Friday, January 22, 2010

VÀI SUY NGHĨ về PHIÊN TOÀ NGÀY 20-1-2010

Vài suy nghĩ về vụ xử án ngày 20.01.2010
Vanminh, X-Cafe
22.01.2010
http://www.x-cafevn.org/node/2618
Có thể nói vụ bắt Lê Công Định đã đến hồi hạ màn. Câu hỏi của chúng ta là chúng ta thấy gì sau vụ việc này? Sau đây là một sự diễn giải:

Thứ nhất, với những gì đã công bố, có thể cho rằng cơ quan An ninh chủ động giăng bẫy ở Thái Lan nhằm tạo chứng cớ bắt anh Định.
Nhưng mục đích không nhắm vào việc bắt anh Định. Thậm chí nguy cơ từ các hoạt động của anh Định và những người liên quan cũng chẳng có gì trầm trọng.
Vậy cơ quan An Ninh không bắt anh Định vì anh Định có ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Họ bắt anh Định vì các mục đích khác!

Có ba giả thuyết đặt ra: Một là cơ quan An Ninh tạo cớ bắt người theo sự chỉ đạo của phe bảo thủ; hai, bắt anh Định nhằm khai thác thông tin nhằm phá các tổ chức chống đối đang hình thành; và ba, cơ quan An Ninh bắt anh Định vì chủ trương riêng của lãnh đạo ngành.

Sở dĩ có ba giả thuyết trên, vì ta nhận thấy chính phủ tỏ ra rất lúng túng sau khi bắt anh Định. Với các chính sách mở rộng hợp tác quốc tế, muốn ổn định, muốn thân thiện với nước khác để làm ăn và phát triển, hẳn không nhiều quan chức chính phủ muốn làm ầm ĩ với anh Định, một luật sư có tiếng, rất cần cho sự phát triển của Việt Nam.

Có rất nhiều cách đơn giản, mà hiệu quả, từng được áp dụng, như nhờ người khác đánh tiếng: “bác vừa vừa thôi, an ninh họ quan tâm đấy…” – Với người có lý lịch và địa vị xã hội như anh Định, khả năng chống lại để tiêu diệt chế độ là không lớn. Anh Định rõ ràng chỉ là người mong có sự cải cách tiến bộ thông qua cải cách pháp luật, tranh luận – mà có thể gọi không sai là “đấu tranh xã hội bất bạo động”.

Điểm đặc biệt nữa là cơ quan An Ninh phải cử cả người sang sứ quán Mỹ để thanh minh về việc bắt anh Định, một việc làm gần như không có tiền lệ trước đó.

Giả sử phe bảo thủ mạnh đến mức chỉ đạo An Ninh gài bẫy và bắt anh Định, sao họ không thể tiếp tục tác động để tiếp tục lợi dụng ảnh hưởng của vụ bắt người này?

Nhìn vào một phiên tòa cực kỳ ngắn ngủi, thực sự là cố làm cho qua, giảm tối đa mọi tranh luận, thời gian giam giữ bị can rất lâu, thời điểm tổ chức phiên tòa giáp Tết, trong khi đó mức án cho các bị cáo khá thấp so với mức độ nghiêm trọng của vụ án - có thể thấy chính phủ thực sự chỉ muốn giải quyết “hậu sự” cho êm đẹp.

Các phiên tòa chính trị, nhất là xét về tội lật đổ chính quyền, theo lý phải là các phiên tòa mang tính răn đe. Trong khi đó, ở phiên tòa xét bốn người này, các cơ quan chỉ muốn lấp liếm cho xong, báo chí trong nước cũng chỉ đề cập có mức độ. Ngay việc chuyển đổi tội danh vào sát thời điểm xét xử cũng cho thấy chính quyền không muốn dính dáng nhiều đến vấn đề “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, để tránh bị công kích.

Tại sao Chính phủ Việt Nam tự nhiên gây chuyện rắc rối để rồi phải vất vả giải quyết, hứng chịu mọi sự khó chịu, chỉ trích của thế giới văn minh về hành vi tấn công vào các đối tượng trí thức - mà chung quy không thu được một lợi ích cụ thể nào – thậm chí về mặt uy tín và an ninh quốc gia?

Có thể khẳng định nếu đã có chủ trương thống nhất từ đầu, “vở kịch Lê Công Định” sẽ được trình diễn một cách có bài bản, hoành tráng hơn nhiều: giống như vụ “Nhân Văn Giai Phẩm” nếu cái đích là dư luận xã hội; hoặc sẽ chẳng ai hay biết, nếu cái đích là sự loại trừ những nhân vật nguy hiểm cho chế độ.

Có vẻ vụ này giống việc làm tắc trách của ngành An ninh hơn.

An Ninh non yếu, hành động lỗ mãng, chỉ tính được đến chuyện gài bẫy bắt người đã biểu lộ quan điểm cải cách hơi quá mức bình thường, mà không tính ra được đến các ảnh hưởng xã hội chính trị nghiêm trọng đi kèm.

Đến khi sự vụ đã vỡ lở, lãnh đạo An Ninh phải tìm cách trấn an xã hội và các tổ chức quốc tế để giữ uy tín của ngành. Thế rồi, toàn ngành phải cố tỏ ra rằng đó là sự việc thực sự nghiêm trọng, cố chứng tỏ với toàn xã hội rằng mối nguy cơ là vô cùng to tát, là có thực.

Bắt bớ được mở rộng ra các đối tượng liên quan, mọi chứng cứ được tung ra để mô tả mức độ nghiêm trọng của vụ án; thậm chí lần đầu tiên, truyền hình Trung Ương phát lại những lời thú tội của các bị can chưa được xét xử. Các vị lãnh đạo thì phải liên tục nhấn mạnh rằng ở Việt Nam không có đàn áp bất đồng chính kiến; rằng Việt Nam tôn trọng luật pháp và rất cần các luật sư giỏi.

Thế nhưng dù đã thực sự cố gắng để giữ uy tín cho ngành an ninh, sự thật vẫn là sự thật, và nhiều người Việt Nam vẫn đủ trí tuệ để nhận thấy sự cố tình gán tội của bên an ninh cho các bị cáo vì những hành động thực sự chẳng có nguy hại gì đến an ninh quốc gia.

Rất có thể, nỗ lực gần đây của chính phủ nhằm cải tổ lại bộ máy công an và an ninh là nhằm đảm bảo những vụ việc tai hại như vụ án Lê Công Định không diễn ra trong tương lai.



No comments: