Đọc online… và người trẻ Việt Nam
Ngọc Lê
22/01/2010 - 17:04
http://www.bayvut.com.au/nh%E1%BB%8Bp-s%E1%BB%91ng/%C4%91%E1%BB%8Dc-online%E2%80%A6-v%C3%A0-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-tr%E1%BA%BB-vi%E1%BB%87t-nam
Đọc online là một nhu cầu hàng ngày của các bạn trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, ở trên mạng, họ đang đọc những gì?
Nếu như ai đó vẫn tin rằng các công nghệ nghe nhìn đang ‘giết mòn’ sự đọc của các bạn trẻ hiện nay thì dường như, điều này mới chỉ đúng một khía cạnh, đó là đọc trên những trang giấy. Trong khi đó, điều dễ nhận thấy là chưa bao giờ các tạp chí, các diễn đàn online dành cho lứa tuổi teen lại nở rộ như hiện nay. Theo tìm hiểu và thống kê của một tờ báo lớn tại Việt Nam cách đây chưa lâu, sự ‘đọc online’ là một trong những hoạt động sôi nổi nhất trên mạng của các bạn trẻ Việt Nam, sau những chát chít, xem phim, xem youtube, nghe nhạc, chơi game, viết blog hay lướt Facebook. Đọc online, ở khía cạnh đó, là một trong những vấn đề thú vị của người trẻ Việt trên thế giới ảo.
Đọc online. Vậy người trẻ đọc những gì?
“Truyện tranh - niềm đam mê của tôi. Đọc đi đọc lại những bộ truyện thời bé tôi mê mẩn như ‘Bẩy viên ngọc rồng’, ‘Teppi’, ‘Đoremon’, ‘Thủy thủ mặt trăng’... Đọc và rồi tôi còn tham gia dịch cho những bạn khác cùng đọc. Đó là một thú vui”, Thủy, một 8x ‘đời giữa’ tâm sự.
Tuy nhiên, với nhiều người, truyện tranh lại không phải là ưu tiên khi đọc online. Tin tức, đó mới là nơi thu hút nhiều thời gian của các bạn trẻ. Tuy nhiên, với phần đông bạn trẻ, nhất là các độc giả tuổi teen hiện nay, không phải tin tức nào cũng lọt vào ‘tầm thu sóng’ của họ.
“Một – đời sống dân chơi; hai – các thể loại lộ hàng, tự sướng; ba – tin ảnh kinh dị; bốn – giới tính, cách tăng giảm kích thước, làm sao cho hạnh phúc, sung sướng; năm – nhạc trẻ, phim trẻ, ‘xì tai’, ‘sờ ta’ Hàn Quốc, Nhật Bản long lanh lung linh. Đấy, chốt lại ngần ấy nội dung lôi kéo được bọn teen của các web online”, Hoàng – một ‘con mọt Net’ 9x chính hiệu khẳng định chắc nịch.
Tôi đã thử làm một khảo sát nhỏ trong một nhóm 10 bạn teen với cùng một câu hỏi: “Kể tên một vài trang web các em hay đọc nhất”, tôi có được một danh sách sau: Kênh14, Dân trí, Hoa Học Trò, Dân chơi 24h, Nhím Lông Xanh Blog, Quách Đại Ca Blog, Thế giới Teen 9x…
Nếu không kể tới ba trang web đầu tiên được coi là những trang ‘chính thống’, dường như Hoàng đã có lý khi đưa ra nhận xét của mình. Điều thú vị là ngay cả Kênh14, một website đúng chất teen có số lượng truy cập rất cao, cũng từng bị báo chí Việt Nam đưa ra mổ xẻ vấn đề nội dung và ngôn từ liệu có phù hợp và đúng đắn cho độc giả. Thậm chí Kênh14 còn có hẳn cả một hội những người ghét tờ tạp chí online này với số lượng thành viên không hề ít. Một thành viên của hội ‘ghét Kênh14’ cho biết lí do: “Tôi không thích bởi họ tự nhận mình đại diện cho lứa tuổi teen. Teen không giống như thế, hay ít nhất , tôi thấy mình không như thế”.
Tự nhận mình là một người không thích đọc Kênh14, tuy nhiên Hữu Lâm, một sinh viên cuối 8x, lại có cái nhìn theo thời gian về nội dung của các tạp chí online dành cho tuổi teen hiện nay. Lâm cho biết: “Cách đây 5 năm, khi tôi học lớp 9, tôi nhớ đọc trên tờ báo nổi tiếng nhất của tuổi học trò có viết về ‘Bạn có phải là một teen có giá’. Bài báo viết là một teen ‘có giá’ phải là tóc vuốt keo, tuần đi chơi ít nhất một lần và tiêu ít nhất là 200 ngàn. Ngược lại của một teen ‘có giá’ sẽ là không có gì hết: tóc để tự nhiên, mọt sách, không bao giờ đi chơi, trong túi chỉ có ít đồng tiền lẻ tiêu vặt. Thời điểm đó báo mạng còn chưa phát triển như bây giờ, nhưng tôi nghĩ, chính từ lúc đó cho tới những thế hệ bây giờ, các báo mạng đã bị ‘định hướng’ theo cách nhìn đó. Tức là giới trẻ là cứ phải sành điệu, ăn chơi này nọ. Kênh14 mới xuất hiện vài năm nay và cũng chỉ nằm trong vòng xoáy chung ấy”.
Không phải chỉ một lần báo chí Việt Nam lên tiếng về cái gọi là ‘rác’ trong các tạp chí dành cho tuổi teen cũng như sự ‘đọc online’ có phần lệch lạc của các bạn trẻ. Tuy nhiên nếu không đọc những cái bị phê phán thì đọc cái gì trên mạng bây giờ lại là một câu hỏi không dễ trả lời đối với các bạn trẻ.
Nhận xét của Hữu Lâm: “Tôi nghĩ tuổi teen đang bị thả nổi cho tự xử. Vì sao? Mấy sinh hoạt Đoàn Đội thì chỉ nói về những thứ cũ kĩ lỗi thời. Những cuộc thi tìm hiểu thì đọc chép cho có, vô tích sự. Online thì biết đọc gì? Những tin tức khoa học chính trị thời sự này nọ thì quá đau đầu và chả hiểu. Cộng thêm sự lười nghĩ, vậy thì chung quy lại những tạp chí, blog, diễn đàn online đang ‘hot’ kia đã đánh trúng vào tâm lí này của tuổi teen để thu hút độc giả”.
Nếu như ai đó đồng ý với câu nói: “Nói cho tôi nghe bạn đọc những gì, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào” thì rõ ràng những người lớn tuổi có cớ để lo lắng cho giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề dường như không hẳn chỉ phụ thuộc vào độc giả, bởi xét cho cùng, độc giả cũng chỉ là người đọc thụ động. Giới trẻ vẫn cần, rất cần những điều hay, điều thú vị để đọc, tuy nhiên, nói như Hoàng Trang, một học sinh lớp 12: “Hãy thể hiện bằng cách thức xì tin, đừng giáo điều như hiện nay”.
No comments:
Post a Comment