Monday, January 25, 2010

TỰ DO BÁO CHÍ hay TỰ DO KIỂM SOÁT BÁO CHÍ

Tự do báo chí hay tự do kiểm soát báo chí
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2010-01-25
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-free-speech-situation-in-coming-years-part1-ML-01252010074448.html
Trong bài phát biểu cuối năm vừa qua, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã khen ngợi giới truyền thông báo chí về những hoạt động được xem là hữu hiệu khi loan truyền những tin tức, chính sách của Việt Nam đến với nước ngoài trong đó có các cộng đồng người Việt.
Trong khi đó thế giới đang hết sức quan tâm đến các hoạt động báo chí đích thực cũng như những phương tiện truyền thông khác trên Internet đang bị nhà cầm quyền kiểm soát ngày một gắt gao hơn. Mặc Lâm có bài viết thu thập ý kiến của các ký giả trong nước cũng như những chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam nhằm tìm hiểu thêm vấn đề.

Một tổng biên tập cho tòan bộ báo chí?
Trong nhiều năm qua chính quyền Việt Nam đã có những thay đổi về mặt kinh tế và kết quả thấy rõ nhất là tăng tưởng GDP ngày một cao hơn. Bên cạnh thành tựu kinh tế được quốc tế thừa nhận là cởi mở Việt Nam cũng nới lỏng việc kiểm duyệt báo chí và trong một thời gian ngắn báo chí Việt nam khởi sắc hẳn lên khi loan truyền những thông tin về chống tham nhũng cũng như các mặt tiêu cực của đời sống chính trị xã hội.
Đấu tranh chống tiêu cực trong các vụ phanh phui tham nhũng, quan liêu của nhà báo là nét mới nổi bật sau đổi mới. Thế nhưng quan liêu, tham nhũng không hề yếu đi mà càng ngày càng mạnh lên. Sau năm 2000, báo chí ngày càng lép vế trước tham nhũng, cho tới khi xảy ra sự kiện hai nhà báo chống tham nhũng bị bắt, bị xử tù thì thế thượng phong của báo chí chống tham nhũng chính thức cáo chung.

Để buộc cỗ xe báo chí đi đúng hướng, có đến bốn cơ quan trách nhiệm trực tiếp đó là Ban Tuyên huấn Đảng, Bộ Thông tin Truyền thông, Cục An ninh Văn hóa Bộ Công an và cuối cùng là cơ quan chủ quản của tờ báo. Minh hoạ cho việc kiểm soát này Bộ trưởng truyền thông Lê Doãn Hợp đã sáng tác một từ rất ấn tượng để miêu tả tình trạng này, đó là từ “lề phải”. Nhà văn Trần Mạnh Hảo nhận định về việc này như sau:
Trần Mạnh Hảo: Ông Nông Đức Mạnh mới nói đây, ổng bảo tăng cường dân chủ tới cơ sở và thông tin hai chiều. Thông tin hai chiều thì phải có nói đi nói lại, phải có phải có trái. Phải có tranh luận, phải có đối lập trong khi ông bộ trưởng Lê Doãn Hợp lại chủ trương lề phải là một chiều. Không cho báo chí liên thông trên con đường phát triển đất nước, mà bắt báo chí đi bộ vì lề phải là lề đường thì phải đi bộ. Đây là hình thức nhốt báo chí lại.

Báo chí lề phải được hiểu rộng rãi là báo chí của nhà nước. Vì là báo công nên nguồn tin cần phải kiểm soát. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra chỉ thị cho Việt nam Thông Tấn xã phải phát huy vai trò chủ đạo của mình trong việc thông tin và chia sẻ nguồn tin cho báo chí cả nước. Việc chia sẻ này đi ngược lại vai trò độc lập mà báo chí cần có.
Luật sư Trần Lâm, người đã từng có nhiều chục năm giảng dạy tại trường Đảng đã thẳng thắng cho rằng đây là chỉ là hình thức tự do báo chí chứ thực ra mọi việc đều nằm dưới tầm kiểm soát của nhà nước.
Trần Lâm: Tin tức thì nó phải nhiều chiều nhiều hướng để người ta so sánh rồi có 1chủ đạo về tin tức đưa ra. Trong khi hiện nay tất cả tin tức đều phải lấy từ VNTTX cho nên người ta nói có 700 tờ báo nhưng mà chỉ có một tổng biên tập. Thế thì chỉ cần ra một tờ báo là đủ.

Cộng động mạng cũng lên “lề phải”
Kiểm soát báo chí chưa đủ, nhà nước còn vươn tay đến những trang blog có các bài viết được xem là nhạy cảm. Việc cấm đoán các trang blog này đã dấy lên làn sóng phản đối tuy âm thầm nhưng rất rộng rãi.
Người viết blog cảm thấy bị xâm phạm mặc dù họ chỉ viết những điều rất riêng tư và không dính dáng gì đến sự lo ngại của nhà nước.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo cho biết ý kiến của ông về việc đàn áp các trang blog hồi gần đây:
Trần Mạnh Hảo: -Ngay trên các blog trong nước thì người ta cũng đã có những bài viết cấm không cho người dân phát biểu ý kiến cũng như gần 700 tờ báo không được phát biểu ý kiến của công dân là vi phạm pháp luật. Đấy là một cách họ cấm đoán không cho tự do báo chí không cho ai phê bình mình. Độc quyền hành động mà không có ai phê phán thì làm sao tiến bộ được?

Từ việc quản thúc báo chí dưới hình thức lề phải, nhà nước đã không ngần ngại tấn công sâu hơn vào lãnh vực Internet, nơi có hàng triệu thanh thiếu niên Việt Nam truy cập hàng ngày đã nói lên tính chất quan trọng của tự do ngôn luận có ảnh hưởng thế nào đối với việc bưng bít thông tin. Nhà nước không thể cấm tất cả mọi tờ báo phải viết theo chỉ thị của mình mặc dù chỉ trong năm 2008, báo chí Việt Nam vốn cam chịu dưới chức năng công cụ, đã bị trừng phạt nặng nề vì nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là vì đi ngược lại với chỉ thị lề phải. Có 6 cơ quan báo chí bị cảnh cáo, 252 trường hợp bị khiển trách, 15 nhà báo bị thu thẻ hành nghề, trong đó có 2 Tổng Biên tập, 4 phó Tổng Biên tập, 6 nhà báo bị khởi tố, 2 nhà báo vào tù.

Bức tranh ảm đạm của nền báo chí Việt Nam đang làm dư luận thế giới sửng sốt. So với Trung Quốc, Việt Nam không hề chịu thua kém trên lĩnh vực đàn áp, răn đe kể cả bạo lực cách mạng cũng được mang ra sử dụng. Lịch sử của nền báo chí chuyên chính tuy chưa phải là dài nhưng hệ luỵ của nó vẫn đang đè nặng xuống trái tim biết bao ký giả có lương tâm cùng những ngòi bút hết lòng vì sự nghiệp đất nước.

Trong kỳ tới mời quý vị theo dõi tiếp lịch sử báo chí Việt Nam qua từng thời kỳ cùng với những can thiệp sâu nặng của nhà cầm quyền đã khiến hàng trăm ngòi bút xuất sắc bị bách hại như thế nào. Bài cũng do Mặc Lâm trình bày cùng với nhiều ý kiến của báo giới.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.




Quyền tự do báo chí những năm qua
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-01-25
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-s-free-speech-situation-in-coming-years-%28part%202%29-MLam-01252010103245.html
Đối với hầu hết giới cầm bút Việt Nam thì báo chí là mảnh đất công do nhà nước quản lý và người ký giả có tay nghề phải luồn lách nếu bài viết của mình có vấn đề nhạy cảm.

“Báo chí là công cụ của Đảng!”
Kể từ sau đổi mới, giới cầm bút tin rằng một kỷ nguyên mới đã mở ra cho những bài viết tâm huyết. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều người vỡ mộng và nhận ra rằng tự do báo chí chỉ là giấc mơ không có thật, ít nhất là trong thời gian hiện tại.
“Báo chí là công cụ của Đảng!” đây là một nguyên lý mà các nhà báo Việt Nam đều phải thuộc nằm lòng. Không những phải thuộc mà còn phải tâm niệm như một thứ kinh thánh không thể thay đổi hay thực hành chệch đi.

Sau Đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã thêm cho báo chí Việt Nam một vế thứ hai: “báo chí là diễn đàn của quần chúng”. Nhiều cán bộ báo chí quá tin tưởng với vai trò Đổi mới nghĩ rằng lời tuyên bố của ông Nguyễn Văn Linh có nội hàm cho phép từ đây các nhà báo có thể phản biện mọi chính sách đã ban hành hay ít ra là có thể đưa những thông tin mà trước đây bị xem là cấm kỵ.
Nhầm lẫn đó khiến không ít người phải trả giá. Người phạm sai lầm đầu tiên là nhà báo Kim Hạnh, Tổng biên tập của tờ Tuổi Trẻ đã viết một bài bút ký miêu tả tệ sùng bái cá nhân ở Bắc Triều Tiên đối với lãnh tụ Kim Nhật Thành. Bài bút ký của bà vừa phát hành thì Bắc Triều Tiên lập tức gửi công hàm phản đối Việt Nam bôi nhọ lãnh tụ và nhân dân họ.
Chưa hết, bà Kim Hạnh sau đó lại viết một bài đưa ra những thông tin rất cũ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có vợ” thông tin này cả nước đều biết nhưng nhà nước lại tỏ ra không hề biết! Trả giá cho những bài viết gân guốc này, bà Kim Hạnh mất chức tổng biên tập ngay sau đó.

Nhà báo Phạm Đình Trọng nhớ lại những hoạt động của các cơ quan báo chí sau đổi mới: “Lúc đầu xu thế đổi mới không thể không đổi mới. Vì vậy họ phải đổi mới, sau đấy có nhiều cái họ thấy không thể chịu đựng nổi thì họ phải siết mà siết còn chặt hơn trước. Trên bảo thế nào thì phải nói thế thôi chứ không thể nói khác. Vì đi ngược lại phát triển chung của loài người thành ra họ phải có luật riêng của họ.”

Siết chặt quản lý
Thật ra, trong các tờ báo tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều người tâm huyết với nghề. Mặc dù nhiều người mất chức, bị gán ghép những tội danh họ không hề phạm nhưng nhà thơ Bùi Minh Quốc vẫn cho rằng những ngòi bút can đảm vẫn còn đó:
“Bản thân lực lượng báo chí nhà nước hiện nay trong đó còn rất nhiều anh em tổng biên tập các báo giám đốc các nhà xuất bản người ta cũng giữ được tư cách của người có lương tâm, có lương tri nghề nghiệp và họ tìm cách chiến đấu trong cái guồng máy chật chội ấy làm sao để đưa được tiếng nói của người dân. Vẫn còn chứ không phải là chết hết đâu.
Những người chống đổi mới, chống tự do ngôn luận thì chừng nào họ còn tồn tại trong guồng máy thì họ chống đến cùng. Họ dùng sức mạnh của guồng máy để gây trở lực tối đa cho quyền tự do ngôn luận của người dân nhưng việc này giống như lấy rổ múc nước, lấy lưới thưa chặn gió không thể nào thành công được.”


Bộ trưởng thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp mới đây chính thức công bố rằng: “Tổng biên tập là người của Bộ Thông tin và Truyền thông sau này sẽ được cắm ở từng tờ báo”. Ông Hợp cũng tuyên bố sẽ quản lý chặt cả báo mạng và các blog cá nhân.

Mới đây nhất nhà nước đã nửa kín nửa hở đóng cửa nhiều trang facebook trong nước. Các trang này thường được viết dưới tính cách gia đình, người thân, bạn bè hoặc cùng sở thích nghề nghiệp.
Trong thời gian gần đây, facebook được xem là trang thông tin cá nhân lớn nhất Việt Nam sau khi Yahoo thoả hiệp với chính phủ Hà Nội đóng cửa trang Yahoo 360 của mình để đổi sang một hình thức khác cho phép chính quyền kiểm soát những thông tin cá nhân của người sử dụng. Việc làm này của Yahoo Việt Nam đã bị dân choi blog tẩy chay và họ kéo nhau về facebook.
Việc đóng cửa facebook không những dấy lên làn sóng phản ứng trong nước mà ngay cả chính phủ Mỹ cũng tỏ ra lo ngại và cho rằng đây là điều mà nhà nước Việt Nam cần phải quan tâm. Nhiều tổ chức phi chính phủ báo động việc này khiến nhà nước trở nên ngần ngại và cuối cùng thì ý định đóng của trang mạng nổi tiếng này phải gác lại

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Thân chia sẻ vấn đề này như sau: “Riêng về Facebook có thể họ cũng thấy nguy cơ vì nó mạnh, nó rộng rãi quá. Mình không nằm trong chính quyền để biết họ tính toán thế nào nhưng mình nghĩ rằng khi nó thực sự trở thành một đe doạ thì người ta chắc chắn sẽ nghĩ ra được biện pháp để không chế. Chắc là cũng tạm thời và thực ra là cảnh cáo nhiều hơn vì cấm cũng rất là khó vì nếu cấm thì cũng kể như cấm luôn đầu tư nước ngoài.”

Hãy tranh luận thay vì đàn áp
Trước những hoạt động siết chặt thông tin báo chí của nhà nước Việt Nam, nhiều Đại sứ của các nước phương Tây đã tỏ ra quan ngại sâu sắc. Tại cuộc Hội Nghị Nhóm Tư vấn các Nhà tài trợ tại Hà Nội, các nhà tài trợ phương Tây cảnh báo việc chính phủ hạn chế các phương tiện truyền thông mới và Internet, như trang mạng xã hội Facebook sẽ đe dọa tới sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam.

Đại sứ Thuỵ Điển quan ngại về các tin tức gần đây cho hay mạng xã hội phổ biến Facebook đang bị ngăn chặn. Trong một bài phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do ông ông Rolf Bergman nói:“Chúng tôi trông đợi chính phủ sẽ cho phép vai trò của báo chí tự do nhiều hơn nữa, để từ đó dẫn đến một nền tự do báo chí hoàn toàn vì trên nguyên tắc chúng tôi vẫn tin rằng cản trở vai trò truyền thông chân thật của báo chí là cản trở sự phát triển của quốc gia”.

Trung Quốc là nước được Việt Nam lấy làm kim chỉ nam cho từng chính sách, trong đó có việc kiểm soát tự do ngôn luận, vừa bị cả thế giới theo dõi sau khi tập đoàn Google cho biết là sẽ rút ra khỏi nước này để chống lại việc chính quyền Bắc Kinh áp lực công ty phải kiểm soát các cá nhân khi họ truy cập Internet cũng như bao che cho những hacker phá hoại nhiều trương mục của thân chủ công ty. Chính phủ Hoa Kỳ ngay lập tức tuyên bố ủng hộ hành động được xem là cách mạng của Google.
Nhân dịp này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ bà Hillary Clinton cũng nhấn mạnh đến tự do ngôn luận tại Việt Nam, đặc biệt là các blogger và những trang Web, đã nói thằng với chính phủ Việt Nam như sau:
“Tôi muốn thấy thêm những điều mà chính phủ sẽ thực hiện. Nếu quý vị không đồng ý với những gì mà các blogger hay các trang Web viết thì quý vị hãy tranh luận với họ, giải thích cho họ biết những gì mà quý vị đang làm. Hãy đưa ra những thông tin ngược lại và hãy chỉ ra những cái bẫy mà một blogger có thể vấp phải.”

Trong tình trạng thông tin chớp mắt như hiện nay, những nổ lực ngăn cản internet, blogger, hay trang mạng xã hội cũng như khoá chặt thông tin trung thực từ các nhà báo của Việt Nam có thể xem là đi ngược lại với xu hướng thời đại. Thế giới ngày nay không còn khoanh vùng như trước và tiếng nói của các chính phủ tự do đang cho thấy tự do ngôn luận luôn luôn là yêu cầu bức thiết của con người bất kể họ thuộc quốc gia và thể chế nào.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.




No comments: