Friday, January 22, 2010

TẠI NGƯỜI hay TẠI MÔI TRƯỜNG VĂN HOÁ ?

Tại người hay tại môi trường văn hoá?
Nguyễn Hưng Quốc
22/01/2010
http://www.voanews.com/vietnamese/2010-01-22-voa22.cfm
Gần đây, ở Hà Nội năm nào người ta cũng tổ chức các lễ hội hoa. Lễ hội nào cũng “hoành tráng” với hàng ngàn chậu hoa, trong đó có nhiều loại được xem là kỳ hoa, được trưng bày lộng lẫy. Năm nào cũng có cả hàng chục ngàn người đến thưởng thức. Năm nào thành phố cũng huy động một lực lượng công an cực kỳ hùng hậu, nghe nói đến năm bảy trăm người, đến bảo vệ. Nhưng năm nào kết cục cũng như nhau, vô cùng nhếch nhác: Người ta dẫm đạp lên hoa, ngắt hoa, thậm chí, cướp cả chậu hoa hay cành hoa mang về nhà. Một lễ hội của cái đẹp, rốt cuộc, để lại một hình ảnh vô cùng xấu về một nếp sống rất thiếu văn minh và văn hoá.

Một câu hỏi không thể không đặt ra: Tại sao?

Nên nhớ, ở Việt Nam, không phải chỉ có Hà Nội mới tổ chức các lễ hội hoa như thế. Cuối năm vừa rồi, ở Đà Lạt cũng có festival hoa. Cũng đẹp. Cũng lớn. Nhưng không hề nghe nói đến nạn dẫm đạp lên hoa, ngắt hoa hay cướp hoa. Ở Sài Gòn, cũng thế. Năm nào cũng có chợ hoa. Cũng có cả hàng chục ngàn người nườm nượp đến xem. Cũng chụp hình làm kỷ niệm. Nhưng không nghe ai nói đến cảnh đạp lên hoa để chụp hình. Cũng không nghe ai nói đến cảnh người ta nhào đến giật các cành hoa rực rỡ ấy để mang về nhà mình chưng bày.

Nạn dẫm đạp lên hoa, ngắt hoa, giật hoa và cướp hoa chỉ xảy ra ở Hà Nội.
Tại sao?

Nhiều người nói: Tại người Hà Nội. Tôi không tin: Người Hà Nội xưa nay vẫn nổi tiếng là thanh lịch cơ mà? Người ta lại nói: Không phải là dân Hà Nội gốc mà là những người tứ xứ đến sinh sống ở Hà Nội. Tôi cũng không tin: Ở đâu lại chẳng có những người tứ xứ đến sinh sống? Về phương diện này, độ tạp về dân cư của Hà Nội chưa chắc đã bằng Sài Gòn hay Đà Lạt, những nơi có một lịch sử khá mới, rất hiếm có những người tự xưng là dân gốc. Có người lại nói: Đó là những phần tử thiếu giáo dục. Tôi lại càng không tin: Xem hình những cảnh dẫm hoa, giật hoa và cướp hoa đăng trên báo, tôi thấy họ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, già có, trẻ có, nhưng tất cả đều ăn mặc đàng hoàng đẹp đẽ. Chắc chắn họ không phải là đám du thủ du thực.

Tôi nghĩ chúng ta không thể tìm được câu trả lời nếu chỉ chăm chăm tìm kiếm gốc gác của những người ấy. Cho họ là người Hà Nội gốc hay Hà Nội mới chỉ gây nên những kỳ thị mang tính địa phương vừa không đúng vừa chỉ gây chia rẽ một cách vô ích.

Vậy tại sao chuyện dẫm hoa, nhổ hoa, ngắt hoa, cướp hoa chỉ xảy ra ở Hà Nội?

Xem các bức ảnh đăng báo, tôi chú ý đến điều này: Những người ấy vừa dẫm lên hoa vừa cười toe toét. Họ vừa cướp hoa vừa cười toe toét. Nhìn, tôi tin chắc họ không phải chỉ là một thiểu số ít ỏi kiểu “con sâu làm rầu nồi canh”. Ít, họ không thể lộng hành như thế khi có cả hàng mấy trăm công an và hàng mấy ngàn nhân viên an ninh canh gác khắp nơi. Tuy nhiên, tôi cũng tin điều này nữa: Trong số những người có “thành tích” dẫm hoa, nhổ hoa, cướp hoa ấy, không ít người đã từng đi Đà Lạt và Sài Gòn; không ít người từng tham dự các festival hoa ở Đà Lạt cũng như chợ hoa ở Sài Gòn. Nhưng ở đó, họ không làm như vậy. Ở đó, họ biến thành những người đàng hoàng, lịch sự, tử tế.

Vậy, tại sao?

Vấn đề theo tôi, không phải là do con người mà là do ở môi trường, chủ yếu là môi trường văn hoá. Nói một cách tóm tắt, theo tôi, có những môi trường có khả năng giúp con người kiềm chế được bản năng; và có những môi trường làm cho người ta tự nhiên trở thành buông thả, bất cần, mặc cho các thói xấu tha hồ lộ diện.

Tôi từng thấy rất nhiều người Việt Nam, khi ra nước ngoài, tự nhiên trở thành lịch sự hơn hẳn. Đi, họ biết nhường đường. Đụng phải người khác, họ biết xin lỗi. Mua hàng xong, họ biết cám ơn. Hút xong gói thuốc lá, họ loay hoay tìm thùng rác để vất. Những người ấy, tôi biết, về lại Việt Nam, đâu lại hoàn đấy. Ra đường, họ sẽ chen lấn không kém người nào cả. Đụng ai, họ sẽ trừng mắt lên nhìn. Mua hàng xong, họ lẳng lặng bỏ đi. Hút xong gói thuốc lá, họ sẽ vất thẳng gói thuốc xuống đường.

Dĩ nhiên tôi không ngây thơ đến độ tin là môi trường có thể giết chết hết mọi thói xấu. Nhưng tôi tin là nó có thể kiềm chế được, ít nhất, phần nào đó, nhất là những thói xấu trong giao tiếp. Con người, không ai muốn bị người khác coi thường. Để tránh bị coi thường, người ta thường có khuynh hướng tuân theo các quy ước và chuẩn mực văn hoá chung quanh. Nhưng như vậy thì cần có hai điều kiện. Thứ nhất, những quy ước và chuẩn mực ấy phải rõ ràng và phải phổ biến. Thứ hai, chúng trở thành tiêu chí để đánh giá nhân cách mọi người trong xã hội. Người nào đi ngược lại các quy ước và chuẩn mực ấy tự nhiên trở thành dị hợm ngay tức khắc. Chính vì sợ bị xem là dị hợm, người ta tự kiểm soát mình một cách khắt khe hơn, nghĩa là…lịch sự hơn.

Tôi tin đó là lý do chính khiến một số người có thể thản nhiên dẫm hoa, nhổ hoa và cướp hoa ở nơi này lại không hề làm như vậy ở những nơi khác.

Bởi vậy, biện pháp chính để ngăn chận những hành vi kém văn minh và văn hoá ấy là phải xây dựng cho được một thứ văn hoá công cộng ở đó mọi người biết và tôn trọng những quy ước và chuẩn mực văn hoá chung. Mà văn hoá công cộng lại không thể tách khỏi toàn cảnh văn hoá của xã hội. Có điều nói đến vấn đề toàn cảnh văn hoá của xã hội, chúng ta lại sẽ đụng đến vô số những vấn đề khác vừa phức tạp vừa dài dòng.

Thôi, để dịp khác.


No comments: