Saturday, January 23, 2010

Điểm Phim : THE LIVES OF OTHERS

The Lives of Others
Hoàng Thạch Quân
29-04-2007
http://www.minhbien.org/?p=68
Giả sử bạn là người đại diện cho luật pháp và bạn nắm trong tay một bản báo cáo mà nội dung của nó có thể kết thúc toàn bộ sự nghiệp, và có thể là cả cuộc đời, của một con người. Giả sử bạn biết rằng đó là một con người tốt, liệu bạn có dám hủy bỏ bản báo cáo và tìm cách che chở cho con người tốt kia? Trong những điều kiện nào thì bạn có thể làm được một hành động anh hùng như vậy? Và bạn cần có những phẩm chất nào để trước hết trong đầu bạn có thể nảy sinh ‎ý định cứu người thay vì xem đó như là một cơ hội thăng tiến nghề nghiệp? Để trả lời hai câu hỏi trên đạo diễn Đức Donnersmarck đã cho ra bộ phim đầu tay nhan đề The Lives of Others. Phim đoạt giải thưởng Oscar dành cho phim nước ngoài hay nhất năm 2006 và đoạt các giải thưởng điện ảnh Đức dành cho đạo diễn xuất sắc nhất, diễn viên chính xuất sắc nhất, diễn viên phụ xuất sắc nhất và kịch bản xuất sắc nhất năm 2006. Ngoài ra phim còn được trao tặng một số giải thưởng quốc tế khác
tổng cộng là 33 giải. Tôi xếp bộ phim này vào danh sách những bộ phim hay nhất qua mọi thời đại.
(Chú ý: Phần bình luận, phân tích tiếp theo có thể tiết lộ một số chi tiết hấp dẫn của bộ phim.)

Không phải ngẫu nhiên mà năm 1984 được chọn làm bối cảnh cho bộ phim The Lives of Others. Năm năm trước khi bức tường Berlin phân chia nước Đức thành hai bị phá vỡ và 7 năm trước khi nước Liên Xô cũ bị sụp đổ, nước Đông Đức của năm 1984 có những đặc điểm giống như nước Oceania trong tác phẩm
1984 của nhà văn Orwell. Mọi sinh hoạt hàng ngày của hàng triệu người dân Đông Đức cùng với đời sống tinh thần của họ nằm dưới giám sát chặt chẽ của cơ quan an ninh Stasi (tương tự như cơ quan FBI hay KGB). Với 90,000 nhân viên chính thức cộng với 170,000 người dân Đông Đức làm việc không chính thức dưới dạng điềm chỉ viên –do tự nguyện hay bị cưỡng ép– Stasi có trách nhiệm thực hiện các chương trình nghe lén, theo dõi và giám sát suốt ngày đêm những phần tử bị xem là “kẻ thù của chủ nghĩa xã hội”. Do đặc điểm nghề nghiệp đòi hỏi phải được tự do suy nghĩ, tự do sáng tác và do những mối liên hệ không thể không có với giới văn chương phương Tây, toàn bộ giới văn nghệ sĩ Đông Đức nằm dưới ống kính kiểm soát của Stasi.

Georg Dreyman là đứa con cưng của nền văn học Đông Đức. Anh là nhà văn đoạt giải thưởng quốc gia và nhà văn Đông Đức duy nhất sót lại còn được đọc ở phương Tây. Trung thành với chủ nghĩa xã hội, lại là bạn của bà bộ trưởng bộ Giáo dục kiêm phu nhân của Tổng bí thư Đảng, Dreyman hoàn toàn có thể tin rằng mình sẽ được Stasi để yên. Không may thay, người bạn gái xinh đẹp Christa, nữ diễn viên chuyên đóng các vai chính trong các vở kịch của anh, lại là mục tiêu nhòm ngó của một vị bộ trưởng đầy thế lực. Dưới sự chi phối của nhục dục, cộng thêm khả năng thao túng quyền lực không có người kiểm soát, vị bộ trưởng quyết định dùng bộ máy anh ninh Stasi để loại bỏ Dreyman và chiếm đoạt Christa. Theo lệnh của ông ta, các nhân viên Stasi gài đặt thiết bị nghe lén và theo dõi căn hộ của Dreyman cùng người bạn gái suốt 24/24 với hy vọng sẽ tìm được một bằng chứng nào đó để buộc tội Dreyman.

Đại úy Gerd Wiesler, nhân viên sở Stasi, được đặc trách phân công theo dõi căn hộ của Dreyman. Là một người lạnh lùng, điềm tĩnh, với một bộ óc phân tích nhạy bén, Wiesler có biệt tài tra khảo những người bị Stasi bắt giam cho đến khi ý chí kháng cự của những con người đáng thương ấy hoàn toàn bị hắn bẻ gãy. Lần đầu tiên nhìn thấy Dreyman trong kịch trường, hắn đã không có thiện cảm. Cao lớn, đẹp trai, có tài và được sự ưu ái của Đảng, cuộc sống của anh quá hạnh phúc, quá “sạch”. Chẳng bù với cuộc sống tẻ nhạc, nhàm chán và “bầy hầy” của Wiesler. “Một kẻ kiêu căng”, hắn nhận xét với cấp trên. “Nếu ai cũng như anh ta thì tôi sẽ thất nghiệp”.

Vào cái ngày Dreyman nhận được tin báo người bạn thân nhất của mình, Jerska, một đạo diễn sân khấu kịch đầy tài năng đã tự tử, niềm tin tưởng và lạc lac quan của Dreyman về một nước xã hội chủ nghĩa Đông Đức tốt đẹp vỡ tan thành từng mảnh. Vì một lỗi lầm về ý thức hệ, Jerska đã bị đình chỉ công việc và bị cấm không được tham gia vào các hoạt động sân khấu. Từ một người chỉ biết sống và cống hiến cho nghệ thuật, Jerska trở thành một người sống vất vưởng, thừa thãi bên lề sân khấu kịch nghệ trong suốt bảy năm trời. Với một người cả đời theo đuổi cái đẹp của nghệ thuật, 7 năm trời sống không được làm nghệ thuật chẳng khác nào sống mà không có trái tim. Sau 7 năm làm một cái xác không hồn, tự tử đối với Jerska chẳng qua là cách để đưa cái xác không hồn của mình về đúng nơi của nó.

Sau cái chết của người bạn, Dreyman quyết định viết một bài báo về nạn tử tự ở Đông Đức và bí mật đưa nó sang Tây Đức để in. Bài báo mở đầu như sau:
Ủy ban Thống Kê Nhà nước thu thập các số thống kê về mọi thứ, họ biết hết mọi thứ. Họ biết mỗi năm tôi mua bao nhiêu đôi giày, hàng năm tôi đọc bao nhiêu cuốn sách, và bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp với điểm 10. Nhưng có một con số mà họ không thống kê, có lẽ vì con số ấy khiến họ – những con người của giấy má và số liệu – cũng cảm thấy đau lòng: đó là số người tự tử. […] Kể từ năm 1977 đất nước chúng ta đã không còn thống kê xem có bao nhiêu trường hợp tự tử nữa. “Tự giết chết bản thân”. Họ gọi hành động đó là như vậy. Nhưng hành động này chẳng có liên quan gì đến “giết chết” ai cả. Giết người đòi hỏi phải có sự hăng máu và giận dữ. Đối với những con người tự kết liễu đời mình, hành vi của họ không hăng máu mà cũng chẳng giận dữ. Hành vi của họ chỉ thể hiện sự chết dần, chết mòn của hy vọng. Cách đây 9 năm, khi đất nước chúng ta không còn thống kê về các trường hợp tự tử, chỉ có một nước châu Âu khác có tỉ lệ tự tử cao hơn chúng ta: đó là nước Hungary.

Để hoàn thành bài báo trên, Dreyman cần có sự giúp đỡ của một vài người bạn. Họ chọn căn hộ nơi Dreyman ở làm nơi họp mặt và thảo luận về bài viết. Trong khi đó Wiesler nghe và ghi chép lại tất cả những gì Dreyman và những người bạn bàn thảo. Vào cái ngày định mệnh quyết định con đường công danh, sự nghiệp tương lai của y, Wiesler bước vào phòng làm việc của cấp trên Grubitz, một người bạn học cũ thời đại học mà đến giờ vẫn còn mang mặc cảm thua kém y về điểm số, với một bản báo cáo trong tay. Đối với Wiesler những gì nằm trong bản báo là bước khởi đầu dẫn đến những nấc thang cao hơn trên con đường chức vụ và quyền lực, nhưng đối với Dreyman nó sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp –và có thể là cả cuộc đời– của Dreyman.

Trớ trêu thay, trước khi Wiesler có thể trình bày lý do tại sao hắn cần gặp Grubizt thì Grubizt lôi ra một bản luận văn tiến sĩ được thực hiện dưới sự hướng dẫn của y có tiêu đề “Terms of Imprisonment for Political/Ideological Dissidents of the Art Scene”. Không bỏ lỡ một cơ hội để xoa dịu mặc cảm tự ti thua kém thời đại học, Grubizt hào hứng thuyết giảng cho Wielser nghe về cách thức xử lý những văn nghệ sĩ như Dreyman. “Không đưa ra xét xử trước công chúng. Giam biệt lập hoàn toàn, không cho nạn nhân biết sẽ bị giam giữ bao lâu, không cho tiếp xúc với bất cứ ai, cho dù là lính canh trại giam. Không hành hạ, không ngược đãi, không tạo ra một scandal nào để sau này nạn nhân có thể dùng làm tư liệu để viết. Mười tháng sau, thả nạn nhân ra. Hiệu quả thu được là không có một ai trong số được thả ra còn muốn viết hay sáng tác hay vẽ vời gì nữa.” Vẫn với vẻ mặt lạnh lùng cố hữu, cặp mắt của Wiesler như dán chặt vào người bạn-cấp trên của mình, rồi cặp mắt hắn bỗng chuyển hướng nhìn xuống dưới. Hình như Wiesler đang cố hình dung ra số phận của Dreyman sẽ ra sao nếu anh ta bị giam giữ theo phương pháp của Grubizt.

Khi Grubizt ngừng khoe khoang và quay sang hỏi Wiesler lý do nào Wiesler cần gặp y, Wiesler lúc này đã không còn là Wiesler lúc trước khi bước vào phòng. Có một điều gì đó đã xảy ra khiến Wiesler nhận ra rằng hắn và Grubizt không thể cùng đứng chung một phía. Thay vì giao nộp Dreyman cho Statsi để được thăng chức, Wiesler quyết định bao che và cứu Dreyman. Đây là bước ngoặt quyết định toàn bộ cuộc đời còn lại của Wiesler. Chuyện gì đã xảy ra bên trong thế giới nội tâm của Wiesler? Động cơ nào khiến hắn từ bỏ một cơ hội thăng tiến nghề nghiệp ngàn năm có một để cứu một người mà hắn chẳng có mấy cảm tình? Động cơ nào khiến hắn chuyển từ một kẻ chuyên bắt giam và tra khảo những người chống đối chế độ thành người che dấu và bảo vệ cho một nhà văn chống đối chế độ? Có phải đó là thái độ hào hứng của Grubizt khi đề cập đến cách trừng phạt những con người bằng xương bằng thịt như chính hắn? Có phải vì vẻ mặt thoả mãn và tự hào của Grubizt trong khi khoe khoang phương pháp xử lý “khoa học” của y đối với những văn nghệ sĩ chống đối? Thật ra, tất cả những thay đổi bên trong Wiesler không diễn ra một cách đột ngột, bất thình lình trong văn phòng của Grubizt, chúng đã xảy ra một cách thầm lặng và từ tốn trong suốt thời gian y ngồi nghe trộm và theo dõi trộm cuộc sống của Dreyman và Christa.

Wiesler khác với Grubizt ở chỗ hắn vẫn còn chưa hoàn toàn đánh mất hết lương tri; vẫn còn một tâm hồn biết rung động trước cái đẹp của chân, thiện, mỹ. Lần đầu tiên khi thấy Christa diễn xuất trên sân khấu, vẻ mặt Wiesler sững sờ. Sắc đẹp cùng khả năng diễn xuất tuyệt vời của cô làm hắn rung động. Nhưng tình cảm hắn dành cho Christa không phải là thứ tình cảm của nhục dục. Sau khi chứng kiến cảnh Christa bước ra từ xe hơi của vị bộ trưởng và phần nào đoán được nguyên nhân tại sao, Wiesler quyết định phá bỏ nguyên tắc nghề nghiệp của mình bằng cách can thiệp vào cuộc sống riêng giữa Christa và Dreyman để đưa cô quay trở lại vòng tay của Dreyman. Sự rung động của Wiesler trước Christa là sự rung động trước Cái Đẹp, cái đẹp của một tâm hồn, cái đẹp của nghệ thuật.

Lần thứ hai người xem bắt gặp nét mặt sững sờ, bàng hoàng trên khuôn mặt vốn vô cảm của Wiesler là lúc y nghe Dreyman chơi bản sonat “Appassionata” của Beethoven. Rõ ràng âm nhạc của Beethoven đang gây ra một cơn xáo trộn dữ dội trong tâm hồn y. Khi bản nhạc chấm dứt, Wiesler nghe Dreyman hỏi Christa, mà cũng như hỏi chính y: “Nếu một người nào đó lắng nghe bản nhạc này, thật sự là lắng nghe, thì liệu họ còn có thể tiếp tục làm người xấu được nữa hay không?” Khi Wiesler rời khỏi phòng nghe và bước vào thang máy để rời khỏi toà nhà, y gặp một đứa bé chừng 4-5 tuổi trên tay cầm một trái banh. Đưa bé ngây thơ hỏi y: “Có phải bác làm việc cho Stasi không?” “Cháu có biết Stasi là gì không?” y hỏi lại. Đứa bé vẫn ngây thơ trả lời: “Có chứ. Bố cháu bảo đó là những người xấu chuyên bắt nhốt người khác lại.” Phản ứng đầu tiên của y, một nhân viên an ninh bị lăng nhục là hỏi đứa bé: “Thế tên của bo …”, nhưng y đã kịp ngưng lại khi chưa hỏi hết câu và sửa lại thành: “Thế tên của quả bóng của cháu là gì?” Hình như âm nhạc của Beethoven và sự ngây thơ của trẻ con đang làm thay đổi bản năng bắt bớ và trừng phạt vốn ăn sâu trong con người y từ bao lâu năm.

Sau khi nghe và chứng kiến Grubizt hào hứng huyên thuyên về phương pháp xử lý những con người như Dreyman, Wisler bỗng nhận rõ đâu là lằn ranh giới giữa người tốt và người xấu và chỗ đứng của hắn là bên phía nào của lằn ranh giới. Wiesler không còn con đường nào khác ngoài việc tiếp tục bảo vệ Dreyman để bí mật của anh khỏi bị khám phá. Số phận của Wiesler giờ gắn liền với số phận của Dreyman. Nếu Dreyman bị phác giác là tác giả của bài báo chống đối chế độ và Wiesler bị phác giác là đã dấu diếm và bao che cho Dreyman, cả hai sẽ có chung một số phận tại trung tâm hỏi cung của Stasi. Nhưng rồi các sự kiện diễn ra tiếp theo đã tách số phận của hai người ra và đưa cuộc đời mỗi người đi riêng một ngã. Bí mật của Dreyman không bị phát hiện và cuộc sống anh vẫn được an toàn. Bí mật của Wiesler không bị phát hiện nhưng Grubizt đủ cáo già để đoán biết Wiesler đã ra tay cứu Dreyman. Wiesler bị gián chức và đưa về làm việc tại bộ phận thấp kém nhất trong cơ quan Stasi: ngồi mở thư người dân để kiểm tra xem những ai có tư tưởng chống đối chế độ. Năm năm sau, bức tường Berlin bị phá bỏ.

Hai năm sau khi nước Đức thống nhất, Dreyman tình cờ biết được đã có người ra tay cứu anh khỏi vòng tù tội. Anh tìm đọc lại hồ sơ lưu trữ của Stasi và biết được người cứu giúp mình là ai. Dreyman lên xe đi tìm Wiesler và bắt gặp Wiesler đang bình thản làm công việc của một nhân viên đưa thư bình thường trên đường phố. Dreyman định bước ra khỏi xe và tiến về phía Wiesler để cám ơn người đã cứu giúp, nhưng anh bỗng thay đổi ý định.

Hai năm sau nữa người xem bắt gặp Wiesler vẫn đang bình thản làm công việc của một nhân viên đưa thư bình thường trên đường phố. Wielser đi ngang qua một hiệu sách và thấy áp phích quảng cáo tác phẩm mới được xuất bản của Dreyman. Y bước vào hiệu sách và tìm thấy tác phẩm mới của Dreyman có tựa đề: “Bản Sonat Dành Cho Những Người Tốt”. Bên trong, ở trang đầu y bắt gặp dòng chữ: Viết tặng HGW XX/7, với lòng tri ân. HGW XX/7 là bí số của nhân viên an ninh Satsi Gerd Wiesler. Wiesler cầm sách và bước về phía quầy trả tiền. “Ông có muốn gói nó làm quà không?” “Không”, Wiesler đáp, “Cuốn sách này là dành riêng cho tôi”. Wiseler biết mình đã không sai lầm khi quyết định làm người tốt. Người ta không có gì phải hối hận khi làm một người tốt.

Thông qua nhân vật Wiesler đạo diễn Donnersmarck muốn gởi đến khán giả một thông điệp về tầm quan trọng của âm nhạc và nghệ thuật: chúng có khả năng làm thay đổi ý thức hệ cứng nhắc và chuyển hóa sự tàn bạo bên trong con người.

Để chấm dứt, tôi xin tiết lộ một thông tin thú vị khác về bộ phim. Đạo diễn Donnersmarck
nảy sinh ý tưởng làm bộ phim từ một câu nói của Lênin khi nghe bản sonat Appassionata của Beethoven. Câu nói của Lênin được nhân vật Dreyman trích dẫn trong phim như sau: “Tôi không thể nghe bản nhạc này quá nhiều, nếu không tôi sẽ không thể hoàn thành cuộc cách mạng được”. Có thể đọc thêm thông tin về câu phát biểu gốc của Lênin ở đây. Và nghe Arrau chơi bản Appassionata của Beethoven ở đây.


VIDEO :
Những mảnh Đời Kẻ Khác – The Lives of Others (vimeo.com).
http://www.vimeo.com/8168038



No comments: