồn cười thay cũng trên danh nghĩa “cho dân chủ, vì dân chủ”. Tôi không hiểu vì sao người ta lại sử dụng cách thức đó trong khi lối chụp mũ, vu khống vô tội vạ đó là trò chơi bẩn thiểu mà chế độ cộng sản là thượng thừa sở trường. Lẽ ra họ phải “Nói có sách, mách có chứng” chứ. Bởi cách thức đó không thuyết phục được mấy ai, nhất là giới trẻ, chiếm một thành phần không nhỏ những người đang làm từ thiện lâu nay. Các bạn này không có lý do gì để phải vấn bịu vào những chuyện Việt Nam ngoại trừ lương tâm. Tham gia vào việc từ thiện, việc nghĩa, là điều cũng hoàn toàn chính đáng, thế mà lại bị chống đối. Mà chống đối không bằng lý luận thuyết phục mà bằng cảm tính, cái mà họ không chấp nhận được. Riết rồi, những bạn trẻ này ngày càng xa lánh c(C)ộng đ(Đ)ồng. Mất nhân sự, mất chính nghĩa là ở chỗ đó.
Có lẽ văn hoá tranh luận, văn hoá dân chủ (chấp nhận khác biệt, chẳng hạn) và văn hoá đề cao sự trong sáng, không chấp nhận bất cứ hình thức chụp mũ vu khống nào có lẽ là một trong những ưu tiên cần xây dựng, ngay trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại này, khoan nói đến tại Việt Nam.

4. Thái độ nào cho từ thiện đây?
Bản chất của việc từ thiện là để giúp những người nghèo khó, bệnh tật hay bất lực. Mà việc này thì thời nào cũng cần, người dân nào cũng cần, dù quốc gia đó có giàu mạnh đến mấy. Nước nào càng nghèo càng lạc hậu thì càng cần đến các tổ chức từ thiện hơn.
Các tổ chức từ thiện/nhân đạo lớn của thế giới phần lớn mang màu sắc phi chính trị. Họ coi những người nghèo khổ đều là những con người đáng được giúp, không phân biệt màu da, tôn giáo, chính trị, sắc tộc v.v… Thí dụ như Hội Đồng Thập Tự (Red Cross), chẳng hạn. HĐTT có trên 100 triệu thiện nguyện viên trên 186 quốc gia, và riêng tại Úc có khoảng 60 ngàn thành viên và thiện nguyện viên. Mục đích của HĐTT là phòng ngừa và giảm thiểu những đau khổ của con người, ở bất cứ nơi đâu. Cũng vì bản chất phi chính trị và không thuộc chính phủ nào cả nên HĐTT đã làm được bao nhiêu việc đáng kể từ giữa thế kỷ 19 đến nay. Tôn chỉ phi chính trị như thế rất thích hợp. Từ thiện mà mang màu sắc chính trị thì khó tồn tại lâu dài.
Nếu các tổ chức từ thiện tại Việt Nam cũng có tôn chỉ phi chính trị thì là điều hoàn toàn chính đáng. Điều đó không có nghĩa là chúng ta làm lơ đối với những cá nhân hay tổ chức mang danh nghĩa làm từ thiện nhưng thật ra làm lợi cho chính họ hay cho chế độ. Đối với những trường hợp gian trá hay bất chính như thế, những ai biết xin lên tiếng cảnh báo cho nhau, nhưng nói có bằng chứng chứ không vu cáo vô tội vạ. Làm được như thế, chúng ta giữ được sự trong sáng trong cộng đồng, giữ được sự liêm khiết trong từ thiện, và đề cao tinh thần trách nhiệm liên đới.
Chúng ta không nên, và cũng không thể, chống từ thiện. Trừ phi khám phá ra sự gian dối trong từ thiện, nếu không, chống từ thiện là một điều khó có gì quái gở. Hơn nữa, chúng ta đang sống trong môi trường tự do dân chủ, chẳng ai có thể bắt người khác làm theo ý mình ngoại trừ họ thấy hợp lý hợp tình mà theo. Do đó, hãy để từ thiện làm công việc của nó. Nếu không khéo cộng đồng chúng ta lại tiếp tục chia năm xẻ bảy nữa, vốn cũng chẳng đoàn kết gì bấy lâu nay, vì lý do từ thiện.
Còn nếu những ai muốn người khác quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chính trị, tham gia vận động cho dân chủ tích cực hơn thay vì làm từ thiện không giải quyết được cái gốc của vấn đề, thì phải dồn nỗ lực tìm phương án. Phương án đó bao gồm sự thuyết phục bằng lý trí, chứ không phải hình thức chửi đổng kết án bậy bạ, và nỗ lực hình thành một văn hoá chính trị trong sáng, dân chủ để khuyến khích nhiều người tham gia. Lý luận và thuyết phục, tuy cần vận dụng đầu óc và cần thời gian thực hiện, nhưng sẽ đạt được kết quả lâu dài và bền bỉ hơn.

5. Vài chia sẻ cuối (thay lời kết)
Từ khi vượt biên tìm tự do cho đến nay, trái tim của tôi bảo tôi nên làm từ thiện, nhưng đầu óc của tôi, nhất là khi hiểu rõ nguyên do của những vấn đề tại Việt Nam, bảo tôi nên làm “chính trị” (nghĩa là tham gia đấu tranh). Hình như không ít người cũng phân vân như tôi: phải làm như thế nào cho hiệu quả nhất, nhất là không làm lợi cho chế độ?
Riêng tôi, tôi làm cả hai. Lương tâm tôi không cho phép tôi nhìn thấy người dân Việt Nam của mình gánh chịu những thiên tai và những áp bức bất công do chế độ chính trị gây ra, hoàn toàn không phải lỗi của họ, mà không làm gì cả. Nếu tôi có thể đóng góp cho những việc nhân đạo tại Úc, tại Châu Phi, vân vân, thì không có lý do gì tôi không đóng góp cho Việt Nam, cái quê hương rất thân thương gắn bó với một phần đời của mình. Nhưng tôi chỉ đóng góp trong khả năng của mình, và cho những hoạt động từ thiện mà tôi tin tưởng là chính trực và chính đáng. Trong khi đó, đầu óc tôi không cho phép tôi ngồi đó nhìn thấy một thiểu số thao túng chính trị và nắm quyền sinh sát cái đa số mà không làm gì cả. Và tôi hiểu rõ nó cần một đáp án chính trị.
Tôi không cho đó là một sự mâu thuẫn. Không phải lúc nào trái tim cũng đồng ý với đầu óc của mình. Nhưng giải quyết các vấn đề lớn, nhất là liên quan đến nhiều người, đều phải vận dụng cái đầu trước.

Melbourne 20/01/2010

--------------------------------------

Bài đã đăng của Phạm Phú Đức :
Từ thiện và chính trị - 27.01.2010
Cần tôn trọng nguyên tắc học thuật - 19.01.2009
Vài Vấn Đề về Sự Chuyển Tiếp Chính Phủ Hoa Kỳ - 21.11.2008
Barack Obama làm lịch sử - 10.11.2008


No comments: