Friday, January 29, 2010

TRUNG QUỐC CÓ TIẾP TAY TRONG SỰ PHÁ HOẠI CÁC WEBSITE CHỐNG ĐỐI

Trung Quốc có tiếp tay trong sự phá hoại các website chống đối
Phong Uyên
Đăng ngày 29/01/2010 lúc 16:21:50 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4548

Rõ ràng là có sự tiếp tay của Trung Quốc trong sự phá hoại các websites chống đối
Phong Uyên

Khi đưa ra những nhận định khác nhau về những vụ đàn áp, triệt tiêu những đối tượng mà ĐCSVN cho là đối nghịch [1], tôi có ý cho nhận định thứ Hai là gần sự thực nhất: "Đã có những thoả thuận giữa các phe phái trong Đảng... về đường lối phải đi để Đảng vẫn tiếp tục giữ quyền hành và chia nhau quyền lợi ...triệt tiêu những đối tượng được xác định là nguy hiểm cho chế độ đang được thực hành theo đúng kế hoạch tuần tự nhi tiến".

Nhưng cái làm tôi bi quan hơn là có nhiều bằng cớ chứng tỏ không phải chỉ có phái Bảo Thủ trong Đảng mà toàn thể ĐCSVN, nếu không muốn nói là cả nước Việt Nam, hiện nay đang bị Trung Quốc khống chế:

Những ai dám phản đối Trung Quốc đều bị kết tội "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân" (Trung Quốc?) và chịu những bản án thô bạo. Truyền thông báo chí bị cấm chỉ không được phê bình, dù chỉ bóng gió, Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ vì trót nói một câu có vẻ phạm thượng với Trung Quốc cũng bị kiểm duyệt. Những mạng trong nước và hải ngoại như Bauxit Việt Nam, Talawas, bị đánh phá chỉ vì đăng những bài bình luận, những bài khảo cứu lịch sử không lợi cho Trung Quốc.

Nhưng muốn gài gián điệp, làm tê liệt các websites hải ngoại, cần phải có kỹ thuật cao. Công an mạng CSVN không đủ khả năng làm chuyện đó. Chắc chắn là phải có bàn tay Trung Quốc:
Những năm gần đây với sự tiến triển của Internet, chính quyền Cộng sản Trung Quốc thấy khó mà ngăn chặn được những tin tức bất lợi cho chế độ độc tài của mình nếu không tận dụng những hiểu biết về tin học để tạo màng lưới kiểm soát những sites truyền thông trong nước, thực hiện những hành động tin tặc đánh phá, gài gián điệp những sites cho là thiếu thiện cảm với Trung Quốc ở hải ngoại. Những thủ đoạn kiểm sát, thao túng Internet của Trung Quốc bị nhật báo Pháp Le Figaro ngày 22-1-10 phanh phui trong bài "Trung Quốc kiểm sát Internet thế nào" của ký giả Arnaud de la Grange. Tôi xin lược dịch sau đây:
Hiển nhiên là những giới thân cận với chính quyền Bắc Kinh đều mơ ước biến Internet thành mạng nội bộ (Intranet) cho 1 tỉ 300 triệu người, chỉ truyền tải lại từ Mạng quốc tế những nội dung được coi là không độc hại cho chế độ.
Mùa Thu vừa rồi, ông Meng Jiangzhu, bộ trưởng bộ Công An đầy quyền lực, đã khẳng định không úp mở là sự phát triển quá mau lẹ của Internet ở Trung Quốc tạo "những thách thức vô tiền khoáng hậu cho sự kiểm soát xã hội và cho sự ổn định". Ông gợi ý cần phải "kiến tạo một hệ thống an ninh rộng lớn bao trùm cả Internet và đời sống hàng ngày". Internet ban đầu được coi như cái van xì hơi cho xã hội khỏi nổ bùng, nhưng sau đã tạo cho chính quyền mối lo sợ khi trở thành vectơ phổ biến cùng cả nước những tin tức về những cuộc xung đột tranh chấp ở các địa phương: Những tin tức này được những người sử dụng Internet gọi là "Những sự cố quần chúng trên Internet".

Một hệ thống kiểm duyệt được tổ chức theo 3 vòng tròn: Cảnh sát Internet gồm 40 ngàn người. Những "tư nhân" được uỷ nhiệm vừa điều khiển vừa kiểm duyệt các sites, các forums của chính mình [2]. Vòng tròn chót là chính những người sử dụng Internet tự kiểm duyệt lẫn nhau.
Trên bình diện quốc gia, trách nhiệm về sự kiểm duyệt cũng nằm trên 2 cơ cấu vẫn có từ trước tới nay, cơ cấu Đảng và cơ cấu chính phủ. Đảng, là Ban Tuyên truyền Trung ương. Chính phủ, là Phòng thông tin Hội đồng Nhà nước. Nhân chuyện Google vừa rồi, ông Vương Trần (Wang Chen) chủ nhiệm cơ cấu của chính phủ đưa ra khẳng định là cần phải kiểm soát Internet để "hướng dẫn công luận". Hai cơ cấu này đều hoạt động song song nhau ở mọi cơ sở địa phương cũng như hành chính, tạo ra nhiều tầng lớp trách nhiệm chồng chéo nhau, đưa ra những tiêu chuẩn trái ngược nhau. Giáo sư Hồ Thanh Đô (Hu Xingdu) thuộc Học viện Kỹ thuật Bắc Kinh đưa ra nhận xét này và thêm "có những cái bị ông này coi là phạm luật thì ông kia lại cho là được phép".Chính nhà kinh tế học nổi tiếng này trước nay vẫn được chính quyền nghe theo, lại bị chính quyền cấm cửa blog của mình mùa xuân vừa rồi. Và lạ lùng hơn nữa là ông này là người ở Bắc Kinh mà lệnh khoá blog lại là của Cảnh sát Tô Châu thuộc tỉnh Triết Giang.

Vật cản xanh lục, vật cản xanh lam
Tháng 6 vừa rồi cả thế giới phải la ó vì Bắc Kinh bắt mọi máy vi tính phải gài theo một phần mềm chặn những nội dung khiêu dâm gọi là "cản xanh lục tháp tùng tuổi trẻ" nhưng thật ra là để ngăn chặn mọi nội dung có nhiều nhạy cảm chính trị. Từ đó 700 sites bị đóng cửa. Hai tháng sau những người trang bị "lối vào" (fournisseurs d'accès) bị bắt buộc phải đặt trong máy "vật cản xanh lam" ngăn chặn ngay từ đầu lối vào máy. Như vậy ngay từ lối vào, đa số những người muốn qua mặt kiểm duyệt bằng proxys và VPN đều thất bại, trừ một số ít người có nhiều kinh nghiệm vượt qua được.Đó là hàng rào phòng ngự của kiểm duyệt. Nhưng kiểm duyệt còn biết tấn công bằng cách xâm nhập vào những sites và bỏ thư tín bậy. Google vừa rồi phải phản ứng vì Mails của những người ly khai bị xâm nhập. Để thực hiện chiến thuật này, Bắc Kinh đưa vào trận đội quân thứ Hai gọi là "chiến sĩ Mạng" (cyberguerriers). Những người thuộc đội quân này được tôn phong là những " nhà hoạt động tin tặc ái quốc " Hacktivistes patriotiques". "Tin tặc ái quốc" bắt đầu hoạt động từ năm 1990 trong những hội mang tên là "Hồng tặc Đồng minh" (Red Hacker's Alliance ) hay " Liên hiệp Đại bàng đỏ" (China Eagle Union), có cả mấy ngàn hội viên.

Hồng khách và Hắc khách

Số người trẻ từ nhỏ đã ngụp lội trong văn hoá Internet lên đến 250 ngàn 300 ngàn người. Một "tin tặc" thổ lộ trong một tờ báo Hồng Kông là Học viện Nghiên cứu trực thuộc bộ Công An Trung Quốc luôn luôn dụ khị cho việc làm những người này. Tờ South China Morning Post cách đây mấy hôm có đăng một bài của một người có biệt hiệu là "Sư tử" tự xưng là thuộc bộ phận chỉ huy của tổ chức Honker Union of China. Honker là một từ được đặt ra từ chữ Hán "Hồng khách" (hong ke), một trò chơi chữ để đối lại với "Hacker", đọc theo âm Tàu là "Hắc khách" (hei ke).
Tổ chức này hiện có 12 ngàn hội viên, được thành lập từ năm 2001 để đánh phá hệ thống Mạng Hoa Kỳ trả thù cho một máy bay Trung Quốc bị một máy bay do thám Mỹ đụng phải trên biển Nam Hải. "Sư tử" nói không dính dáng gì đến chuyện phá Google, nhưng nói có phá những sites Iran vì những sites này tính phá động cơ tìm kiếm (moteur de recherche) "Baidu" của Trung Quốc, và giúp các sites Tàu bảo vệ an toàn kể cả những sites của quân đội nhân dân.
Hồi tháng 6 năm 2005 , hãng Kapersky Lab chuyên môn chế tạo phần mềm chống virút tố cáo Trung Quốc là quán quân về những hành động làm nhiễm khuẩn qua đường Internet : Trung Quốc là nước tội phạm đánh phá Mạng nhiều nhất với 56,41% , vượt quá xa Nga (5,92%), Mỹ (4,86%), Ấn Độ (3,34%). Theo Hãng Threat Expert, 1/3 những "chương trình ác ý" (malwares) trên địa cầu là của Trung Quốc.

Tẩy não
Số người sử dụng Internet ở Trung Quốc mỗi ngày một nhiều (hiện chừng 384 triệu người). Số người có blogs cũng rất cao, chừng 160 triệu người. Để đánh lạc và thanh lọc mọi ý kiến của những người này, chính quyền đã tạo ra một lớp người gồm cả mấy ngàn người, chuyên đưa ra những bình luận tốt cho chế độ và định hướng những tranh luận trên Internet. Một sinh viên Đại Học Thanh Hoa nói một cách khôi hài: "không khó khăn gì mà không nhận ra những người thuộc Đảng Ngũ Mao (Wumao. Mao, miêu? là đơn vị nhỏ của đồng yuan) này. Ngoài "ngũ mao" còn có tên khác gọi những người này là người "Tẩy não" (nao can, não cán?).
Trung Quốc có hơn 720 triệu người dùng điện thoại di động và số người sử dụng Internet trên điện thoại di động cũng mỗi ngày một nhiều. Chính quyền bắt đầu kiểm soát những SMS và ngăn chặn những SMS bị coi là không lành mạnh. Jerely Golkorn chủ nhân site Danwei.org nói "có một chương trình rất bao quát kiểm sát toàn diện,từng bước một, tất cả mọi hình thức truyền thông".
... Phản ứng của một số người sử dụng Internet là tìm cách thay thế những proxys bị phá hoại bằng những phần mềm tinh xảo hơn. Đặc biệt là những phần mềm của một tổ chức ở Mỹ "Global Internet Freedom Consortium" thân cận với giáo phái Pháp Luân Công. "Nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh vô tình đã làm Pháp Luân Công được nhiều người biết đến và gặt hái được nhiều cảm tình". Một quan sát viên đưa ra nhận xét như vậy.
Cũng cách đây mấy ngày (25-1-10), nhật báo Pháp Le Monde đăng tin 5 sites Nhân quyền Trung Quốc ở hải ngoại bị đánh phá. Site Chinese Human Rights Defenders bị oanh tạc 2 gigaoctets/giây. Tất cả máy vi tính của tổ chức này đều bị gài gián điệp (logiciels espions).

Câu hỏi cần được đặt là: ĐCSVN đã nhờ Trung Quốc đánh phá giùm các Websites Việt Nam ở hải ngoại chống đối Trung Quốc hay Trung Quốc đã bất chấp ĐCSVN, tự ý làm?

Trả lời câu hỏi này là một cách ước lượng mức độ ĐCSVN phụ thuộc Trung Quốc.

Những người còn chút lạc quan cho rằng chỉ có một thiểu số thuộc phe Bảo Thủ trong bộ Chính trị đã nhờ Trung Quốc tiếp tay để triệt tiêu các websites có thể hỗ trợ phe Cấp Tiến trong cuộc tranh giành quyền lực Đại Hội 11 năm tới. Chứng cớ là trên web Diễn Đàn ngày 23-01-10, ông Nguyễn Ngọc Giao, thuộc giới thân cận thạo tin, cho biết trong số 15 uỷ viên Bộ Chính trị chỉ có 4 người bỏ phiếu cho bắt giữ và xử án những người trí thức trẻ. Một số người theo Chủ tịch Nguyễn Minh Triết bỏ phiếu chống. Đa số bỏ phiếu trắng.

Những người bi quan lại suy luận ngược lại là chỉ có thiểu số 4 người trong Bộ Chính Trị mà có thể tác yêu tác quái, tất nhiên là Trung Quốc đã thao túng và vô hiệu hoá toàn bộ đầu não ĐCSVN. Những người này kết luận là chưa bao giờ hiểm hoạ mất nước về Tàu lại to lớn như vậy:
- Trong lịch sử Việt Nam có những cá nhân ươn hèn như Trần Ích Tắc, như Lê Chiêu Thống. Nhưng chưa bao giờ có cả một triều đại cầm quyền ươn hèn (phải coi ĐCSVN là một triều đại trị vì từ 65 năm nay). Thử so sánh 60 năm bị Pháp cai trị (1884-1945) với 60 năm bị Tàu chi phối (1950-2010): Trong số 6 ông vua, 3 ông chống Pháp bị đi đày (Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân). Có ông Tổng bí thư nào từ Trường Chinh đến Nông Đức Mạnh dám làm trái ý Tàu không? Mỗi năm phải sang Bắc Kinh chầu mấy lần? Một ngàn năm độc lập có ông vua nào chịu sang Tàu triều kiến không? Các vị vua Việt Nam không bao giờ quên chuyện mất nước Nam Việt vì thái tử Anh Tề bị bắt qua Tàu làm con tin và chuyện Trần Di Ái chú vua đi sứ qua Tàu bị Tàu giữ lại phong chức bù nhìn An Nam quốc vương để lấy cớ xâm chiếm Việt Nam. Vì vậy không một hoàng thân quốc thích các triều đại Việt Nam nào dại dột bước chân qua Tàu chứ đâu như triều đại CSVN, hết chủ tịch nước lại đến Tổng Bí thư Đảng, đến thủ tướng Chính phủ, tranh nhau qua Tàu bệ kiến.

- Chỉ có triều đại CSVN mới cầm tù những người yêu nước phản đối Tàu: Ngay cả mấy ông vua luôn luôn tuân lời Pháp như Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại, có ông vua nào theo lệnh Pháp bỏ tù những người yêu nước chống Pháp không? Tại sao chính quyền một nước độc lập lại theo lệnh quan Thái thú đại sứ Tàu cầm tù những người yêu nước dám phản đối Tàu?

- Cũng khó mà hi vọng toàn dân nổi dậy phản đối Tàu vì một lẽ dễ hiểu là sẽ bị kết tội muốn lật đổ chế độ, sẽ bị đàn áp dữ dội chắc chắn là còn hơn ở Miến Điện, hơn ở Iran. Vả lại người dân đã quá chán chường sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hi sinh cho Tàu 4 triệu người rồi. Chỉ khi nào Tàu đem quân tràn qua biên giới như hồi 79 thì người dân, người lính mới có phản ứng. Nhưng Tàu đâu có dại gì mà đem quân qua khi chỉ cần giật dây từ Bắc Kinh điều khiển một chính quyền đã hoàn toàn phụ thuộc mình. Người dân hiện giờ không còn lí tưởng, hi vọng gì nữa. Chỉ còn biết nhẫn nhục kiếm đủ miếng ăn hàng ngày, kiếm đủ tiền để chạy chọt, đút lót, đấm mõm các quan chức quyền thế.

Cái khó mà tin được là chỉ có 4 người bảo thủ thay mặt Bắc Kinh trong Bộ Chính Trị và những người này đã để lộ bộ mặt khi bỏ phiếu xử tù những người trí thức yêu nước. Nếu thật sự như vậy thì còn đợi gì 11 người khác trong Bộ Chính trị không lật tẩy "bè lũ 4 tên" này và liên minh với nhau để lật ngược thế cờ trước khi họp Đại Hội 11? Chắc chắn là những người này sẽ được sự ủng hộ của trí thức, của thế hệ trẻ, của quân đội, của những tầng lớp đảng viên còn chút lí tưởng, để tự cứu chính bản thân mình, cứu Đảng, cứu nước, cứu nhân dân ra khỏi vòng cương toả của bá quyền Đại Hán. Đó cũng là hi vọng cuối cùng của những người còn quan tâm đến đất nước.

Phong Uyên

[1] Phong Uyên,
"IDS,Bát Nhã, Trần Anh Kim, Talawas... ". Thông Luận, 11-1-10.
[2] Điển hình là Mạng "tư nhân" Sina.com được nhiều người Trung Quốc trong và ngoài nước biết đến nhiều nhất: Số người sử dụng Mạng này lên đến 95 triệu người hiện giờ. Mạng Sina.com có mối liên lạc mật thiết với Nhật báo Nhân Dân của ĐCSTQ và Tân Hoa Net (Xinhoanet), luôn luôn đăng những bài phô trương sức mạnh Trung Quốc và dọa dẫm Việt Nam, đặc biệt là bài "Vai trò Trung Quốc đối với Đông Nam Á và Việt Nam" được Thông Tấn Xã Việt Nam hồi tháng 6-2008 dịch và đăng lại để tham khảo nội bộ (dành cho những nhân vật cao cấp trong ĐCSVN). Cũng trên Mạng này một phương án được đề ra gọi là Phương án A, tả cặn kẽ kế hoạch đổ quân theo thế gọng kìm san bằng miền Bắc Việt Nam trong vòng 31 ngày.

© Thông Luận 2010



No comments: