Monday, January 25, 2010

TIỀN MỚI CỦA VIỆT NAM

Tiền mới của Việt Nam
Bill Hayton, Foreign Policy
Hoàng Quân chuyển ngữ
21.01.2010
http://www.x-cafevn.org/node/2628
Dòng của cải và đặc quyền ào ào tuôn vào Việt Nam đang đánh thức quốc gia xã hội chủ nghĩa này dậy. Nhưng, trước hiện trạng hàng loạt nhà đấu tranh đòi dân chủ bị bắt xử bỏ tù và mạng lưới quyền lực càng ngày càng thắt chặt, thì bàn tay sắt của đảng Cộng Sản có thể biến tiến bộ trong kinh tế trở thành đại họa xã hội.

Vào ngày 16 tháng Mười, 2008, một đôi lứa thuộc tầng lớp doanh gia mới ở Việt Nam đã cử hành hôn lễ tại khách sạn Caravelle, một khách sạn sang trọng bậc nhất thành phố Hồ Chí Minh, một thời trước đây là nơi ở làm việc của những nhà báo chuyên đưa tin về “Cuộc Chiến Việt Nam.” Chàng rể Nguyễn Bảo Hoàng 36 tuổi, cổ đông làm tổng giám đốc một công ty đầu tư gọi là IDG Liên Doanh Việt Nam, cùng cô dâu Nguyễn Thanh Phương 27 tuổi, chủ tịch một công ty đầu tư khác có tên là VietCapital. Gộp lại với nhau, hai công ty của họ kiểm soát khoảng 150 triệu Mỹ Kim quĩ đầu tư ở Việt Nam.

Nhưng cuộc hôn nhân này không phải là một câu chuyện kể khác về vấn đề tiền mới ở Việt Nam. Nguyễn Thanh Phương không chỉ là nhà đầu tư tài chánh – cô còn là con gái của đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chàng rễ chồng của cô là một công dân Mỹ, có cha mẹ đã trốn chạy khỏi Việt Nam năm 1975 để đào tị cộng sản – bây giờ trở về để cưới con gái của người cộng sản.

Cuộc kết hợp của đôi doanh nhân này đã tóm thâu trong đó nhiều yếu tố của một Việt Nam mới, nơi mà bất chấp nguồn vốn ào ào đổ vào, đảng Cộng Sản vẫn còn thống trị cả hai thành phần tư và công. Nhiều doanh nghiệp “tư nhân” nhưng thực chất hoặc là những xí nghiệp trước đây của nhà nước (SOEs – State-owned Enterprises) hoặc còn một phần sở hữu của nhà nước, và đa số đang được điều hành bởi những đảng viên. Phần đông những tay nắm quyền kiểm soát những giới chóp bu cầm quyền thuộc thành phần tư nhân đều là người do đảng chỉ định, hoặc thành viên trong gia đình của họ hoặc bạn bè thân hữu của họ. Thành phần tinh tuyển trong đảng Cộng Sản đang chuyển đổi phần kinh tế tư bản Việt Nam thành kinh tế gia đình của họ. Và nếu việc tuyên phạt án tù bốn nhà đấu tranh đòi dân chủ cho tội âm mưu lật đổ chính quyền là biểu hiện gì đó, thì việc củng cố quyền lực của đảng lúc này là một chuyển biến rất đáng ngại cho tương lai của Việt Nam.

Có đầy dẫy những điển hình về hiện trạng cấu kết gia đình dựa vào tiền của và quyền lực trong xã hội Việt Nam ngày nay: Một trong những người giàu nhất ở Việt Nam, Trương Gia Bình, chủ tịch một công ty Công Nghệ Thông Tin lớn nhất nước được thành lập nên theo cách đó – công ty FPT. Y còn là người duy nhất ở Việt Nam mỗi khi được nhắc đến đều phải gọi thêm tên đệm “cựu con rể” bởi vì y đã từng lấy con gái của ông Võ Nguyên Giáp – một anh hùng quân đội, tổng tư lệnh quân đội đã về hưu, và là nguyên phó thủ tướng một thời. Suốt thập niên 1990, nếu một doanh nghiệp nào muốn tiếp cận những công ty tầm cỡ của quân đội, hoặc trong ngành xây dựng hay thông tin viễn thông, thì trước tiên phải đến gặp một người – người đó là ông Giáp.

Một điển hình khác là bà Đinh Mỹ Hoa, người đầu tiên tốt nghiệp với văn bằng MBA từ Đại Học Harvard của Việt Nam. Đầu những năm 1990, khi Ngân Hàng Thế Giới muốn kích thích sự phát triền cho thành phần kinh tế tư nhân ở Việt Nam, đã trao nhiều học bổng cho lớp sinh viên trẻ, trong đó có thị Hoa. Từ sau ngày trở về nước, thị Hoa với kiến thức mới mẻ vừa thu nhận được đã đứng ra thành lập một công ty có tên gọi là Galaxy mà hiện thời sở hữu một hãng đại diện quan hệ công chúng (PR agency), sở hữu phần lớn những chuổi nhà hàng sang trọng theo phong cách phương Tây ở trong nước, một rạp chiếu phim lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, và một hãng xản xuất phim. Dù gì đi nữa, nó cũng là một mô hình thành công của thành phần kinh tế tư nhân. Nhưng Galaxy không phải tự dưng trên trời rơi xuống. Nó là một trong những công ty được đám con ông cháu cha của lớp thượng lưu trong đảng thành lập nên. Khi Ngân Hàng Thế Giới chọn trao học bổng cho Hoa, cha của bà bấy giờ là thứ trưởng bộ ngoại giao.

Câu chuyện giải phóng kinh tế của Việt Nam đã được đánh giá, dùng lời trích của Hồ Chí Minh nói về chuyện thống nhất đất nước, là “thành công, thành công, đại thành công.” Vào năm 1993, theo những số liệu của chính phủ, gần 60% dân số sống dưới mức đói nghèo. Đến năm 2004, con số đó đã giảm xuống còn 20%. Việt Nam đã hoàn thành hầu hết những Chỉ Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ của nó, đạt được những mục tiêu phát triển do Liên Hiệp Quốc đề ra, và đã thoát ra khỏi nhóm những quốc gia nghèo nhất trên thế giới và gia nhập vào với nhóm “những quốc gia có thu nhập trung bình.” Tiêu chuẩn sống của người dân vút cao, những chân trời của người dân rộng mở, những tham vọng của họ không ngừng phát triển.

Nhưng sự kiểm soát của nhà nước thì đang gây nguy hại cho sự bành trướng của Việt Nam. Cuộc hôn nhân giữa một bên là đảng cầm quyền với một bên là quyền lợi tư nhân đang làm méo mó nền kinh tế theo hướng ý muốn của thiểu số hơn là hướng nhu cầu của đa số. Mạng chân rết của chủ nghĩa xã hội thân hữu bè đảng đang trở thành một mối nguy cho sự ổn định về lâu về dài của Việt Nam. Việt Nam đang có nguy cơ mang chung số phận với những kiểu mẫu trước đây của Ngân Hàng Thế Giới – bùng phát lớn mạnh theo sau là đổ vở tan hoang.

Những tập đoàn quốc doanh đang lập ra những kênh tài chánh ngoài kế toán để tài trợ cho những dự án sai lệch với nguyên tắc kinh tế. Tính đến thời điểm trước tháng Sáu năm 2008, đã có 28 doanh nghiệp quốc doanh đã chi ra khoảng 1,5 tỷ Mỹ Kim để thành lập hoặc mua lại phần quyền kiểm soát những công ty điều hành quĩ đầu tư, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, và cả những công ty bảo hiểm. Ba phần tư những công tư tài chánh của Việt Nam hiện tại là do những đại công ty quốc doanh làm chủ (còn được gọi là những tổng công ty). Nhiều công ty loại này còn mua lại những công ty tín phiếu bán buôn cổ tức. Gộp tất cả những thứ này lại, và nhiều những tổng công ty quốc doanh lớn nhất của Việt Nam rất có khả năng trở thành những chiếc hộp đen có khả năng tự cân đối tài chánh với những thỏa thuận phân bổ ngân sách mờ ám.

Mặc dù cái thời ngân hàng nhà nước cho vay tín dụng một cách dễ dãi hầu như đã không còn nữa, nhưng vẫn còn rất nhiều kênh khác có thể bơm tiền cho những công ty quốc doanh. Ngân Hàng Phát Triển Việt Nam (hoạt động bằng tài trợ của những chính phủ nước ngoài) và Quĩ Bảo Hiểm Xã Hội của nhà nước (được cho là có khả năng trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong nước vào trước năm 2015) dường như đang điều hành những ngân quĩ bôi trơn nằm ngoài sổ sách cho lợi ích của thành phần quốc doanh. Rõ ràng là những công ty quốc doanh có một tương lai đáng kể, nếu không nhất thiết phải nói là sáng sủa, ở phía trước.

Giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam muốn điều hành đất nước theo đường hướng giống như sách lược của Charles de Gaulle bên Pháp thời sau thế chiến II – khi mà giới chóp bu cầm đầu cả trong thành phần tư nhân cũng như quốc doanh được cấu kết với tầng lớp tinh tuyển đã được đào luyện từ những học viện như Viện Hành Chánh Quốc Gia École. Dưới ánh sáng của “chủ nghĩa de Gaulle của Việt Nam,” giới tinh hoa núp sau cánh gà (đảng Cộng Sản) được cho là độc quyền vạch ra tất cả mọi sách lược, chính sách và rồi ủy thác việc thực thi chúng cho nhà nước (do đảng kiểm soát). Chính phủ đến lượt thiết lập nên những luật định và sử dụng bất kể nguồn tài nguyên nào có sẵn trong tay – guồng máy công quyền quan liêu, hệ thống công ty quốc doanh, thành phần tư nhân, những nhà đầu tư ngoại quốc, những nhà tài trợ quốc tế, vân vân – để đảm bảo những chính sách của đảng được thực thi. Từ đằng sau cánh gà, đảng giám sát, lùa dắt, thúc ép những diễn viên khác nhau để đảm bảo rằng chính sách được tuân thủ không sai chạy. Đó là, tối thiểu, điều đảng mong muốn luôn xảy ra. Nhưng thực tế thường diễn ra trái ngược hoàn toàn.

Với tiền bạc dễ dàng kiếm ra rủng rỉnh trong túi, việc hối lộ quan chức công quyền để nhắm mắt làm ngơ trước việc vi phạm pháp luật đã trở nên quá dễ dàng. Những đảng viên có trách nhiệm với cái đuôi của những công ty quốc doanh thì quay ra ngoe nguẩy trung thành với con chó chính sách của đảng. Nhưng như thế chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Điều nổi bật của Việt Nam chính là cách thức, ngay tại thời điểm đang bị khủng hoảng, đảng Cộng Sản có thể kỷ luật những thành viên tôi tớ và đưa nền kinh tế quay trở lại dưới sự kiểm soát của trung ương. Nhưng đảng có thể làm như thế được bao lâu nữa?

Cho đến gần đây, Việt Nam đã phân chia lợi nhuận từ sự phát triển có phần hợp lý hơn bất kì quốc gia lân bang nào. Cái định hướng xã hội chủ nghĩa của đảng xem ra vẫn còn có nghĩa gì đó. Nhưng trong tương lai, sự tái phân phối sẽ có nghĩa là tước đi nguồn tài sản khỏi tay những kẻ chống lưng lớn nhất của đảng. Liệu tầng lớp lãnh đạo đảng có đủ khả năng đối đầu với tầng lớp công dân giàu có mới nổi lên và đòi hỏi họ trao bớt lại tài sản của mình qua việc đóng thuế để làm ơn ích cho đám dân chúng nghèo khổ ở những vùng sâu vùng xa được hay không? Có phải những cáo trạng phi lí tuyên phạt những nhà đấu tranh đòi dân chủ tại phiên tòa hôm thứ Tư trong tuần là dấu hiệu báo rằng những mạng lưới tham nhũng của đảng, của quyền lực và quyền lợi đã vượt ra khỏi mọi tầm kiểm soát? Nếu quả thật như thế, thì nguồn tiền mới của Việt Nam sẽ sụp đổ bởi chính sức nặng của nó.

Nguồn:
Foreign Policy



No comments: