Monday, January 25, 2010

Thiền Sư NHẤT HẠNH kêu gọi TỰ DO TÍN NGƯỠNG tại VIỆT NAM

Thiền sư Nhất Hạnh kêu gọi tự do tín ngưỡng tại Việt Nam
Tú Anh
Bài đăng ngày 25/01/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 25/01/2010 15:08 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/121/article_6617.asp
Một tháng sau ngày tăng thân Bát Nhã bị ép buộc phải rời chùa Phước Huệ, Thiền sư Nhất Hạnh kêu gọi phải có tự do tín ngưỡng tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Thầy Nhất Hạnh lên tiếng từ khi 400 tăng ni tu theo Pháp môn Làng Mai bị trục xuất.

Bài lên tiếng của thiền sư Nhất Hạnh được đăng trên mạng của Làng Mai để các thiền sinh quán chiếu và cho đến hôm nay 25/1 mới chính thức công bố.
Mở đầu, thiền sư Nhất Hạnh gọi sự kiện tăng thân Bát Nhã bị khó khăn « muốn tu thôi mà người ta không cho mình tu »« Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong thập niên đầu thế kỷ 21 ». Những người lãnh đạo tuổi « cha chú của mình lại dùng đến các biện pháp côn đồ để khủng bố, dối gạt mình ? ».
Thiền sư khẳng định Bát Nhã là một « Công Án Thiền » cho mọi người, không thể tìm giải đáp bằng lý luận hay biện chứng pháp mà phải bằng « chánh niệm ». Chưa thông suốt thì chưa thấy được « hạnh phúc chân thật » và « tương lai đất nước ».

Lời lẽ nghiêm khắc nhưng chất chứa tình thương, thiền sư mời gọi các tác nhân, không phải chỉ có tăng ni Bát Nhã mà các nhân vật khác có liên quan như sĩ quan công an, chư tôn của Giáo Hội, Ban Tuyên giáo trung ương, ủy viên bộ chính trị, bộ trưởng và nguyên thủ quốc gia, quán chiếu.
Tất cả đều biết rõ 400 tăng sinh, con em ruột thịt của mình tu học thật tình, sống đơn giản ăn chay ngồi thiền, không hút sách, đĩ điếm. Bị đán áp, xách nhiễu, cúp điện, xét hộ khẩu, họ vẫn không oán trách mà còn mời mình ngồi chung.
Vũ khí của họ là ngồi thiền, niệm phật. Họ đâu có lời nói, cử chỉ nào chống nhà nước mà tại sao gọi họ là « phản động » và dùng các biện pháp « lường gạt thấp hèn, gian trá » đối với họ. Và cuối cùng, điều một thiếu tướng chỉ huy một lực lượng hùng hậu đánh đập họ.
Thiền sư cũng nêu lên « áp lực » làm cho một vị thượng tọa phải phản thầy, phản bạn, đi ngược lại lời nguyền.
Rồi chư tôn lãnh đạo Giáo hội, đã từng tranh đấu trong các chế độ trước, vì sao ngày nay lại bất lực, không bảo vệ cho tăng ni trẻ, không tiếp nối được công hạnh của cha anh, mà lại chấp nhận làm công cụ cho một đường lối chính trị không cho mình đi trên con đường lý tưởng ?
Thiền sư Nhất Hạnh không quên giới lãnh đạo cao nhất nước, biết rõ những vụ Bát Nhã, Tam Tòa, Thiên An Môn, Tây Tạng là những vụ vi phạm nhân quyền nhưng vì quyền lợi của Đảng, nên tuy hổ thẹn, mà vẫn không dám gây sức ép trên quốc gia đó.

« Ý Đảng phải theo Lòng Dân »
Thiền sư Nhất Hạnh nhấn mạnh là « Ý Đảng phải theo lòng dân » mà « lòng dân là ai cũng muốn nói lên sự suy nghĩ của mình mà không bị tù tội ».
Thiền sư nhấn mạnh đến bàn tay của Trung Quốc can thiệp đàn áp tăng thân Bát Nhã : « Pháp môn Làng Mai là cơ hội hiện đại hóa đạo Phật ở Việt Nam. Tại sao chịu áp lực của Trung Quốc để tiêu hủy nguồn sinh lực quý báu của ta, trong khi ta có nhận được cái gì quý giá » của họ không ?

Thiền sư phân tích thêm : toàn dân yểm trợ cách mạng vì yêu nước chứ không ủng hộ một chủ nghĩa. Khi Đảng nghe theo Dân thì Đảng sẽ được ủng hộ mà không cần phải hô hào đoàn kết.
Toàn bài, thiền sư Nhất Hạnh tỏ lòng yêu thương đến tất cả mọi tác nhân từ anh côn đồ được thuê mướn, từ sĩ quan công an cấp thấp đến nguyên thủ quốc gia và chức sắc Giáo hội.
Thiền sư nói thẳng ngài biết là họ cũng có thể « thấy » được những sai trái của họ, và những hiểm nguy đe dọa đất nước Việt Nam, nhưng vì thiếu dũng cảm nên họ « không sống thật được với chính mình ».

Thiền Sư NHẤT HẠNH nói về vụ BÁT NHÃ (BBC)



No comments: