Saturday, January 16, 2010

VỪA QUẢN LÝ, VỪA NHẬN LÀM THUÊ

Vừa quản lý, vừa nhận làm thuê (phần 1)
Trân Văn, phóng viên RFA
2010-01-15
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Department-of-Justice-competes-with-law-firms-TrVan-01152010113148.html
Ngày 11 tháng 1, ông Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Việt Nam, xác nhận chính phủ đang “nợ” xã hội 87 nghị định hướng dẫn thi hành các qui định pháp luật đã ban hành. Ông Trọng đề nghị Bộ Tư pháp rà soát và có biện pháp giải quyết.

Bỏ chính lo phụ?
Thông tin đó nhắc người ta nhớ đến một sự kiện khác, xảy ra vào cuối tháng 12, đó là chuyện Bộ Tư pháp – cơ quan tham mưu cho chính phủ trong lĩnh vực tư pháp – thay vì phải chu toàn những công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình thì lại nhận làm những công việc ngoài chức trách, tạo ra nhiều điều tiếng.
Tại điều 1 của nghị định mang số 93 ban hành năm 2008, Thủ tướng Việt Nam xác định: Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước, quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2009 và triển khai công tác tư pháp năm nay vừa diễn ra hồi đầu tuần này, ông Trương Vĩnh Trọng, một Phó Thủ tướng, xác nhận chính phủ đang “nợ” xã hội 87 nghị định hướng dẫn luật. Điều đó đồng nghĩa với việc có cả trăm bộ luật, pháp lệnh tuy đã được ban hành nhưng chưa thể thực hiện.
Tình trạng đó, tất nhiên có trách nhiệm của Bộ Tư pháp. Cũng tại hội nghị vừa kể, ông Hoàng Thế Liên, một Thứ trưởng của Bộ Tư pháp, loan báo, đang có khoảng 300.000 bản án dân sự chưa được thi hành.
Đây tất nhiên cũng là trách nhiệm của Bộ Tư pháp.
Trong bối cảnh như thế, người ta thấy Thông tấn xã Việt Nam loan báo, ngày 29 tháng 12 năm ngoái, Bộ Tư pháp đã ký một “thỏa thuận hợp tác” với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, gọi tắt là Petro Vietnam, để “cung cấp, hướng dẫn các nội dung chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, luật quốc tế ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Petro Vietnam, hỗ trợ chia sẻ pháp lý để các hoạt động đầu tư được an toàn, nhanh chóng và hiệu quả”.
Liệu một cơ quan thay mặt chính phủ quản lý lĩnh vực tư pháp như Bộ Tư Pháp có thể ký một “thỏa thuận hợp tác” riêng với Petro Vietnam để hướng dẫn pháp luật, hỗ trợ chia sẻ pháp lý cho doanh nghiệp này?
Chúng tôi đã nêu câu hỏi ấy với một vài người am tường pháp luật cũng như hiện tình Việt Nam. Ông Cù Huy Hà Vũ, một Tiến sĩ Luật, nhận định: Trước hết phải khẳng định rằng để làm ăn đúng pháp luật và có hiệu quả thì cần phải có tư vấn về pháp luật nhưng ở đây, trong trường hợp Bộ Tư pháp đứng ra ký với Petro Vietnam một thỏa thuận hợp tác cung cấp dịch vụ pháp lý, cụ thể, Bộ Tư pháp sẽ đóng vai trò như một văn phòng luật sư, như một công ty tư vấn pháp luật là trái pháp luật!
Bởi vì các cơ quan quản lý nhà nước không được, không có quyền mang lại lợi nhuận hoặc nhằm mục đích lợi nhuận. “Thỏa thuận hợp tác” thực tế là che giấu quan hệ cung ứng dịch vụ pháp lý từ Bộ Tư pháp cho Petro Vietnam. Đó là một thỏa thuận trái pháp luật. Bộ Tư pháp không có quyền cung ứng dịch vụ pháp lý cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.

Vừa không thể, vừa không được phép
Cùng tham gia trả lời câu hỏi vừa kể, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết ý kiến của ông, đồng thời dành cho Đài Á Châu Tự Do một cuộc trao đổi ngắn: Tôi nghĩ rằng cơ quan nhà nước phải làm việc của nhà nước. Bộ Tư pháp phải lo vấn đề tư pháp như thế nào chứ không phải đi cung cấp dịch vụ cho một doanh nghiệp.
Bản thân các cơ quan nhà nước vẫn có thể cung cấp dịch vụ nhưng dịch vụ đấy phải thuộc nghĩa vụ của cơ quan nhà nước đấy và không thể đi ký một hợp đồng mà phân tích kỹ thì là hợp đồng thuần túy thương mại như vậy. Đây là chuyện hoàn toàn không ổn.
Cơ quan nhà nước có thể ký hợp đồng để các văn phòng luật hay là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho mình chứ không phải là cơ quan nhà nước đi làm dịch vụ theo kiểu thương mại như vậy.

Trân Văn: Thưa Tiến sĩ, theo chức năng, Bộ Tư pháp là cơ quan tham mưu cho Thủ tướng trong việc rà soát, xem xét, kiến nghị thu hồi hay bãi bỏ những văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với luật pháp hiện hành.
Trong trường hợp này, khi Bộ Tư pháp ký một thỏa thuận hợp tác không đúng về mặt pháp lý như thế thì còn cơ quan nào khác để kiến nghị xem xét lại việc mà Bộ Tư pháp đã làm không?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rồi bản thân Chính phủ có thể can thiệp chuyện này. Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp có nói rằng Bộ Tư pháp có thễ hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng là hỗ trợ với tư cách một cơ quan nhà nước. Việc hỗ trợ đấy phải vô tư, cho tất cả doanh nghiệp, chứ không phải là cho một hay hai doanh nghiệp nào đấy. .
Trân Văn: Thưa Tiến sĩ, cũng trong ngày 29 tháng 12, tôi đọc thấy trên tờ Nhân Dân một tin khác. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo, nét mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng là sự phối hợp thường xuyên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp, ký kết hợp đồng với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ để tổ chức tập huấn các chuyên đề tuyên truyền về công tác phòng chống tham nhũng. Thưa Tiến sĩ, tại Việt Nam, nếu không sinh lợi thì người ta có thể dùng khái niệm ký kết hợp đồng không?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Bất luận là có sinh lợi hay không sinh lợi thì tôi nghĩ việc ký các hợp đồng và thỏa thuận như thế là không nên. Nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước là phải làm việc đó, không thể thu tiền nữa.
Lẽ ra là bên Mặt trận nên ký kết hợp đồng với một tổ chức có thể cung cấp những dịch vụ như thế, những dịch vụ đấy chưa chắc đã cần phải sinh lời, bởi vì các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức bất vụ lợi cũng có thể ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và người ta cũng có thể thu tiền nhưng mục đích thu tiền là để phát triển tiếp tổ chức của người ta, chứ không phải để kiếm lợi cho ai đó.
Bộ Tư pháp có ký hợp đồng với Petro Vietnam hay ký hợp đồng với Mặt trận không phải vì mục đích sinh lợi bởi vì không thể làm chuyện đó được nhưng dẫu không sinh lợi thì cũng có các tổ chức phi vụ lợi người ta làm chứ không phải là cơ quan nhà nước.
Trân Văn: Thưa Tiến sĩ, đối chiếu những dịch vụ mà Bộ Tư pháp cung cấp cho Petro Vietnam với các định nghĩa về hành nghề luật sư trong Luật Luật sư thì thấy có khá nhiều điễm tương đồng,…
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: ,,,Vâng đúng như vậy!
Trân Văn: ,,,Và trong Luật Luật sư có một qui định rất rõ ràng. Đó là cấm việc hành nghề luật sư đối với những tổ chức, cá nhân không phải là luật sư. Thế thì trong trường hợp này, khi Việt Nam đã có Liên đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư được xem như là một tổ chức vừa đảm bảo quyền lợi cho giới luật sư, vừa là một cơ quan quan sát việc thi hành những qui định pháp luật có liên quan đến luật sư, Tiến sĩ có nghĩ rằng Liên đoàn Luật sư nên lên tiếng không?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Đấy cũng chính là câu hỏi mà tôi đặt ra trong bài viết của tôi. Có một đối tác cạnh tranh không cân xứng, tại sao các văn phòng luật sư, các công ty tư vấn luật không lên tiếng?Tại sao mà Liên đoàn Luật sư không lên tiếng? Đấy là một điểm yếu của các tổ chức tại Việt Nam. Liên đoàn Luật sư là một tổ chức phi chính phủ.

Những vấn đề phát sinh từ sự kiện Bộ Tư pháp ký “thỏa thuận hợp tác” nhằm hướng dẫn pháp luật, hỗ trợ chia sẻ pháp lý cho Petro Vietnam hay chuyện Bộ Tư pháp cùng Bộ Nội vụ “ký kết hợp đồng” với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để “tập huấn các chuyên đề tuyên truyền về công tác phòng chống tham nhũng”, không chỉ ngừng lại ở những nội dung mà Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đề cập. Cũng vì vậy, mời qúy vị đón nghe bài kế tiếp.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

Vừa quản lý, vừa nhận làm thuê (phần 2)
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2010-01-16
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Department-of-justice-competes-with-law-firms-part2-tvan-01162010131213.html
Trong bài trước, quý vị đã nghe Trân Văn tổng hợp và tường trình một số vấn đề có liên quan đến sự kiện, Bộ Tư pháp ký “thỏa thuận hợp tác”, nhằm hướng dẫn pháp luật, hỗ trợ chia sẻ pháp lý cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, gọi tắt là Petro Vietnam. Hoặc Bộ Tư pháp cùng với Bộ Nội vụ “ký kết các hợp đồng” với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để “tập huấn các chuyên đề tuyên truyền về công tác phòng chống tham nhũng”.
Quý vị cũng đã nghe một số chuyên gia am tường pháp luật và hiện tình Việt Nam phân tích tại sao họ lại xem các “thỏa thuận hợp tác” và “hợp đồng” ấy bất ổn, không thể chấp nhận được. Tuy nhiên câu chuyện này không chỉ ngừng ở đó, mời quý vị nghe Trân Văn tường trình tiếp...

Một xu thế
Câu chuyện Bộ Tư pháp, cơ quan đảm trách vai trò “quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác trong phạm vi toàn quốc” đứng ra ký “thỏa thuận hợp tác” để hướng dẫn pháp luật, hỗ trợ, chia sẻ pháp lý cho Petro Vietnam, với tư thế như một văn phòng luật sư hay công ty luật không chỉ gây băn khoăn vì trái pháp luật.
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trình bày thêm lý do vì sao câu chuyện này khiến ông lo ngại: Tuy Petro Vietnam là của nhà nước nhưng đó là một cơ quan kinh doanh mà cơ quan kinh doanh thì hoạt động theo những nguyên tắc về kinh doanh. Bây giờ Petro Vietnam lại kết hợp với một cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu. Tức là làm tha hóa bộ máy nhà nước. Lợi nhuận hóa bộ máy công quyền. Đây là một điều nguy hiểm. Nó phá hoại bộ máy nhà nước.
Thế nhưng đó chỉ là sự lo ngại của một Tiến sĩ luật đứng bên ngoài bộ máy công quyền.
Ông Hà Hùng Cường, cũng là một Tiến sĩ Luật nhưng đang đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Tư pháp thì nhìn vấn đề hoàn toàn khác. Khi tường thuật về sự kiện Bộ Tư pháp ký “thỏa thuận hợp tác” với Petro Vietnam để hướng dẫn pháp luật, hỗ trợ chia sẻ pháp lý cho doanh nghiệp này, Thông tấn xã Việt Nam kể thêm rằng: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, việc hợp tác giữa hai bên sẽ là “cú hích” quan trọng không chỉ giúp Petro Vietnam trưởng thành hơn về mặt pháp luật, pháp lý mà trong tương lại sẽ đúc rút kinh nghiệm giúp các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế khác hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư hiệu quả hơn, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Căn cứ vào tuyên bố đó, Bộ Tư pháp sẽ ký nhiều “thỏa thuận hợp tác” khác với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế khác? Bất kể chính phủ đang “nợ” xã hội 87 nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, điều này đồng nghĩa với việc có cả trăm bộ luật, pháp lệnh tuy đã được ban hành nhưng chưa thể thực hiện? Đồng thời đang có khoảng 300.000 bản án dân sự chưa được thi hành? Tất cả những tồn tại ấy cùng liên quan tới trách nhiệm của Bộ Tư pháp.
Theo dõi báo chí Việt Nam, người ta thấy Bộ Tư pháp không chỉ quan tâm tới các “thỏa thuận hợp tác” với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế. Trên số ra ngày 29 tháng 12, tờ Nhân dân tường thuật cùng với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp đã “ký kết hợp đồng” với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn các cấp để cùng làm công việc “tổ chức tập huấn các chuyên đề tuyên truyền về công tác phòng chống tham nhũng”. Trong khi cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hào hứng tuyên bố đó là “nét mới” về tuyên truyền, giáo dục phòng chống tham nhũng thì một vài người nêu thắc mắc, phải chăng, nhờ nhận thức “tham nhũng là quốc nạn” mà các bộ: Nội vụ, Tư pháp có thêm hàng loạt đối tác “thường xuyên” để ký hàng loạt “hợp đồng”?

Nhiều rủi ro
Điều 2 của nghị định mang số 178, được ban hành năm 2007 để quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, các cơ quan ngang bộ xác định: Bộ, cơ quan ngang Bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực được giao trong phạm vi cả nước, quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Thế nhưng thực tế cho thấy hình như nhiều bộ, kể cả các viên chức cao cấp lãnh đạo các bộ đều thích làm thêm. Tình trạng này phổ biến tới mức, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cảnh báo: Có một hiện tượng rằng, các tập đoàn nhà nước sẽ kết hợp với các cơ quan nhà nước, tạo thành một vòng tròn khép kín, mang lại thù lao, mang lại lợi nhuận cho nhau mà không bị công chúng kiểm soát. Đấy là điều có thể nói là không minh bạch.
Gần đây, minh bạch là hai từ thường xuyên được đề cập tại Việt Nam song đôi khi sự minh bạch lại dễ làm công chúng choáng váng.
Chính phủ Việt Nam hiện có một tổng công ty chuyên dùng vốn của nhà nước để đầu tư và kinh doanh. Tên đầy đủ của doanh nghiệp nhà nước này là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước nhưng thường được gọi tắt là SCIC.
Đầu tháng 12 năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước công bố Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của SCIC cho đến năm 2008. Theo báo cáo đó, tính đến cuối năm 2008, tổng tài sản của SCIC là 40.718 tỉ đồng nhưng SCIC lại đang nợ 27.302 tỉ đồng, nên vốn chỉ còn 13.416 tỉ đồng.
Vì SCIC là một doanh nghiệp nhà nước, nên SCIC được đặt dưới sự kiểm soát của một số bộ như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư. Thay vì đứng ngoài, kiểm tra, giám sát hoạt động của SCIC, một số viên chức cao cấp của các bộ: Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Công Thương lại tham gia vào Hội đồng quản trị SCIC.
Bởi Kiểm toán Nhà nước loan báo, trong năm 2008, thu nhập bình quân của lãnh đạo SCIC là 78,5 triệu đồng/tháng, nên giữa tháng 12, Bộ Tài chính phải gửi một công văn, đính chính với công chúng rằng, từ năm 2008 đến nay, ông Vũ Văn Ninh - Bộ trưởng Tài chính, ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Tài chính, ông Cao Viết Sinh – Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư, ông Đỗ Hữu Hào – Thứ trưởng Công Thương, chỉ là thành viên không chuyên trách của Hội đồng Quản trị SCIC, các ông này chỉ nhận phụ cấp kiêm nhiệm là hơn 2 triệu đồng mỗi người một tháng.
Tuy có đến bốn viên chức cao cấp là lãnh đạo ba bộ của chính phủ tham gia hội đồng quản trị song theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến cuối năm 2008, SCIC còn thiếu ngân sách khoản thuế khoảng 25 tỉ đồng. Chưa kể Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện SCIC có nhiều sai phạm tài chính, khoản tiền phải xử lý lên tới 1.025 tỉ đồng.
Vì sao lại có có tình trạng các cơ quan công quyền vừa quản lý, vừa làm thuê? Tiến sĩ Nguyễn Quang A tâm sự : Đáng tiếc là có một sự lẫn lộn. Các cơ quan nhà nước lẽ ra chỉ làm những công việc của Nhà nước chứ không phải đi làm những việc khác. Nhiều khi việc của Nhà nước thì không làm mà đi làm những việc của người khác. Đấy là một căn bệnh trầm kha của nền hành chính Việt Nam.
Cốt lõi của cải cách hành chính là các cơ quan Nhà nước chỉ làm việc cai trị mà thôi.
Cung cấp dịch vụ công là do các tổ chức có thể là thuộc sở hữu nhà nước nhưng mà nó không phải là cơ quan nhà nước!
Có một sự lẫn lộn về mặt chức năng, nhiệm vụ, ai được làm gì. Cơ quan nhà nước chỉ được làm những việc được liệt kê trong những văn bản pháp lý. Làm ngoài những điều đó là vi phạm pháp luật. Người bị ảnh hưởng đến quyền lợi là có quyền kiện.


Người bị ảnh hưởng đến quyền lợi có quyền kiện nhưng đã có bao nhiêu vụ kiện?

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments: