Wednesday, January 13, 2010

TỦ SÁCH "TIẾNG QUÊ HƯƠNG" và "TIẾNG CHIM BÁO BÃO" (I)

Tủ sách Tiếng Quê Hương và Tiếng Chim Báo Bão (I)
Nguyễn Văn Lục
12-01-2010
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7071

Giới thiệu Tủ sách Tiếng Quê Hương và điểm sách Tiếng Chim Báo Bão của Tiêu Dao Bảo Cự

Tin Nhà vừa nhận được cuốn sách Tiếng Chim Báo Bão của Tiêu Dao Bảo Cự do Tủ sách Tiếng Quê Hương in và phát hành. Đây là cuốn sách thứ 20 Tiếng Quê Hương phát hành kể từ năm 2006 đến nay. Thật ra, tôi xem lại thì còn một số sách khác cũng do Tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản mà không có trong danh sách mà một vài cuốn sách xem ra không thể thiếu được như: Hồ Chí Minh, nhận định Tổng Hợp và cuốn Ai giết Hồ Chí Minh của Minh Võ hay cuốn Viết về bè bạn của Bùi Ngọc Tấn. Tôi nghĩ sách đã bán hết nên không giới thiệu nữa chăng?
Ở đây, tôi xin nhắc thêm đến một số cuốn sách khác như Thân Phận Ma Trơi và Giữa Đêm Trường của Nguyễn Thụy Long, Thơ Mai Trung Tĩnh, Ngã Tư Hoàng Hôn của Văn Quang, Tâm sự Nước Non của Minh Võ, Trong ánh lửa thù của Uyên Thao, Việt Nam đầu thế kỷ 20 của Dương Kiền, Sau bức màn đỏ của Hoàng Dung, v.v…

Một vài dòng về Tủ sách Tiếng Quê Hương
Quyết định thành lập tủ sách này cũng là một quyết định “liều lĩnh” chỉ có anh Uyên Thao mới dám làm. Phải nói chuyện, nhìn anh với thân hình ốm o, bệnh tật mới thấy cái hết lòng với Văn Học. Một thành công và một cố gắng phi thường của anh và nhóm bạn bè người Việt Hải ngoại trong việc chọn lựa các đầu sách đã xuất bản. Tủ sách có một chủ trương rõ rệt: Ngoài phần in sách của một số tác giả hải ngoại, họ còn in sách của các tác giả từ trong nước mà sách của họ không được in, hay cấm in. Đó là trường hợp Tạ Duy Anh, Tô Hải và lần này là Tiêu Dao Bảo Cự.
Công việc này có ý nghĩa Văn hóa và tác dụng chính trị nữa.
Anh Uyên Thao là người chủ trương, nguyên là chủ bút tờ Sóng Thần đã một thời vang danh với Vụ án báo chí lịch sử ngày 31/10/1974.
Vụ án đó có tên là ngày công lý và báo chí thọ nạn.
Tập Hồ sơ báo chí này dày gần 200 trang với sự thu thập không biết bao nhiêu hình ảnh các nhân vật tranh đấu đủ thành phần như giáo sư đại học, luật sư, các dân biểu, các nhân vật chính trị các nhà sư, linh mục, giới sinh viên với đầy đủ chứng từ, bản cáo trạng, các lời tuyên bố, các phiên xử. Một tập tài liệu báo chí hiếm có mà chính anh Uyên Thao cũng không thể mang theo được.
Nó ghi dấu một thời kỳ sôi động đấu tranh dân chủ khó quên. Nhưng nó cũng báo hiệu một sự sụp đổ miền Nam VN gần kề. Có những phiên tòa xử mà danh sách luật sư bào chữa lên đến 80 vị. Tôi hy vọng một ngày nào đó tập Hồ sơ báo chí này được ra mắt bạn đọc.
Trước tình hình khủng hoảng của hệ thống báo giấy, trước nguy cơ bị tràn ngập bởi sách báo điện tử, sự đóng góp của Nxb Tiếng Quê Hương là một cố gắng phi thường nối tiếp theo sự vắng bóng của những Nxb đã một thời làm nên văn Học miền Nam như nhà Văn Nghệ, Lá Bối.

Vài dòng về các sách đã được xuất bản
May mắn tôi có gần như đầy đủ các tập sách do Tiếng Quê Hương xuất bản do anh Trần Phong Vũ phụ trách phát hành tặng. Có những cuốn “không dễ đọc” đòi sự vận dụng trí tuệ khá cao để hiểu tác giả muốn nói gì như cuốn Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh bị cấm in trong nước. Và sau đó với cuốn Sinh ra để chết cũng của Tạ Duy Anh, tiểu thuyết. Gọi là tiểu thuyết, nhưng thật ra là một bản án chế độ bằng một ngôn ngữ chua chát, mỉa mai và dao thớt, “Từ đấy ông nội mới công nhận bố có tài và quyết tâm cho ăn học nên người để có thể ỉa thẳng vào mặt kẻ thù!”
Cho ăn học chỉ có mục đích ỉa vào mặt kẻ thù thì kinh hãi quá!
Ở trong nước, Tạ Duy Anh cũng có truyện được xuất bản là cuốn Thiên Thần sám hối. Câu chuyện Thiên Thần sám hối bắt đầu từ một đứa trẻ còn trong bụng mẹ, lúc nó được bảy tháng. Tin đươc hay không tùy bạn đọc. Tác giả là như thế đấy.
Có những cuốn như Tử Tội của họa sĩ Chóe (1943-2003) một trong 10 họa sĩ biếm họa xếp hàng đầu thế giới. Sau 1975, ông đã sống lê lết với đôi cặp mắt mù lòa do bị tù đầy nhiều năm. Những tranh biếm họa mà đối với tôi như một khám phá. Lý thú của cả một thời VNCH. Biếm họa hay đến nỗi nhiều độc giả mua tờ báo hằng ngày là để xem tranh biếm họa trước. Hai nhà biếm họa babui và nguoivehuu trên DCVOnline.net đã có cuốn này chưa? Nếu chưa có, xin mời đọc.
Ông chẳng những là họa sĩ, biếm họa mà còn viết văn, làm thơ, viết nhạc nữa. Không biết bao nhiêu bài thơ hay khiến tôi không biết chọn bài nào:
Môi em mùi son
Môi ta mùi rượu
Giờ uống một mình
Ta pha rượu với son
(1995)

Đừng trao vào tay phải ta những thứ dễ vỡ
Sự hư đốn rất bất ngờ
Nó đánh rơi dù vàng hay ngọc
Hãy trao vào tay trái ta
Dù sao nó cũng còn trái tim bảo chứng
(1997)

Sách Viết Về bè bạn của Bùi Ngọc Tấn và Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên, tôi nghĩ khỏi cần giới thiệu. Tự nó, các tên tuổi đó, độc giả tìm đọc.
Có cuốn sách dịch Việt Nam, Quê mẹ oan khiên, Pierre Darcourt do cựu đại tá Dương Hiếu Nghĩa dịch. Cuốn sách có tác dụng gây xúc động vì thứ ngôn ngữ cảm xúc mạnh trong từng trang sách khi viết về cuộc chiến Việt Nam. Phải có lòng với Việt Nam Cộng Hòa lắm tác giả mới có thể viết được như vậy. Chỉ tiếc nhan đề tiếng Pháp của cuốn sách (“Vietnam, qu'as tu fait de tes fils?”) đã không được in ra bên ngoài. Chính tôi cũng nhầm tưởng cuốn sách dịch từ cuốn Triumph Forsaken của Mark Moyar.
Nhưng xét về mặt tài liệu nghiên cứu thì theo tôi cuốn Triumph Forsaken, The Viet Nam war-1954-1965 của Mark Moyar mới là cuốn đáng đọc và đáng dịch vì tài liệu dồi dào của nó. Sách dày 518 trang thì trong đó 112 trang là phần trích dẫn tài liệu. Nhưng cũng rất tiếc, cuốn sách của tác giả đã chấm dứt vào thời điểm 1965 trước khi cuộc chiến đã tàn vào năm 1975.
Còn nhiều cuốn quá, tôi không thể giới thiệu hết được như Hồi Ký Đời Tôi của Nguyễn Liệu, dày 714 trang. Một cuộc đời, một tuổi trẻ “rất khác thường” liên hệ xa gần đến nhóm Hà Thúc Nhơn-Quảng Ngãi Nghĩa Thục, dấn thân nhập cuộc, tù đầy, chống đối, đốt tuổi trẻ vào những dấn thân ước mơ cho một Việt Nam tốt đẹp.
Cũng một chí hướng và tâm trạng vào lúc cuối đời như Vũ Cao Quận ở tuổi 70 nhìn lại cuộc đời chỉ thấy là những hy sinh vô vọng và gửi tâm sự vào trong: Gửi lại trước khi về cõi, v.v...
Lê Thiệp với tạp ghi Lững thững giữa đời và trong Đỗ Lệnh Dũng ghi lại quãng đời của một người tuổi trẻ có mặt trong cuộc chiến rồi chịu thân phận làm tù binh đi hết trại giam, này đến trại giam khác từ Bắc chí Nam. Hình chụp Đỗ Lệnh Dũng trong bộ quân phục nhà binh, ve áo với lon trung úy, có để ria mép. Trông đúng là một mẫu hình tiêu biểu cho một sĩ quan VNCH trước 1975.
Một tác giả trẻ tuổi mà đã có dịp tôi được tiếp chuyện là Nguyễn Kỳ Phong, chuyên nghiên cứu về quân sự của Mỹ với cuốn Vũng Lầy tòa Bạch Ốc, Người Mỹ và chiến tranh VN, viết và làm việc theo phương cách của người Mỹ với rất nhiều phần tài liệu dẫn chứng.. Xin được giới thiệu cuốn sách này tới các bạn trẻ VN.
Và trước khi chấm dứt phần giới thiệu sách này, tôi không quên hai tác giả nữ có đầu sách in ở Tiếng Quê Hương là Lê Mỹ Hân với Quê Hương ngày trở lại và Mai Nguyên. Riêng tác giả Mai Nguyên đã tặng sách cho tôi từ 3 năm nay với lời lẽ trân trọng và quý mến. Nhưng rất tiếc, tôi chưa có dịp được giới thiệu thì ở đây xin giới thiệu cùng với lời tạ lỗi muộn và mời bạn đọc cuốn Thư gửi vào không...
Điều trân quý là hầu hết các sách của Tiếng Quê Hương sau này đều có bìa cứng. Tôi để thành hàng trên kệ sách nhìn mà cảm thấy như một thưởng ngoạn.
Tôi giới thiệu nhiều tác giả như thế thì nay mai cuốn sách của tôi:
“Miền Nam 1955-1975”, Nguyễn Văn Lục, cũng được tiếng Quê Hương xuất bản cho, ai sẽ là người giới thiệu cho tôi đây?
Cuốn sách của TDBC mà theo tôi, chính quyền trong nước sẽ không chấp nhận và cấm in còn đối với bên ngoài nước, nó cũng là cuốn sách controversial, gây vấn đề. Phần tôi thử đưa ra một vài nhận định về cuốn sách này, đặt vấn đề với tác giả và giải mã một số vấn nạn vướng mắc nhận thấy trong cuốn sách.

Tiếng Chim Báo Bão của Tiêu Dao Bảo Cự

Khi tôi nhận được bút ký Tiếng Chim Báo Bão do anh Trần Phong Vũ gửi thì đã có bài điểm sách của Trịnh Bình An đăng trên DCVOnline.net ngày 03/01/2010. Điều đó không thay đổi gì nhiệm vụ và công việc của tôi khi đã nhận điểm cuốn sách này.
Cuốn sách Tiếng Chim Báo Bão được chia ra hai phần rõ rệt. Phần một được gọi là Suy niệm gói ghém những bãi viết từ 1989-1997 và từ 2005-2008. Phần này gồm 270 trang. Phần hai có nhan đề là: Tôi bày tỏ. Nhật ký trong những ngày bị quản chế từ 1996-1998.

Nói về nhan đề cuốn sách
Đọc nhan đề cuốn sách Tiếng Chim Báo Bão gợi cho người đọc nghĩ đến những dấu hiệu một thay đổi lớn như một cơn bão, hay một cái gì đó tương tự mà tác giả không tiện nói ra. Người ta chờ đợi xem nội dung sách sẽ cho biết những dấu hiệu ấy như thế nào? Dấu hiệu ấy phải chăng như một phê phán quyết liệt (radical), một cảnh báo một nguy cơ sụp đổ?
Hình như tôi không thể tìm thấy những dấu hiệu mà tác giả nêu ra với tư cách một người bất đồng chính kiến. Những vấn đề lớn có nguy cơ sụp đổ về đủ mặt như vấn đề tham nhũng, vấn đề đảng trị độc đoán, bóp nghẹt tự do thông tin và báo chí, vấn đề đàn áp tôn giáo cũng như các vấn đề xã hội và giáo dục.
Trong cuốn sách in trước đó, Mảnh Trời Xanh Trên Thung lũng ông đã có dịp đề cập đến truyện bị đòi lên Công An, bị tra hỏi và bị theo dõi và ông đã dàn trải câu truyện bị Công An tra vấn, làm khó dễ trong suốt 500 trang giấy. Và cuối cùng thì có lẽ sống trong bầu khí nghi kỵ kìm kẹp, tra vấn đến nghẹt thở, ông chỉ còn có Mảnh Trời Xanh Trên Thung Lũng của mảnh trời Đà Lạt làm bè bạn trong sự cô đơn của một người bị thất sủng, bị đảng khai trừ.
Cái day dứt khốn khổ bị theo dõi, bị tra vấn, bị quản thúc ấy ám ảnh ông và một lần nữa, ông đưa vào trong cuốn Tiếng Chim Báo Bão.
Và phải chăng nhật ký hai năm quản thúc là Tiếng Chim Báo Bão về chế độ? Thật sự tôi không rõ nữa.
Trong Tiếng Chim Báo Bão, ông nén chuyện bị công an quản chế còn hơn 200 trang và đặc biệt lần này có ghi chú rõ ngày tháng năm.Tôi nhận thấy ông chỉ bị quản thúc nên việc tra vấn chỉ là một phần trong sinh hoạt đời sống. Ông vẫn có quyền đi lại, vẫn đi uống cà phê, thăm bạn bè, thu thập tin tức trên BBC, nghĩa là vẫn nghe đài, đọc báo chí trong một không gian giới hạn là phường 9. Ông vẫn quanh quẩn ở nhà ông, có vợ con, vẫn cơm nước, vẫn sinh hoạt bình thường trừ có việc công an canh gác trước nhà. Vòng bạn bè vẫn không mất hẳn vẫn được nhắc tới, ngay cả những người cũng thuộc thành phần bất đồng chính kiến như người bạn tâm phúc của ông như Hà Sĩ Phu, Nguyễn Đức Sơn, Hoàng Minh Chính, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đặng Việt Nga đến Lĩnh và những người trong nhóm Yoga, nhưng nhất là đến Đan Tâm và đến Yến... Những người thân cận này cứ quay vòng vòng chung quanh những suy nghì miên man của ông trong từng chi tiết nhỏ như đi chợ, đưa con đi học, ngày ngày đưa Yến đi làm, rồi ốm đau.
Đó đây, ông tả lại cái tâm trạng một người sống trong chế độ công an mà cái cảm giác bất an lúc nào cũng cánh bên mình qua kinh nghiệm kể lại của Nguyễn Ngọc Lan trong cuốn sách xuất bản trước của ông:
“Tôi chấp hành cũng như người bị dí súng vào lưng thôi.”
Quả đúng vậy, Nếu tôi chống lại, chắc chắn, họ sẽ dùng biện pháp hơn và tôi phải bị phiền phức, thiệt hại nhiều hơn. Rồi có người khuyên, “Trên đường đi, nếu anh gặp tảng đá quá lớn thì anh nên đi đường vòng, chứ không nên đấm tay vào đá.”
Trích Mảnh Trời Xanh trên Thung Lũng, Tiêu Dao Bảo Cự, trang 603.
Đặc biệt phần hai cuốn sách, ở trong cuốn in trước, ông đã đổi tựa đề từ Tôi tố cáo và thay vào đó tựa đề Tôi bầy tỏ. Tựa đề Tôi bày tỏ nhẹ nhàng đi nhiều chẳng khác gì Tôi góp ý với đảng. Hay ở chỗ khác, trong bài Thư ngỏ gửi những người cộng sản Việt Nam, ông viết:
“Tôi viết thư ngỏ này để trang trải tấm lòng và quan điểm của mình đối với những vấn đề lớn của đất nước một cách tự do và thẳng thắn.”
Viết để trang trải tấm lòng thì không đủ tư cách nói đến một quan điểm, một lập trường, một khác biệt, một bất đồng chính kiến hay hơn nữa một đối kháng.
Với một lá thư trang trải nỗi lòng như thế, phản ứng của Đảng sẽ như thế nào? Có cần nghe, có cần đọc, có cần trả lời, có cần đưa ra biện pháp sửa đổi hay bỏ qua không đếm xỉa đến?
Vì thế, khi đọc xong cuốn sách, tôi bị confused không biết phải xếp tựa đề Tiếng Chim Báo Bão vào phần nào? Tiếng chim báo báo phải là một nguy cơ, một bắt mạch, một phân tích rạch ròi kiểu Nguyễn Trung về kinh tế, một nói thẳng kiểu Trần Độ, một cảnh báo, một phê bình gay gắt kiểu Hoàng Minh Chính liên quan đến sự sống còn của tổ chức, của cơ chế, của tương lai chế độ.
Tiếng Chim Báo Bão mà chẳng báo gì cả, ngay cả thông báo thời tiết và treo lơ lửng trong suốt hai phần của cuốn sách, lúc treo thấp, lúc treo cao, lúc là là mặt đất không đụng chạm vào đâu cả, không làm ai nhột cả, có lúc nhỏ nhẹ, hiền lành bầy tỏ như người trong nhà.
Có một khoảng cách lằn ranh rõ rệt giữa tựa đề cuốn sách Tiếng Chim Báo Bão và nội dung bày tỏ trong toàn cuốn sách.

Về việc bị quản chế của Tiêu Dao Bảo Cự
TDBC đã hao tổn khá nhiều công sức để viết hồi ký về hai năm quản chế của mình Tôi đã chịu khó theo dõi, chịu khó đọc những chi tiết lan man đến tủn mủn của hai năm quản chế ấy. Tôi cũng chịu khó xem lại cuốn Hồi ký của Trần Vàng Sao nhan đề: Tôi bị bắt và Tiếng chi, báo bão của TDBC có nhiều điểm tương đồng như đều có thẻ đảng, đều bị khai trừ, đều bị tra vấn hạch hỏi. Nhưng nội dung chuyển tải, chưa cho thấy một bi kịch như cuốn Le Procès của Kafka. Chưa cho thấy được cái bạo tàn, cái máy móc, cái lạnh lùng của cơ chế nghiền nát con người của một guồng máy độc tài và mất nhân tính.
Nó vẫn chưa phải là một bi kịch của một con người, một nạn nhân trong một guồng máy.
Đọc xong nhật ký Trần Vàng Sao không đem lại cho tôi ấn tượng gì về cái tinh xảo, cái tàn độc, cái cỗ máy ghiền của đảng.Tôi nghĩ bụng: các anh còn sướng quá. Sướng lắm so với những người đi tù cải tạo và với một số nhà văn miền Nam bị bắt sau 1975.
Cái cảm giác ấy khi đọc Trần Vàng Sao cũng không khác mấy khi đọc hồi ký của TDBC.
Xin được trích dẫn một đoạn trong nhật ký Tôi đi tù của Trần Vàng Sao:
“- Anh uống nước.
Tôi lấy thuốc hút và uống nước...(...) Ông ta bắt đầu nói, trong lúc tôi dựa người lên ghế và duỗi chân ra dưới bàn. (Thái độ thoải mái và ngon ghê!)
- Chúng tôi đưa anh về đây là để tiếp tục làm việc với anh. Hiện nay quần chúng, cán bộ và đảng viên ở K65 hết sức bức xúc, để anh ở đó chúng tôi xét không có lợi. Số phận và tương lai của anh bây giờ là do anh quyết định đó. Anh chưa nói hết và thành thật với đảng. Đây là cơ hội cho anh hối cải.. Anh phải nói hết, nói thật, chỉ có cách đó anh mới cứu được anh. Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại.. Đảng rất độ lượng, mặc dù anh đã có thái độ và hành động chống đảng.”
Trích: Tôi bị bắt, Trần Vàng Sao. Người sưu tầm phổ biến, Lữ Phương với lời nhận xét mở đầu: chúng ta có thể nghe thêm một tiếng nói của một người đã có đầy đủ lý do để không còn phải đứng về phe nào trong hai phe ấy. Sai gòn ngày 2-11-2005.
Tôi còn nhớ khi đọc xong tập Hồi ký này, tôi nói với một người bạn thân nhất của tôi cũng gốc Huế là: “đúng là thứ đi tù cha rồi còn gì.” Chúng tôi đều cười đồng ý.

(Còn tiếp)
© DCVOnline


No comments: