Saturday, January 16, 2010

SỰ THAY ĐỔI CÁC TRIỀU ĐẠI Ở VIỆT NAM

Sự thay đổi các triều đại ở Việt Nam
Người Yêu Nước
16.01.2010
http://www.x-cafevn.org/node/2598
Trong hơn 4000 năm lịch sử của Việt Nam, triều đại vua Hùng kéo dài hơn 2000 năm. Cho đến nay, đây là triều đại kéo dài nhất trong lịch sử nước ta, với những truyền thuyết thật hào hùng, như truyền thuyết Âu Cơ-Lạc Long Quân, truyền thuyết dưa hấu- An Tiêm, truyền thuyết Thánh Gióng, truyền thuyết Sơn Tinh,-Thủy Tinh...

Năm 111 trước Công nguyên, Triệu Đà của Trung Quốc đánh bại vua An Dương Vương, với truyền thuyết bi hùng Mị Châu-Trọng Thủy, để bắt đầu thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc. Khi đó, nước ta chỉ còn là một phên thuộc của Trung Quốc. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã vùng lên để giành lại độc lập và giá trị văn hóa riêng cho dân tộc ta, như khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40, khởi nghĩa Bà Triệu năm 248, khởi nghĩa Lý Bí-Lý Nam Đế năm 544, khởi nghĩa Triệu Việt Vương năm 549,,,. Nhưng tất cả các cuộc khởi nghĩa này đến cuối cùng đều thất bại. Điều đặc sắc nhất trong thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc này là cả 2 cuộc khởi nghĩa đầu tiên năm 40 và năm 248 đều do phụ nữ lãnh đạo, là Hai Bà Trưng, và Bà Triệu, cho thấy phụ nữ Việt Nam thật anh hùng.

Đến năm 939, Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng, mới chấm dứt được 1000 năm Bắc thuộc, trả lại cho dân tộc ta nền độc lập và các giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc riêng. Từ đó, nước ta bắt đầu thời kỳ hơn 1000 năm độc lập cho đến nay. Trong hơn 1000 năm độc lập đó, nhà Đinh thay nhà Ngô vào năm 968, nhà Tiền Lê-Lê Đại Hành thay nhà Đinh vào năm 981, không có nhiều điều để nói.

Kể từ thời nhà Lý đến nay, nước ta có 8 lần thay đổi triều đại, thì 3 lần thay đổi từ dưới lên, khi có chiến tranh xâm lược, và 4 lần thay đổi từ trên xuống, trong thời bình, không có chiến tranh, và một lần nửa từ trên xuống, nửa từ dưới lên.

Nhà Lý thay nhà Tiền Lê năm 1009, trong thời bình, không có chiến tranh, là sự thay đổi từ trên xuống. Khi đó Lý Công Uẩn là một vị võ quan cao cấp trong triều Tiền Lê, thời vua Lê Ngọa Triều, làm Điện tiền chỉ huy sứ, chỉ huy cấm quân bảo vệ kinh thành, và chỉ huy quân đội, giống như chức Bộ trưởng Bộ quốc phòng bây giờ. Vua Lê Ngoạ Triều ăn chơi sa đọa, nên bị bệnh, chỉ ngồi và nằm được để điều hành công việc đất nước. Nên sử sách gọi ông ta là Lê Ngọa Triều. Lòng dân óan thán triều đại thối nát này, nên các quan suy tôn Lý Công Uẩn lên làm vua, không có đảo chính, bạo lực.

Thời nhà Lý đánh dấu 3 sự kiện quan trọng, là dời thủ đô từ Hoa Lư-Ninh Bình ra Hà Nội, để nước ta có điều kiện năm nay 2010 tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Sự kiện thứ hai là Lý Thường Kiệt chủ động tấn công vào đất Liêm Châu, Khâm Châu của nhà Tống, tức vùng Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay, vào năm 1075, để triệt phá các cơ sở hậu cần của nhà Tống, vì biết nhà Tống đang chuẩn bị xâm lược nước ta. Đây là lần đầu tiên, và cũng là lần duy nhất cho đến nay, nước ta chủ động tấn công trước vào đất Trung Quốc, để ngăn chặn Trung Quốc xâm lược nước ta. Sự kiện thứ ba là Lý Thường Kiệt đánh thắng quân Tống tại phòng tuyến sông Cầu-sông Như Nguyệt, với bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghich lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan hủ bại hư”.
Nhà Lý kéo dài được 216 năm, từ năm 1009, đến năm 1225. Sau đó nhà Trần thay nhà Lý, cũng trong thời bình, cũng là từ trên xuống. Trần Thủ Độ cũng là quan Điện tiền chỉ huy sứ của nhà Lý, giống Lý Công Uẩn 216 năm trước. Trần Thủ Độ lập mưu cho Trần Cảnh lấy nữ vua Lý Chiêu Hoàng mới 7 tuổi, vào năm 1225, từ đó nhà Lý chuyển sang nhà Trần một cách nhẹ nhàng, không có bạo lực. Nhà Trần kéo dài 175 năm, từ năm 1225 đến năm 1400. Thời kỳ nhà Trần có đặc điểm đặc sắc nhất là 3 lần thắng quân Nguyên, (vào năm 1227, năm 1284, và năm 1287), với vị tướng lừng danh Trần Hưng Đạo (1226-1300).

Nhà Hồ thay nhà Trần vào năm 1400, cũng thời bình, cũng từ trên xuống. Hồ Quý Ly nguyên là Thống chế đô hải tây, Thái sư thời vua Trần Ngệ Tông, giống Thủ tướng bây giờ. Nhà Trần suy thoái, nên Hồ Quý Ly cướp ngôi, lập nên nhà Hồ.

Nhà Hồ chỉ kéo dài được 7 năm. Vào năm 1407, nhà Minh xâm lược nước ta, lấy lý do nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, nên nhà Minh vào để khôi phục lại nhà Trần. Như vậy khi đó nước ta có chiến tranh. Lê Lợi là một điền chủ ở đại phương đứng lên khởi nghĩa, chống lại nhà Minh, và đã thắng lợi vào năm 1427, lập nên nhà Lê. Như vậy nhà Lê ra đời là từ dưới lên, không phải từ hàng quan lại cao cấp của nhà Trần.

Đặc điểm vang dội của nhà Lê, là chiến thắng quân Minh, và có nhà văn hóa kiệt xuất Nguyễn Trãi, với bản Tuyên ngôn độc lâp thứ hai của nước ta, là Bình ngô đại cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; quân điếu phạt trước lo trừ bạo. Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác.” Một đặc điểm khác của nhà Lê, là nội chiến, nhà Mạc muốn cướp ngôi nhà Lê (1527-1592), và Trịnh-Nguyễn phân tranh (1558-1787).

Do tình hình nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh, nên anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ nổi lên. Rồi nhà Thanh xâm lược nước ta, nên Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế vào năm 1788, đánh thắng quân Thanh, và chấm dứt nhà Lê hơn 300 năm. Như vậy nhà Nguyễn Tây Sơn lên ngôi là từ dưới lên, khi đất nước có nội chiến, và chiến tranh chống ngoại xâm của nhà Thanh. Đặc điểm nổi bật của nhà Nguyễn Tây Sơn, là chiến thắng quân Xiêm-Thái Lan năm 1784, và chiến thắng vang dội quân Thanh năm 1788.

Năm 1802, Nguyễn Ánh là dòng dõi nhà Nguyễn Hoàng khôi phục lại nhà Nguyễn, sau khi vua Quang Trung bị bệnh đột ngột chết khi mới 39 tuổi.

Vào năm 1945, những người cộng sản lên nắm chính quyền, lật đổ nhà Nguyễn, tức là sự thay đổi từ dưới lên, khi nước ta có chiến tranh với người Pháp và người Nhật. Như vậy trong lịch sử nước ta, có 3 lần thay đổi từ dưới lên, là nhà Lê thay nhà Hồ, nhà Nguyễn Quang Trung thay nhà Lê, và nhà Cộng sản ngày nay thay nhà Nguyễn, đều khi đất nước có chiến tranh. Nhà Nguyễn Ánh thay nhà Nguyễn Tây Sơn trong điều kiện đặc biệt, khi vua Quang Trung đột ngột chết trẻ, có thể coi như nửa từ trên xuống, nửa từ dưới lên. Nhà Lý thay nhà Tiền Lê, nhà Trần thay nhà Lý, nhà Hồ thay nhà Trần, nhà Mạc thay nhà Lê trong thời gian ngắn, 4 lần này đều trong thời bình, là sự thay đổi từ trên xuống.

Vậy thời cộng sản ngày nay, nếu chính thể thay đổi, sẽ là sự thay đổi từ trên xuống, hay từ dưới lên? Nếu có chiến tranh Việt Nam-Trung Quốc xảy ra, thì rất có thể sẽ là sự thay đổi từ dưới lên. Những người bình dân xuất chúng nào đó sẽ đứng lên lãnh đạo đất nước, thay thế nhà nước cộng sản. Nếu không có chiến tranh, thì rất có thể sự thay đổi là từ trên xuống, những vị lãnh đạo đức độ nào đó trong Đảng cộng sản sẽ thay đổi chế độ cộng sản mất dân chủ bằng chế độ dân chủ tự do. Và chế độ dân chủ tự do ở Việt Nam có thể không hoàn toàn giống chế độ dân chủ tự do ở phương Tây. Nhưng cũng có thể là một sự thay đổi nửa từ trên xuống, nửa từ dưới lên, tức là có sự kết hợp giữa những vị lãnh đạo cao cấp có đức độ trong đảng cộng sản, và những nhà dân chủ xuất chúng, có đường lối ôn hòa, không cực đoan.

Người ta hi vọng sau Đại hội 11 của Đảng vào năm 2011, sẽ có sự thay đổi đó. Chúng ta hãy chờ xem, với niềm hi vọng lớn lao. Vì sự giả dối và mất dân chủ đã kéo dài quá lâu, quá đủ ở nước ta rồi. Một dân tộc anh hùng như vậy, không thể cứ chịu cảnh để cho tập đoàn giả dối và tham nhũng đè nén và bốc phét mãi được.


No comments: