Saturday, January 16, 2010

SỨC MẠNH MỀM CHỐNG ÔNG LỚN TRUNG QUỐC

Sức mạnh mềm chống ông lớn Trung Quốc
Lê Duy Nhân
Đăng ngày 16/01/2010 lúc 00:00:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4512
Lý thuyết gia hàng đầu về “Sức Mạnh Mềm”, Joseph Nye, đã đến Việt Nam thuyết pháp về chủ thuyết ngoại giao của mình. Ông được cả TT Nguyễn Tấn Dũng lẫn giới truyền thông trong nước đón nhận nồng nhiệt.

Sức mạnh mềm (soft power) theo quan điểm của Joseph Nye là “Khả năng đạt được cái mình muốn qua sức hấp dẫn thay vì cưỡng ép hay mua chuộc. Nó toát lên từ sức hấp dẫn của văn hóa, lý tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia”.

Joseph Nye đã đem lý thuyết mềm đến VN trong khi đất nước này đang đứng trước hiểm họa bị thôn tính bởi tên bành trướng ở phương Bắc. Lịch sử nhân loại, nhất là lịch sử chống Bắc xâm của ta, đã chứng minh hùng hồn rằng sức mạnh mềm không bao giờ ngăn cản đước bước chân xâm lược. Quang Trung Nguyễn Huệ cứng với quân Thanh, thắng trận rồi mới mềm với triều đình phương Bắc. Ngày nay cũng như trong xuốt chiều dài lịch sử xâm lấn Việt Nam, Trung quốc chỉ “mềm” với ta lui một bước để mà “cứng” với ta ở bước tới. Cái “mềm” Mười Sáu Chữ Vàng hữu nghị được tiếp nối bởi bước tiến chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Cái “mềm” Láng Giềng Bốn Tốt được nối tiếp bởi miếng ngoạm đất biên giới của ta.

Trung Quốc luôn luôn phát huy sức mạnh mềm của nó, khi thì thông qua sức mạnh cứng (hard power) khi thì thông qua củ “cà-rốt” ngoại giao. Khổng giáo, Lão Giáo…trước kia theo vó ngựa xâm lược Nguyên Mông vào Việt Nam, ngày nay nó theo chân “nhân dân tệ” vào tân nước ta xây đền miếu Khổng trong nỗ lực nô dịch ta bằng văn hóa Hán. Trước kia nó tạo ra một lớp nho sĩ thần phục “hán học” và ngày nay nó dạy ta những bài học “tự sát” như chính sách đấu tố ruộng đất, đánh tư sản miền Nam, triệt phá mọi luồng thông tin tiến bộ của loài người. Hơn bất cứ đế quốc xâm lược nào khác, TQ thực hiện nhuần nhuyễn thủ thuật kết hợp sức mạnh mềm với sức mạnh cứng. Nó cũng chẳng cần che đậy ý đồ đó. Hồ Cẩm Đào tuyên bố công khai rằng TQ chủ trương tăng cường sức mạnh mềm bên cạnh sức mạnh quân sự. Nó dùng sức mạnh kinh tế để chinh phục các nước ở ngoài tầm tay của nó nhưng với VN thì nó ra mặt bắt nạt , vừa cứng vừa mềm.

Ta cứng với nó không nổi mà mềm với nó cũng không xong vì ta không có cả hai thứ đó. Ta lấy đâu ra ngân sách mà tậu khí giới bạc tỉ đô-la để chọi với “vạn lý địa đạo” vũ khí hiện đại của Trung Quốc? Ta cũng chẳng có sức mạnh mềm để thuyết phục Trung Quốc từ bỏ giấc mộng xâm lược đất nước ta. Vì sức mạnh mềm không bao giờ nằm trong tay chính quyền mà tiềm ẩn trong tinh thần tự chủ, trong tự hào dân tộc, trong niềm tin rằng sự hy sinh của mình cho đất nước là chính đáng, trong niềm tin rằng đất nước này là thực sự của mọi người, trong hy vọng rằng người dân sẽ được sống trong một xã hôi có tự do, dân chủ. Không có những yếu tố đó thì một dân tộc không thể nào có được súc mạnh mềm. Joseph Nye đã nói thẳng với các nhà báo ở trong nước rằng muốn có sức mạnh mềm thì VN phải cho phép tự do và phản biện trong nước.

Không hiểu giới truyền thông trong nước ghi nhận gợi ý của Joseph Nye như thế nào. Những người đem tâm huyết góp gió thành bão “sức mạnh mềm” cho dân tộc như lớp trẻ biểu tình chống xâm lược Trung Quốc, như những nhà phản biện Trần Khải Thanh Thuỷ, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn…, đều bị “sức mạnh cứng” của chính quyền toàn trị trù dập,tù đầy. Như vậy thì hỏi làm sao tạo được sức mạnh mềm để chống lại “cây cao bóng cả Trung Quốc”? Ngày 15 tháng 1, TT Nguyễn Tấn Dũng lại kêu gọi 17.000 nhà báo “lĩnh lương Đảng” ở trong nước phải làm tốt hơn công tác giữ vững công tác ổn định chính trị, nghĩa là giữ vững ngai vàng cho Đảng bằng cách “phản biện” các luồng dư luận chống độc tài toàn trị. Cả một lực lượng truyền thông hùng hậu như vậy nếu được sử dụng vào sự nghiệp “chống xâm lược TQ” bằng sức mạnh mềm thì các cơ quan truyền thông của TQ đâu có thể có luận điệu “vừa ăn cướp vừa la làng” để nuốt trôi Hoàng Sa-Trường Sa, nuốt trôi biển Đông của ta. Đảng CSVN mềm ngoài mà cứng trong, mềm với bọn bành trướng Trung Quốc nhưng lại cực kỳ cứng với khát vọng tự do dân chủ của nhân dân.

Điều đáng nói nữa là đa số giới trí thức trong nước cũng lại hết sức mềm trước sự tác oai tác quái của tập đoàn toàn trị lên toàn bộ dân tộc trong đó dĩ nhiên có cả họ và vợ con. Cái “mềm” của họ sẽ làm cho cả dân tộc mất sức mạnh mềm.

Thế giới không thể có “cách mạng nhung”, không thể có diễn tiến hòa bình nếu giai cấp tiên phong của sức mạnh mềm ở những đất nước đó không “cứng” trong ý chí đòi tự do dân chủ.

Có nhà trí thức trong nước đã phẫn chí đến độ nghĩ rằng thà để cho Tàu nó cai trị còn đỡ tức hơn bị hà hiếp bởi bọn thực dân bản xứ. Dân ta đã bị cớm nắng Đảng thì có bị cớm nắng Tàu thì cũng thế thôi. Nghe vừa buồn vứa bực.

Lãnh đạo Đảng có khi nào nghe được tiếng oán than của người dân ấp Thái Hà, người dân Cánh Đồng Chiêm, giáo dân xứ La Vang, tu sinh Bát Nhã , nông dân bị cướp đoạt ruộng đất…thì sẽ thấy rõ được sự rã rời của dân tộc.

Joseph Nye đề cao tinh thần độc lập của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong chiến tranh “chống Mỹ” là để thức tỉnh tinh thần độc lập của người VN trước hiểm họa “phủ bóng” của “ông lớn Tàu”. Ông cũng gợi ý là VN phải liên kết với khối ASEAN để chống lại sức mạnh cứng TQ. Để làm được đó thì VN phải thay đổi “lý tưởng chính trị” bằng cách từ bỏ độc tài toàn trị để tạo ra được cảm thông và ủng hộ của thế giới như Joseph Nye đã chỉ ra trong lý thuyết về sức mạnh mềm của ông.

Chính Joseph Nye cũng nói rằng không có lý thuyết nào hoàn toàn đúng và trường tồn. Nhưng ít ra lý thuyết mềm của Joseph Nye cũng cho ta một chút ánh sáng rọi vào con đường hầm tăm tối mà đảng CSVN đang dẫn dân tộc ta vào.

Lê Duy Nhân
© Thông Luận 2010


No comments: