Thursday, January 21, 2010

MỘT KÝ ỨC ĐẸP về TRẦN HUỲNH DUY THỨC

Một ký ức đẹp về Trần Huỳnh Duy Thức
Phương Nam (riêng cho Người Việt)
Wednesday, January 20, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107170&z=1

16 năm tù, chỉ vì muốn quê hương trở nên tốt đẹp hơn

LTS.
Ngay sau khi phiên xử các nhà dân chủ, gồm Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Ðịnh, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung kết thúc, Tòa Soạn Người Việt nhận được bài viết của một độc giả “quen biết với Trần Huỳnh Duy Thức” từ hồi còn ở Việt Nam. Bài viết bao hàm một số kỷ niệm xưa, cảm động. Xin giới thiệu cùng độc giả.

***

Tôi quen Thức trong công việc, và rồi trở thành “anh em.”
Thức nhỏ tuổi hơn tôi, nên gọi tôi bằng “anh,” nhưng về tài năng, Thức xứng đáng là thầy tôi.
Tôi cảm nhận được tài năng ngay từ buổi đầu gặp gỡ Thức ngay tại công ty của em. Dáng người thư sinh, mảnh khảnh. Thức là người hiền hòa.
Tôi thích, và khâm phục Thức không phải ở sự thành đạt của Thức, mà ở lòng nhiệt thành. Tôi nhớ mãi cái bắt tay đầu tiên với bạn, và tôi cảm được sự trân trọng của một tổng giám đốc rất trẻ.
Nhiều người thừa nhận, rằng chính Thức và công ty của anh đã mang lại hơi thở công nghệ thông tin cho Sài Gòn, và cả Việt Nam, ngay từ thời lãnh vực này còn rất sơ khai tại Việt Nam.
Hiểu theo nghĩa ấy, chính Trần Huỳnh Duy Thức là người mở cánh cửa hội nhập với thế giới tự do, bằng chính tài năng và bản lĩnh của Thức, và của EIS, OCI.

Chúng tôi có một kỷ niệm chung. Xin kể lại với các bạn.

Lâu rồi, khi phái đoàn cựu Tổng Thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam, một buổi gặp gỡ được tổ chức tại Saigon Solfware Park ở đường Trương Ðịnh. Người dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ là Ðại Sứ Peterson cùng phu nhân, là bà Lê Vi. Phía Việt Nam tham dự khá đông, gồm rất nhiều giám đốc, tổng giám đốc các công ty, doanh nghiệp tiếng tăm, trong đó có người bạn trẻ của tôi: Trần Huỳnh Duy Thức.

Mở đầu buổi gặp gỡ, ông đại sứ Peterson “xin phép có đôi lời.” Ông bắt đầu bằng một câu chuyện bất ngờ:
“Kính thưa quý vị. Trước khi chúng ta cùng ngồi bàn luận để bắt tay hợp tác thương mại với nhau, tôi muốn kể một câu chuyện nhỏ ngoài lề. Mới hôm qua đây thôi, ngài Tổng Thống của chúng tôi (Bill Clinton) đến thăm một cơ quan lớn của Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội. Ông bất ngờ tiếp xúc một người lính bảo vệ của phía Việt Nam. TT Clinton hỏi người lính, thông qua thông dịch viên, “Ông nghĩ sao về người Mỹ chúng tôi?” Và thật ngạc nhiên, người lính trả lời rất nhanh, “Thà tôi mất ngàn người bạn còn hơn được một kẻ thù!” Một câu trả lời rất nhanh và rất ngắn mang nhiều thù hận khiến tổng thống của chúng tôi ngỡ ngàng. Ông Tổng thống rất buồn, và đã chia sẻ điều ấy với tôi. Và ngay hôm nay, tôi có một điều muốn nhắn nhủ cùng tất cả quý vị ở đây: nếu ai cũng có ý nghĩ như người lính kia thì xin đừng ngồi trong khán phòng này với chúng tôi, bởi lòng thù hận sẽ không thể nào trở thành tình thân hữu.”

Câu chuyện của Ðại Sứ Peterson kết thúc. Không một tiếng vỗ tay. Sự im lặng bao trùm căn phòng rộng lớn.

Tôi có mặt trong căn phòng ấy, vào lúc ấy, và tôi nhớ rõ đã quay sang nhìn Trần Huỳnh Duy Thức. Thức nhìn về phía tôi, nháy mắt, vừa thân tình vừa đồng cảm.

Buổi hội thảo kết thúc, Thức đã về từ lúc nào. Bỗng dưng, tôi nhận được một tin nhắn qua điện thoại. Tin nhắn của Thức. Tôi không nhớ chính xác lời nhắn, nhưng nhớ rõ ý, “Không biết chừng nào Việt Nam mới hết những người lính căm thù!”

Nhiều năm trôi qua, hôm nay lại được tin của Thức, qua Tivi, báo, đài. Bạn tôi, em tôi, cũng là thầy tôi, hôm nay trở thành tội phạm ngay trên chính quê hương mình.

Trần Huỳnh Duy Thức bị kết tội nặng nhất, 16 năm tù, chỉ vì muốn quê hương anh trở nên tốt đẹp hơn.



No comments: