Sunday, January 17, 2010

3 NGÀY, 5 VỤ ĐÌNH CÔNG

3 ngày, 5 vụ đình công
Saturday, January 16, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=106966&z=2
SÀI GÒN (NV) - Ba ngày xảy ra 5 vụ đình công ở nhiều nơi tại Việt Nam mà liên quan chính yếu tới tiền lương và sự bóc lột sức lao động quá đáng.

Theo nguồn tin của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam (UBBV) cho báo Người Việt biết, vào ngày Thứ Tư, khoảng 8,000 công nhân tại công tyTaekwang Vina sản xuất giày Nike ở khu công nghiệp Biên Hòa II đã đình công. Theo công nhân tại đây cho thành viên của tổ chức Phong Trào Lao Ðộng Việt hay, lý do họ đình công là do nhiều giọt nước làm tràn ly.
Công nhân tên Thủy nói với UBBV rằng, “Mấy tháng nay, công ty bắt công nhân làm thêm giờ, chúng em làm kiệt sức mà tiền thu nhập cũng vẫn là 1 triệu 7 như cũ, không tăng. Ðã thế, tháng nào cũng trả trễ lương vài ba ngày, làm chúng em phải vay mượn hoặc nhịn đói trong mấy ngày đó. Trong năm cứ mỗi khi phát lương thì chủ giữ lại gần 10% để đến dịp Tết thì trả lại cho công nhân, gọi là tiền thưởng Tết, hoặc là lương tháng thứ 13. Họ đã giữ lại của mỗi người cả triệu đồng nhưng năm nay họ không trả lại bằng tiền, mà chỉ đưa một phần quà đáng giá 64 ngàn, trong đó có một ít đường, muối, nước mắm. Chúng em uất ức quá, chịu không nổi nữa.”
Một công nhân khác, tên Thảo, nói rằng công nhân đã yêu cầu cán bộ của công đoàn nhà nước đòi công ty tăng lương, nhưng cán bộ công đoàn nhà nước lờ đi, không can thiệp. Theo cô Thảo thì đó là vì họ do “Ðảng đặt, chủ nuôi,” việc của họ là để “ngăn ngừa đình công chứ không phải để bênh vực cho công nhân.”
Mấy ngày qua, cán bộ công ty và cán bộ công đoàn nhà nước đang dò tìm để phát hiện những ai đã tổ chức đình công, hầu trừng phạt họ.


Phong Trào Lao Ðộng Việt nói trên là một tổ chức kết hợp nhiều công nhân đứng lên tranh đấu cho quyền lợi lao động, họ phối hợp với Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam để đưa tin tức ra ngoài về những bóc lột áp bức tràn lan tại Việt Nam.
Cuộc đình công tại TaeKwang Vina (vốn 100% Hàn Quốc) đã kéo sang ngày thứ hai và đây không phải là lần đầu tiên xảy ra đình công.

Theo bản tin tờ Tuổi Trẻ, ngày 14 Tháng Giêng, 2010, công nhân Công ty TNHH Hason Vina (Khu công nghiệp Tân Ðịnh, huyện Bến Cát, Bình Dương), cho biết chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn và không trả lương cho công nhân. Công nhân Nguyễn Văn Nam nói, “Công ty nợ lương, bảo hiểm xã hội đã nhiều tháng khiến cuộc sống của công nhân rất khổ cực. Cả ba anh em chúng tôi làm chung một công ty, nay đều không dám về tết.”
Tờ Tuổi Trẻ dựa vào báo cáo của các ngành chức năng tỉnh Bình Dương, cho hay hiện công ty còn nợ ba tháng lương của gần 700 công nhân với khoảng 1,1 tỉ đồng và gần 1,8 tỉ đồng tiền bảo hiểm xã hội. Công ty còn nợ ngân hàng khoảng 100 tỉ đồng. Nhà cầm quyền địa phương “sẽ tạm ứng ngân sách hơn 1.1 tỉ đồng để trả lương, tạo điều kiện cho công nhân về quê ăn tết.”

Theo báo Thanh Niên, sáng ngày 15 Tháng Giêng, 2010, “gần 500 công nhân thuộc bộ phận Gò - Thành phẩm, Xí nghiệp 2, Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Hữu Nghị (đóng tại Khu công nghiệp An Ðồn, quận Sơn Trà, TP Ðà Nẵng) đã đồng loạt đình công do công ty không rõ ràng về tiền lương và chế độ đãi ngộ.”
Nguồn tin nói, “Hầu hết bức xúc của các công nhân xoay quanh việc họ không rõ cách chi trả mức lương căn bản cũng như đơn giá thành phẩm ngoài giờ mà họ làm được.” Ðây là công ty quốc doanh được bán lại cho tư nhân.

Theo báo Người Lao Ðộng, ngày 14 Tháng Giêng, 2010, khoảng 500 công nhân Công ty TNHH DongBang (100% vốn Hàn Quốc ở Sài Gòn “đã ngừng việc vì bị ép tăng ca quá nhiều, chất lượng bữa ăn kém; công ty chưa trả tiền phép năm, chưa công bố thưởng cuối năm.”

Trước đó, ngày 12 Tháng Giêng, 2010, theo tờ Người Lao Ðộng “hơn 150 công nhân Công ty Nhật Lâm (quận Gò Vấp-Sài Gòn) đã ngừng việc.”

Công nhân cho hay, “đến nay, dù đã trễ hẹn gần một tuần nhưng công ty vẫn chưa thanh toán lương Tháng Mười Hai, 2009. Những lý do khác của cuộc đình công, theo nguồn tin, là “công ty vẫn chưa thông báo điều chỉnh lương tối thiểu, không giải quyết phép năm 2009 và chậm công bố thưởng Tết.”
Càng đến ngày Tết, các cuộc đình công dễ xảy ra hơn khi chủ nhân các xí nghiệp không sòng phẳng trong khi người lao động cần tiền nhiều hơn.


No comments: