Saturday, January 16, 2010

LÙM XÙM GIỮA GOOGLE và TRUNG QUỐC

Lùm xùm giữa Google và Trung Quốc
Chu Quang
Tháng Một 16, 2010
http://ledienduc.wordpress.com/2010/01/16/lum-xum-gi%e1%bb%afa-google-va-trung-qu%e1%bb%91c/

Đầu đuôi câu chuyện
Khi Google bắt đầu mở cơ sở ở Trung Quốc vào năm 2005 và đặt máy chủ tại đây, công ty đã chấp nhận cho chính phủ kiểm duyệt một số kết quả dữ liệu tìm kiếm. Ví dụ như khi người Trung Quốc vô Google tìm từ khóa “Thiên An Môn”, họ sẽ không thấy những bài nói về những đợt đàn áp đẫm máu trong sự kiện này. Một hình thức “tự kiểm duyệt”.
Mặc dù chấp nhận một số hình thức “tự kiểm duyệt”, Google và chính phủ Trung Quốc từ đó đến nay vẫn tiếp tục tranh cãi về nội dung kiểm duyệt, có những thông tin chính quyền muốn chận thì công ty không muốn chận.
Trong những tháng gần đây, hầu như tuần nào Google cũng bị cán bộ mạng Trung Quốc đòi bỏ cái này, cắt cái kia, hai bên nhiều lúc to tiếng.
Hôm thứ Ba, Google dọa sẽ ngưng làm ăn tại Trung Quốc. Lời lẽ theo kiểu ngoại giao là “công ty sẽ thay đổi triệt để cung cách làm ăn tại Trung Quốc”. Nếu nói thẳng “chúng tôi hết chịu đựng nổi các bạn”, một sự thay đổi lập trường 180 độ của Google, muốn Trung Quốc phải để cho thông tin được lưu thông hoàn toàn tự do.

Google lập luận
Google nói rằng họ có bằng chứng cho thấy có những tin tặc đã truy cập email của những nhà hoạt động nhân quyền nào có tài khoản @gmail.com.
Tài khoản Gmail bị xâm nhập gồm các người bất đồng chính kiến Trung Quốc, các chuyên viên Mỹ về Trung Quốc thường hay trao đổi email với các giới chức chính phủ Mỹ.
Một câu hỏi được đặt ra, hệ thống của Google đã bị xâm phạm đến mức nào? Công ty cho biết, dựa trên kết quả điều tra, công ty không tin rằng cuộc xâm nhập của tin tặc đã thành công. Dường như chỉ có hai ba tài khoản gmail bị xâm nhập, nhưng kẻ xâm nhập chỉ lấy được một số thông tin không quan trọng, chứ không lấy được nội dung các email.
Google còn tiết lộ qua cuộc điều tra của họ, họ còn thấy có ít nhất 33 công ty của Mỹ bị tin tặc tấn công trong đó có các thương hiệu nổi tiếng như Adobe Systems, Northrop Grumman và Juniper Networks.
Các chuyên viên của Google nói rằng họ không nghĩ một chủ thể cá nhân hoặc phi chính phủ có thể tiến hành một cuộc xâm phạm rộng lớn và có tổ chức tốt như thế. Nhưng họ cũng thừa nhận có làm gì đi nữa cũng khó tìm được bằng chứng buộc tội thủ phạm.
Cái khó của cuộc chiến tranh trên mạng (cyberwar) là không giống như chiến tranh quy ước, rất khó để xác định ai là thủ phạm.

Phản ứng từ Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ sẽ không làm theo lời yêu cầu của Google là công khai tuyên bố sẽ không “tự kiểm duyệt” những lần tìm kiếm dữ liệu trên Google.cn, địa chỉ tìm kiếm của công ty Mỹ tại Trung Quốc.
Ngôn từ ngoại giao quen thuộc của bà Khương Du, người phát ngôn của bộ này: “Trung Quốc hoan nghênh các công ty Internet của nước ngoài đến hoạt động tại Trung Quốc, miễn là họ tuân thủ luật pháp Trung Quốc”.
Khoảng 80 triệu người trong số 300 triệu người Trung Quốc sử dụng Internet đang chơi với công cụ tìm kiếm của Google. Có người cho rằng động thái của Google mang ý nghĩa giữ sĩ diện của con buôn, hơn là đeo đuổi nguyên tắc. Họ nói rằng nếu thị phần của Google tại Trung Quốc là 70%, thay vì 30% như hiện nay thì có lẽ công ty sẽ không bái bai Trung Quốc.
Một blogger Trung Quốc viết: “Nếu Google không còn muốn lo lắng gì nữa thì họ cứ cắt giây cáp quang dưới lòng biển đi”.
Một blogger khác viết: “Vụ này không phải là Google rút lui khỏi Trung Quốc mà là Trung Quốc rút lui khỏi thế giới”.
Nhiều người Trung Quốc lo ngại nếu không có Google họ sẽ khó tiếp cận các thông tin có tính cách kỹ thuật.
Một khách hàng Trung Quốc khuyên Google không nên ngưng hoạt động ở Trung Quốc mà nên dùng các áp lực của WTO hoặc chính phủ Hoa Kỳ.
Một nhóm nhỏ người Trung Quốc trong tuần qua đã tụ tập trước trụ sở của Google, để lại hoa, đèn cầy, và những tờ giấy có ghi những lời ủng hộ công ty của Mỹ. Một phụ nữ trong nhóm này nói với tờ New York Times: “Chính phủ nên cho người dân quyền được xem những gì mà họ muốn xem trên Internet. Chính phủ không thể nói dối nhân dân mãi mãi”.

Bang giao hai nước
Cuộc tranh chấp giữa một công ty Mỹ và chính phủ Trung Quốc còn ảnh hưởng đến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cũng yêu cầu Trung Quốc giải thích vụ này. Bà nói: “Trong một xã hội và một nền kinh tế hiện đại, cần phải để cho mọi người có thể làm việc trên Internet một cách yên tâm và tin tưởng”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ sắp sửa đọc một bài diễn văn quan trong về quyền tự do trên Internet vào ngày 21 tháng này. Tuần trước, bà đã có một bữa ăn tối, vừa ăn vừa làm việc với lãnh đạo các công ty Internet lớn nhất của Mỹ, trong đó có Eric Schmidt ,Tổng Giám đốc của Google.
Ông Triệu Kim, chủ nhân của trang web anti-CNN.com và một người lâu nay vẫn ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương và Tây Tạng cho rằng chính bà Ngoại trưởng Clinton đã gây sức ép để Google tuyên bố rút lui. Ông Triệu Kim nói bà Clinton làm như thế để làm nổi bật bài diễn văn sắp tới của bà. Ông còn nói nếu Google bỏ thì các công ty truy tầm dữ liệu của Trung Quốc sẽ nhảy vào thế chỗ chứ đâu có gì mà phải lo.
Vì Google tiết lộ các tin tặc của Trung Quốc còn nhắm đến mã nguồn của các công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ quốc phòng cho chính phủ Mỹ, cho nên có thể coi như vụ này vừa xâm phạm các thông tin bảo mật của quốc gia, vừa vi phạm tài sản trí tuệ của Mỹ.
James A. Lewis, chuyên viên an ninh mạng và an ninh quốc gia của Mỹ nói: “Ðây là một chương trình gián điệp to lớn nhằm có được các thông tin công nghệ cao và thông tin nhạy cảm chính trị. Thông tin công nghệ cao là để kích cầu kinh tế Trung Quốc và thông tin nhạy cảm chính trị là để duy trì dự tồn tại của chế độ”.
Lâu nay, Trung Quốc vẫn bị nghi là thủ phạm tấn công các dàn máy tính của Hoa Kỳ và một số nước vì họ nuôi một đạo quân tin tặc rất đông. Các vụ tấn công này xảy ra từ cuối thập niên 1990 chứ không phải mới đây. Các nơi của Hoa Kỳ bị tấn công là bộ Quốc phòng, bộ Ngoại giao, bộ Thương mại, NASA, và trang web của những người ủng hộ độc lập cho Tây Tạng.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có một ngân khoản riêng để giúp các công ty chống lại tường lửa do Trung Quốc và các quốc gia khác lập ra, Tổ chức Pháp Luân Công bị Trung Quốc cấm hoạt động đã nạp đơn để nhận ngân khoản đó nhưng chưa được giải ngân. Một giới chức của bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Nếu bộ đưa tiền cho Pháp Luân Công, có lẽ phía Trung Quốc sẽ nổi điên lên”.

Người dân Mỹ nghĩ gì?
Thái độ của Google công khai hóa chuyện mình bị tấn công và cương quyết chống lại sức ép kiểm duyệt của Trung Quốc đã nhận được nhưng lời tán thưởng của những người bênh vực quyền riêng tư bất khả xâm phạm.
Bà Leslie Harris, Giám đốc Trung tâm Dân chủ và Công nghệ nói: “Không một công ty nào bị ép buộc phải hoạt động dưới lời đe dọa của chính phủ, nếu lời đe dọa đó đụng đến những giá trị cốt lõi của công ty và sự an toàn của những người sử dụng dịch vụ của công ty.”
Dư luận Mỹ còn có ý kiến cho rằng Google sẽ gây ảnh hưởng nhiều hơn nếu tiếp hoạt động tại Trung Quốc.
Ông James McGregor, luật sư của công ty Apco Worldwide đang hoạt động tại Trung Quốc nói: “Trường hợp của Google là một ví dụ có tính cách quá đáng, nhưng hành động của Google phù hợp với tâm tư của nhiều công ty nước ngoài đang làm ăn tại Trung Quốc, họ cho rằng làm ăn tại đó ngày càng khó khăn hơn, dù nước này ngày càng giàu hơn và mạnh hơn.”

Linh tinh bên lề

Giả sử Google thực sự rút khỏi Trung Quốc, nhiều công ty khác sẽ thế chỗ gồm cả những công ty mới lập ra của Trung Quốc (Baidu, Sina); lẫn các công ty Mỹ đối thủ, như Apple hoặc Microsoft (có công cụ tìm kiếm Bing đang cạnh tranh với Google).
Nhiều tờ báo Mỹ hôm thứ Năm đặt câu hỏi. Vì hiện nay, ngoài dịch vụ tìm kiếm dữ liệu, Google cũng sắp sửa bán ra thị trường loại điện thoại di động thông minh Smartphone, dựa trên một nền mới, Android, để cạnh tranh với iPhone của Apple. Vì thế, nếu Google rút khỏi Trung Quốc, liệu loại điện thoại di động mới này có gặp khó khăn khi bán ra tại Trung Quốc hay không? Một người trong ban lãnh đạo Google nói rằng thị trường Smartphone tại Trung Quốc chưa đáng bận tâm, vì ngay cả iPhone đến giờ này chỉ mới bán được độ nửa triệu máy.
Nếu trang mạng của Google tại Trung Quốc đóng cửa, người Trung Quốc vẫn có thể truy cập trang mạng của công ty này tại Hoa Kỳ nhưng thời gian chờ đợi kết quả rất lâu, và có nhiều thông tin không truy cập được vì bị chận.
Các tin tặc, theo lời các chuyên viên, thường theo cách đánh lừa mà từ trong nghề gọi là “phishing”: người nhận email thấy người gửi là một người quen, không nghi ngại gì cả, mở tập tin đính kèm mà không biết đó là một phần mềm “đang nằm ngủ”, chỉ chờ có ai mở ra là bắt đầu quậy. Phần mềm đó được điều khiển từ xa, giúp tin tặc truy cập email của nạn nhân, dùng sổ địa chỉ của nạn nhân đi tấn công các người khác, thậm chí còn bật Web cam hoặc micro của nạn nhân để thu lại những gì đang xảy ra trong căn phòng. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân không hề hay biết.
Tường lửa của Trung Quốc được đặt tên là Vạn Lý Hỏa Trường Thành, một cách chọc quê Vạn Lý Trường Thành. Nó có những bộ lọc tinh vi để loại bỏ những từ hoặc cụm từ nhạy cảm, theo dõi các diễn đàn, chat-room đang bàn tán những gì. Nhưng các cao thủ nói rằng muốn qua mặt các tường lửa này cũng dễ thôi, bằng cách dùng những địa chỉ điền thế, proxy; hoặc địa chỉ tàng hình được lập riêng, virtual private network (VPN). ■

Nguồn: PC World, Washington Post, New York Times, VOA

* Bài nhận được từ tác giả




No comments: