Tuesday, January 5, 2010

VẤN NẠN NGƯỜI VIỆT TRỒNG CẦN SA Ở ÚC

Vấn nạn người Việt trồng cần sa
Như Mai
05/01/2010 - 15:04
http://www.bayvut.com.au/n%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C3%BAc/v%E1%BA%A5n-n%E1%BA%A1n-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-tr%E1%BB%93ng-c%E1%BA%A7n-sa
Lợi nhuận do ma túy mang lại to lớn đến mức khó tưởng tượng. Chỉ cần trồng một vụ cần sa (mỗi vụ khoảng từ 3 tới 6 tháng) là có thể thu từ 350 ngàn tới 400 ngàn đô Úc.
Bên cạnh việc tổ chức vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Úc, trồng cần sa trong nhà cũng là một hoạt động tội phạm chủ yếu của các băng nhóm người Việt tại Úc.

Anh Phạm Tâm Linh là một trong những nạn nhân mới nhất của các băng đảng chuyên trồng cần sa trên nước Úc. Ngôi nhà được anh cho thuê đã bị một băng nhóm người Việt sử dụng để trồng cần sa.
“Khi cảnh sát tiếp xúc với tôi thì một trong những câu đầu tiên họ hỏi là lần chót tôi vào trong nhà để kiểm tra là từ bao giờ, tôi trả lời là cách đó ba năm. Đến lúc đó tôi mới biết nhà mình đã bị tụi nó ‘chiếu cố’. Trong suốt thời gian này, nó trả tiền thuê nhà rất đều đặn, đúng ngày giờ, không hề trễ chút nào. Đã vậy mỗi khi có việc đi ngang, tôi đều thấy cỏ cắt gọn gàng và nhìn bề ngoài thấy rất sạch sẽ, tươm tất, chứng tỏ nó chăm sóc nhà mình thật cẩn thận. Là chủ nhà ai lại chẳng hài lòng với người thuê nhà như vậy”, anh Linh nói.

Nguồn lợi phi pháp khổng lồ
Lợi nhuận do ma túy mang lại to lớn đến mức khó tưởng tượng. Anh Phạm Tâm Linh cho hay băng đảng thuê nhà anh sử dụng cả ba phòng ngủ cho việc trồng ma túy. Mỗi phòng chúng đặt từ 20 tới 25 chậu trồng cần sa, tổng cộng khoảng 70 chậu, mỗi chậu chứa chừng 10 lít đất loại đặc biệt. Chỉ cần trồng một vụ (mỗi vụ khoảng từ 3 tới 6 tháng) là chúng có thể thu từ 350 ngàn tới 400 ngàn đô Úc.
Các cơ quan hữu trách cho hay một mặt các băng đảng vẫn ngày đêm tuồn lậu ma túy vào nước Úc, mặt khác chúng tìm cách sản xuất và chế biến ngay trong nước. Địa bàn để chúng làm việc này thường là các khu vực công nghiệp, hãng xưởng hay nhà riêng.
Nhà anh Phạm Tâm Linh cho thuê là ví dụ điển hình. Sau khi thấy ‘động ổ’, băng đảng người Việt đã cao bay xa chạy, để lại một ngôi nhà bề ngoài tuy vẫn bình thường nhưng bên trong là cả một sự tan hoang do bọn tội phạm thay đổi mọi sự để thích hợp cho việc trồng cần sa. Trong khi tại nhà anh Linh bọn tội phạm sử dụng chậu, thì có những nhà bọn chúng đục nát nền nhà để trồng thẳng cần sa vào đất đồng thời sửa lại toàn bộ bên trong như câu lại điện, mắc hệ thống tưới, bọc tường bằng các tấm nhựa đen dầy … để giúp cây mau lớn. Sự tàn hại đôi khi có thể tính bằng vật chất: trong vụ anh Phạm Tâm Linh, công ty điện lực ước tính chỉ riêng tiền điện bọn tội phạm sử dụng trong thời gian ba năm để sưởi ấm các phòng trồng cần sa đã lên tới 52.000 đô Úc (48.000 đô Mỹ). Anh Linh phải bỏ hơn chục ngàn tiền túi để sửa sang lại nhà cửa.

Luật pháp không dung thứ

Nhằm đối phó với tội phạm ma túy, luật pháp của Úc và các quốc gia khác đều hết sức nghiêm khắc. Nếu như Singapore, Việt Nam hiện đang áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình thì tại Úc, nơi đã bãi bỏ án tử hình, sự phán quyết của tòa án đối với những kẻ tham gia sản xuất buôn bán ma túy cũng rất mạnh tay.
Một vụ án liên quan tới ma túy trong cộng đồng người Việt được nhiều người biết từng xảy ra tại Sydney: như một số người Việt tỵ nạn sang Úc hồi thập niên 1980, ông bà ‘X’ sau một thời gian mua được mảnh đất khoảng 1000 mét vuông tại một vùng sau trở thành một trong những trung tâm có đông người Việt sinh sống nhất. Trên mảnh đất này, họ cất nhà và mở tiệm phở hết sức đông khách. Tuy nhiên để mong giàu nhanh và nhiều hơn nữa, hai ông bà bắt đầu làm thêm ‘nghề’ phụ là buôn bán ma túy. Khi sa lưới pháp luật, tòa ra lệnh tịch thu toàn bộ tài sản vì cho rằng tài sản họ sở hữu từ ngày tới Úc tới khi bị bắt là do buôn bán ma túy

Việt Nam – điểm nóng trung chuyển ma túy
Trong bài phóng sự điều tra đặc biệt đăng trên tờ HeraldSun ngày 22/10/2009 (Special investigation – Evil drug flood), phóng viên Liam Houlihan cho biết trong vấn đề ma túy, mối quan tâm chính mà cảnh sát phải đối phó hiện nay là các băng đảng tội phạm người Việt. Những băng đảng này sử dụng các toán chuyên vận chuyển số lượng lớn ma túy vào Úc nói chung và Melbourne nói riêng.
Theo Cơ quan an ninh Úc, trong lúc bạch phiến ngày càng được ưa chuộng và được tung ra bán nhiều trên các đường phố và do vậy giá bạch phiến có phần rẻ hơn trước thì tình trạng khan hiếm thuốc lắc hồi gần đây đã đẩy giá ‘ice’ (ma túy đá) tăng gấp đôi - lên tới 1.000 đô Úc/gram. Tháng Năm năm 2009, cảnh sát đã khám phá số lượng bạch phiến trị giá 5 triệu đô-la Úc tại một căn nhà ở vùng West Footscray, tiểu bang Victoria.
Ông Dale Flynn, viên chức cao cấp trong ngành cảnh sát Úc cho hay các băng đảng người Việt có mối tiếp xúc khá rộng tại Việt Nam và một số nước trong vùng Đông Nam Á. Nhiều người được những bọn này thuê để tới Việt Nam trong ít ngày, nhận ma túy rồi quay trở lại Úc. Mới đây cảnh sát tiểu bang Victoria phối hợp với cảnh sát liên bang và Hải quan thực hiện các chiến dịch truy quét đã phá vỡ được một số vụ trên toàn nước Úc cũng như tiểu bang. Tuy nhiên, cảnh sát cho rằng đây chẳng qua chỉ là một số vụ thành công chứ số người chưa bị bắt hoặc những vụ chưa bị khám phá vẫn còn nhiều. Cho tới nay cảnh sát tiểu bang đã lập được danh sách gồm hơn 100 người tình nghi vận chuyển ma túy.




No comments: