Saturday, January 23, 2010

BỘ MẶT XẤU CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM (Nguyễn Khắc Toàn)

Nguyễn Khắc Toàn Phơi Bầy Bộ Mặt Xấu Của CSVN
Thảo Nguyên-Lê Thanh thực hiện
23-1-2010
http://www.bacaytruc.com/index.php?option=com_content&task=view&id=4568&Itemid=37
“Tôi cũng được một hai lần nói chuyện với DB Trần Thái Văn. Ông vốn là một luật sư và tôi cũng là người được trực tiếp ông Trần Thái Văn tình nguyện sang VN, sang Hà Nội để bào chữa cho tôi trong phiên toà năm 2002 khi tôi bị bắt. Nhưng mà đáng tiếc chính phủ Hà Nội đã tìm mọi cách ngăn cản, không cấp visa nhập cảnh và không chấp nhận ông Trần Thái Văn có mặt trong cái phiên toà ở VN như thế ”
Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn tiết lộ.

-----------------------------------

Mở đầu: Vào trung tuần tháng Giêng năm 2010, CSVN đã đưa ra xử nhiều nhà tranh đấu cho dân chủ như Luật Sư Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long với những tội trạng nặng nề bất chấp sự lên án của dư luận quốc tế, cũng như dư luận người Việt trong và ngoài nước.
Đây là những phiên tòa đầy kịch tính, đã vẽ ra những vết nhọ thật lớn lên bộ mặt nhà cầm quyền Hà Nội.
Giới luật gia am tường về chính trị tại Việt Nam cho rằng hệ thống tư pháp Việt Nam đã lộ nguyên hình bộ mặt bù nhìn, một công cụ của nhà nước cộng sản nhằm bịt miệng các nhà tranh đấu cho dân chủ, tự do và nhân quyền trong nước. Hệ thống luật pháp này đã bất chấp những nguyên tắc căn bản về pháp lý, quyền lợi của bị can đã được quốc tế công nhận. Hệ thống pháp luật này chỉ biết nhắm mắt làm theo chỉ thị của Đảng CSVN, để kết án những nhà đối kháng bất bạo động với những bản án đã soạn sẵn.
Đặc biệt hơn, 4 vụ án chỉ xử trong một ngày là xong, điều này chưa từng xẩy ra tại thế giới tự do. Hà Nội muốn xử án nhanh chóng như thế để tránh sự giao động nổi giận của quần chúng trong nước và tránh những đôi mắt dòm ngó của giới báo chí ngoại quốc đang có mặt tại Việt Nam.

Trong lúc phiên tòa sửa soạn diễn ra, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn đã không ngần ngại lớn tiếng phơi bầy bộ mặt xấu xa của CSVN trong những vụ án tai tiếng nêu trên. Ông đã dành cho cô Thảo Nguyên của Chương Trình Phát Thanh Vận Hội Mới (VHM), có trụ sở đặt tại Westminster, California, một cuộc phỏng vấn thật đặc biệt để trình bầy cặn kẽ, sâu sắc nói về bộ mặt nhem nhuốc của CSVN hiện nay.

Đây bài phỏng vấn được chép lại nguyên văn từ cuộc phỏng vấn nêu trên.


TN: Xin kính chào ông Nguyễn Khắc Toàn (NKT). Đây là Thảo Nguyên (TN) của chương trình Vận Hội Mới. Cám ơn ông đã nhận lời cuộc phỏng vấn ngày hôm nay trên làn sóng 1190AM tại Nam California, Hoa Kỳ.
NKT: Chào chị TN và kính chào quý thính giả đang theo dõi chương trình của đài phát thanh. Tôi rất hân hạnh được trả lời phỏng vấn của các quý vị và chị TN. Tôi từ Hà Nội.

TN: Thưa ông, ông hiện là Tổng Biên Tập Tập San Tự Do Dân Chủ (TDDC) trong nước. Với cái tên Tự Do Dân Chủ thì chúng ta đã biết đây là một tờ báo đại diện cho những tiếng nói phản kháng của người dân trong nước. Ông có thể cho biết qua về sự hoạt động và chủ trương của tờ báo này?
NKT: Hiện nay tôi giữ vị trí là Tổng Biên Tập tờ báo này. Nhà văn Hoàng Tiến là Chủ Nhiệm tờ báo này. Sự thay đổi này là từ tháng 10/2009, và chúng tôi đã có thư của Ban Biên Tập rộng rãi trên mạng internet, và qua một số báo tự do tập san, TDDC số 14. Tập san TDDC này được ra đời trong cơn bão táp, đàn áp, và khủng bố nặng nề sau Tự Do Ngôn Luận của linh mục Chân Tín, linh mục Phan Văn Lợi, linh mục Nguyễn Văn Lý tại Huế. Được ra đời ngày 11/8/2006. Và trong hàng chục ngày liền sau đó, chúng tôi sáng lập ra tờ báo này thì anh chị em trong Ban Biên Tập hầu hết đều bị bắt, bị khám nhà, bị thẩm vấn, bị tịch thu máy vi tính. Từ ông Hoàng Tiến đến tôi, luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà báo Dương Thị Xuân, kỹ sư Bạch Ngọc Dương. Trường hợp của tôi thì họ khám nhà nặng nề với 2 lần trong những ngày họ đàn áp khi tập san TDDC ra đời. Máy vi tính cùng toàn bộ các trang thiết bị, các tài liệu dân chủ nhân quyền hiện nay vẫn để trong Sở Công An Hà Nội mà họ không có một cái văn bản nào bởi vì chúng tôi không ký vào các văn bản mà họ đã tịch thu. Những thành viên khác thì họ cũng đã tạm thời trả lại máy tính, thí dụ như của ông Hoàng Tiến, như Bạch Ngọc Dương. Còn luật sư Nguyễn Văn Đài thì bị bắt là trong chiến dịch đầu năm 2007. Cái chủ trương của tập san TDDC của chúng tôi là muốn trở thành một diễn đàn của tự do ngôn luận của nhân dân trong nước. Chúng tôi thực hiện cái quyền tự do báo chí, một thứ quyền rất là thiêng liêng và căn bản của con người mà bị nhà cầm quyền trong nước tước đoạt.
Quyền tự do báo chí này không phải bây giờ mới được thực thi ở trong đất nước do chúng tôi giành được như vậy, mà thật ra dưới chế độ thực dân Pháp, ở ngoài Bắc, ở trong Nam, ở miền Trung, chính cái chế độ hà khắc của thực dân Pháp và phong kiến trước đây họ đã tôn trọng quyền tự do báo chí của xã hội VN, của con người VN. Riêng ĐCS đã lợi dụng tự do báo chí đó để mà cướp chính quyền, đánh phá xã hội. Còn với VNCH tuy là cái chế độ này chỉ tồn tại hơn 20 năm, họ cũng đã tôn trọng quyền tự do báo chí của chế độ thời kỳ đó trong vòng hơn 2 thập niên.
Khi chế độ xã hội chủ nghĩa độc tài toàn trị được áp đặt lên cả nước, ở miền Bắc sau đó cả nước sau ngày 30/4, thì quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do thông tin, v..v.. của nhân dân bị tước đoạt sạch sẻ. Vì thế chúng tôi đã theo tấm gương của các vị linh mục trong Nam mà tôi vừa điểm danh với quý vị, đã xé rào mở toang cái bức màng sắt để mà giành quyền tự do báo chí.
Hơn 3 năm tồn tại của tờ báo này, chúng tôi cũng bị gây khó khăn rất nhiều như cắt internet, tịch thu máy điện thoại, đột nhập hộp thư, tịch thu báo chí. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tồn tại tiếp tục phát hành báo chí song song với mạng internet để cho đồng bào hải ngoại, dư luận quốc tế, bạn bè ở trong nước, ngoài nước biết đến. Chúng tôi đã tổ chức in ra để phát hành trong nước, tuy rằng bị công an và chính quyền theo dõi và ngăn cản. Vì thế cho nên nó chỉ ra đời sau tờ Tự Do Ngôn Luận mấy tháng thôi, nhưng chúng tôi hiện nay mới ra được 15 số và chuẩn bị số 16. Trong khi đó tờ Tổ Quốc của Nguyễn Thanh Giang ra đời cùng thời gian với chúng tôi, họ theo tấm gương của chúng tôi, đã ra được số 79 rồi. Tờ Tự Do Ngôn Luận thì ra đến số 91 rồi. Năm 2010 chúng tôi sẽ cố gắng bởi vì chúng tôi không có nhiều thuận lợi như các tờ báo bạn. Chúng tôi không được ai tài trợ, không được ai giúp đỡ về mặt kỹ thuật, về mặt phương tiện cho nên tất cả anh chị em chúng tôi phải tự làm lấy trong sự khó khăn gian khổ, nguy hiểm.
Chủ trương của tờ báo cũng như chủ trương của nhóm chúng tôi, trước hết là giành lại quyền căn bản và sơ đẳng nhất, đó là tự do báo chí, tự do thông tin, tự do phát biểu, tự do bày tỏ chính kiến. Trước mắt là như thế để góp phần nâng cao dân trí cho nhân dân trong nước, để đặt nền tảng cơ bản cho cuộc cách mạng dân chủ ở VN đạt đến thành công, đưa đến thắng lợi hoàn toàn.

TN: Dạ xin cám ơn ông. Trở về những nhân vật bị đưa ra xét xử, xin ông cho biết qua về sự hoạt động cùng với xu hướng đấu tranh của họ ra sao?
NKT: Trước khi đi vào trọng tâm câu hỏi, tôi phải nói toàn diện một cách tổng quát qua các vụ xét xử. Khi tôi đang nói chuyện với quý vị ở đây thì hiện nay chính quyền Hà Nội đang đem ra xét xử phúc thẩm 3 người, bởi vì họ đều có đơn kháng cáo. Theo quy định của luật tố tụng ở trong nước, sau khi xử sơ thẩm vào 10/2009, các anh Phạm Văn Trội, Vũ Hùng, nhà thơ Trần Đức Thạch, hôm nay họ phải chấp nhận các đơn kháng cáo của các bị cáo chính trị này. Sáng nay họ đã khai mạc xử nhà thơ Trần Đức Thạch và có luật sư Huỳnh Đông từ trong Dac Lac ra để bào chữa cho bị cáo này. Chiều nay họ sẽ xử anh Phạm Văn Trội. Sáng ngày mai sẽ xử anh Vũ Hùng. Trường hợp Trần Đức Thạch là án tù 3 năm theo điều 88. Cũng như anh Vũ Hùng và anh Phạm Văn Trội thì anh cũng có đơn kháng cáo và người anh vợ trong Nam ra đã giúp anh ấy làm đơn kháng cáo và thuê luật sư Huỳnh Văn Đông.
Nhưng điều đáng phê phán chính phủ Hà Nội ở đây là không tạo điều kiện cho luật sư Huỳnh Văn Đông được tiếp xúc nhà thơ Trần Đức Thạch, mà tới 2 lần vào tối hôm qua, giờ chót tôi liên lạc với Huỳnh Văn Đông thì cho biết là vẫn không hề được gặp. Phía công an trại giam Hỏa Lò, tại xã Tân Phương, Hà Nội, cách trung tâm thủ đô 13 cây số. Họ lấy lý do là tất cả giám đốc và phó giám đốc của trại giam này đều đi vắng. Đây là chuyện vô lý bởi vì trong bất cứ cơ quan công an hay quân đội nào cũng đều có lãnh đạo cả, bởi vì đó là những cơ quan lực lượng vũ trang. Các cơ quan dân sự còn có huống chi là cơ quan trại giam. Ngày tết, ngày lễ, những lúc nguy hiểm là lúc nào cũng có mặt lãnh đạo, hoặc là chánh hoặc là phó. Ở đây nhà cầm quyền Hà Nội họ tính toán là không muốn cho luật sư Đông tiếp xúc với anh Trần Đức Thạch, bởi vì họ đang cần bưng bít và phong toả anh Thạch rất nặng nề, 18 tháng nay anh ấy không hề gặp ai trong thân nhân, gia đình, không hề được biết về những diễn biến ở bên ngoài. Đây là việc vi phạm luật tố tụng nặng nề bởi vì là, theo quy định luật pháp trong nước, khi toà có xuất hiện vai trò của luật sư bào chữa thì phiá công an phải tạo điều kiện cho họ đọc hồ sơ, đọc cáo trạng, đọc thủ tục, tức toàn bộ hồ sơ vụ án. Ngoài ra còn phải tạo điều kiện cho luật sư được tiếp xúc với bị can, bị cáo để mà tìm hiểu, các chứng cứ, sự thật khách quan để mà phục vụ cho việc bào chữa, theo quy định của luật pháp cho phép.
Từ ngày 21 đến 22 họ sẽ xử phúc thẩm 5 nhà hoạt động dân chủ: nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Hải Phòng; ông Nguyễn Văn Tính; ông Nguyễn Mạnh Sơn; Ngô Quỳnh; và ông Nguyễn Văn Túc; cuối cùng là dân oan Nguyễn Thị Nhàn. Tất cả những người này đều có đơn kháng cáo. Nhấn mạnh 3 người là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Nguyễn Văn Tính, và ông Nguyễn Mạnh Sơn đều từ chối không nhờ và không thuê luật sư nữa, 3 người còn lại thì vẫn thuê luật sư.
Qua cuộc nói chuyện của tôi với lại chị Nga là vợ của ông Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng, thì nhận định của tôi là người có kinh nghiệm trong tù đày, tôi khẳng định rằng đây không phải là công an ngăn cấm là những người này không được thuê luật sư, mà ở đây chính họ đã thấy rằng là luật sư Vũ Hải bào chữa cho phiên toà sơ thẩm cách đây 3 tháng cho những bị cáo có thể là vai trò mờ nhạt, không có tác dụng, không có thuyết phục mấy, cho nên họ đứng ra tự bào chữa lấy.
Trường hợp Vũ Hùng tuyệt thực sau gần 1 tháng, đến ngày 31/10/2009, đã kết thúc cuộc tuyệt thực. Theo chị Tuyết Mai đã nói điện thoại với tôi cách đây 4 ngày cho biết là đã sụt gần hơn 30kg. Trước đây khi vào tù là hơn 60kg bây giờ còn độ nửa thôi. Riêng trường hợp của Phạm Thanh Nhiên, hiện nay tôi có nói chuyện với bà Lợi, mẹ cô Nhiên ở Hài Phòng, cho biết là phía toà án đã trả lại hồ sơ cho công an và viện kiểm sát. Điều này cho thấy chính phủ Hà Nội và công an họ tính toán là họ có khả năng chuyển đổi từ điều 88 sang tội danh là điều 258, tội ấy gọi là "lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước" để nhằm giảm đi áp lực của quốc tế, và dư luận trong và ngoài nước, đặc biệt là các tổ chức bảo vệ nhân quyền.
Các chính phủ yêu chuộng tự do, công lý trên thế giới chỉ trích nhà cầm quyền Hà Nội vẫn vận dụng điều 88 để đàn áp, khủng bố, trừng phạt những người bày tỏ chính kiến, phát biểu tự do, viết báo tự do. Cô Phạm Thanh Nhiên không tham gia đảng phái, không tham gia rải truyền đơn, mà cô chỉ là người viết báo cho bạn, ngồi thiền tại nhà, làm đơn xin phép chính quyền được biểu tình theo quy định của luật pháp, của hiến pháp trong nước, nhưng mà cô không những bị từ chối mà còn bị bắt giam. Trường hợp này đã làm cho chính phủ Hà Nội bối rối, có khả năng họ chuyển sang tội danh như tôi đã vừa mới nói.
Bây giờ tôi nói vụ 4 trí thức trong nước gồm có: Ls. Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long. Họ sẽ bị xét xử trong 2 ngày tới, với tội danh mà nhà nước gán cho họ là "vi phạm điều 79 bộ luật hình sự". Điều này được nói là có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, và bị phạt ít nhất là từ 12 năm đến chung thân. Sở dĩ chính phủ Hà Nội họ đưa những người này sang tội danh mới vi phạm điều 79 bởi vì có mấy lý do sau đây:
Thứ nhất, nhà cầm quyền truy tố những người này theo điều 88 là tội tuyên truyền chống nhà nước, bởi vì tất cả là thành phần của Đảng Dân Chủ VN, từ trung tá Trần Anh Kim và 4 người kia. Những người này đều tham gia viết bài phê phán ĐCS, đòi dân chủ hoá đất nước, đòi thay đổi chế độ chính trị sang đa nguyên đa đảng, sang tội danh mới thì sẽ giàm bớt áp lực chỉ trích của bên ngoài. Nếu bây giờ cứ tiếp tục kháng buộc những người này vi phạm điều 88 thì chắc chắn sẽ bị làn sóng chỉ trích và phê phán của các tổ chức bảo vệ nhân quyền, các chính phủ dân chủ bên ngoài,và dư luận hải ngoại lên án gay gắt.
Điều 88 thực chất là điều hình sự hoá các quyền tự do dân chủ để tước đoạt nhân quyền của nhân dân trong nước. Sang tội danh mới là "hoạt động lật đổ chính quyền" mà họ tự nhận là chính quyền của nhân dân, một nhà nước đang được cộng đồng quốc tế hơn 200 nước công nhận, có chân trong thành viên của Liên Hiệp Quốc, và nhiều tổ chức trên thế giới, họ cũng không yên ổn. Bởi vì tất cả hoạt động của các vị này cũng mang tính cách là mong muốn, hy vọng trong nước được chuyển đổi một cách ôn hoà sang đa đảng, đa nguyên, dân chủ. Thực ra, không có một ai trong nhóm này có chủ trương lật đổ ĐCS để lên tiếm quyền như ĐCS đã làm đối với các chế độ. Nhưng trong quá trình điều tra, tính toán của họ là nên chuyển đổi những người này

TN:
Thưa ông Nguyễn Khắc Toàn, trở về với chủ đích của buổi phỏng vấn hôm nay. Xét về chức vụ cũng như cuộc đời của những vị này, thì chúng ta thấy rằng họ là những nhân vật trí thức và thành công về nhiều mặt trong xã hội, và nhất là đối với XHCN thì kể ra, những vị này họ đã được nhà nước trong dụng, nguyên do nào dẫn đến sự thay đổi khuynh hướng mà vỗn dĩ họ đã từng được đào tạo, có thể nói là nó đã nằm trong máu của họ từ thời còn non trẻ dưới chế độ CS thưa ông?
NKT: Đúng như chị mới trình bầy từ Ls. Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung đều là những trí thức rất thành đạt. Ngoài những bằng cấp, những vị trí mà Lê Công Định hiện nay đang có đã được đào tạo, đã được ưu đãi rất nhiều. Gia đình Lê Công Định hiện nay cũng rất là giầu có, phải nói là hàng triệu đô la, hơn hẳn đồng bào hải ngoại bên ngoài, nhưng tại sao lại bước vào con đường gian nan nguy hiểm như thế để đánh đổi chông gai và đang bị tù đầy? Được học ở bên Pháp, khi trở về rất có nhiều công ty ở nước ngoài mời làm việc lương tháng cả hàng ngàn đô la. Lê Thanh Long cũng là chủ một cơ sở Tin học. Vợ cũng là chủ nhiệm khoa Toán Lý trường đại học khoa học Hà Nội bây giờ. Nhưng tại sao tất cả những người này không yên thân, không an phận thủ thường như những trí thức khác mà lại lao vào con đường nguy hiểm chông gai này. Đó chính là chỗ là họ không yên ổn, không yên tâm với cái tương lai mịt mù của dân tộc. Một đất nước không có dân chủ và tự do, nghèo khổ nhất trên thế giới, nợ nước ngoài, phân hoá giầu nghèo. Đa phần ở trong nước là những người lao động, mất ruộng đất, mất việc làm. Thanh niên thì sống không lý tưởng. Số người mà được những thành đạt, thu hái được những thành quả của cái công cuộc gọi là “đổi mới” thì phần lớn rơi vào đảng viên Đảng CS. Có những lương của những vị giám đốc hiện nay gần 300 triệu một tháng, tức vào khoảng gần 20.000 đô la. Trong khi đó đại bộ phận nhân dân hiện nay thu nhập bình quân chưa đầy 2 đô la một ngày. Con số đó hàng chục triệu người. Còn những người mà được hưởng những lương bổng lớn thì đấy. Nếu mà duy trì caí kiểu này thì chỉ làm lợi cho thiểu số rất ít ỏi, còn đại bộ phận nhân dân trong nước là không được hưởng gì.
Về mặt đạo đức xã hội thì tiếp tục bị suy đồi băng hoại. Cả nước sống trong một xã hội bị chế độ kềm kẹp, nhân quyền tự do dân chủ không có, các quyền con người căn bản bị tước đoạt, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do phát biểu, biểu tình, tự do ứng cử bầu cử. Một đất nước như thế thì làm sao có tương lai sáng lạn được? Làm sao có thể trở thành con rồng hay một cường quốc công nghiệp trong một hai chục năm tới được?
Các giới trí thức này chính họ đã biết con đường nguy hiểm như thế, họ bức xúc thấy cần phải thay đổi. Họ dấn thân vào để mà đấu tranh mong muốn là lịch sử ở VN là phải thay đổi. Có thay đổi thì đất nước này mới có tiền đồ mới có tương lai Phải có một thay đổi về thể chế chính trị, phải dứt khoát phải xoá bỏ chế độ chính trị lạc hậu, độc tài. Phải dân chủ hóa toàn bộ đời sống xã hội chính trị trong nưóc. Đó chính là động cơ họ có thể trở thành những người đi tiên phong để xé toang bức màn sắt kềm hãm sự phát triển của đất nước. Sự đóng góp của họ rất có ích không uổng phí đâu. Có rất nhiều những giới trí thức văn nghệ sĩ đã đấu tranh và đã bị những bản án tù đầy trong những phiên xử tới đây, và những chính trị trong toà án này chắc chắn sẽ là những phiên toà bất công, một phiên toà gian dối, một phiên toà độc tài toàn trị để hợp thức hoá những bản án tù đầy để đàn áp những tấm lòng, những khát vọng đòi dân chủ đòi nhân quyền trong nước mà thôi.

TN: Ông có cái nhìn thế nào đối với tình hình trong nước với những biến chuyển trong nước với tình hình chính trị biến chuyển hiện nay qua chính sách đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ cũng như các nhà lãnh đạo tinh thần các tôn giáo bị bách hại giống như vụ Đồng Chiêm mới xảy ra trong tuần qua?
NKT: Trong mấy năm gần đây ở trong nước đã diễn ra một cục diện mới. Trước đây thì những tiếng nói lẻ loi, cô đơn và ít ỏi. Trong những năm gần đây, kể từ khi Liên Xô sụp đổ, hệ thống XHCN tan rã thì tại VN đã rộ lên một làn sóng đối kháng, một làn sóng đấu tranh công khai của nhiều tầng lớp nhân dân. Gần đây nữa thì lại có thêm sự góp mặt của nhiều các phong trào đòi tự do Tôn Giáo của đồng bào giáo dân. Nó phản ảnh sự cáo chung về mặt lịch sử của chủ nghĩa CS, thể chế CS ở VN. Nhưng mà Đảng CSVN thì họ lại dựa vào lực lượng phương Bắc, lực lượng Trung Quốc để họ giữ và duy trì chế độ toàn trị này ít nhất là từ năm ‘91 đến nay. Thì đây là cố gắng trong tuyệt vọng của họ. Đây chính là cái dấu chỉ những lực lượng trong nước đấu tranh còn non yếu, nhưng mà cũng đang tìm mọi cách để cất lên tiếng nói đòi hỏi sự thay đổi trong nước. Và cái mảnh đất dưới chân đảng CS đã ngự trị năm sáu chục năm nay trên giải đất VN hình chữ S này và tôi tin rằng thời gian lịch sử sẽ không ủng hộ Đảng CSVN. Từ nay, tuy là Đảng CSVN có nắm toàn bộ trong tay lực lượng Công an, Quân đội, hệ thống tư pháp, viện kiẻm sát, toà án, nhà tù, ở hệ thống pháp luật độc đoán và bất công, nó cũng giống như các chế độ độc tài khác trên thế giới. Cái ổn định ấy cũng chỉ là giả tạo và nhất thời mà thôi.
Sự ra tay của nhà cầm quyền đang xét xử các nhà đối kháng tại Hà Nội và những thành phố khác tại VN và những vụ đàn áp quyền Tự Do Tôn giáo và nổi bật nhất là Giáo xứ Đồng Chiêm, vụ Tam Toà, giáo xứ Thái Hà, vụ Tu viện Bát Nhã, chính là dấu chỉ cái sự tấn công, cái sự lúng túng, cái sự hoảng sợ của nhà cầm quyền mà thôi. Tôi xin trả lời như vậy.

TN: Qua suy nghĩ của ông và ý kiến của ông thì để mà thay đổi cái thể chế CS theo ông thì những người ở Hải ngoại và đặc biệt là những vị Dân cử ở hải ngoại ở trong chính quyền Hoa Kỳ, họ có thể làm được gì đối với công cuộc đấu tranh cũng như làm thay đổi thế chế ở trong nước của chúng ta ngày nay thưa ông?
NKT: Như quí vị đã biết hiện nay ở Hoa Kỳ và ở nhiều nơi trên thế giới có nhiều đồng bào chúng ta tị nạn định cư sinh sống đã có nhiều những trí thức tham gia chính quyền, tham gia bộ máy công quyền ở những nước đó. Ở Hoa kỳ nói riêng thì đã có nhiều Dân biểu và gần đây thì đã có một vài Dân biểu Liên bang. Chúng ta đã có một cái lợi thế là đã có chân, đã có những vị trí, đã có những tiếng nói trong chính quyền ở Hoa Kỳ và lại là người Việt nói tiếng Việt hiểu biết về VN đây là một cái lợi thế nhưng mà trong lợi thế này chúng ta cũng xử dụng lợi thế này để đấu tranh cho dân tộc ta đất nưóc ta, nhưng mà cũng cần đòi hỏi phải có bản lĩnh, phải có kinh nghiệm, phải có một cái trình độ và cái trí tuệ thật tốt thật vững vàng. Chính quyền và Đảng CSVN ở trong nước họ cũng biết điều này. Trước đây thì họ coi thường cái khối Cộng đồng người VN ở hải ngoại. Họ vẫn coi đó là thành phần đã phải bỏ nước ra đi. Nhưng bây giờ họ đã thấy được cái khối cộng đồng người Việt này là một tài sản cũng rất là quí gía về mặt con người về mặt nhân lực, nâng cấp trình độ năng lực và có những vị trí đóng góp cho những quốc gia sở tại, kể đến cả những tiềm năng kinh tế của đồng bào ở những quốc gia sở tại nữa. Theo ý kiến của tôi các Dân biểu tiểu bang, các Dân biểu liên bang, các Nghị viên ở các thành phố bên Hoa Kỳ nói riêng và các nước khác như ở Úc ở Âu châu nói chung, thì hãy cố gắng tranh thủ vị trí của mình để cất lên tiếng nói góp phần cho đại cuộc. Cố gắng đưa được tiếng nói, hình ảnh, diễn biến đấu tranh ở trong nước, để cho chính giới ở nuớc sở tại, cái nơi mà mình đang tham gia chính quyền tham gia vào những cơ quan lập pháp để cho nhân dân chính phủ các nước đó hiểu biết một cách cụ thể về bản chất và chính nghĩa cuả cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ và nhân quyền của phong trào trong nước. Mong các cường quốc dân chủ đó cụ thể như Hoa Kỳ, Úc Châu, Âu Châu có nhiều những hậu thuẫn hơn nữa cho các phong trào đấu tranh trong nước.
Chúng ta cũng phải giải thích cho bạn bè, cho chính phủ các chính giới ở các nước bên đó hiểu biết được những thủ đoạn, những phương cách của nhà cầm quyền trong nước, tìm mọi cách để phá hoại để đánh phá để chia rẽ để ly gián và phản ảnh không đúng về thực trạng xã hội VN. Ví dụ như vụ Đồng Chiêm vừa rồi họ tìm mọi cách để chối bay chối biến tìm mọi cách để giải thích với các Chính phủ yêu chuộng tự do phủ nhận hoàn toàn là không có chuyện đó. Việc mà cho báo chí hải ngoại biết sự thực về những vụ việc này thì chúng ta còn có nhiệm vụ là cho dư luận nước đó biết rõ về cuộc đấu tranh, biết cái sự dối trá của nhà cầm quyền trong nước như thế nào trước những bằng chứng tang chứng vật chứng, sự thật ở Đồng Chiêm như thế nào? Đấy là những lợi thế của đồng bào hải ngoại, những vị đã tham gia các cơ quan lập pháp ở bên đó.

TN: Trong những lời cuối thì ông có muốn nhắn gửi điều gì đến đồng bào của chúng ta ở hải ngoại thưa ông?
NKT: Tôi cũng được một hai lần nói chuyện với DB Trần Thái Văn. Ông vốn là một luật sư và tôi cũng là người mà đựơc trực tiếp ông Trần Thái Văn tình nguyện sang VN, sang Hà Nội để bào chữa cho tôi trong phiên toà năm 2002 khi tôi bị bắt. Nhưng mà đáng tiếc chính phủ Hà Nội đã tìm mọi cách ngăn cản, không cấp visa nhập cảnh và không chấp nhận ông Trần Thái Văn có mặt trong cái phiên toà ở VN như thế. Tôi tin chắc rằng là Chính phủ Hà Nội, Đảng CS Hà Nội biết rất rõ ông Trần Thái Văn hơn ông Cao Quang Ánh; biết rõ ông TrầnThái Văn là một ngưòi có bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm hoạt động chính trường sâu sắc hơn những vị khác, thì họ sẽ tìm mọi cách để ngăn cản sự có mặt của ông trong các cuộc tranh cử vào Hạ Nghị Viện Liên Bang trong kỳ tranh cử tới đây, là một người rất là nhiệt tình ủng hộ cho cái cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ cho VN. Nếu chúng ta không tỉnh táo trong việc này, chính chúng ta sẽ tạo ra một cái sự thiệt hại, một thiệt thòi cho cuộc đấu tranh, bởi vì cái tiếng nói rất là có uy tín và có trọng lượng. Chính đảng CSVN ở trong nước rất ngại. Chắc chắn cái sự có mặt của DB Trần Thái Văn ở Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ cũng sẽ có một sức thuyết phục, một sức mạnh đấu tranh. Qua làn sóng và qua cuộc phỏng vấn tôi gửi lời thân thiết nhất tới DB Trần Thái Văn và tôi chúc DB Trần Thái Văn gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp chính trị của mình, để đóng góp nhiều hơn nữa trong công cuộc đấu tranh trong nước. Xin tạm biệt và xin chào tất cả.

TN: Xin rất cảm ơn nhà báo Nguyễn Khắc Toàn đã dành chút thì giờ qúi báu của ông để đến với quí thính giả của chương trình VHM hôm nay. Mong sẽ có dịp khác nữa để trao đổi thêm với ông về những vấn đề chung của người VN trong và ngoài nước.



No comments: