Trung Quốc khẳng định quyền kiểm soát Internet để bảo vệ chế độ độc đảng
Đức Tâm
Bài đăng ngày 25/01/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 25/01/2010 12:50 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/121/article_6612.asp
Theo phát ngôn viên Văn phòng Báo Chí Quốc Vụ Viện Trung Quốc, nước này có quyền trừng phạt bất kỳ ai sử dụng Internet để thách thức sự lãnh đạo của đảng Cộng sản hoặc phá hoại đoàn kết dân tộc. Tuyên bố này cho thấy rõ lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong việc kiểm duyệt thông tin trên mạng
Trung Quốc có quyền trừng phạt bất kỳ ai sử dụng Internet để thách thức sự lãnh đạo của đảng Cộng sản hoặc phá hoại đoàn kết dân tộc. Ngày hôm qua (24/1), phát ngôn viên Văn phòng Báo Chí Quốc Vụ Viện Trung Quốc đã phát biểu như trên.
Theo giới phân tích, tuyên bố này cho thấy rõ lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong việc kiểm duyệt Internet, gần hai tuần sau vụ tập đoàn tin học Google phản đối các vụ tin tặc xuất phát từ Trung Quốc tấn công vào hệ thống máy chủ của tập đoàn này.
Trên web site của chính phủ, phát ngôn viên Văn phòng Báo Chí nói thẳng : "Trung Quốc cấm sử dụng Internet nhằm lật đổ chính quyền Nhà nước, phá hoại thống nhất đất nước, kích động hận thù và chia rẽ dân tộc, tuyên truyền tà giáo, phát tán những thông tin đồi trụy, khiêu dâm, bạo lực, khủng bố". Theo Bắc Kinh, việc ngăn cấm, trừng phạt những nội dung độc hại này không có gì liên quan đến cái gọi là hạn chế tự do sử dụng Internet.
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã áp dụng chính sách đàn áp giới đối lập và những người đấu tranh cho quyền tự trị của Tây Tạng, những người đã sử dụng Internet đòi xem xét lại vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản.
Vừa qua, Bắc Kinh đã kết án 11 năm tù đối với ông Lưu Hiểu Ba, nhân vật đối lập nổi tiếng, với tội danh kích động lật đổ chính quyền, chỉ vì ông đã viết một số bài đăng trên Internet.
Ngày 24/1, Nhân Dân nhật báo đã tố cáo Hoa Kỳ sử dụng những mạng xã hội như You Tube hay Twitter với ý đồ gây rối loạn tại Iran. Kể từ tháng ba vừa qua, Trung Quốc đã ngăn chặn mạng You Tube. Còn mạng Facebook thì không thể truy cập được từ đầu tháng 7. Bên cạnh đó, chính quyền còn lập hệ thống tường lửa, ngăn chặn những người sử dụng Internet tại Trung Quốc có truy cập vào những web sites đặt ở ngoài nước.
Chiều tối qua (24/1), đại diện bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cũng đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc theo đó chính phủ Trung Quốc có dính líu trực tiếp hoặc gián tiếp đến vụ tin tặc tấn công Google và cho rằng đó những lời cáo buộc không có cơ sở.
Ban đầu, Bắc Kinh muốn giảm thiểu ảnh hưởng vụ Google bị tin tặc tấn công và trấn an là vấn đề này không tác động đến quan hệ kinh tế song phương. Thế nhưng vụ việc mỗi ngày lại trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt là sau khi tổng thống Barack Obama đã bầy tỏ lo ngại về việc Google bị tin tặc tấn công mà tập đoàn này quy trách nhiệm cho Trung Quốc.
Trước đó, ngày 21/01, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đòi Bắc Kinh phải làm rõ vụ tin tặc tấn công tập đoàn Google và trừng phạt thủ phạm. Bà cũng kêu gọi các công ty tin học Mỹ không nên ủng hộ chính sách kiểm duyệt Internet của các nước độc tài. Trung Quốc đã có phản ứng gay gắt và cho rằng những phát biểu nói trên không có lợi cho quan hệ song phương.
Việc Văn phòng Báo Chí chính phủ cũng như bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cùng lên tiếng cho thấy quy mô của cuộc đấu khẩu về tự do thông tin trên Internet giữa Mỹ và Trung Quốc và hai bên đều giữ nguyên lập trường của mình.
Theo ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Internet phải trở thành mạng thông tin toàn cầu mà toàn nhân loại đều bình đẳng trong việc tiếp cận để có được thông tin và kiến thức và « ngay cả tại những quốc gia chuyên chế, các mạng lưới thông tin cũng đang giúp người dân khám phá nhiều sự thật».
Thế nhưng, chính vai trò này của Internet đã làm cho chính quyền Bắc Kinh lo sợ vì vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc bị đe dọa khi mà người dân được tự do trao đổi thông tin và biết thêm nhiều sự thật.
No comments:
Post a Comment