Monday, January 25, 2010

PHÚC TRÌNH của HUMAN RIGHTS WATCH về VIỆT NAM

Phúc Trình của Tổ Chức Giám Sát Nhân Quyền về Việt Nam
Human Rights Watch World Report 2009
Cymbidium, X-Cafevn chuyển ngữ
http://www.x-cafevn.org/node/2626
Trong năm 2009, Việt Nam gia tăng đàn áp đối lập để phô trương vai trò quyền thế của Đảng Cộng Sản. Nhà cầm quyền đã bắt giam cả chục người tranh đấu ôn hoà cho dân chủ, tự do tín ngưỡng, nhân quyền, và phê bình gia trên mạng bằng cách dùng những luật lệ mơ hồ liên quan đến an ninh quốc gia như “ tuyên truyền chống phá nhà nước” hay “lạm dụng quyền tự do, dân chủ”. Toà án đã kết tội tối thiểu 20 tù nhân chính trị và tôn giáo trong năm 2009, trong đó có 5 người bị xử vào tháng 10 mà trước đó, Ủy Ban Chống Giam Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã khẳng định là họ bị giam giữ một cách tùy hứng. Con số những người bị tù đày ở Việt Nam vì thi hành nhân quyền căn bản đã lên đến hơn 400.
Nhà cầm quyền thắt chặt kiểm soát việc truy cập Internet, blog, khảo cứu độc lập, và ngăn cấm phát tán hoặc ấn hành những nội dung chỉ trích chế độ. Tự do tín ngưỡng tiếp tục đi xuống khi chính quyền nhắm hại các nhà lãnh đạo tôn giáo và những tín đồ vì họ kêu gọi tôn trọng nhân quyền, tự do tín ngưỡng, và đền bù xứng đáng cho tranh chấp đất đai.

Đàn Áp Chính Kiến Khác Biệt
Để dẹp trừ những trở ngại cho Đảng Cộng Sản và phòng ngờ những bất an xã hội trước một kỳ họp quan trọng trong tháng 6 năm 2009, vào tháng 5, nhà cầm quyền phát động một phong trào bắt bớ, họ giam giữ 27 người mà họ vu cáo là có liên hệ đến Đảng Dân Chủ Việt Nam, một tổ chức bị cấm đoán. Ít nhất 5 người bị đem ra tòa vì tội đe dọa an ninh quốc gia trong đó có luật sư nổi tiếng Lê Công Định. Tại thời điểm viết phúc trình này, họ vẫn chưa được xử. Sau đó, họ bắt thêm ít nhất 8 người bất đồng chính kiến, blogger, và các nhà hoạt động chính trị khác nữa.

Tự Do Liên Đới và Hội Họp
Nhà cầm quyền cấm đoán mọi tổ chức nhân quyền và nghiệp đoàn thợ thuyền độc lập cũng như mọi đảng phái chính trị đối lập. Công nhân không được đình công nếu không được công đoàn lao động nằm trong tay đảng cho phép. Những người tranh đấu cho quyền lợi công nhân và nghiệp đoàn độc lập đều bị quấy rối, bắt giữ, hay giam cầm.
Trong khi nhà cầm quyền đôi khi để yên những nông dân tụ tập biểu tình ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh để phản đối chính phủ chiếm đất đai hay tham nhũng ở địa phương, những cuộc biểu tình có tính cách chính trị thường đều bị cấm. Cảnh sát đàn áp biểu tình thường xảy ra ở những nơi dư luận không để ý, nhất là ở miền quê. Điển hình là vào tháng 5 ở đồng bằng sông Cửu Long, cảnh sát giải tán những nông dân gốc người Cam Bốt biểu tình chống cưỡng chiếm đất đai và bắt giam Huỳnh Bá vì lý do tổ chức biểu tình. Từ lúc bị bắt, ông ta vẫn đang bị biệt giam ở Sóc Trăng.

Tự Do Tín Ngưỡng
Luật pháp Việt Nam đòi hỏi các tổ chức tôn giáo phải đăng ký với nhà cầm quyền và hoạt động dưới quyền quản trị của các ủy ban thuộc về chính quyền. Những người đi theo những tổ chức tôn giáo không đăng ký và những người tranh đấu vì tín ngưỡng cổ động cho nhân quyền được quốc tế bảo đảm đều bị gây khó khăn, bắt bớ, hoặc quản thúc tại gia.
Trên Cao nguyên Trung phần trong năm 2009, nhà cầm quyền giam giữ hàng chục con chiên Công Giáo người Thượng Du vì tội đi theo các nhà thờ tại gia không đăng ký mà chính phủ gán cho là có ý đồ lật đổ chính quyền, tổ chức biểu tình đòi quyền sở hữu đất đai, hay đưa tin về vi phạm nhân quyền cho các nhà tranh đấu dân chủ nước ngoài. Trọng tâm của đàn áp là tỉnh Gia Lai với 50 người Thượng Du bị bắt và ít nhất 9 người bị xử án tù trong năm. Trong vài trường hợp, cảnh sát dùng roi điện và đánh đập các dân Thượng Du khi họ từ chối hứa gia nhập nhà thờ quốc doanh.
Nhà cầm quyền tiếp tục đối xử thậm tệ các tín đồ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà vị thượng sư của giáo hội vẫn còn bị quản thúc tại chùa vì công khai chỉ trích các chính sách của chính phủ. Các nhà tranh đấu cho tín ngưỡng khác ở Việt Nam vẫn còn nằm trong lao lý bao gồm linh mục Công Giáo Nguyễn Văn Lý, một linh mục Tin Lành, và vài tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.
Trong tháng 7, có đến 2 trăm ngàn tín đồ Công Giáo biểu tình ôn hoà ở Quảng Bình sau khi cảnh sát phá hủy một nhà thờ tạm thời được cất lên gần di tích đổ nát của một nhà thờ cổ. Cảnh sát dùng lựu đạn khói cay và roi điện đánh đập giáo dân, bắt giam 19 người và kết tội 7 người vì làm náo loạn trật tự công cộng.
Trong tháng 9, nhà cầm quyền dùng bạo lực trục xuất hơn 300 sư và ni cô Phật Giáo ra khỏi một trung tâm thiền đạo ở Lâm Đồng mặc dù trung tâm này đã được thành lập từ năm 2005 có giấy phép của nhà cầm quyền. Sau khi nhà cầm quyền buộc các tu sĩ trở về nguyên quán, tối thiểu hai người bị quản thúc tại gia. Nhà cầm quyền đã dùng những đòn phép để đóng cửa trung tâm này sau khi thầy Thích Nhất Hạnh, một nhà tranh đấu cho hòa bình đề nghị vào năm 2007 là nhà cầm quyền nên nới lỏng những hạn chế tự do tín ngưỡng.

Tự Do Phát Biểu và Thông Tin
Nhà cầm quyền kiểm soát chặt chẽ báo chí bằng cách dùng hình phạt đối với các nhà văn, ấn phẩm, trang mạng, và những người truy cập mạng Internet để phát tán tin tức hay những bài viết chống chính phủ, có nguy hại đến an ninh quốc gia, tiết lộ bí mật quốc gia, hay cổ động các ý tưởng “phản Động.”
Trong năm 2009, Thủ tướng Việt Nam ban hành Quyết Nghị 97 cấm ngặt phát hành những nghiên cứu có tính cách phê bình hay chống chính phủ hoặc đảng, và hạn chế các tổ chức tư nhân chỉ được khảo cứu trên 317 chủ đề đã được nhà nước chấp thuận trước. Viện Nghiên Cứu Phát Triển, một tổ chức trí thức “Think Tank” độc lập duy nhất ở Việt Nam đã đóng cửa vào tháng 9, một ngày trước khi Quyết Nghị 97 bắt đầu có hiệu lực.
Nhà cầm quyền kiểm soát truy cập mạng Internet bằng cách dò thám các hoạt động, bắt bớ các nhà đối lập chính kiến trên mạng, và ngăn chận những trang mạng của một số tổ chức nhân quyền và chính trị. Chủ nhân của những quán cà phê Internet buộc khách hàng phải đưa chứng minh thư có ảnh, dò xét và lưu trữ tin tức về các hoạt động trên mạng Internet của khách hàng. Một bản thông cáo trong năm 2008 về luật lệ blog yêu cầu các blogger chỉ được viết bài có nội dung cá nhân, và cấm đăng những bài có tính cách chính trị hoặc về những vấn đề mà nhà cầm quyền cho là bí mật quốc gia, có âm mưu lật đổ chính quyền, hoặc đe dọa an ninh quốc gia và trật tự xã hội.
Các nhà báo viết về những chủ đề gây tranh cãi đều bị phạt, bãi nhiệm, và giam giữ. Vào tháng Giêng năm 2009, những biên tập viên của hai tờ báo hàng đầu bị mất việc sau khi viết bài phơi bày một vụ tham nhũng nổi tiếng vào năm 2005.
Trong khi nhà cầm quyền làm ngơ một số tranh luận công khai về mối quan hệ nhậy cảm với Trung Quốc trong năm 2009, họ lại dùng một số biện pháp trừng phạt mạnh tay dành riêng cho những người phê bình chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc là mềm mỏng, nhất là về vụ tranh cãi Trung Quốc khai có chủ quyền trên các đảo ngoài khơi và về đầu tư khai thác bô xít của họ trên Cao nguyên Trung phần. Vào tháng 4, nhà cầm quyền đóng cửa báo Du Lịch vì viết bài phê bình tranh chấp chủ quyền đất đai của Trung Quốc với Việt Nam, và vào tháng 5, phó biên tập của tờ báo bị cho nghỉ việc. Trong những tháng 8 và 9, cảnh sát bắt và tạm giam hai blogger và một phóng viên mạng về tội có liên quan đến an ninh quốc gia sau khi viết bài chỉ trích Trung Quốc. Cũng trong tháng 9, nhà cầm quyền phạt biên tập viên của trang mạng Đảng Cộng Sản vì đăng tải tin tức “chưa được cho phép” về Trung Quốc đang thao dợt quân đội để bảo vệ hải phận của họ với Việt Nam.

Hệ Thống Toà Án Xét Xử
Cảnh sát tra tấn là chuyện thông thường, nhất là lúc hỏi cung các tù nhân chính trị và tôn giáo bị biệt giam trước khi đem ra xét xử và bị từ chối gia đình thăm viếng hay liên lạc với luật sư. Hệ thống toà án ở Việt Nam không có tính cách độc lập và bất thiên vị. Những nhà bất đồng chính trị và tôn giáo thường bị xử mà không có sự giúp đỡ của luật sư với một thủ tục tố tụng không hội đủ những tiêu chuẩn quốc tế về xét xử công bằng.
Các luật sư đại diện cho các nhà tranh đấu chính trị hay tôn giáo phải đương đầu với những quấy rối rất mãnh liệt, ngay cả bắt bớ như trường hợp Lê Công Định. Vào tháng 2 năm 2009, cảnh sát bố ráp văn phòng của luật sư Lê Trần Luật, người bào chữa cho các giáo dân Công Giáo bị bắt trong cuộc cầu nguyện ở Hà Nội vào năm 2008. Nhà cầm quyền tịch thu máy vi tính và các hồ sơ của ông, ngăn cản không cho ông gặp các thân chủ, giam giữ và thẩm vấn ông để ép buộc ông bỏ vụ kiện.
Luật pháp Việt Nam cho phép “giam giữ hành chính” một cách tùy tiện. Dưới Quy Định 44, những nhà bất đồng và những người bị xem như là có hiểm họa đến an ninh quốc gia có thể bị cưỡng bức nhập viện tâm thần hoặc bị giam giữ trong những trung tâm “phục hồi nhân phẩm” của chính phủ.
Những người bán dâm, nạn nhân buôn người, trẻ con vô gia cư, người nghiện hút, và kẻ ăn xin thường bị gom góp và giam giữ không cần trát tòa trong những trung tâm phục hồi nhân phẩm của chính phủ. Họ thường bị đánh đập, cưỡng bách sinh lý, ăn uống không đủ dinh dưỡng, và hầu như không được chăm sóc sức khoẻ, nhất là điều trị cai nghiện cho khoảng 50 ngàn người nghiện ma túy bị giam cầm tại những trung tâm đó.
Điều kiện trong tù rất khắc nghiệt và ngay cả nguy hiểm đến sinh mạng của tù nhân. Trong lúc bị giam trưóc khi ra tòa, có khi kéo dài hơn cả năm, tù nhân thường bị biệt giam trong xà lim đen tối, chật chội, bẩn thỉu, không gường chiếu hay màn chống muỗi. Tù nhân bị tội phải làm những công việc nặng nhọc, đôi khi trong những điều kiện nguy hiểm.

Yếu Tố Quốc Tế Quan Trọng
Với vai trò chủ tịch Hội Đồng Bảo An LHQ vào tháng 10, dù dưới áp lực ngoại giao quan trọng đến từ các quốc gia viện trợ hay hội viên của LHQ, Việt Nam đã thể hiện một số ít cố gắng để cải thiện thành tích nhân quyền nghèo nàn của họ hoặc hợp tác với những cơ cấu nhân quyền của LHQ trong năm 2009.
Trong cuộc Phê bình Toàn thể Định kỳ của Ủy Ban Nhân Quyền LHQ về thành tích nhân quyền của Việt Nam trong năm 2009, quốc gia này bác bỏ 45 khuyến cáo quan trọng từ nhiều quốc gia hội viên khác nhau, điển hình là bãi bỏ giới hạn truy cập mạng Internet, cho phép báo chí độc lập, chấm dứt tra tấn, giam giữ tùy tiện, và án tử hình, và công nhận mọi cá nhân có quyền cổ vũ nhân quyền, biểu tình có trật tự và ôn hoà nơi công cộng, và phát biểu quan điểm của họ.
Một phúc trình vào tháng 9 của Ủy Ban Chống Giam Giữ Tùy Tiện của LHQ đã xác định rằng nhà cầm quyền đã giam giữ 10 nhà đối lập một cách trái phép. Bản phúc trình chỉ trích những điều khoản trong bộ hình luật của Việt Nam là vi phạm những hiệp ước nhân quyền và kêu gọi trả tự do ngay lập tức nhà báo Trương Minh Đức hiện nay đang bị 5 năm tù vì “lạm dụng tự do dân chủ.”
Trong buổi họp thường niên vào tháng 12 năm 2008, các quốc gia viện trợ hứa cho Việt Nam 5 triệu đô la. Trong năm 2009, các quốc gia này bày tỏ quan ngại trong nhiều lãnh vực về nhân quyền với chính phủ Việt Nam, trong đó có việc bắt bớ các nhà bất đồng, kiểm duyệt báo chí và blog, tự do tín ngưỡng, cách đối xử với dân tộc thiểu số, quyền của trẻ em, giam giữ hành chính, và ảnh hưởng trên môi trường và xã hội từ các mỏ bô xít.
Là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam, Hoa kỳ chú tâm vào phát triển thương mại, đầu tư, và quan hệ bảo an với Việt Nam trong khi thúc đẩy quốc gia này cải thiện thành tích về nhân quyền, nhất là về vấn đề tự do báo chí, hình sự hóa các nhà bất đồng ôn hoà, những giới hạn về blog và các nghiên cứu độc lập. Những chủ đề được bàn đến trong cuộc đối thoại quân sự và chính trị trong năm 2009 bao gồm hứa hẹn hợp tác chống ma túy và khủng bố.
Mặc dù với vị thế quan trọng là quốc gia viện trợ lớn nhất và đầu tư lớn thứ ba, Nhật Bản tiếp tục chính sách của họ là không thẳng thừng chỉ trích thành tích nhân quyền của Việt Nam. Vào tháng 3, Nhật Bản tiếp tục viện trợ và cho Việt Nam vay trở lại sau khi đình chỉ trợ giúp vào năm 2008 vì vụ tham nhũng liên quan đến một trong những dự án của họ.

Nguồn:
HRW




No comments: