Wednesday, January 20, 2010

PHẠM THANH NGHIÊN và NHỮNG KỶ NIỆM ...

Phạm Thanh Nghiên và những kỷ niệm
Nguyễn Thượng Long
Đăng ngày 20/01/2010 lúc 14:32:11 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4522
Tôi còn nhớ vào hồi 19h 42 phút ngày 07/12/2007 trong lúc tôi đang thả bộ trên đường Lê Văn Lương thì điện thoại của tôi nhận được một tin nhắn của một số máy lạ có nội dung: “Sẽ có cuộc biểu tình trước Đại Sứ Quán Trung Quốc vào 9h ngày 9/12/2007”.

Ai đã nhắn tin này cho tôi? Người thì bảo đó là nhân vật X, người khác lại bảo đó là nhân vật Y! Lại có người lí giải chẳng phải là X là Y gì hết, chính những người yêu nước chân chính trong lực lượng công an, trong cơ quan an ninh đã ngấm ngầm làm việc này để dằn mặt các ông đại hán phương bắc. Là một người dân, tôi không quan tâm tới việc truy tìm nguồn gốc của tin nhắn đó. Sau hơn 2 năm câu hỏi ai là tác giả của tin nhắn này vẫn còn là một ẩn số, chỉ biết rằng, tôi đã đến với cuộc biểu tình đó. Nhiều bài viết của tôi, nhiều tấm ảnh mà cơ quan an ninh đã chụp được tôi, nhiều Videoclip của công an đã quay được sự hiện diện của tôi giữa đám đông sinh viên học sinh trước cổng Sứ Quán TQ buổi sáng hôm đó và ít ngày sau đó dẫn đến những cuộc thẩm vấn liên tục của PA 38, của A 42 dành cho tôi đã xác nhận điều này và cho đến nay tất cả vẫn còn hết sức sống động trong tôi. Với tôi đó là những ngày tháng, những kỉ niệm không thể nào quên. Tôi tự hào về tôi, tôi đã sống không đến nỗi nào trong những ngày tháng đó.

Tôi nhớ tôi đã lọt thỏm vào một đám đông Thanh Niên, Sinh Viên và Học Sinh đang vô cùng phấn khích trước cổng Đại Sứ Quán Trung Quốc. Trước mặt tôi, giữa lòng đường Hoàng Diệu và trước cổng Sứ Quán đóng im ỉm là một hàng rào CSCĐ trong trang phục rằn ri với nón sắt trên đầu và côn gỗ trong tay, là cả một rừng ống kính máy ảnh, camera của công an lăm lăm chĩa vào chúng tôi. Có một điều rất lạ là họ lại hết sức ôn hoà, hết sức mềm mỏng với chúng tôi. Họ không hề ra tay đàn áp như những gì mà họ đã thể hiện trong những chủ nhật sau.

“Xung quanh tôi lúc đó là những gương mặt của thế hệ 8x và 9x, họ là những đại diện xứng đáng cho thế hệ trẻ Việt Nam không bao giờ sống vô trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ Quốc. Họ đang say sưa hát những bài ca cách mạng , họ hô vang những khẩu hiệu khẳng định chủ quyền của đất nước trước mũi những kẻ bành trướng phương Bắc. Tôi nhanh chóng như rơi vào trạng thái nhập đồng khi thấy một nam sinh viên đeo kính trắng nhẩy ra đối diện trước đám đông CSCĐ. Giữa lòng đường Hoàng Diệu, cháu đứng ưỡn ngực, 2 chân cháu dang rộng, 2 tay cháu giơ cao chiếc băng đỏ có dòng chữ mầu vàng: “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”, miệng cháu cắn chặt chiếc dây đeo một khẩu hiệu lớn có dòng chữ: “Đả đảo Tam Sa”, Đôi mắt cháu rực sáng long lanh nhìn thẳng vào những CSCĐ đang dàn hàng ngang trước cổng Sứ Quán…hàng chục ống kính máy ghi hình của các kí giả nước ngoài đã tới tấp ghi được một hình ảnh tuyệt đẹp của tuổi trẻ Việt Nam. Xung quanh tôi là cả một biển người đang sôi sục trào dâng. Đứng gần tôi là một cháu gái mảnh mai, gầy yếu đeo cặp kính trắng rất giản dị. Tôi thấy mỗi lần cháu hô to: “Hoàng Sa - Trường Sa !”, lập tức các bạn cháu đồng thanh hô đáp lại: “Việt Nam!”. Tiếng gọi tên Tổ Quốc vang lên từ những lồng ngực trẻ nhanh chóng cộng hưởng thành một trường âm thanh hào hùng lay động, lan ra xa tắp. Bất ngờ cháu gái đó nhận ra tôi, cháu hét lớn: “Các bạn ơi! Đưa Mic cho thầy Long đi !”. Tôi bỗng quên cả tuổi tác, nhanh chóng hoá thân tuyệt đối vào sinh hoạt của các em. Từ giây phút đó cảm hứng về Tổ Quốc, về Đất Nước, về DânTộc…như bừng sáng, như rực cháy trong tôi nhanh chóng đưa tôi chìm sâu vào trạng thái như bị thôi miên đến nghẹt thở”. (Trích: Nguyễn Thượng Long, “Tôi đã khóc giữa trời thu Hà Nội”)

Trưa hôm đó quay lại nhà anh chàng kĩ sư hoá mà tôi mới quen, tôi lại gặp cháu gái này. Hoá ra đó chính là Phạm Thanh Nghiên, người con gái đã từng làm đau đầu nhiều nhân viên an ninh Hải Phòng và cả an ninh Bộ. Tôi hỏi: “Sao cháu biết tên tôi?” Cháu Nghiên nói: “Cháu nhận ra chú vì VTV1 giới thiệu chú giới thiệu chú là “Người Đương Thời”, là “Thanh tra Đa vít”, là thầy giáo chống tiêu cực nổi tiếng trong ngành GD – ĐT của Hà Tây.

Khi nhắc lại cả loạt danh xưng một thời của tôi như thế, Phạm Thanh Nghiên đâu có biết cháu đã gợi dậy trong tôi những kỉ niệm thất bại mà tôi đã cố gắng để quên đi. Giờ đây sau hơn 4 năm, đặc biệt là sau khi “Người Đương Thời” được cả nước yêu thích nhất năm 2006 Đỗ Việt Khoa bị báo chí “Lề Phải” và Lãnh đạo GD ĐT Hà Nội hạ nhục thành công, thì cuộc vận động 2 không rồi lại 4 không:
*Không gian dối trong thi cử
*Không vị thành tích trong thi đua, rồi lại thêm…
*Không băng hoại đạo đức đối với thày cô giáo..
*Không ngồi nhầm lớp với học sinh…
chẳng còn thấy ai nhắc đến những nội dung này nữa. GD - ĐT cả nước bước vào năm cuối cùng của thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21 với những kết quả thi cử lại đạt “Tuổi Vàng” “99,99%”, và tác giả làm nên những thành tích đó là những gương mặt “bự phấn sáp” của những ”Quý Ông”, “Quý Bà”, những“Mệnh Phụ Phu Nhân”, những “Người Đẹp” xồn xồn… lộng lẫy chỉ nhờ “Mỹ Phẩm loại 2”…và tất cả họ như cùng nhau vui vẻ à vào “Vở Tuồng Đồ” vĩ đại có cùng ngôn ngữ thoại là:

“Nói Dzậy! mà không phải Dzậy!”. Nói “Hai Không!”, nói “Bốn Không!”cứ nói, đừng nhẹ dạ mà làm thật, làm thật sẽ được coi là không bình thường, không hiểu biết đấy.

Vở Tuồng GD – ĐT hôm nay có khác gì đâu hoạt cảnh: Tháng trước ông Nguyễn Minh Triết gõ cửa VATICAN để đối thoại với Đức Giáo Hoàng, Nhà Lãnh Đạo tinh thần của khối Công giáo toàn thế giới, cũng là Đấng Bề Trên cao cả của những người công giáo ở Việt Nam đang có nhiều bức xúc với Đảng và Chính Quyền trong nước thì tháng sau lại có ông ngang nhiên xua lính đi đập nát Thánh Giá biểu tượng thiêng liêng của giáo dân một Xứ đạo nghèo nơi xóm núi thuộc tỉnh Hà Tây cũ!

Tôi nhớ lúc đó tôi cố át đi những gì mà PTN đã nói bằng những lời nhắc nhở cháu giữ gìn sức khoẻ vì tôi thấy cháu rất gầy và xanh. Ít ngày sau qua mạng, tôi đọc được bài viết rất xuất sắc của cháu Nghiên có nhan đề “Uất ức biển ta ơi !”, bài viết về chuyến cháu Nghiên và sinh viên Ngô Quỳnh đi Hoằng Hoá Thanh Hoá để thăm gia đình các ngư dân bị hải quân Trung Quốc bắn giết trên Biển Đông. Tôi và nhiều người khác rất xúc động khi đọc bài viết này.

Tôi nghĩ, bên trong những người con gái nhỏ bé, gầy yếu như Luật Sư Lê Thị Công Nhân, như Phạm Thanh Nghiên là cả một hoả diệm sơn của lòng yêu nước, là cả một đại dương của tình thương yêu con người. Thật đáng buồn thay cho những Bác , những Chú… oai vệ như thần mà áp a ấp úng gọi tàu Trung Quốc là những “tàu lạ” khi chúng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam! Lại có cụ lớn được Thiên Triều xếp cho ngồi vào ghế cao! Lần đầu tiên ra mắt Bắc Triều, cụ đã hạ mình nói những lời làm xấu mặt những người Việt Nam còn liêm sỉ, rồi cụ cũng lại ê a chữ vàng, chữ bạc với những kẻ vừa mới khoanh cái lưỡi bò một nhát là hết sạch Biển Đông của Con Hồng Cháu Lạc!

Ít ngày sau, tôi lại được biết Phạm Thanh Nghiên cùng với cựu chiến binh Vũ Cao Quận và Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa kí chung một đơn xin UBND Hà Nội cho phép tổ chức một cuộc biểu tình ở Hà Nội để lên án các tệ đoan tham nhũng, tăng giá, lạm phát… đang hành hạ người dân. Đáp lại nguyện vọng của 3 chiến sĩ dân chủ Hải phòng là những gì, mọi người đều đã rõ. Cựu Chiến Binh Vũ Cao Quận được cơ quan an ninh “săn sóc” đặc biệt. Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghĩa không thoát khỏi lao lí sau những nỗ lực kêu gọi mọi người chống tham nhũng bằng những khẩu hiệu, những băng role mà ông cùng với những bạn hữu của ông đã từng làm ra. Còn Phạm Thanh Nghiên, điều gì đã đến với một cô gái mảnh mai, yếu ớt trên cây cầu nổi tiếng vắt ngang qua thành phố nơi quê hương cô? Tôi tin rằng chưa mấy ai có thể quên.

Không phải chỉ là tôi, người Việt Nam bình thường nào cũng thấy, điều 69 Hiến Pháp CHXHCNVN là điều khoản rất cần phải xem lại, rất cần phải sửa đổi. Hiến pháp quy định rành rành: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật” (Điều 69).

Vậy mà khi 3 công dân Hải Phòng thực hiên cái quyền đó thì họ đã bị đối xử như những người vi phạm pháp luật!?

Ít ngày sau, Phạm Thanh Nghiên lại có một việc làm mà tôi chưa từng thấy có tiền lệ ở bất cứ nơi nào. Cháu đã bày tỏ khát vọng của mình, thái độ sống của mình bằng cách treo khẩu hiệu trong nhà có nội dung:
“Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam !” và “Phản đối công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng” và PTN lặng lẽ toạ kháng bên cạnh như một Ni Cô tĩnh tâm trước bàn thờ Phật, một nữ tu đang nguyện ngắm trước bàn thờ Chúa. Giở Bộ Luật hình Sự của CHXHCNVN ra để tra cứu, tôi cũng chả thấy có điều nào nghiêm cấm cách thể hiện ý nguyện theo kiểu ôn hoà và vô hại như thế. Vậy mà ít ngày sau Phạm Thanh Nghiên cũng bị lôi ra khỏi nhà & lọt vòng lao lý như một đối tượng nguy hiểm của xã hội (?!).

Khi chính quyền bắt giữ rồi xử tù hàng loạt những người bất đồng chính kiến và khi các nhà lãnh đạo quốc gia công cán ở nước ngoài, họ hùng hồn thuyết phục những con người ở nơi xa lạ đó rằng: “Ở Việt Nam không có đối lập chính trị, không có bất đồng chính kiến, chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật!?...”, có bao giờ các quý vị này chạnh lòng mà nghĩ, những người đồng bào đó chỉ đáng tuổi em, tuổi con cháu của mình, lại là những đồng bào được học hành phải nói là đến nơi đến chốn, trong số họ có người có văn bằng có lẽ cao hơn, “Xịn” hơn không ít người trong chúng ta và cũng chỉ vì quá khát khao được sống như những đồng loại ở các xã hội văn minh mà họ đã phải lọt vòng tù tội, và ít nhất với trường hợp của cháu Phạm Thanh Nghiên bị bắt giam vì những lí cớ thật chẳng ra làm sao mà hơn một năm nay không xét xử, hay là không xét xử được! Lẽ nào lương tâm của các quý vị không một chút cắn rứt, không một chút ăn năn ?

Tôi rất ngạc nhiên trước câu hỏi: Tại sao người nước ngoài, HRW - Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, lại hiểu được cháu Phạm Thanh Nghiên để quyết định trao cho cháu giải thưởng của tổ chức quốc tế này… trong khi đó là người cùng huyết thống, cùng ngôn ngữ của ông cha thì lại cố tình không hiểu nhau, cố tình hành hạ nhau, khép tội cho nhau những tội lỗi đâu đâu !

Mai này rồi người ta cũng sẽ lôi Phạm Thanh Nghiên ra trước vành móng ngựa thôi. Tôi không rõ người ta sẽ khép cho cháu Nghiên những tội lỗi gì! Tội lật đổ chính quyền chăng? Làm sao một cháu gái 30 tuổi, nặng không hơn 36 Kg lại cận thị nặng… lại có thể là mối đe doạ ghê gớm cho chính quyền được? Tội dám làm đơn xin biểu tình chăng? Tội “thương người như thể thương thân” khi cùng với sinh viên Ngô Quỳnh đi thăm hỏi bà con ngư dân Thanh Hoá bị lính Trung Quốc bắn giết ngoài Biển Đông chăng? Tội cháu đã nhận những đồng tiền của người Việt Nam chia sẻ với cháu lúc hoạn nạn không hề kèm theo bất cứ một điều kiện nào? Làm sao mà các bậc cha chú có thể xử cháu cái tội đó được, khi có Cụ nhận cả nhiều triệu USD của tư bản Hàn Quốc hay Đài Loan gì đó để cho họ được thắng thầu ở Việt Nam, khi có người chất vấn cụ lại trợn mắt lên mà mắng: “Đồ trâu buộc ghét trâu ăn, đồ ghen ăn tức ở !”? Làm sao có thể so sánh những đồng tiền của người đồng bào giúp người đồng bào lúc hoạn nạn với những trăm tỉ, ngàn tỉ VNĐ, với mênh mang đất đai của nhân dân, của công thổ quốc gia đã chui vào túi, vào trang trại của các quan tham trong các phi vụ làm xiếc dự án này nọ, làm xiếc chuyển đổi mục đích sử dụng, các “phi vụ” PMU18, Hành lang Đông Tây, SCIC… Hay là sẽ xử cháu Nghiên ở tội toạ kháng trong nhà mình dưới khẩu hiệu “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”, khẩu hiệu đó chỉ nói lên lòng yêu nước và thái độ đầy ý thức trách nhiệm trước vận mệnh nước nhà. Nếu xử cháu Nghiên với tội này thì có xử các chú, các bác… ở Trung Ương gần đây cũng bắt đầu người thì còn xa xôi, bóng gió, người thì cũng đã đủ can đảm để nói những điều có khác gì điều mà cháu đã la hét trước Đại Sứ Quán Trung Quốc! Và sau này khi cháu ngồi toạ kháng!

Có lẽ kỉ niệm dữ dội nhất, ấn tượng nhất giữa cháu Phạm Thanh Nghiên và tôi là kỉ niệm về lần tôi gặp cháu tại tư gia của nhà bất đồng chính kiến hàng đầu ở Hà Nội. Hôm đó trên đường tôi đưa tiễn cháu về, cháu Nghiên kể:
“Khi ở Thanh Hoá ra, một vị có chức sắc đã hỏi cháu: “Ai đã xúi giục cô và Ngô Quỳnh đi Thanh Hoá để thăm bà con ngư dân bị Trung Quốc bắn giết trên Biển Đông?”. Cháu đã trả lời: “Anh có thể hỏi tôi cái gì cũng được, xin anh đừng hỏi tôi câu hỏi đó. Hỏi câu hỏi đó thì… xấu hổ lắm”.

Tôi nghĩ : Đây là một câu trả lời thật ghê gớm, thật đáng nể. Câu trả lời đó có thể làm ù tai, làm bạc tóc các bậc Chú – Bác mà Phạm Thanh Nghiên không hẹn mà cháu đã phải gặp trên đời.

Hà Đông, 15/1/2010
Nguyễn Thượng Long


Phụ lục
Bài viết của Phạm Thanh Nghiên trên Thông Luận:
• Phạm Thanh Nghiên,
«Cho tôi gửi một lời khuyên». Thông Luận, ngày 14/12/2007.
“Uất ức - biển ta ơi!” . Thông Luận, ngày 15/03/2008.
• Phạm Thanh Nghiên,
«Một cuộc thẩm vấn». Thông Luận, ngày 03/05/2008.
• Phạm Thanh Nghiên,
“Chuyến đi nhạy cảm”. Thông Luận, ngày 28/06/2008.
• Phạm Thanh Nghiên,
“Toạ kháng”. Thông Luận, ngày 12/09/2008.

© Thông Luận 2010


No comments: