Tuesday, January 5, 2010

THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TRONG TÀI LIỆU MẬT CỦA CHÍNH PHỦ ÚC (1979)

Thuyền nhân Việt trong tài liệu mật của chính phủ Úc 1979
ABC News
Nguồn
Cabinet secrets from 1979 released
05/01/2010 - 15:17
http://www.bayvut.com.au/s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n/thuy%E1%BB%81n-nh%C3%A2n-vi%E1%BB%87t-trong-t%C3%A0i-li%E1%BB%87u-m%E1%BA%ADt-c%E1%BB%A7-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-%C3%BAc-1979
Theo tài liệu vừa được giải mật, nếu không được giải quyết một cách hợp tình hợp lý, làn sóng thuyền nhân người Việt hồi năm 1979 có thể tạo ra hậu quả nghiêm trọng cho nước Úc cũng như khu vực.

Văn khố Quốc gia Úc vừa tiến hành giải mật các tài liệu của nội các Úc từ năm 1979. Các tài liệu mô tả chi tiết thời gian trong nhiệm kỳ thứ hai của chính phủ Úc dưới quyền Thủ tướng Malcolm Fraser.
Tài liệu dài 4.452 trang cho thấy để đối phó với nạn khan hiếm dầu lửa trên trường quốc tế vào năm 1979, nội các Úc đã tìm cách đẩy mạnh sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá. Tài liệu cũng cho thấy nỗi quan ngại của nhiều người Úc đối với sự kiện ‘thuyền nhân Việt Nam’.
Tài liệu cũng nói về việc nội các Úc tỏ ra lo sợ trước tình hình tại Đông Dương trong đó có việc Liên Xô có thể tăng cường sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn ở Việt Nam và việc nước Úc nghi ngờ ý đồ bành trướng của Liên Xô khi nước này đưa quân vào Afghanistan hồi tháng Mười Hai năm 1979.
Tài liệu cũng cho thấy chính phủ Úc dưới quyền Thủ tướng Malcolm Fraser phải chịu áp lực ngày càng tăng đòi nước Úc giúp đỡ nhiều hơn cho khoảng 200 ngàn người dân Đông Timor đang bị nạn đói khi đó. Tài liệu cũng đề cập tới việc ông John Howard,Bộ trưởng Ngân khố vào thời điểm đó, đệ trình lần thứ nhì ý kiến đề nghị nội các cho áp dụng thuế gián thu.

Năng lượng than

Hồi 1979, nội các Úc dưới quyền Thủ tướng Fraser đã làm mọi cách để khuyến khích việc sản xuất thêm điện từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than.
Lúc đó thế giới đang lo lắng trước cơn sốc giá dầu lửa lần thứ hai và do vậy vấn đề an ninh năng lượng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Sau khi chính quyền Iran dưới quyền Quốc vương Mohammad Reza Pahlavi sụp đổ, giới lãnh đạo mới ở nước này ra lệnh hạn chế việc cung cấp dầu lửa ra bên ngoài khiến giá dầu thế giới tăng khoảng 250%. Vào giữa năm 1979, chính phủ Úc chấp thuận nhiều biện pháp nhằm giảm bớt sự lệ thuộc của Úc vào lượng dầu nhập từ bên ngoài.Trong số những biện pháp được áp dụng có việc bãi bỏ các quy định nghiêm ngặt về vấn đề khí thải và tiêu chuẩn hàm lượng chì trong xăng dầu. Chính quyền khuyến khích người dân sử dụng xe chạy bằng gas hoặc xe được chỉnh sửa để tiêu hao ít xăng dầu hơn. Thêm vào đó, Úc thiết lập thêm nhiều hệ thống dẫn khí đốt thiên nhiên.

Thuyền nhân Việt Nam

‘Thuyền nhân Việt Nam’ đã trở thành vấn đề lớn khi hàng triệu người Việt trốn khỏi nước sau khi phe cộng sản thắng trận. Nhiều người Úc tỏ ra quan ngại và tự hỏi bao nhiêu người Việt sẽ tràn vào các bờ biển Úc trong lúc, vào giữa năm 1979, mỗi tháng 50.000 người trốn khỏi Việt Nam.
Tài liệu mật cho thấy nội các của chính phủ Fraser đã được cảnh báo rằng nếu không được giải quyết một cách hợp tình hợp lý, làn sóng thuyền nhân người Việt có thể tạo ra hậu quả nghiêm trọng cho nước Úc cũng như khu vực. Trong bối cảnh ước chừng một nửa số thuyền nhân chết trên đường vượt biển, chính phủ Úc phải đối mặt với sức ép buộc nước này phải nhận thêm thuyền nhân vì đây là quốc gia phát triển, đất rộng người thưa.
Chính phủ Fraser cố gắng tranh đấu để người tỵ nạn Việt Nam được thanh lọc tại các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á. Cuối cùng, Úc đồng ý nhận 14,5% người tỵ nạn trong lúc chính phủ nước này tăng sức ép đòi Hà Nội chặn đứng làn sóng người dân bỏ nước ra đi.
Ông Patrick Weller, Giáo sư tại Đại học Griffith đồng thời là nhân vật chuyên viết về các vấn đề của chính phủ Úc cho biết chuyện thuyền nhân đã được giải quyết một cách khéo léo. Ông nói: “Những người trốn khỏi Việt Nam được xem là những người trốn chạy chính thể cộng sản. Những người này từng là đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Vì thế người ta không cần phải thúc đẩy gì nhiều để chuyện thu nhận thuyền nhân vào Úc được thông qua. Mặc dù công luận Úc không nhất thiết có cùng quan điểm nhưng vấn đề thuyền nhân người Việt đã được giải quyết tương đối yên ổn mà không gặp nhiều sự chống đối.”

Nỗi lo sợ Liên Xô

Tài liệu của chính phủ Úc vừa được giải mật cũng cho thấy việc nội các nước này lo sợ trước diễn tiến tại Đông Dương, trong đó có việc Liên Xô có thể thiết lập một sự hiện diện quân sự hùng mạnh hơn ở Việt Nam.
Nội các của chính phủ Fraser cũng lúng túng trong vấn đề Campuchia qua việc Việt Nam đưa quân vào Xứ Chùa Tháp và chuyện chế độ Pol Pot, một chế độ đáng ghê tởm, bị lật đổ. Tuy vậy Úc vẫn duy trì việc công nhận chế độ Pol Pot vì nếu công nhận một chính phủ thay thế chính phủ Pol Pot thì điều này sẽ làm mất lòng ASEAN.
Nội các chính phủ Fraser quyết định hỗ trợ lớn lao cho chương trình viện trợ nhân đạo tại Campuchia nhằm thoát khỏi sự chỉ trích trong việc Úc công nhận chế độ Pol Pot.

Úc nghi ngờ ý đồ bành trướng của Liên Xô
Tài liệu mật cũng cho thấy việc quân đội Liên Xô tràn vào Afghanistan vào đêm Giáng Sinh năm 1979 đã khiến Úc rất nghi ngờ ý đồ bành trướng của Liên Xô.
Giới truyền thông Úc ồ ạt đưa tin chuyện đại sứ Liên Xô thăm Thủ tướng Fraser tại nhà riêng của ông để trình bày lập trường của Liên Xô trong vấn đề Afghanistan. Khi được hỏi liệu vị đại sứ được đón tiếp ra sao, một chuyên gia cho biết có lẽ ông đại sứ sẽ được mời uống một ly cà phê nhưng ông Fraser sẽ không thể nào thông cảm được với Liên Xô về chuyện nước này xâm lược Afghanistan.
Nội các Fraser đã được báo cáo cặn kẽ về việc Úc quan ngại chuyện Liên Xô xâm lăng Afghanistan và về nhận định cho rằng Hoa Kỳ thiếu quyết tâm ủng hộ Úc trong bất kỳ cuộc xung đột nào có giới hạn trong khu vực.

Viện trợ cứu nạn đói
Chính phủ Fraser cũng phải đối diện với áp lực ngày càng gia tăng trong việc giúp khoảng 200.000 người Đông Timor lúc đó đang gặp nạn đói kém.
Bốn năm triền miên trong cuộc nội chiến và các chiến dịch quân sự do quân đội Indonesia phát động đã gây ra nạn đói ở Đông Timor.
Tài liệu mật cho thấy việc công luận Úc ngày càng chú ý tới tình hình Đông Timor,kể cả việc Indonesia chỉ trích Úc. Tiến sĩ Mochtar, ngoại trưởng Indonesia lúc bấy giờ, đã điện thoại cho tòa đại sứ Úc ở Jakarta trong 10 phút để bày tỏ quan điểm mạnh mẽ của Indonesia. Sau đó ông đề nghị Úc đưa đồ cứu trợ tới Đông Timor. Tài liệu cho thấy nội các Úc được khuyến cáo hãy quan tâm giải quyết các vấn đề nhạy cảm của Indonesia. Nội các chấp thuận viện trợ thêm cho Đông Timor nhưng thông qua Hội Chữ Thập đỏ Quốc tế chứ không phải qua Cơ quan Viện trợ Úc. Lý do là vì Indonesia xem Cơ quan này ủng hộ cho Fretilin, tức phong trào đòi độc lập cho Đông Timor.

Đề nghị về thuế gián thu của ông John Howard
Tài liệu mật cũng cho thấy ông John Howard, Bộ trưởng Ngân khố lúc bấy giờ, đã đề nghị lần thứ hai và vẫn không thành công để yêu cầu nội các chấp thuận khoản thuế gián thu mới.
Trong bản đề nghị trình lên nội các vào ngày 17 tháng Một năm 1979, ông Howard cho rằng chính phủ lệ thuộc quá nhiều vào các khoản thu nhập do thuế lợi tức cá nhân mang lại. Ông đề nghị chính phủ phải nghiên cứu việc thu thuế gián tiếp dựa trên căn bản bao quát hơn. Trước đó ông cũng đã đưa ra đề nghị tương tự nhưng không được nội các chấp thuận. Nội các Fraser bác bỏ đề nghị lần thứ hai của ông Howard bằng một dòng chữ đơn giản. Mười chín năm sau, trong tư cách thủ tướng Úc, ông Howard đã chứng kiến đề nghị năm xưa của mình được thông qua qua việc thuế Hàng hóa và Tiêu thụ (GST) được ban hành.



No comments: