Thursday, January 28, 2010

NỀN CỘNG HOÀ CHUỐI ?


Nền cộng hoà chuối ?
Trần Khải
Đăng ngày 28/01/2010 lúc 02:27:47 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4542
Bắt đầu từ đầu năm 2010, nhà nước Việt Nam chính thức nhận vai Chủ Tịch Khối ASEAN. Nghĩa là áo mão xênh xáng lắm, đối với đảng cầm quyền đương nhiệm CSVN. Nhưng thực sự nội tình đất nước Việt Nam ra sao? Có đúng là vui chung cho cả nước, hay chỉ trình diễn để che các mặt trái bi thảm ở quê nhà?

Tính tới bây giờ là gần trọn một tháng, nhà nước CSVN đã ra chiêu quyền cước vang dội đối với mọi tiếng nói bất đồng, bất kể dư luận thế giới. Coi như đây là thế võ chào sân của một võ sĩ khi mới nhảy lên võ đài. Tình hình này thấy rõ là biểu diễn. Có phải là thúc đẩy từ một cuộc tranh chấp nội bộ hay không, khi các phe ra sức bày tỏ trung thành với lập trường chính thống của Đảng CSVN? Hay đúng ra, có phải toàn Đảng CSVN, toàn nhà nước CSVN và toàn quân CSVN đang trình diễn ầm ĩ để át đi những tiếng dân ta thán? Thiệt hại, phải thấy là vô lường. Cho cả nước, chứ không riêng cho một số các nhà bất đồng chính kiến.

Vài ngày tới hai nhà văn nữ bất đồng chính kiến sẽ ra toà. Nhà văn Phạm Thanh Nghiên sẽ bị đưa ra toà tại Hải Phòng, và nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ tại Hà Nội. Mới mấy hôm trước cũng có tin là nhà hoạt động Nguyễn Bá Đăng ở Hải Dương đã bị công an bắt đi từ tuần trước.

Đài RFI đúc kết về bối cảnh trước khi toà xử hai nhà văn nữ như sau:
“... cô Phạm Thanh Nghiên bị bắt giam từ cuối năm 2008 sau khi biểu tình "tọa kháng" trước cửa nhà chống lạm phát và nạn tham ô tại Việt Nam cũng như tham vọng của Trung Quốc lấn chiếm biển đảo của Việt Nam.
Cùng thời điểm này, chính quyền cũng bắt một loạt 9 nhà đấu tranh khác ở Hải Phòng và Hà Nội và kết án họ từ hai đến sáu năm tù vì "tuyên truyền" chống chế độ. Tuần qua, phiên xử phúc thẩm đã giử y án.
Thứ Sáu tới đây, cũng là ngày nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ ra toà tại Hà Nội. Theo các nguồn tin ngoại giao, bà Trần Khải Thanh thuỷ bị đánh và bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái sau khi bà đi Hải Phòng tìm cách dự phiên toà xử các nhà tranh đấu.
Tuần qua, chính quyền Việt Nam đã bị nhiều tổ chức nhân quyền như Ân Xá Quốc Tế, Human Rights Watch, Hiệp Hội Phóng Viên Không Biên Giới, chính phủ Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đồng loạt lên tiếng chỉ trích sau bản án dành cho 4 nhà dân chủ tại Sài Gòn gồm Luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, và hai ông Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long. Thứ sáu tuần trước, một nhà dân chủ khác là ông Nguyễn Bá Đăng bị bắt tại Hải Dương.”


Đứng về mặt tôn giáo, cũng có những tiếng nhạc hoà vào bản hoà tấu biểu diễn quyền lực của nhà nước: Thiền Sư Nhất Hạnh chính thức ra dư luận quốc tế lên án CSVN và đòi quyền tự do tôn giáo phải được tôn trọng. Giáo xứ Đồng Chiêm bị hạ xong thánh giá trên Núi Thờ, và một tu sĩ bị đánh gục.

Thực ra, bất đồng ở đâu và khi nào cũng có, nhưng cách đối xử với những tiếng nói bất đồng như thế đã làm dư luận thế giới phẫn nộ.

Trên trang báo Intellectual Conservatives hôm 25-1-2010, có bài viết của Steven D. Laib, nhan đề
“An Emerging Banana Republic?” để nêu câu hỏi rằng có phải Việt Nam đang xuất hiện như một nền cộng hoà chuối...

Tác giả nói rằng VN đã cải thiện trong mười năm qua, nhưng các diễn tiến cho thấy VN có thể mang bộ mặt của một “nền cộng hoà chuối”. Cụm từ này nguyên thuỷ mô tả về một quốc gia Trung Mỹ, cai trị bởi một nhà độc tài, được hỗ trợ bởi các công ty trồng trái cây quốc tế. Hai thế lực này – nhà độc tài điạ phương và tư bản quốc tế - cấu kết để hưởng lợi, trong khi đại đa số người dân sống lam lũ, lao động nặng, lương thấp và không có khả năng thăng tiến xã hội nào.

Tác giả kể là mới rời VN sau 2 tuần lễ viếng thăm, lần trước đó là mùa hè năm 2000. VN thay đổi nhiều, và mặt ngoài có vẻ như một con rồng sắp hiện, một quốc gia tân hưng. Nhưng điểm gây chú ý nhất là: VN thế kỷ 21 lại là phiên bản Châu Á của một nền cộng hoà chuối Trung Mỹ thế kỷ 20.

VN cai trị bởi một chế độ toàn trị, quan tâm chủ yếu là ổn định. VN khát vốn, cần tiền nhưng hệ thống không cho dễ dàng cho dân chúng gầy tạo vốn tại quốc nội, nên chủ yếu mời gọi vốn tư bản quốc tế. Như thế, lợi tức tư bản đầu tư phần chính sẽ lại chảy ra ngoài nước. Tất nhiên sẽ có một số hưởng lợi, từ giới cầm quyền, giới có thế lực liên hệ với các tư bản đầu tư, và các công nhân công ty. Nhưng đại đa số dân thì chỉ là những người hái chuối cho ông chủ, hay là đứng ngoài đồn điền chuối.

Tác giả kể về một thư ký khách sạn, mà ông nói chuyện tại Sài Gòn, nơi tính tiền phòng theo giá cao nhất của Mỹ. Nhân viên này có bằng đại học 4 năm, lãnh lương tương đương 100 đô la/tháng. Tác giả nói là khó hình dung nơi nào trên thế giới có thị trường lao động giá rẻ như thế. Bản doanh của hệ thống khách sạn này đặt ở Hồng Kông, và tác giả biết chắc rằng lợi nhuận khách sạn sẽ chảy thẳng về Hồng Kông, chứ không để ở VN bao giờ.

Thành phố Nha Trang có thể tin cũng là mô hình tương tự. Tác giả nói là hệ thống khách sạn Mỹ Sheraton (thuộc sở hữu công ty đa quốc ITT) sắp mở một khách sạn ở Nha Trang. Rồi Crowne Plaza, cũng thuộc sở hữu đa quốc InterContinental Hotels Group, cũng sắp mở ở Nha Trang. Khách sạn mới đang xây mà ông thấy ở Nha Trang là của hệ thống Best Western, bản doanh ở Phoenix, Arizona.

Ông nói, lợi nhuận khách sạn tất nhiên là ra nước ngoài, may ra có các công ty xây cất địa phương hưởng lợi, nhưng ông không biết chắc là vật liệu xây cất – như gạch, cát, ximăng, thép... – có phaỉ hoàn toàn là từ điạ phương không.

Thay vì xuất cảng chuối như mô hình cộng hoà chuối, VN đang xuất cảng nhiều nông sản khác nhau. Vấn đề là các trang trại VN lại nhỏ, thiếu cơ khí hóa, nên năng suất kém, phẩm chất lại không nổi bật. Như trường hợp cà phê, mà VN xuất cảng nhiều thứ nhì thế giới, chỉ sau Brazil. Nhưng cà phê VN không có phẩm chất, nên bán giá không cao như cà phê Brazil hay Colombia.

Phần lớn nơi lại còn hình thức hợp tác xã nông nghiệp còn lại từ thời XHCN. Báo Anh ngữ Vietnam News ấn bản ngày 16-1-2010 lại có bài ngay trang nhất nói rằng các mô hình kinh tế địa phương vẫn phải dựa vào hoạch định của trung ương; thấy rõ, chính phủ không muốn nông dân thoát khỏi tầm tay kiểm soát. Cơ sở hạ tầng thì bi thảm. Đường sá, cầu cống không ra gì. Kỹ thuật ở nông thôn vẫn quá thấp. Đồng ruộng còn dùng nhiều tới sức trâu bò.

Đã tới lúc người Việt Nam mình nên tự hỏi rằng: Có phải Việt Nam là một nền cộng hoà chuối, trong đó, Đảng CSVN đóng vai nhà độc tài cấu kết với tư bản quốc tế để một số ít người cầm quyền hưởng lợi và đại đa số dân lam lũ? Và do vậy ai nói những điều nhà nước không hài lòng đều sẽ bị đẩy ra toà án...

Trần Khải
© Thông Luận 2010

No comments: