Friday, January 29, 2010

ĐỂ ĐƯA HÀ NỘI TRỞ LẠI DANH SÁCH CPC

Để đưa Hà-nội trở lại danh-sách CPC
Tâm Việt
http://www.bacaytruc.com/index.php?option=com_content&task=view&id=4648&Itemid=37
Tin hành-lang cho hay, chưa bao giờ những hành-xử của Hà-nội về mặt nhân-quyền đã bị lên án nặng nề như trong những ngày vừa qua. Một bản tin của BBC cho thấy là sau vụ xử các nhà tranh đấu cho dân-chủ và nhân-quyền trong những ngày 18, 19 và 21 tháng 1, 2009, ở Hà-nội, Hải-phòng và Sài-gòn đã làm cho hầu như toàn-thế-giới phẫn nộ.

Anh-Mỹ và Liên-hiệp Âu-châu (EU)
Chỉ vài tiếng sau khi tòa tuyên án, Bộ Ngoại giao Anh đã lên tiếng bày tỏ quan ngại. Thứ trưởng Ngoại giao Ivan Lewis nói tại Luân-đôn: "Không thể cầm tù bất kỳ ai vì người đó bày tỏ quan điểm của mình một cách hòa bình... Quyền tự do ngôn luận và tự do lưu thông tư tưởng là tối quan trọng cho một nền kinh tế và xã hội phát triển." Theo ông Lewis, các bản ạ́n như vừa trao chỉ "gây phương hại cho vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế."
Trong khi đó, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak cũng ra thông cáo: "Đại sứ quán Hoa Kỳ lo ngại sâu sắc bởi việc kết án luật sư Lê Công Định cũng như các ông Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long vào ngày 20/01 về các tội danh lật đổ... Chúng tôi cũng quan ngại về việc tiến hành phiên toà rõ ràng đã thiếu trình tự chuẩn mực." Ông Michalak còn bình luận rằng các bản án đã "đi ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc... Việc kết tội này cũng đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng đối với cam kết của Việt Nam về nền pháp trị và cải cách." Ông đại sứ cũng thúc giục chính phủ Việt Nam hãy trả tự do "ngay lập tức và vô điều kiện" cho các cá nhân vừa bị án tù cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác.
Liên hiệp châu Âu (EU) cũng có thông cáo nói việc kết án "không phù hợp với quyền căn bản của mọi người được có ý kiến và tự do bày tỏ chúng trong hòa bình." EU nói sự nghiêm trọng của mức án, đặc biệt là 16 năm tù cho ông Duy Thức, là "chưa từng có trong những năm gần đây." Thông cáo của EU khẳng-định: "Phiên tòa và phán quyết là một bước thụt lùi lớn và đáng tiếc cho Việt Nam. Sự quý trọng của cộng đồng quốc tế và tiến bộ kinh tế lâu dài không thể duy trì nếu sự tự do biểu lộ, đặc biệt là trao đổi và phát triển tư tưởng về những vấn đề quan trọng cho nhân dân và đất nước, bị bóp nghẹt."

Đại-sứ Đan-mạch và các nhà quan-sát quốc-tế
"Việc tiến hành xử án,” thông-cáo của EU còn tiếp, “cũng gây lo ngại: gia đình những bị can không được phép vào chính tòa; hệ thống âm thanh cho người quan sát ở phòng gần bên không tốt; và những cáo buộc nghiêm trọng của hai trong bốn người nói rằng họ bị sức ép hay sách nhiễu trong quá trình điều tra đã không được Tòa lưu ý."
EU nói họ "nhắc lại thiện chí vững chắc và ủng hộ Việt Nam và sẵn sàng tiếp tục làm đối tác với Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng tiêu cực thể hiện qua việc tuyên án này và những lần khác gần đây, cần bị đảo ngược để tiềm năng của Việt Nam trong mọi lĩnh vực, cả xã hội và kinh tế, được thành hiện thực."
Nhận-định của Đại-sứ Đan-mạch ở Hà-nội, người có đến tòa án để quan-sát diễn-tiến phiên tòa (dù chỉ là được quan-sát trong một phòng bên qua màn truyền hình mà nhiều khi âm thanh bị nhiễu), cũng đưa ra những nhận xét tương-tự. Hôm thứ Bảy 23/1 vừa qua, Viện Nhân-quyền của Liên-hiệp Luật-sư Quốc-tế (UIA, tức Union internationale des avocats) cũng tuyên-bố ở Paris là mặc dầu có sự can-thiệp của bộ ngoại-giao nước họ và mặc dầu họ có giấy tờ đi vào VN, luật-sư của họ vẫn không được cho vào tòa án để theo dõi phiên xử. Không những thế, “sau đó, các quan-sát-viên của chúng tôi còn bị công-an di-trú tra hỏi.”
“Tập-tục theo đó các vụ án công-khai được có người theo dõi là một tập-tục thành truyền-thống và được cộng-đồng thế-giới chấp nhận. Sự hiện diện của các quán-sát-viên vô tư và độc-lập giúp vào việc tòa án tiến hành các thủ tục và đảm bảo quyền của các bị can được xử một cách công-minh,” ông Martin Solc, đồng-chủ-tịch của Viện Nhân-quyền nói trên, một chi nhánh của Liên-hiệp Luật-sư Quốc-tế, tổ-chức này có trụ-sở ở Luân-đôn và có tới 30.000 thành-viên trên toàn-thế-giới.

Ngoại-trưởng Hillary Clinton
Ngay sau khi được tin về vụ án Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long, Ngọai-trưởng Hoa-kỳ Hillary Clinton hôm 21/1, trả lời báo chí tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đã cho biết Hoa Kỳ công khai phản đối việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam, kết tội, và bỏ tù không chỉ những blogger mà cả một số những tu sĩ Phật giáo và những đối tượng bị sách nhiễu khác. Bà Hillary Clinton cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam tham gia thảo luận công khai với những người bất đồng thay vì bỏ tù họ. Trong bài diễn văn về tự do trên Internet và vụ Google sửa soạn bỏ thị-trường Trung-Cộng, bà nói Hoa Kỳ lên án việc kết tội và phạt tù bốn nhà hoạt động chính trị tại Việt Nam bị cáo buộc về tội lật đổ chế độ. Một trong bốn người này là ông Trần Huỳnh Duy Thức, một doanh nhân về Internet lãnh án nặng nhất với 16 năm tù.
Bà Clinton nói nếu nhà chức trách không đồng ý với lập trường của một blogger hoặc một trang web, họ nên đáp ứng bằng cách trưng ra lập luận trên trang web của chính họ. Bà cũng chỉ trích Việt Nam sách nhiễu Phật tử, các nữ tu cùng các công dân khác, dù ghi nhận Việt Nam đã đạt những tiến bộ kinh tế đáng kể trong những năm vừa qua và nâng cao mức sống của người dân, nhưng bà nói nhà nước không nên sợ những nhận xét của quần chúng. (Tin SBTN)

Hà-nội chống đỡ
Có lẽ vì quá tự tin là mình phải hay ít nhất cũng nghĩ là có thể cứ lấy thịt đè người rồi thế-giới cũng phải chấp nhận như trong quá-khứ, Hà-nội lúc đầu bác bỏ những cáo buộc của Anh-Mỹ cho rằng đó là “can thiệp vào nội bộ của VN.” Nhưng những ngày gần đây, vì thấy sự chống đối lên quá cao và ở ngay thượng-tầng ngoại-giao với các nước nên Hà-nội đã phải chấp nhận cho một đại diện về nhân-quyền của Liên-hiệp-quốc vào VN để nghiên cứu vấn-đề.
Rõ ràng là Hà-nội giờ này cũng nhìn ra là không thể cứ làm bừa, không coi ai ra gì như trước được nữa. Nhất là, như nhà báo Bùi Tín viết gần đây, những việc làm của Hà-nội được xem là quá đáng: đụng đến Luật-sư Lê Công Định là một người đã được đi học cả ở Pháp lẫn ở Mỹ (Tulane University), một người rất được kính nể vì có lúc đã làm đến phó-chủ-tịch Luật-sư-đoàn TP Hồ Chí Minh, hay tuyên án một cách hoàn-toàn không có căn-cứ nào tới 16 năm tù cho ông Trần Huỳnh Duy Thức, được coi là một chuyên-gia thượng-thặng về công-nghệ thông tin làm cho một công-ty lớn của Hoa-kỳ ở VN. Trường-hợp Nguyễn Tiến Trung hay Lê Thăng Long cũng vậy, nhất là trong trường-hợp của Trung: anh đã học rất giỏi ở Pháp (Đại-học Rennes), lập ra Tập hợp Thanh-niên Dân-chủ, rồi về VN đi lính, một người trẻ mà đã có cơ-hội gặp Thủ-tướng Canada và Tổng-thống Bush của Mỹ. Những con người yêu nước và bất bạo động như thế thì không thể nào có thể ghép được vào tội tìm cách lật đổ chính-quyền.

Khả-năng rất lớn trở lại danh-sách CPC
Cộng tất cả những hành-xử phi lý nói trên của nhà cầm quyền CS đối với các nhà dân-chủ cùng với những sự phá hoại do tin-tặc (mà gần như chắc chắn là) của công-an (như trường-hợp các địa-chỉ Talawas, Đối Thoại, bauxitevietnam.info, dcct – Dòng Chúa Cứu Thế, x-café, Dân Luận) và những vụ đàn áp tôn-giáo (Thái Hà, Tam Tòa, Đồng Chiêm, Bát Nhã…), không lạ là cái nhìn của thế-giới bên ngoài giờ đây đã đổi thay hoàn-toàn đối với Hà-nội.
Như chúng tôi đã có dịp tường-trình, các cuộc vận-động hành-lang trên Thượng-viện Hoa-kỳ trong mấy ngày chung quanh ngày Quốc-tế Nhân-quyền (mồng 10 tháng 12, 2009) vừa qua cho thấy: ngay những văn-phòng mà trước đây thân thiện nhất với Hà-nội như văn-phòng của TNS John Kerry (Chủ-tịch Ủy-ban Ngoại-giao Thượng-viện) cũng đã tỏ ra rất nản chí về sự ngoan cố của Hà-nội về mặt nhân-quyền. Cũng tương-tự, buổi họp của một số đại diện các tổ-chức của người Mỹ gốc Việt với ông Phụ-tá Thứ-trưởng đặc-trách Lao-động, Dân-chủ và Nhân-quyền tại Bộ Ngoại-giao sau khi có buổi đối-thoại về nhân-quyền VN vào cuối năm ngoái cũng cho thấy là Bộ Ngoại-giao Mỹ không còn tin tưởng bao nhiêu vào cái “quiet approach” mà họ chủ-trương bấy lâu nay.

Chúng ta cần hành-động tức-thời
Chính vì thế mà có lẽ lúc này là lúc thuận lợi nhất để thúc đẩy chuyện vận-động với Bộ Ngoại-giao Hoa-kỳ đưa VNCS trở lại danh-sách CPC (Countries of Particular Concern), tức danh-sách các Quốc gia đáng quan-tâm đặc-biệt, cũng như vận-động với Thượng-viện Hoa-kỳ thông qua Dự-luật về Nhân-quyền VN do TNS Barbara Boxer (Dân-chủ, California) đệ nạp từ tháng 5 năm ngoái. Như người Pháp có câu tục-ngự, “Battre le fer quand il est chaud,” chúng ta cần gò thanh sắt khi nó còn đang cháy đỏ. Để có kết-quả, chúng ta cần:
Các tổ-chức như Mạng Lưới Nhân Quyền, Ủy-ban Cứu Người vượt biển, Nghị-hội v.v. lập-tức phát động phong trào viết thư, gọi điện-thoại, hay đánh Fax vào cho các thượng-nghị-sĩ then chốt trên Quốc-hội Hoa-kỳ, đặc-biệt các vị có chân trong Ủy-ban Ngoại-giao như các TNS John Kerry, Jim Webb, Sam Brownback, Barbara Boxer v.v.
để kêu gọi họ ủng-hộ việc đưa VN trở lại danh-sách CPC và thông qua Dự-luật S.1159 của bà Barbara Boxer về Nhân-quyền VN.
Các đồng-hương tập trung, nhân mùa Tết năm nay, vận-động với các dân-biểu và nhất là nghị-sĩ của mình có những hành-động cụ-thể ủng-hộ các nhà dân-chủ ở trong nước và đòi hỏi VNCS phải tôn-trọng tự do tôn-giáo, lập-tức ngưng ngay những việc làm ngang ngược như đối với Thái Hà, Tam Tòa, Đồng Chiêm hay Bát Nhã.
Cuối cùng, chúng ta cũng cần bày tỏ sự đồng-cảm của chúng ta với những nhà dân-chủ trong nước bằng những hành-động cụ-thể như tham-gia việc gây quỹ ủng-hộ cho họ, làm mọi cách để đánh động lương-tâm thế-giới với hoàn-cảnh bi đát và ngặt nghèo của những tấm lòng vì nước vì dân mà đang phải gánh những bản án nặng nề trong ngục tù CS, như Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, L.M. Nguyễn Văn Lý và nhiều người khác nữa.


No comments: