Sunday, January 17, 2010

NHỮNG TÍNH TOÁN VỀ TRUNG QUỐC

Những tính toán về Trung Quốc
The Wall Street Journal
Đăng ngày 17/01/2010 lúc 02:41:05 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4515

Cái giá và những vấn nạn của một thị trường có 1.3 tỉ người tiêu thụ

Đối với nhiều Tổng Giám Đốc, Trung Quốc (TQ) được xem như miền đất của những cơ hội vĩ đại. Bù lại, làm ăn tại đây cũng chứa đựng nhiều cản trở và khó khăn, thường đi đôi với hoạt động kinh doanh tại những quốc gia kém phát triển – Hệ thống luật pháp khắt khe và tùy tiện, tham nhũng và vô số những hành động nước đôi. Vậy thì sự hiện diện tại thị trường TQ cùng với những lợi ích của nó có lớn hơn những phí tổn phải chấp nhận không? Gần đây, hai trường hợp liên quan đến một doanh nghiệp lớn và một doanh nghiệp nhỏ cho thấy câu trả lời có lẽ là “Không”.

Trường hợp của doanh nghiệp lớn là Google. Vào ngày thứ ba 12.01, công ty (cty) này vừa tuyên bố có nhiều xác suất sẽ rút chân khỏi TQ. Lý do là vào tháng 12.2009 đã có những cuộc tấn công vào miền Google.cn. Theo cty Google, mục đích của những cuộc xâm nhập này là để đánh cướp các sở hữu trí tuệ và để đánh phá những trương mục địa chỉ điện thư của những nhà hoạt động cho nhân quyền tại TQ, Âu Châu và Mỹ. Đồng thời, và có lẽ đây không là một trùng hợp ngẫu nhiên, Google cũng cho biết cảm thấy hổ thẹn vì đã hợp tác với Bắc Kinh vào năm 2006 để sàng lọc những “ngôn ngữ truy tìm” và có được giấy phép hoạt động tại xứ này. Giám đốc pháp lý của Google đã viết trên trang blog của cty: “Chúng tôi đã quyết định chấp dứt hành động kiểm duyệt những hoạt động của Google.cn”.

Những đắn đo như trên dễ dàng được thoả đáp khi Google đã không thu nhập nhiều lợi tức tại TQ. Baidu, đối thủ của Google trên thị trường TQ, chiếm khoảng 60% thị phần của ngành truy tìm trên mạng. Google chỉ có được một phần ba thị phần. Nếu chỉ dựa trên tiêu chuẩn của Google và địa vị áp đảo của cty này trên những thị trường khác, tỉ lệ 1/3 thật là tí hon. Ngay trong tình hình này, mặc dù thị trường TQ có 338 triệu người sử dụng Internet (trong đó khoảng 30 triệu người dùng trương mục Gmail), địa vị của Google tại TQ chỉ mang lại khoảng vài trăm triệu lợi nhuận hàng năm, chỉ là cái móng tay so với mức thu nhập toàn cầu của cty: 22 tỉ USD.

Google phải nhận lãnh một phần trách nhiệm của kết quả khiêm tốn này tại TQ. Khuôn dạng và cách trình bày của cty Baidu thích hợp hơn với mẫu tự Trung Hoa. Tên “Google” cũng gây nhiều phiền phức trong cách phát âm quan thoại. Bí quyết thành đạt của Google trên thế giới chưa chắc đã áp dụng được tại TQ. Mỗi thị trường là một hiện tượng cá biệt.

Tuy nhiên phần lớn của vấn đề liên quan mật thiết với môi trường kinh doanh TQ và với vai trò của chính quyền trong đời sống kinh doanh. Trang nhà của Google thường bị tắc nghẽn. Baidu không bị hiện tượng này vì cty này có quan hệ mật thiết với chính quyền. Năm 2006, Google đã bỏ ra 1.65 tỉ USD dưới dạng cổ phiếu để mua Youtube, một cty chuyên về trưng bày và chia sẻ phim ảnh cá nhân. Tuy nhiên Google chẳng khai thác được dịch vụ này tại TQ. Giới chức kiểm duyệt TQ đã ngăn cấm sinh hoạt của Youtube vào tháng 03 vừa qua.

Ngoài ra, hợp tác với một chính quyền hung hãn như TQ cũng đem lại nhiều rủi ro cho thanh danh của Google tại Mỹ và Châu Âu. Hãy lấy Yahoo làm gương. Ban quản lý của cty Yahoo đã phải điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ sau khi đã giao nộp cho ngành an ninh TQ, vào năm 2004, các địa chỉ của những nhà đối kháng.

Làm như vậy để được gì? Sinh hoạt kinh doanh của Yahoo tại TQ là một thảm bại. Tiền hô hậu ủng bước vào thị trường TQ vào năm 1999, Yahoo đã phải bán chi nhánh Trung Hoa cho Alibaba (một cty nội địa có liên hệ bè phái với chính quyền) vào 2005. Yahoo chỉ còn 39% phần hùn trong một liên doanh có quyền sử dụng thương hiệu “Yahoo”. Trên thị trường truy tìm, thị phần của Yahoo lơ lửng ở mức độ rất thấp. Vào tháng 08 vừa qua, Alibaba đã công bố một chương trình tách rời dịch vụ quảng cáo, và chuyển sinh hoạt này vào một liên doanh khác của Alibaba.

Google chỉ là một trường hợp đáng chú ý, và một trường hợp gần đây nhất, nói lên sự lưỡng lự của một doanh nghiệp vì không xác định được rằng thị trường TQ có đáng để quan tâm hay không. Google không phải là một trường hợp lẻ loi. Rất nhiều cty đã xông xáo nhảy vào TQ và cũng có nhiều xí nghiệp vừa rút chân ra.

Ở một mức độ khiêm tốn hơn là trường hợp của Cybersytter. Cybebersitter, đặt bản doanh tại Santa Barbara-California, sản xuất nhu liệu ngăn chặn hay sàng lọc những trang mạng (website) mang tính cách khiêu dâm. Cty này đang khởi đơn kiện chính phủ TQ vì cho rằng nhu liệu của chính phủ TQ (Green Dam Youth Escort) đã sao chép lại gần 3000 biên mã của cty Cybersitter. Cybersitter đòi 2.2 tỉ USD tiền bồi thường cho hành vi bất hợp pháp này.

Có quyền đặt nghi vấn về nền tảng pháp lý của trường hợp Cybersitter. Nhưng bằng cách đâm đơn tố tụng, cty Cybersitter đã hành động một cách táo bạo và sẽ làm cho TQ khó xử. Để trả đũa, chắc chắn Bắc Kinh sẽ khó có thể cấm đoán sản phẩm của Cybersitter được lưu hành. Dưới sự quản lý của một gia đình, cty Cybersitter sẵn sàng chấp nhận rủi ro bị trả đũa. Bà Jenna DiPasquale, giám đốc nghiên cứu thị trường, đã cho biết: “Chúng tôi không lo sợ mất đi một thân chủ như TQ”.

Trong 12 năm qua, Cybersitter đã bán nhiều lắm là 15000 nhu liệu trên thị trường TQ, so với số lượng đã được bán trên toàn thế giới (từ 4 đến 5 triệu). Cty ước lượng rằng phí tổn vì không dám bảo vệ biên mã của nhu liệu sẽ cao hơn nhiều so với sự hiện diện tại TQ.

Trong ngắn hạn, có thể nhà chức trách Bắc Kinh sẽ không lo lắng gì về những trường hợp trên. Tự nó, nền kinh tế TQ đang phất mạnh mặc dù, hay nhờ vào, hiện tượng sao đi chép lại những bí quyết kinh doanh và những sở hữu trí tuệ. Đi xa hơn, có thể suy luận rằng việc Google không thành công tại TQ chứng minh rằng TQ không cần Google.

Nhưng về lâu và về dài, những lập luận và thái độ trên còn có giá trị không? Nói một cách khác, nền kinh tế TQ có khả năng trưởng thành được hay không khi sự thành công hay thất bại của các cty như Google và Cybersitter không dựa vào năng khiếu? Ở mức độ phát triển hiện nay của TQ, phải cần thêm một thế hệ nữa để có thể đưa ra câu trả lời nhất định. Tuy nhiên lịch sử của kinh tế cho ta thấy rằng TQ đang đi lầm đường. Trong lúc đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tự hỏi về cái giá họ phải trả để có thể chào hàng ở một thị trường với 1.3 người tiêu thụ.

Joseph Sternberg –
Nguồn: The Wall Street Journal. Ngày 14/01/2010
Nguyễn Huy Đức chuyển ngữ


© Thông Luận 2010



No comments: