Friday, January 22, 2010

TỰ DO INTERNET là ĐIỀU THIẾT YẾU

Tự Do In-tờ-net là điều thiết yếu
Hillary Clinton
Tháng Một 23, 2010
http://clbnbtd.blogspot.com/2010/01/tu-do-in-to-net-la-ieu-thiet-yeu.html

CLBNBTD trích đoạn và lược dịch
http://clbnbtd.blogspot.com/

Ngày hôm nay, trong nhiều khía cạnh khác nhau, chưa bao giờ trong lịch sử mà tin tức, tư tưởng đuợc chuyển tải đến nhiều người như thế. Ngay ở những quốc gia độc tài, mạng lưới tin tức đang giúp cho con người khám phá những dữ kiện mới và làm cho chính phủ những nước đó phải có thêm trách nhiệm.
Giữa những gia tăng vượt bực chưa từng có của sự nối kết, chúng ta phải nhận thức rằng những kỹ thuật này không phải hoàn toàn là một phúc lành. Những phương tiện kỹ thuật này cũng đã được khai thác để cản trở bước tiến triển của nhân loại và những quyền về chính trị. Giống như thép có thể dùng để xây dựng bệnh viện hoặc chế tạo vũ khí, nguyên tử có thể dùng để tiếp năng lượng cho một thành phố hoặc tiêu hủy nó; mạng lưới thông tin hiện đại và những kỹ thuật của nó có thể được sử dụng cho những điều tốt lành hoặc tệ hại. Một liên mạng dùng để tổ chức những phong trào cho tự do cũng có thể giúp cho al-Qaida gieo rắc thù hận và kích động bạo loạn lên những người vô tội. Và những kỹ thuật giúp gia tăng sự tiếp cận với chính phủ hay cổ xúy cho tính minh bạch cũng có thể được dùng bởi chính phủ để dẹp tan những nhà đối kháng hoặc phủ nhận những quyền của con người.
Trong năm qua, chúng ta đã chứng kiến một sự gia tăng nhảy vọt của những đe dọa đối với tự do thông tin. Trung Quốc, Tu-ni-si-a, U-bê-kit-tăng đã nâng cấp kiểm duyệt mạng thông tin toàn cầu. Tại Việt Nam, một số mạng nối kết xã hội đại chúng cũng đột nhiên biến mất.
Tự nó, những kỹ thuật mới không chọn thế đứng về phía đấu tranh cho tự do và tiến bộ, nhưng Hoa Kỳ luôn chọn đứng về phía đó. Lập trường của chúng ta là một hệ thống thông tin toàn cầu mà trong đó toàn nhân loại đều có quyền ngang nhau trong việc truy cập kiến thức và tư tưởng. Và chúng ta nhận thức rằng hạ tầng thông tin của thế giới sẽ trở thành một hệ thống mà chúng ta và các quốc gia khác cùng nhau tạo dựng thành. Đây là một thử thách mới nhưng trách nhiệm của chúng ta là phải hỗ trợ để bảo đảm những quan niệm, vốn đã có từ ngày lập quốc, về tự do trao đổi tư tưởng.
Khi khoa học kỹ thuật phát triển chúng ta phải nghĩ lại gia sản truyền thống của chúng ta. Chúng ta phải có sự đồng bộ giữa tiến bộ khoa học với những nguyên tắc nền tảng. Khi nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình, Tổng thống Obama đã phát biểu về nhu cầu xây dựng một thế giới trong đó nền hòa bình được dựa trên những quyền đương nhiên tự có và phẩm giá của mỗi con người. Và trong bài diễn văn của tôi tại Georgetown vài ngày sau đó, tôi đã nói về việc làm thế nào để chúng ta phải biến nhân quyền thành hiện thực. Ngày hôm nay, chúng ta thấy rõ sự cần thiết cấp bách trong việc bảo vệ những quyền tự do trong tiền đồn khoa học điện tử của thế kỷ 21.
Có nhiều mạng thông tin điện toán trên thế giới. Có những mạng hỗ trợ trong việc di chuyển của con người hay tài nguyên, có những mạng gia tăng thuận lợi cho những trao đổi giữa những người có cùng công việc hay những quan tâm. Tuy nhiên, chủ yếu nó là một mạng lưới làm gia tăng sức mạnh và tiềm năng của tất cả những người khác. Đó là lý do tại sao chúng ta tin rằng quyền tự do căn bản của những người sử dụng là quan yếu. Tự do bày tỏ tư tưởng là quyền đầu tiên phải có. Quyền tự do này không chỉ thuần túy nằm ở việc xác định là mỗi công dân có quyền đi đến khuôn viên của trung tâm thành phố và phê bình chính phủ của họ mà không sợ bị trừng phạt. Những trang blogs, email, mạng lưới giao dịch xã hội, và tin nhắn điện tử đã mở ra những diễn đàn mới cho việc trao đổi tư tưởng và cũng đã tạo ra những đối tượng mới cho việc kiểm duyệt.
Ngay trong lúc đang trình bày cùng quý vị hôm nay, hệ thống kiểm duyệt của các nhà nước ở đâu đó cũng đang làm việc cật lực để xóa bỏ những lời tôi nói từ hồ sơ lịch sử. Nhưng lịch sử tự nó đã từng lên án những thủ thuật này. Hai tháng trước, tôi có mặt ở Đức Quốc để tham dự lễ kỷ niệm 20 năm bức tường Bá Linh sụp đổ. Những nhà lãnh đạo quốc gia cùng nhau bày tỏ lòng kính trọng đối với những con người can đảm ở phía bên kia rào chắn, đã chống lại mọi sự đàn áp bằng việc phổ biến những tờ truyền đơn samizdat. Những tờ truyền đơn này đặt vấn đề đối với những luận điệu và ý đồ của những nhà độc tài Đông Đức; và nhiều người đã phải trả một giá thật đắt cho việc phân tán những tờ rơi này. Nhưng những dòng chữ của họ đã giúp xuyên thủng bê tông và rào kẽm chồng chéo của bức màn sắt.
Bức tường Bá Linh là biểu tượng phân chia của thế giới và đã xác định đặc tính của một thời đại. Ngày hôm nay, tàn dư của nó đang nằm ở những viện bảo tàng, nơi chốn dành riêng cho chúng, và hình tượng của cơ sở hạ tầng của thời đại chúng ta là hệ thống in-tờ-net. Thay thế cho sự chia rẽ, nó đại diện cho sự nối kết. Nhưng ngay khi mạng lưới này lan rộng đến khắp các quốc gia trên thế giới, những bức tường ảo đã mọc lên thay thế cho những búc tường thật.
Một số quốc gia đã dựng lên những tường lửa để ngăn chận người dân truy cập vào một số lãnh vực của mạng lưới toàn cầu. Họ xóa chữ, tên, nhóm từ trong những kết quả đến từ những chương trình dò kiếm. Họ xâm phạm thế giới riêng tư của những công dân đang tham gia vào những phát biểu chính trị ôn hòa. Những hành động này đi ngược với Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền trong đó quy định rõ rằng tất cả mọi người đều có quyền “tìm kiếm, thu nhận, truyền bá dữ kiện và ý tưởng qua bất kỳ một môi trường thông tin nào và bất chấp mọi giới hạn”. Với sự lan rộng của những hành vi cấm đoán, một bức màn chắn thông tin đang hạ xuống dọc theo khắp vùng của thế giới. Và vượt qua khỏi sự ngăn chia này, những video lan truyền, những trang blogs đã trở thành những tờ truyền đơn samizdat của thời đại chúng ta.
Giống như những nhà độc tài quá khứ, một số nhà nước tập trung tấn công vào những người suy nghĩ độc lập đang dùng những phương tiện trên. Trong những cuộc biểu tình tiếp theo sau cuộc bầu cử tổng thống tại Iran, những khúc phim mờ, đầy hạt, thâu hình bởi máy điện thoại di động về một người thiếu nữ trẻ bị giết đã cung cấp một bản cáo trạng điện tử đối với hành động tàn bạo của nhà cầm quyền. Chúng tôi đã thấy những báo cáo nói về sự việc khi những người dân Iran sống ở nước ngoài đăng tải lên mạng những lời phê bình nhà nước thì thân nhân của họ tại Iran đã bị trừng phạt. Và bất chấp những chiến dịch hăm dọa mãnh liệt của nhà nước, những người dân-báo can đảm Iran vẫn tiếp tục sử dụng kỹ thuật hiện đại để cho cả thế giới và đồng bào của họ thấy rõ những gì đang xảy ra trên xứ sở của họ. Trong việc lên tiếng và nhân danh cho nhân quyền của chính họ, nhân dân Iran đã dấy động thế giới. Và sự can đảm của họ đang định hình cho việc sử dụng khoa học kỹ thuật để truyền bá sự thật và phơi bày bất công.
Tất cả các xã hội đều nhận thức rằng Tự do Ngôn luận có những giới hạn của nó. Chúng ta không thể khoan thứ những kẻ kích động người khác bạo động giống như những thành viên của khủng bố al-Qaida đang dùng in-tờ-net để kích động việc giết người vô tội hàng loạt ở khắp thế giới. Và những phát biểu đầy thù hận tấn công cá nhân dựa trên nền tảng chủng tộc, sắc dân, phái tính, giới tính đều đáng bị quở trách. Điều đáng tiếc là những vấn nạn này là những thử thách mà cộng đồng thế giới phải cùng đối diện. Và chúng ta cũng phải ghi nhận vấn nạn của những bài viết nặc danh. Những kẻ sử dụng in-tờ-net để tuyển mộ khủng bố hay phân phối tài sản trí tuệ ăn cắp không thể tách rời hành động trên mạng với căn cước đời sống của họ. Tuy nhiên, những thử thách này không thể trở thành lý do bào chữa của các chính phủ trong việc xâm phạm một cách có hệ thống đến những quyền con người và sự riêng tư cá nhân của những ai sử dụng in-tờ-net cho những mục tiêu chính trị ôn hòa.
Tự do bày tỏ ý kiến có thể là quyền đang phải đối diện với những thử thách bởi sự lan rộng của những kỹ thuật mới, nhưng nó không là duy nhất. Tự do tín ngưỡng thường kéo theo những quyền cá nhân đến hay không đến với Đấng Tạo Hóa của họ. Và đây là một kênh thông tri không phải dựa vào khoa học kỹ thuật. Nhưng tự do tín ngưỡng cũng dẫn đến quyền được tụ tập để chia sẻ những giá trị và ước vọng cho nhân loại. Trong lịch sử chúng ta, những cuộc tụ họp đó xảy ra ở các nhà thờ, chùa chiền. Ngày hôm nay, những tụ tập này còn xảy ra ở trên mạng.
In-tờ-net có thể bắt cầu cho những phân chia giữa những người có đức tin khác nhau. Như Tổng thống Obama phát biểu tại Cai Rô, Tự do Tín ngưỡng là trung tâm cho khả năng sống chung của con người. Và khi chúng ta tìm những phương cách để mở tầm đối thoại, in-tờ-net cho chúng ta những hứa hẹn tràn trề. Chúng ta đã bắt đầu nối kết học sinh Hoa Kỳ với người trẻ ở những cộng đồng Hồi giáo vòng quanh thế giới để thảo luận về những thử thách toàn cầu. Và chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng những phương tiện này để nuôi dưỡng những thảo luận giữa những người từ những cộng đồng tôn giáo khác nhau.
Tuy nhiên, một số quốc gia đã cùng lúc sử dụng in-tờ-net như là một phương tiện để tấn công và bịt miệng những người có đức tin. Thí dụ vào năm ngoái, một công dân Sao-Đi-A-Ra-Bi-A đã bị ở tù nhiều tháng vì đã truyền bá đạo Tin Lành trên Blog của anh. Nghiên cứu của Harvard cho thấy chính phủ nước này đã ngăn chận những trang nhà về các tôn giáo Hin Đu, Ju Dai, Tin Lành, ngay cả Hồi giáo. Quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc đã áp dụng những thủ thuật tương tự để hạn chế việc thu thập những thông tin tôn giáo.
Nếu những kỹ thuật hiện đại không thể được dùng để trừng phạt những phát biểu chính trị ôn hòa thì chúng cũng không được dùng để trừng phạt hay bịt miệng tín đồ. Những người cầu nguyện luôn luôn ở một thế giới tiếp cận tâm linh cao hơn. Nhưng in-tờ-net và những mạng lưới xã hội điện tử vẫn có thể nâng cao khả năng cầu nguyện nếu họ thấy thích hợp, giúp những người cùng đạo đến với nhau và học hỏi niềm tin lẫn nhau. Chúng ta phải nỗ lực để phát triển Tự do Tín ngưỡng trên mạng như chúng ta đã làm cho những mặt khác của đời sống.
Dĩ nhiên, có hàng trăm triệu người đang sống và không được hưởng những lợi ích của những kỹ thuật này. Trong thế giới chúng ta, tài năng có thể được phân bố toàn bộ nhưng cơ hội thì không. Và từ kinh nghiệm lâu dài, chúng ta biết rằng việc đẩy mạnh phát triển xã hội và kinh tế ở những quốc gia thiếu thốn phương tiện truy cập kiến thức, tình hình thị trường, vốn liếng đầu tư và cơ hội có thể rất là bức xúc và đôi khi không đem lại kết quả. Trong phạm trù này, In-tờ-net có thể đóng vai trò của một đòn cân bằng. Với việc tạo phương tiện để truy cập kiến thức và những thị trường triển vọng, In-tờ-net có thể đem lại những cơ hội mà trước đây chưa từng có.
Tự do sau cùng, cái mà phu nhân và tổng thống Roosevelt suy nghĩ và viết ra từ nhiều năm trước: Tự do Nối kết. Chính phủ không nên cấm cản người dân nối kết vào in-tờ-net, các trang mạng, hay với nhau. Tự do Nối kết giống như tự do hội họp, chỉ khác là ở trên không gian ảo. Nó cho phép những cá nhân nhập mạng, đến với nhau và hy vọng sẽ hợp tác với nhau. Khi chúng ta đã ở trên in-tờ-net, chúng ta không cần phải là một trùm tư bản hay một siêu sao nhạc để có những ảnh hưởng lớn lên xã hội.
Và tôi hãnh diện rằng Bộ Ngoại Giao đã làm việc với hơn 40 quốc gia để hỗ trợ nhiều cá nhân đang bị bịt miệng bởi những chính phủ áp bức. Chúng ta đang xem đây là một vấn đề ưu tiên tại Liên Hiệp Quốc, và chúng ta đã xem Tự do In-tờ-net như là một phần trong nghị quyết đầu tiên mà chúng ta sẽ giới thiệu sau khi đệ nạp cho Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Chúng ta cũng hỗ trợ cho sự phát minh những phương tiện mới nhằm giúp cho công dân hành xử quyền Tự do Bày tỏ bằng cách phá vỡ những hệ thống kiểm duyệt xuất phát từ nhu cầu chính trị. Chúng ta đang cung cấp tài trợ cho nhiều nhóm trên thế giới để đảm bảo những phương tiện này đến tay người dân, với ngôn ngữ của họ, và thực hiện những chương trình huấn luyện cần thiết để tiếp cận in-tờ-net an toàn. Thời gian qua, Hoa Kỳ đã và đang hỗ trợ những nỗ lực này và tập trung vào việc thực hiện những chương trình này hiệu quả và có kết quả tối đa. Cả những người dân Hoa Kỳ lẫn các quốc gia đang kiểm duyệt in-tờ-net phải hiểu rằng chính phủ Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ cho việc phát triển Tự do In-tờ-net.
Chúng ta muốn đặt để những phương tiện này vào tay những người sẽ sử dụng chúng để đẩy mạnh Dân chủ và Nhân quyền, để chống trả sự thay đổi khí hậu toàn cầu và những cơn bệnh dịch toàn diện, để xây dựng một phong trào hỗ trợ toàn cầu cho mục tiêu của Tổng thống Obama về một thế giới không có vũ khí hạch nhân, để khuyến khích phát triển nền kinh tế bền vững nhằm vực dậy những người dân từ tầng nghèo khó thấp nhất đi lên.
Đó là lý do mà ngày hôm nay tôi tuyên bố rằng trong một năm trước mặt, chúng ta sẽ làm việc với các cộng tác viên trong các lãnh vực kỹ nghệ, học viện, các tổ chức phi chính phủ để có những nỗ lực gia tăng sức mạnh của kỹ thuật nối kết và áp dụng chúng cho những mục tiêu ngoại giao của chúng ta. Dựa vào những điện thoại di động, phần mềm bản đồ, và những phương tiện mới, chúng ta có thể gia tăng quyền lực của quần chúng và làm đòn bẩy cho những hoạt động ngoại giao truyền thống. Chúng ta có thể giải quyết những khiếm khuyết của thị trường hiện nay bằng những sáng kiến mới.
Hãy lấy một thí dụ. Chúng ta có thể thiết kế một phần mềm cho điện thoại di động để giúp người dân có thể đánh giá các bộ của chính phủ về khả năng giải quyết vấn đề, mức độ hiệu quả, cũng như phanh phui và báo cáo những hành vi tham nhũng. Dụng cụ đòi hỏi để thực hiện ý tưởng này đã sẳn có trong tay nhiều tỉ người đang sử dụng điện thoại di động. Và chương trình ứng dụng thì phí tổn tương đối thấp để thiết kế và ứng dụng.
Nếu mọi người khai dụng phương tiện này, nó sẽ giúp chúng ta đặt chủ điểm vào các chương trình viện trợ nước ngoài, cải thiện đời sống, và khuyến khích đầu tư ngoại quốc tại những quốc gia mà chính phủ hành xử có trách nhiệm. Tuy nhiên, ngay lúc này, những chuyên gia thiết kế chương trình này cho điện thoại di động không có những hỗ trợ tài chánh để tự tiến hành đề án, và Bộ Ngoại Giao hiện thời thiếu một cơ chế để thực thi. Tuy nhiên, sự khởi xướng này sẽ giúp giải quyết vấn đề đó và sẽ cung cấp những lợi nhuận lâu dài từ một đầu tư khiêm nhường trong lãnh vực phát huy những điều mới. Chúng ta sẽ làm việc với những chuyên gia để tìm kiếm kiến trúc tốt nhất cho đầu tư này và chúng ta sẽ cần đến tài năng và tiềm lực của các công ty kỹ thuật và tổ chức vô vụ lợi để có thể đạt đuợc kết quả tốt nhất một cách nhanh chóng.
Trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, chúng ta đã có những bước tiến đáng chú ý trong việc biến những kỹ thuật này thành những thành quả tạo nên những thay đổi. Nhưng vẫn còn nhiều công việc phải hoàn tất. Và khi chúng ta cộng tác với bộ phận tư nhân và chính phủ ngoại quốc nhằm triển khai những phương tiện để quản lý nhà nước của thế kỷ 21, chúng ta phải nhớ đến trách nhiệm mà chúng ta phải cùng chung sức là bảo vệ những tự do mà tôi vừa trình bày. Chúng ta tin tưởng mãnh liệt rằng những nguyên tắc như Tự do Thông tin không chỉ là một chính sách tốt, không chỉ để chấp nối với những giá trị quốc gia, mà chúng còn là những giá trị phổ quát và tốt cho lãnh vực kinh doanh.
Thử dùng thuật ngữ của thị trường, một công ty ở Tu-ni-si-a hay Việt Nam hoạt động trong môi trường kiểm duyệt sẽ luôn luôn sản xuất hàng ở một giá thành tương đối thấp hơn so với một công ty tương tự ở một quốc gia tự do. Nếu thành phần lấy quyết định của công ty ở những nước bị kiểm duyệt này không truy cập được mọi nguồn tin tức toàn cầu, những người đầu tư sẽ không tin tưởng nhiều về những quyết định của thành phần này trong dài hạn. Những quốc gia kiểm duyệt tin tức và dữ kiện phải nhận thức rằng, từ góc nhìn kinh tế, không có sự phân biệt giữa kiểm duyệt những phát biểu chính trị và kiểm duyệt những phát biểu thương mại. Nếu doanh nhân của nước quý vị không được truy cập với một trong hai loại thông tin, đương nhiên nó sẽ tác động lên mức phát triển.
Những công ty Hoa Kỳ đang gia tăng việc xem vấn đề tự do in-tờ-net và thông tin là một cân nhắc ngày càng lớn trong những quyết định kinh doanh. Tôi hy vọng rằng những người cạnh tranh với họ và các chính phủ ngoại quốc lưu tâm đến chiều hướng này. Sự kiện gần đây nhất liên hệ đến công ty Google đã tạo nhiều chú ý và quan tâm. Chúng ta chờ xem nhà cầm quyền Trung Quốc xem xét toàn diện sự cố xâm nhập xảy ra trong môi trường mạng mà Google đã công bố. Và chúng ta cũng chờ xem việc điều tra và kết quả sẽ được tiến hành minh bạch.
In-tờ-net đã là một nguồn dẫn đến những tiến triển to lớn tại Trung Quốc. Rất nhiều người dân nhập mạng. Nhưng những quốc gia giới hạn tự do truy cập dữ kiện hay vi phạm những quyền căn bản của người sử dụng in-tờ-net sẽ có nguy cơ tự tạo vách ngăn cho những tiến triển vào thế kỷ tới. Hiện nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc có những quan điểm khác biệt ở vấn đề này, và chúng ta có ý định sẽ thảo luận những khác biệt một cách ngay thẳng và phù hợp, trong tinh thần tích cực, hợp tác trong mối quan hệ toàn diện.
Sau cùng vấn đề này không chỉ về Tự do thông tin; nó còn ở chỗ là chúng ta muốn thế giới của chúng ta như thế nào ở hiện tại cũng như trong tương lai. Nó còn ở chỗ là chúng ta muốn sống trên một hành tinh với một in-tờ-net, một cộng đồng toàn cầu, và một cơ phận kiến thức chung đem lại lợi ích và liên kết tất cả chúng ta, hay là trên một hành tinh rời rạc trong đó việc tiếp cận thông tin và cơ hội tùy thuộc vào môi trường sinh sống và mức độ kiểm duyệt.
Tự do thông tin hỗ trợ nền hòa bình và an ninh vốn cung cấp nền tảng cho sự phát triển toàn cầu. Lịch sử cho thấy những tiếp cận thông tin không cân xứng là một trong những nguyên nhân lẫn đến tranh chấp. Khi chúng ta đối diện với những tranh luận nghiêm trọng hoặc những biến cố hiểm nghèo, điều khẩn thiết là cả hai phía liên hệ đến vấn đề tranh chấp cần được tiếp cận những dữ kiện và ý kiến giống nhau.
Trong vị trí hiện tại, Hoa Kỳ có thể xem xét những dữ kiện được trình bày bởi các chính phủ ngoại quốc. Chúng tôi không ngăn chận những nỗ lực từ bên ngoài liên lạc với người dân Hoa Kỳ . Nhưng công dân của những quốc gia đang bị kiểm duyệt không được đến với những quan điểm bên ngoài. Thí dụ tại Bắc Triều Tiên, chính phủ đã hoàn toàn cô lập dân chúng đối với những ý kiến từ bên ngoài. Sự thiếu cân bằng trong việc tiếp cận thông tin này đã gia tăng những xung đột và những bất đồng nhỏ có thể leo thang. Vì thế tôi hy vọng rằng những chính phủ có những quan tâm đến sự ổn định toàn cầu sẽ làm việc với chúng tôi để giải quyết tình trạng thiếu cân bằng này.
Sự kiểm duyệt không thể chấp nhận được bởi bất kỳ công ty nào, từ bất cứ nơi đâu. Và tại Hoa Kỳ, những công ty Hòa Kỳ cần phải thực thi những nguyên tắc nền tảng. Đây cần đuợc xem như là một phần của thương hiệu quốc gia. Tôi tin tưởng rằng những người tiêu thụ trên thế giới sẽ dành những phần thưởng cho các công ty theo đuổi những nguyên tắc này.
Tôi tin rằng việc theo đuổi những Tự do như đã trình bày là một điều đúng, cần làm. Nhưng tôi cũng tin rằng đó là một điều khôn ngoan, cần thực hiện. Thúc đẩy chương trình nghị sự này, chúng ta kết hợp những nguyên tắc, mục tiêu kinh tế và ưu tiên chiến lược của chúng ta theo cùng một chiều hướng. Chúng ta cần nỗ lực hoạt động để tiến đến một thế giới trong đó sự tiếp cận thông tin sẽ đem con người lại gần hơn với nhau và mở rộng định nghĩa của cộng đồng toàn cầu. Với tầm quan trọng của những thử thách phải đối diện, chúng ta cần tất cả mọi người khắp nơi trên thế giới đổ dồn kiến thức, sáng tạo để giúp tái dựng lại nền kinh tế toàn cầu, bảo vệ môi trường, chiến thắng chủ nghĩa bạo động quá khích, và xây dựng một tương lai trong đó mỗi con người có thể sống trọn vẹn, khai dụng những tiềm năng mà Thượng Đế trao cho.
Tôi kêu gọi quý vị nhớ đến cô bé nhỏ được kéo ra khỏi đống gạch đá vụn tại Port-au-Prince, Hai Ti. Cô bé vẫn sống và đoàn tụ lại với gia đình. Cô bé có một cơ hội trưởng thành bởi vì những mạng lưới điện toán đã lấy một giọng nói đang bị vùi sâu dưới đống gạch vụn và chuyển tải đến khắp thế giới. Không thể để một quốc gia nào, một nhóm người nào, không một cá nhân nào bị chôn vùi trong đống gạch vụn của đàn áp. Chúng ta không thể đứng ngoài lề khi mà con người đang bị ngăn cách với gia đình nhân loại bởi những bức tường kiểm duyệt. Và chúng ta không thể im lặng trước những vấn đề này chỉ bởi vì chúng ta không thể nghe được những tiếng khóc than.
Vì thế chúng ta hãy một lần nữa cam kết cho lý tưởng này. Chúng ta hãy biến những kỹ thuật này thành sức mạnh tạo ra những tiến bộ thực sự cho thế giới. Và chúng ta cùng tiến bước tiên phong cho những Tự do này, cho thời đại của chúng ta, cho thế hệ trẻ của chúng ta vốn xứng đáng đón nhận mọi cơ hội mà chúng ta có thể trao cho họ.

SECRETARY CLINTON
http://secretaryclinton.wordpress.com/


No comments: