Bình thường hay bất thường? (phần 1)
Trân Văn, phóng viên RFA
2010-01-20
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/unusual-spots-in-the-case-of-4-dissidents-part1-TVan-01202010133436.html
Sáng 20 tháng 1, Toà án TP.HCM đã đưa các ông: Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định và Lê Thăng Long, cùng bị truy tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” ra xét xử sơ thẩm.
Các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Lê Công Định (từ trái sang), tại phiên tòa ở TP.HCM hôm 20-1-2010. AFP PHOTO
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/unusual-spots-in-the-case-of-4-dissidents-part1-TVan-01202010133436.html/HCM-Court-01202010-305.jpg
Chưa điều tra đã bảo có tội!
Phiên xử sơ thẩm này là diễn biến mới nhất của một vụ án chính trị mà Công an Việt Nam từng khởi tố hồi tháng 6 năm ngoái và từ đó đến nay, vụ án này đã thu hút sự chú ý của cả công luận lẫn dư luận ở trong lẫn ngoài Việt Nam.
Tháng 6 năm ngoái, Cơ quan An ninh Điều tra của Bộ Công an Việt Nam lần lượt khởi tố và tạm giam các ông: Trần Huỳnh Duy Thức (kỹ sư Công nghệ thông tin, Tổng Giám đốc Công ty Một kết nối tại TP.HCM), Lê Thăng Long (kỹ sư Điện tử Viễn thông, Giám đốc Công ty Phát triển và Đầu tư Công nghệ Innotech tại Hà Nội), Lê Công Định (luật sư) và sang tháng 7, khởi tố thêm các ông Nguyễn Tiến Trung (kỹ sư Công nghệ thông tin), Trần Anh Kim (cựu trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam), cùng về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”.
Vào lúc đó, cho dù chỉ mới bắt đầu tiến trình điều tra và dù điều 72 của Hiến pháp Việt Nam minh định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”, song Công an Việt Nam vẫn tổ chức nhiều cuộc họp báo, cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh để hệ thống truyền thông ở Việt Nam đồng loạt xác định, cả năm bị can cùng phạm tội “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”.
Từ “tuyên truyền” thành “lật đổ?
Việc khởi tố, tạm giam các ông: Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim, đã bị nhiều chính phủ, tổ chức phi chính phủ, diễn đàn điện tử, blog chỉ trích mạnh mẽ và khiến chính quyền Việt Nam lúng túng đến mức phải “đính chính”.
Chẳng hạn, trong hai cuộc họp báo được tổ chức ngay sau khi thực hiện thủ tục “bắt khẩn cấp” luật sư Lê Công Định hôm 13 tháng 6 năm ngoái, tướng Vũ Hải Triều và tướng Hoàng Kông Tư của Công an Việt Nam tuyên bố, luật sư Lê Công Định bị bắt là vì đã chỉ trích chủ trương, chính sách, chưa kể ông Định còn tham gia bào chữa cho các đối tượng chống đối Đảng và Nhà nước.
Những tuyên bố của hai viên tướng thuộc lực lượng an ninh của Công an Việt Nam là lý do để Liên minh Báo chí Đông Nam Á, được thành lập với mục đích bảo vệ và thúc đẩy tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Đông Nam Á lên tiếng bày tỏ sự lo ngại trước viễn cảnh Việt Nam sẽ trở thành chủ tịch ASEAN, vì “trong lúc cộng đồng ASEAN đang tìm cách xây dựng uy tín và động lực để hình thành một Ủy hội Nhân quyền thì việc Chủ tịch khối ASEAN khi ấy không tôn trọng quyền công dân của họ trước tòa, đâu sẽ là cơ hội cho Ủy hội nhân quyền ASEAN bảo vệ quyền con người trong khối?”.
Cùng thời điểm ấy, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát hành một thông cáo nhấn mạnh: “Không thể bắt bất kỳ cá nhân nào vì bày tỏ quyền tự do ngôn luận và không thể trừng phạt bất kỳ luật sư nào vì thân chủ mà họ chọn bào chữa”...
Những phản ứng như thế buộc ông Lê Dũng, khi ấy là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phải tuyên bố: “Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do chính kiến của công dân, khuyến khích người dân đóng góp ý kiến và tham gia tích cực vào mọi mặt đời sống của đất nước.”
Hai ngày sau tuyên bố của ông Lê Dũng, hôm 19 tháng 6 năm 2009, Thông tấn xã Việt Nam loan báo, đại diện Tổng cục An ninh của Bộ Công an Việt Nam đã khẳng định với Phó Đại sứ Hoa Kỳ: “Việc Bộ Công an bắt xử lý Lê Công Định là do những hoạt động vi phạm pháp luật, không phải do Định đã tham gia bào chữa cho một số bị cáo như thông tin của Hoa Kỳ và một số tổ chức khác ở nước ngoài”.
Ông Vũ Quý Hạo Nhiên, Tổng thư ký tờ Người Việt ở Nam California, Hoa Kỳ, nêu nhận xét của ông về những tuyên bố của các viên chức chính quyền Việt Nam:
“Có sự khác nhau giữa những điều mà hai ông tướng nêu ra với những điều mà ông Lê Dũng nói. Ông Lê Dũng là phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho nên biết rằng không thể dùng những điều các ông tướng đã nói để thuyết phục những nước tôn trọng tự do ngôn luận.
Ví dụ như mấy ông tướng thì nói rằng luật sư Lê Công Định vi phạm pháp luật Việt Nam vì biên soạn hàng chục tài liệu đăng tải ở nước ngoài, kêu gọi lập chế độ đa đảng, lợi dụng các vấn đề xã hội để kích động chống Đảng – Nhà nước, lợi dụng vấn đề Tây Nguyên, lợi dụng vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa để chống đối nhà nước...
Hai ông tướng nói được tất cả những điều đó vì họ là Công an. Đó là ý của họ. Họ bắt ông Định vì những lý do đó. Thế nhưng nói như vậy với ngoại quốc thì họ biết tỏng là không tôn trọng tự do ngôn luận, thành ra khi phát ngôn với báo chí ngoại quốc, ông Lê Dũng nói tránh đi. Không nhắc đến chuyện nào trong những chuyện hai ông tướng đã nêu ra mà chỉ nói là ông Lê Công Định cấu kết với thế lực bên ngoài.
Như vậy những lời tuyên bố của mấy ông tướng có giá trị gì không? Nó rất có giá trị ở chỗ nó cho biết lý do thật mà nhà nước bắt ông Định. Tự do ngôn luận, chuyện tôn trọng hiến pháp hoàn toàn là không đáng gì cả!”
Sau đó ít lâu, người ta thấy hệ thống truyền hình Việt Nam phát các đoạn băng ghi cảnh ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Nguyễn Tiến Trung, ông Lê Công Định, ông Trần Anh Kim thừa nhận mình có tội.
Tháng 11 năm ngoái, người ta được biết thêm là cơ quan điều tra đã “Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can”, chuyển tội danh của cả năm ông: Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim, từ “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam” (mức hình phạt cao nhất là 20 năm), thành “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình).
Tuy cùng là bị can trong một vụ án nhưng cuối tháng trước, ông Trần Anh Kim được đưa ra xét xử riêng. Dù hội đồng xét xử nhận định rằng, ông Kim “cấu kết chặt chẽ giữa các cá nhân và tổ chức chống đối, có sự móc nối với bọn phản động người Việt lưu vong thù địch ở nước ngoài nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và dù ông Kim bị truy tố theo khoản 1 điều 79, vốn có khung hình phạt “từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình” nhưng họ chỉ phạt ông Kim 5 năm 6 tháng tù.
Phần còn lại của vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” thì sao? Trong bài viết tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổng hợp và tường trình những vấn đề có liên quan đến các ông: Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long.
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment