Wednesday, January 13, 2010

TỦ SÁCH "TIẾNG QUÊ HƯƠNG" và "TIẾNG CHIM BÁO BÃO" (Kết)

Tủ sách Tiếng Quê Hương và Tiếng Chim Báo Bão (Kết)
Nguyễn Văn Lục
13-01-2010
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7075

Giới thiệu Tủ sách Tiếng Quê Hương và điểm sách Tiếng Chim Báo Bão của Tiêu Dao Bảo Cự

Phần TDBC chỉ bị quản chế theo diện quản lý hành chánh. Ông đã liệt kê hàng vài chục trang giấy tờ hành chánh với Nghị Định thủ tướng, Quyết định, biên bản liên quan đến việc quản lý này đã được trình bày trong sách. Tôi xin phép được tóm gọn những biên bản quy định như sau:
- Vẫn được ở nhà số 35/1 Nguyễn Đình Chiểu
- Đời sống gia đình, vợ con vẫn sinh hoạt bình thường.
- Vẫn được đi lại trong trong địa bàn phường 9.
- Ở nhà có cơm ăn cơm, có gì ăn nấy. Có tivi thì coi, có sách báo thì đọc, có điện thoại thì cứ liên lạc, có bạn bè thì cứ tiếp, thích nghe BBC thì cứ nghe.
- Dĩ nhiên, phải trình diện theo quy định, đi ra khỏi quận huyện, phải có giấy phép.
Dù việc quản chế xem ra không mấy ngặt nghèo và dù có thể nào đi nữa thì ở góc nhìn nhân loại, tôi cũng cảm thấy phải chia xẻ về những hạn chế và khó khăn vật chất, tinh thần gây ra cho tác giả. Có thể có những trắng đêm, lo nghì, tính toán để đối đầu. Có những mất mát về vật chất không tránh khỏi, như không còn được đi làm, phải ở nhà trồng rau, mà lợi tức không là bao. Hai cậu con trai vì bố mà long đong trong việc ăn học. Và nhất là người vợ tên Yến phải biểu, phải nhẫn nhục, tần tảo gánh trên đôi vai oằn đi vì những hệ lụy do việc bị quảm chế này. Chưa kể dư luận chung quanh, vòng bạn bè có thể nới lỏng hoặc đứt giây liên lạc Và người đọc có cảm tưởng rằng vợ ông, đồng chia sẻ những quan điểm, những điều xác tín của người đàn ông trong việc viết và sáng tác và vì thế sẵn sàng chia sẻ những khó khăn do hoàn cảnh cay nghiệt đó.
Và nếu thế dù đời sống trong những năm tháng bị trù dập, vất vả và lo âu. Nhưng ở nơi ấy, trong căn nhỏ số 35/1 Nguyễn Đình Chiểu, phường 9, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vẫn ánh lên con lửa tin yêu và hy vọng. Phải chăng dù mất trơ trụi tiền bạc, danh vọng, cái còn lại trong phần nửa đời sau của tác giả là những thứ hiếm hoi còn sót lại?
Yến vẫn là khung trời xanh trên thung lũng và gối ngủ yên cho TDBC.
Ấy là chưa kể những bạn bè quen biết và nhất là không quen biết ở Hải ngoại đã chìa tay ra như Lê Đình Điểu, tờ người Việt đã hỗ trợ để in cuốn truyện đầu tay(1), Nửa đời nhìn lại của tác giả cùng với sự tiếp tay của Đặng Tiến, Nguyễn Thị Hoàng Bắc.

Dưới đây, tôi xin được so sánh một trường hợp bắt giam một trí thức miền Nam sau 1975, một trong số hơn 200 văn nghệ sĩ bị bắt từng đợt để thấy sự khác biệt như thế nào? Xin trưng dẫn rất tóm tắt một giấy tờ bắt rồi biệt giam trong 6 tháng trời xem nỗi lo sợ và khổ cực như thế nào.
Cộng Hòa, Xã Hội Chủ Nghĩa Việt NamĐộc Lập - Tự Do- Hạnh Phúc
Bộ Nội vụ
Sở Công An Tp. HCM Biên bản bắt, khám xét
Tên tuổi, Sinh quán, Ngề nghiệp, Thi hành lệnh số...
Can tội (7) Phản Cách mạng
Sau khi kiểm tra căn cước, xác định dúng người này là.. có tên trong lệnh bắt và ở tại địa điểm trên. Tôi đã tuyên bố lệnh bắt bị can.
Sau khi tuyên bố lệnh bắt thì thái độ bị can: Bình thường
Thái độ thân nhân: bình thường
Sau khi bắt bị can, chúng tôi khám xét nhà ở thì thấy có những vật kê dưới, nghi có liên quan đến vụ án (19)
- Một giấy chứng nhận của trường đại học
- Một số sách báo tài liệu, cắt báo và chép tay
- Một máy đánh chữ
- Một giấy chứng nhận được chính quyền cho phép giữ sách vở, tài liệu, báo chí cũ.
Tôi đã tuyên bố tạm giữ những vật kể trên, đưa về cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu giải quyêt.
Việc bắt giữ và khám xét đã kết thúc vào hồi 18 giờ 30, ngày 14-6-1978.
Biên bản này đã đọc cho người nhà và bị can..
Cán bộ phụ trách khám xét: Nguyễn Ngọc Biên
Đại diện chính quyền: Nguyễn Văn Thành
Người ghi biên bản:Nguyễn Văn Thành
Sau 6 tháng tù biệt giam để chịu sự tra hỏi và viết không biết bao nhiêu lần bản tự khai thì được Trưởng phòng chấp pháp là ông Ngô Văn Dần ký giấy: tạm tha.

Bắt người vô tội biệt giam 6 tháng, rồi tạm tha. Thử hỏi đó là thứ pháp luật gì?
Chúng ta nghĩ sao về bản án phản quốc dành cho một trí thức miền Nam “phạm tội vô tội”? Kể từ đó đến nay, đã có bao nhiêu trí thức miền nam, nhà văn bị bắt trong tù vào khoảng hơn 200 người đã viết nổi một nhật ký trong tù? Người nào được thả và được đi ra mướcv ngoài đều có lời dặn dò riêng: Ông ra ngoài xin nhớ đừng viết điều gì nói xấu chế độ. Đừng quên những lời khai của ông, chúng tôi còn giữ đây. Đó là cách khóa miệng tất cả những người đã bị cộng sản bắt cầm tù như Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Doãn Quốc Sĩ, Đoàn Viết Hoạt, Duyên Anh, Trần Dạ Từ, Nhã Ca...
Họ vẫn bị trói tay đấy chứ, dù ở xa.

Về nội dung cuốn sách Tiếng Chim Báo Bão.
Tôi rất tiếc chưa được đọc cuốn truyện đầu tay của tác giả TDBC, Nửa Đời Nhìn Lại, Văn Nghệ, 1977.
Tuy nhiên bằng hai cuốn sách tôi có trong tay, tôi vẫn bắt được những điểm chủ yếu, cái chung về nội dung giữa hai cuốn sách.

Niềm tự hào của tác giả
Có thể đây là phần mà tác giả nâng niu nhất vì nó bàng bạc trong cả hai cuốn sách. Một tuổi trẻ tự coi mình và đồng bạn có ý thức, có lý tưởng, sống đẹp, có chiến đấu trong cái hào hùng của tuổi trẻ. Tác giả đã phủ định những “huyền thoại” về miền Nam, dân chủ, tự do, no ấm đồng thời chống lại cuộc chiến tranh bạo tàn và phi nghĩa để rồi chọn đứng sang phía bên kia. Đứng xong mới thấy hụt hẫng và không khỏi thất vọng nên mới có Nửa Đời nhìn lại. Nhưng trong cái nạn triều cường bất nhân, gian dối mà tác giả là nhân chứng dấy lên đôi lời phản kháng và rồi phải chịu đựng nhừng hệ lụy không tránh khỏi sự trù dập của Đảng.
Niềm tự hào tắt dần, chỉ còn lại những cay đắng
Thật ra cái niềm tự hào ấy, cái trăn trở thao thức tìm cho VN một lối ra đã có rất nhiều người đi trước tác giả đã viết, đã đăng hàng ngàn bài báo, có tiếng vang và ảnh hưởng sâu rộng trong giới thanh niên, trí thức thành thị trong đó có thể có nhiều tác giả đa dạng với nhiều quan điểm, thái độ, nhiều mức độ dấn thân, nhiều mầu sắc.
Họ là những tên tuổi như Châu Tâm Luân, Bùi Khải Nguyên, Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Cao Thanh Tùng, Diễm Châu, Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Tường Văn, Thuận Giao, Trần Tuấn Nhậm, Thế Uyên, Thế Nguyên, Nguyên Sa, Nguyễn Đăng Thường, Hoàng Ngọc Biên, Phạm Ngọc Lư, Mai Trung Tĩnh, Thảo Trường, Trương Đình Hòe, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Trương Bá Cần, Nguyễn Ngọc, v.v...
Họ đưa ra những vấn nạn cho mọi người cùng suy nghĩ, xem phải làm gì như:
“Sau khi đã tranh đấu, sau khi đã cách mạng, đã biểu tình, đã đảo chánh, đã lật đổ, đã hành quân, đã thuyết pháp, đã câu nguyện, đã hội thảo, đã thụt két, đã hành lạc, đã đập phá, đã đau khổ, đã hy sinh, đã đến lúc phải làm một cái gì?”
Nguyễn Ngọc Lan hung hăng nhất với bài bút chiến: Những kẻ sợ hòa bình và 50 bài báo chửi VNCH, Mỹ in thành tập trong: Cho cây rừng còn xanh lá.
Tất cả những người trên sau đó đã mỏi mệt. Nhiều người rút lui, nhiều người đứng ngoài, nhiều người đứng giữa hai lằn đạn, nhiều người nhập cuộc nay trở thành kẻ phản kháng, trở thành tù nhân của lương tâm.

Họ được gì, mất gì?
Phần tác giả TDBC tôi thấy ông lúng túng trong những luận điểm, lúng túng trong chọn lựa dứt khoát. Suy luận vì thế mang tính nhị nguyên (dualité), bênh có, chê trách có như nửa nạc nửa mỡ. Luận chứng phê phán ngập ngừng nửa vời đưa tới một kết luận lưỡng tính hay mơ hồ (ambiguité).
Phần người đọc rơi vào tình trạng confused, không biết phải nghĩ thế nào. Tôi đã hỏi một người có thẩm quyền nghĩ thế nào sau khi đọc xong cuốn sách. Câu trả đúng như tôi nghĩ: confused. Người phía bên này cũng thấy có mình trong đó và dơ tay đón nhận nâng đỡ, phía bên kia cũng thấy không đến nỗi nào, cộng trừ ra cũng còn có lời cho Đảng. Đôi khi lại có lợi cho chính quyền trong lúc này so với những người trẻ bây giờ bày tỏ sự chống đối một cách bất khoan nhượng, trực diện với những vấn đề cấp bách sinh tử với nhà nước cộng sản.
Phía hải ngoại, ông trở thành tiếng nói tiêu biểu của những người bất đồng chính kiến đáng tôn trọng, đáng được nâng đỡ.
Phản biện, bất đồng chính kiến nay trở thành thời thượng. Nó chẳng khác gì mấy những thành phần trí thức trước 1975 tự đặt mình trong tư thế thành phần thứ ba đối lập với chính quyền VNCH.
Nó có xu hướng trở thành thương hiệu cho một xu thế chính trị trước một xã hội có nguy cơ sụp đổ.
Có tình trạng đó vì tác giả không dứt khoát, nhuốm tư tưởng tiểu tư sản thành thị quen với những suy nghĩ tự do, dân chủ. Nhưng mặt khác không dám đụng thẳng tới những vấn đề cụ thể sai lầm của đảng cộng sản. Không dám vì tin rằng Đảng vẫn có thể sửa đổi nên hợp tác dưới những ngôn ngữ “bình phong” như Thư cho Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, Thư gửi cho Quốc Hội CHXHCNVN.
Thư ngỏ gửi những người cộng sản, nói gián tiếp, nói xa nói gần về bài học Nhân Văn, v.v...
Tôi xin nêu ra đây một trường hợp cụ thể về việc: góp ý với Đảng để làm gương cho những loại người ngây thơ tin vào đảng. Năm 1989, có xu hướng trong đảng phê bình việc giảng dạy chủ thuyết Marxít-Lêninít. Trần Văn Giàu cũng đã chính thức lên tiếng. Đã nói hết cả. Lý Chánh Trung tưởng thời cơ thuận tiện lên tiếng và yêu cầu cho vào chương trình giáo dục triết học Tây Phương. Và ông đã nổi danh với câu nói:
“Một môn học mà thầy không muốn dạy, trò không muốn học.”
Ngay sau đó, Lê Đức Anh và Nguyễn Văn Linh gọi Lý Cháng Trung “sát xà bông”. Từ đó, họ Lý từ đó im tiếng. Mẹ kiếp, đảng của chúng tôi, chúng tôi biết chứ. Nó thối nát. Đau sót lắm chứ. Nhưng chúng tôi mới nói được. Đảng có sai, đảng cần sửa đổi gì thì anh có tư cách gì mà đòi lên tiếng?
Cũng vậy, nhiều tổ chức trong Đảng chỉ là “cây kiểng” như Mặt trận Tổ Quốc. Cây kiểng có vai trò cây kiểng, anh lên tiếng đòi dẹp là bỏ mẹ.
Đối với cái Đảng độc tài toàn trị ngay cả khi họ yêu cầu góp ý với đảng. Đợi cho góp xong, họ thu ý kiến lại, và cho vào sọt rác.
Cho nên, tốt nhất theo ông Emmanuel d’Astier , một người thiên tả trong một cuốn sách viết về Stalin cho rằng chẳng có cách nào khác đối với một đảng cộng sản. Cách tốt nhất là, “Il faut laiciser le communisme.” Cần phải thế tục hóa đảng cộng sản.
Đảng cộng sản nó như một tôn giáo mà các lãnh tụ như các ông giám mục, giáo hoàng ai cũng phải tuyệt đối tuân phục. Muốn thay đổi thì phải tục hóa giáo hội tức là để cho giáo dân làm chủ. Cũng vậy, phải tống cổ mấy tay Trung ương đảng, kéo cổ bọn họ xuống, bầu cử để dân chúng lên lãnh đạo.
Vì thế tất cả những thư của TDBC ai đọc? Đọc xong đã có phản ứng gì và quyết định gì? Đã có được một lần có thư phản hồi?
Hay đều là những loại thư gửi vào không? (Tựa đề một cuốn sách của Mai Nguyên)
Mặt khác đề cao một vài người lên tiếng phản biện tiêu biểu như Hà Sĩ Phu với hai, ba bài: Biểu tượng cho tự do và trí tuệ...
Sự nhận thức nhị nguyên dễ đưa đến kết quả lưỡng tính, mơ hồ, mặt nào cũng có thể được và đó là con đường dẫn đưa tới ngụy tín (mauvaise foi). Ngụy tín với chính mình cho yên lương tâm và huyễn hoặc người khác.

Sự ngụy tín ấy biểu lộ qua các bài thiếu căn bản suy luận và che đậy như các bài: Hòa Hợp Hòa Giải, Suy nghĩ sau Vesak 2008 ở VN, Giao Lưu, Hội nhập Văn Học VN trong và ngoài nước, Hội chứng chính nghĩa và bi kịch chúng ta.
- Hòa Hợp Hòa giải cái gì, với ai ? Đã hơn 30 năm nay, sao bây giờ mới nói tới hòa giải? Ngay từ ngày 17/02/1976, người ta đã ra thông cáo không được dùng những chữ xách mé như ngụy quân ngụy quyền mà phải được gọi là: “Người trong quân đội và chính quyền cũ.” Đã có ai nghe một lần họ gọi tử tế như thế chưa? Rồi bọn phản động nay vẫn thấy sài thả cửa như bọn phản động nước ngoài. Một cái bia tưởng niệm người chết trên biển cũng phá bỏ thì hòa giải cái gì? Đã có một cơ quan nhà nước nào nghĩ tới số phận các thương phế bình VNCH trên 30 năm nay ? Nghĩa trang Biên Hòa ra sao? Nạn nhân Tết Mậu Thân có ai làm một Trai đàn hay một lời xin lỗi dân Huế không?
- Ai cũng biết GHPG nhà nước bây giờ bản chất nó là gì Và cái gọi là Vesak 2008 đem lại lợi cho ai? Và đây là cách lập luận ngụy tín của tác giả: “Phật tử tới chùa vì tin vào giáo lý Đức Phật, trước chùa dù có treo bảng Giáo Hội Phật giáo VN hay Giáo Hội Phật giáo VN thống nhất cũng không thành vấn đề. Chẳng lẽ trước khi vào chùa phải xem bảng hiệu? Chẳng lẽ Phật tử vào chùa có bảng GHPGVN đều thân chính quyền? Và vào chùa có bảng GHPGVNTN đều chống chính quyền?”
- Về giao lưu, Hội Nhập Văn Học chỉ nói cho sướng miệng nào cụ thể làm được gì ? Chỉ mới tuần vừa qua, có một Hội nghị Quốc tế về dịch thuật diễn ra tại Hà Nội với hơn 100 Hội Thảo viên. Một người có tham dự hội thảo đưa ra nhận xét: Họ không thèm lý gì đến Văn Học miền Nam trước 1975 cũng như các nhà văn trước 1975...
- Trong bài viết “Hội Chứng Chính Nghĩa” và “Bi kịch chúng ta” TDBC muốn đưa ra trường hợp Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) nhân bài viết của Ngô Minh và gián tiếp nghĩ rằng trường hợp HPNT là một “Hội chứng chính nghĩa” và rồi bị dư luân hiểu lầm đổ oan, biến thành “Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường”, HPNT trở thành nạn nhân. Rồi từ bi kịch HPNT đánh đổ đồng là Bi kịch của toàn thể người Việt Nam sau 30 ngưng tiếng súng, nhưng vẫn chưa thực sự kết thúc. TDBC ngoài cái bệnh ngụy tín còn mắc thêm một cái bệnh Chủ nghĩa Chauvin địa phương, đặc biệt là Huế theo tiêu chí Huế bênh Huế và đồng thời Huế giết Huế. Mặc dầu có rất nhiều bài viết từ hai phía bênh và chống HPNT, nhất là trên Talawas.

Nay trong một bài viết sắp tới, tôi sẽ chỉ dựa vào DVD, Viet Nam, A Televsion History và tài liệu phỏng vấn trực tiếp của nhóm Stanley Karnov về HPNT năm 1983 do chính anh ta nói cũng như bài phỏng vấn của Thụy Khuê với HPNT 15 năm sau. Tôi hy vọng sau khi so sánh hai cuộc phỏng vấn này xong thì những tranh luận về HPNT chắc sẽ không cần thiết nữa.
Và hy vọng sau đó TDBC không có lý do thuận lý và lô gích nào để đổ thừa cái Bi kịch HPNT lên đầu người Việt Hải ngoại. Bi kịch HPNT là không có; tự anh ta mà nó có; vì anh ta đã nói dối trá và cũng chỉ tự HPNT một lần dám nói đúng sự thật thì bi kịch ấy sẽ không còn nữa. Và không có lý do gì Bi kịch HPNT là trở thành bi kịch của người Việt sau 1975.
Bài điểm sách của tôi tạm ngưng ở đây và bạn đọc có thể tự mình kiếm mua cuốn sách để thực chứng hay phản biện những luận cứ nêu trên. Ít ra cuốn sách có giá trị của một thứ sách thuộc loại controversy nên đọc.

© DCVOnline
-----------------------------------


DCVOnline: Thực ra “Trên đỉnh thanh xuân” mới là tiểu thuyết đầu tay của Tiêu Dao Bảo Cự, viết năm 1967, sau khi học xong Đại học ở Huế. Theo lời giới thiệu ở Trên Kệ Sách của Café DaMàu thì “Trên đỉnh thanh xuân sau đó được đăng một số chương trên nhật báo Điện Tín ở Sài Gòn (theo kiểu feuilleton, đăng hàng ngày) vào năm 1972, nhưng vì một số lý do đặc biệt của hoàn cảnh lúc đó, tòa soạn phải cáo lỗi tác giả và tạm ngưng.”
Các tác phẩm của TDBC viết sau 1975 dường như chưa khi nào được báo chí trong nước đăng do đó không có toà soạn nào phải xin lỗi tác giả.
Tại đây, DCVOnline.net, Tôi bày tỏ, Nhật ký Tiêu Dao Bảo Cự 1996-1998, đã khởi đăng từ 07/02/2006 và kết thúc vào ngày 10-03-2006 (4 phần, 30 bài).




No comments: