Thursday, January 21, 2010

VỤ XỬ LÀM TỔN HẠI THANH DANH VIỆT NAM

Vụ xử 'tổn hại thanh danh Việt Nam'
BBC
Cập nhật: 15:39 GMT - thứ năm, 21 tháng 1, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100121_mark_kent_reax.shtml
Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan điểm về vụ xử và bản án đối với bốn nhân vật đối kháng, gồm luật sư Lê Công Định cũng như các ông Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long về các tội danh lật đổ chính quyền. Phiên xử diễn ra tại TP. HCM vào ngày 20/01.

Anh quốc và Hoa Kỳ là hai nước phản ứng nhanh nhất trước án tù nhiều năm dành cho các nhân vật này. Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Mark Kent cho BBC biết quan điểm của Anh quốc:

Đại sứ Mark Kent: Thứ trưởng Bộ ngoại giao của chúng tôi, ông Ivan Lewis, đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự việc ngày hôm qua. Tôi cho rằng những trường hợp như vụ việc ngày hôm qua là một quảng bá không hay cho Việt Nam và sẽ chỉ làm tổn hại tới thanh danh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Thật không may là nó sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực du lịch và đầu tư.
Chúng tôi tiếp tục làm việc cùng Việt Nam trên cương vị là một đối tác quốc tế và chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh niềm tin của chúng tôi rằng sự phát triển bền vững của bất cứ một xã hội nào đều đòi hỏi sự trao đổi tự do về thông tin và tư tưởng. Và những người bày tỏ quan điểm một cách hòa bình về những vấn đề như vậy không nên bị trừng phạt hay bị bỏ tù

BBC: Một số nước đã lên tiếng bày tỏ quan điểm tương tự như Anh và Hoa Kỳ. Điều này cũng đã từng xảy ra trước đây. Nhưng dường như vẫn chưa có tác dụng gì đối với Việt Nam. Ông có nghĩ như vậy không và liệu cộng đồng quốc tế có thể làm gì để giúp Việt Nam trên phương diện này?
Đại sứ Mark Kent: Tất nhiên Việt Nam là một nước có chủ quyền và có quyền giải quyết những vấn đề của nước mình.
Tuy nhiên chúng tôi tin rằng trên cơ sở các nghĩa vụ và luật pháp quốc tế cũng như vì những lợi ích riêng của đất nước về mặt phát triển, và trên phương diện bảo đảm sự tham gia của mọi thành viên xã hội trong việc giúp xây dựng một nền kinh tế hiện đại dựa trên kiến thức, thì điều tối quan trọng là không nên loại bỏ những tiếng nói khác biệt.
Vụ việc này là một quảng bá không hay cho Việt Nam và sẽ chỉ làm tổn hại tới thanh danh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Hiện tại chúng tôi vẫn tiếp tục lên tiếng. Tôi nghĩ rằng Anh quốc vẫn được nhìn nhận là một người bạn của Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên lĩnh vực phát triển như tự do thương mại và đó là lý do tại sao Anh quốc phản đối các biện pháp vẫn đang được áp dụng đối với Việt Nam về chống bán phá giá giầy dép vì chúng tôi cho rằng điều đó là không thích đáng.
Nhưng là một người bạn của Việt Nam, chúng tôi cũng thấy mình có nghĩa vụ phải lên tiếng về những vấn đề như vấn đề này vì chúng tôi cảm thấy không có lợi cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

BBC: Cũng nhân đây, xin chúc mừng trang Facebook của Đại Sứ Quán Anh tại Việt Nam mới khai trương đúng vào ngày 20/01. Được biết là trong thời gian qua người sử dụng Facebook ở Việt Nam đã gặp khó khăn vào website này. Vậy liệu ông có lo ngại về việc những người sử dụng Facebook tại Việt Nam có thể trong tương lai cũng sẽ gặp khó khăn khi muốn vào trang Facebook mà Đại sứ quán Anh mới lập hay không?
Đại sứ Mark Kent: Tôi cũng được biết là đã từng có khó khăn cho người sử dụng và chúng tôi cũng đã đặt câu hỏi về chuyện đó. Xin nhắc lại, Facebook hay các mạng xã hội như blog là một phần của thế giới hiện đại. Có những trang được dùng cho sinh viên học tiếng Anh, hay được những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam dùng để làm nơi chào hàng.
Nếu chúng ta nhìn vào sự phát triển dài hạn của xã hội với những tiềm năng to lớn như vậy thì một trong những lợi thế chính là lớp trẻ có hiểu biết về kỹ thuật. Và vậy thì chúng ta nên khuyến khích giới trẻ Việt Nam hãy nắm bắt kỹ thuật mới và giúp sử dụng kỹ thuật đó để xây dựng và phát triển nền kinh tế của đất nước.
Trong tương lai, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các quốc gia khác để thu hút đầu tư trên các lĩnh vực như IT, phần mềm và trong ngành công nghiệp kỹ thuật cao. Điều quan trọng lúc này là xây dựng cơ sở kiến thức và kỹ năng để biến Việt Nam thành một địa chỉ hấp dẫn đầu tư.

----------------------------

Ý kiến độc giả về phiên xử bốn nhà đối kháng (BBC)



No comments: