Wednesday, January 20, 2010

PHẢN ỨNG của CƯ DÂN MẠNG về VỤ XỬ CÁC NHÀ DÂN CHỦ

Phản ứng của cư dân mạng về vụ xử các nhà dân chủ
Khánh An, phóng viên đài RFA
2010-01-20
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-online-world-reation-about-the%20trial-01202010110210.html
Những tin tức về vụ xét xử 4 nhà hoạt động dân chủ diễn ra vào ngày 20 và 21/1 đã dấy lên một đợt sóng ngầm trong dư luận của cư dân mạng internet.

“Lật đổ chính quyền nhân dân”
Ngay khi có những tin tức đầu tiên về ngày xét xử các ông: Luật sư Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long, ngay lập tức, trong thế giới của cư dân mạng cũng xuất hiện các luận cứ bào chữa cho họ.
Blogger tự xưng là “nông dân Sphinx” khẳng định “thân chủ của tôi là ông Lê Công Định hoàn toàn không phạm tội “lật đổ chính quyền nhân dân”. Chưa cần biết thân chủ của tôi đã tiến hành những hoạt động gì, nhưng dù có làm gì đi nữa chắc chắn ông ấy cũng không thể nào lật đổ một thứ không hề tồn tại được. Nên nếu đây là phiên tòa xét xử thân chủ của tôi với tội danh này, thì ngay bây giờ tôi xin tuyên bố trước hội đồng xét xử và tất cả mọi người có mặt tại phiên tòa này, rằng: thân chủ của tôi là ông Lê Công Định hoàn toàn vô tội và trắng án”.
Tiếp theo sau đó, bản luận cứ bào chữa cho Lê Công Định bắt đầu phân tích những luận điểm dẫn đến chứng minh sự vô tội của Lê Công Định và kết luận “ở đây hoàn toàn không có yếu tố lật đổ chính quyền nhân dân như đã bị truy tố mà ngược lại còn thể hiện mong ước xây dựng 1 chính quyền nhân dân thực thụ”.

Song song với bản luận cứ bào chữa trên, trong thế giới mạng còn truyền nhau “Bài bào chữa đề nghị cho Trần Huỳnh Duy Thức” của tác giả Danquevn09. Trong đó, tác giả phân tích những luận điểm trong một số bài viết của ông Trần Huỳnh Duy Thức và thừa nhận “Tìm hiểu trên net về những bài báo của ông Trần Huỳnh Duy Thức, quả thật cáo trạng viết không sai. Nhưng chính những bài viết của Trần Huỳnh Duy Thức rất sát, rất đúng với tình hình đất nước hiện Việt Nam thì cớ sao ông ta lại bị buộc tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân?”.

Không quên các nhà dân chủ
So với những vụ xét xử các nhà bất đồng chính kiến trước đây, lần này cư dân mạng gặp mộ số hạn chế nhất định về mặt thông tin vì nhiều nguyên nhân. Báo chí trong nước gần như im lặng. Các phóng viên nước ngoài bị cấm không được mang theo các máy ghi âm, máy chụp hình và máy vi tính. Những trang web uy tín trong giới blogger như diễn đàn x-caphe, talawas… đều bị cản trở, không thể truy cập. Tuy nhiên, những trở ngại trên không ngăn cản được những lời kêu gọi và các phong trào biểu tình trên mạng đòi trả tự do cho bốn nhà bất đồng chính kiến.

Một cư dân mạng lấy tên “Nguyễn Tự Sát” kêu gọi “Tất cả hãy chuẩn bị có mặt tại tòa án ở Sài Gòn vào lúc 7:00 AM sáng ngày 20 và 21/01/2010 để tham dự cuộc biểu tình” vì lẽ “Sự tham gia và ủng hộ nhiệt tình của đồng bào sẽ có nhiều ảnh hưởng và tạo nhiều áp lực cho CSVN trả tự do cho tất cả các nhà đấu tranh dân chủ ngay lập tức và vô điều kiện. Hai mươi năm trước chúng ta đã để lỡ mất một cơ hội dân chủ và tự do cho dân tộc Việt Nam. Lần này không phải chỉ có tự do, dân chủ thôi, mà còn vận mệnh nước nhà đang lâm vào hiểm họa “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu”.

Hưởng ứng những lời kêu gọi, không ít cư dân mạng đúng hẹn tìm đến phiên tòa sáng ngày 20/1. Một cư dân mạng kể lại trên website Freelecongdinh rằng: “Tôi cũng có đến trước tòa và bị đuổi đi. Tuy vậy nhưng sau đó vẫn gọi cho mấy đứa bạn đến đó. Dù có bị đuổi vẫn đến để cho thấy là mình quan tâm và cũng để cho mấy đứa bạn nó chứng kiến rõ sự thật như thế nào”.

Một cư dân mạng khác có tên Lehao thì xem việc đến hiện trường vụ án là một sứ mệnh chia sẻ thông tin:
Chúng ta hãy cùng nhau đến hiện trường, theo dõi, lấy tin và thông báo cho mọi người biết. Đừng để bị bưng bít. Cùng lắm thì các chú CA đuổi về thôi. Các anh Định, Thức, Trung, Long đang đối diện với nhiều thử thách. Phần chúng ta ráng làm được chuyện nhỏ dù có 1 vài bất tiện cho cá nhân.

Bên cạnh đó, trong những ngày này cộng đồng mạng có rất nhiều người tham gia vào cuộc biểu tình đòi tự do cho 4 nhà hoạt động dân chủ trên bằng cách treo đồng loạt avatar “Free them now” trên blog của mình. Đây được xem là một hình thức biểu tình rất mới của cộng đồng mạng tại Việt Nam.
Có thể thấy, các nhà đấu tranh dân chủ lần này dành được rất nhiều tình cảm ưu ái đặc biệt của cư dân mạng, đặc biệt là giới thanh niên bởi giữa họ có rất nhiều điểm tương đồng. Mặt khác, lý tưởng và ý chí mãnh liệt của các nhà đấu tranh dân chủ đã khiến cho không ít bạn trẻ choàng tỉnh.

Thư gởi người tù

Một cư dân mạng lấy tên Thay viết:
Luật sư Định,
Tôi chỉ quan tâm đến bóng đá, nhưng việc luật sư bị bắt, đã thúc đẩy tôi tìm hiểu về pháp luật và nhân quyền…
Qua tìm hiểu tôi biết:
Viết một bức thư cho một tù nhân chính trị là một cách cụ thể hỗ trợ những người bị giam giữ cho cuộc đấu tranh chính trị của họ. Lá thư là một cách đơn giản để hỗ trợ tinh thần và ý chí cho một tù nhân chính trị mà tinh thần và ý chí là những cái mà nhà tù cố gắng tiêu diệt. Thư có thể không tới tay người tù nhân, nhưng tin tức về những lá thư đó sẽ tới tai họ.
Vâng, tôi sẽ viết một lá thư thăm Luật sư, một lá thư tới Chủ tịch nước, và một lá thư tới bộ trưởng Ngoại Giao…

Và trong cộng đồng mạng, hẳn nhiều người không quên blogger mẹ Nấm. Lần này, với bài viết vào lúc 0h49p ngày 20/1, chị đã nói hộ tâm tư của rất nhiều người. Sau đây là một đoạn trích:
Chỉ còn hơn 8 tiếng nữa là phiên tòa xét xử "công khai" những người yêu nước diễn ra.
Họ có tội gì nhỉ?? Có lẽ, giống như tôi, tội của họ là đã say mê và công khai bày tỏ thứ tình yêu mà chưa hề được giấy chứng nhận, hay chưa được cho phép, hoặc chưa được định hướng theo khuôn mẫu có sẵn.
Trước giờ xử những con người dám từ bỏ những thứ mình đang có để đòi hỏi quyền tự do cho bản thân, cho dân tộc mình, tôi đã khóc.
Khóc vì sự im lặng của những người xung quanh tôi.
Khóc vì sự cam chịu làm hạt cát của những người mà tôi biết.
Mọi người phản đối việc tôi treo avatar ủng hộ những người yêu nước.
Tôi biết. Nhưng tôi vẫn cứ làm. Họ đã đến và đã nói để đòi trả lại "hào khí Diên Hồng" đầy kiêu hãnh của ông cha tôi.
Tôi - không làm được như họ, nhưng ít nhất là tôi có quyền bày tỏ sự quan tâm, yêu mến và trân trọng đối với những việc họ đã làm.
Tôi biết, những người như Trung, như anh Định hay anh Thức hẳn đã từng rất cô đơn trong chính thế giới của mình.
Những người khác hẳn sẽ coi việc các anh đã làm là vô nghĩa, nhưng ít nhất, ở đây, có tôi không cho rằng những công việc đó là không có ý nghĩa.
Sợ hãi là bản năng của con người, nhưng nếu cứ để sự sợ hãi lấn lướt mọi sự đúng đắn thì thế giới này sẽ đi về đâu?
Tôi cho rằng, không nên buồn rầu hay chán nản khi những người xung quanh mình sợ hãi.
Trái lại, chỉ cần có một người thắp lên ánh sáng, chắc hẳn là nó sẽ trường tồn.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.




No comments: