Saturday, January 16, 2010

NGHĨ GÌ VỀ PHIÊN TOÀ SẮP XÉT XỬ

Nghĩ gì về phiên tòa sắp xét xử.
Nguyễn Mai Hồng
Gửi tới BBC từ TP Hồ Chí Minh
Cập nhật: 13:38 GMT - thứ bảy, 16 tháng 1, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/01/100116_dissidents_trial.shtml
Những ngày này, đi đâu tôi cũng đều nghe giới “nhà báo” trong nước bàn luận với nhau về phiên tòa xét xử các nhà hoạt động dân chủ: Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long.
Theo thông báo chính thức trên trang mạng điện tử Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, lịch xét xử đã được sắp xếp diễn ra trong hai ngày 20 và 21 tháng 01-2010.
Người ủng hộ Đảng và Nhà nước cho rằng những người đấu tranh dân chủ đã chưa lường trước được sự việc và hậu quả khi mà nền chuyên chính vô sản vẫn là thế lực mạnh “ra tay”. Một khi họ bị “chạm nọc” sự thật, chuyện đấu tranh dân chủ sẽ bị hình sự hoá và trở nên tội phạm là chắc chắn.
Những người ủng hộ thì cho rằng các nhà hoạt động dân chủ là những người dám hi sinh tất cả, từ thời gian, tiền của cho đến công việc, gia đình... để đi theo lý tưởng cá nhân đã chọn. Lý tưởng ấy cũng đồng thời phù hợp với mong muốn của mọi xã hội và xu thế thời đại.
Những người trung lập thì cho rằng mặc dù biết là vậy, nhưng khi đang sống trên đất nước mà Đảng cộng sản cai trị, thì tốt nhất nên lấy câu châm ngôn “im lặng là vàng” làm phương châm sống, miễn cưỡng làm theo những gì mà chính quyền họ muốn phải làm.

Chân dung các nhà hoạt động dân chủ
Nhưng trước hết, chúng ta hãy nhìn lại chân dung những người sắp ra tòa.

Luật sư Lê Công Định
nguyên quán ở Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), tốt nghiệp cử nhân luật Đại học Tổng Hợp trong nước 1989.
Năm 1997, ông giành được suất học bổng ngành Luật của trường đại học Tổng hợp Pantheon - Assas (Pháp) và du học tại đó. Năm 1999, ông sang Mỹ học cao học ngành luật ở Đại học Tulane - Columbia.
Cuối năm 2002, ông là thành viên Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, thành viên hội đồng đại diện cho Việt Nam - Hiệp hội Luật sư Châu Á - Thái Bình Dương, thành viên Quỹ nghiên cứu Biển Đông.
Luật sư Định đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như: giảng dạy về luật Việt Nam cho sinh viên quốc tế trong chương trình trao đổi giữa khoa luật Đại học Cần Thơ và Pantheon - Assas, luật sư thành viên Công ty DC Lawyers, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ chí minh, và trước thời điểm bị bắt làm việc tại Công ty luật Lê Công Định.

Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung sinh ngày 16/9/1983, nguyên quán ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - một vùng quê giàu truyền thống yêu nước.
Trung theo cha mẹ chuyển về ở số 6/1 Nguyễn Cảnh Dị, Phường 4, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Là thanh niên trưởng thành khi đất nước đã thống nhất, Trung được học tập và rèn luyện dưới mái trường XHCN.
Tại Trường chuyên Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh), mười hai năm liên tục Trung là học sinh giỏi, Cháu ngoan Bác Hồ. Năm 2002,
Trung du học tại Đại học INSA (Institut National des Siences Appliquees) theo chương trình học bổng của Chính phủ Pháp. Những năm học ở đây, Trung còn nhận được học bổng Effeil dành cho sinh viên nước ngoài xuất sắc.
Tháng 6-2007, anh đã tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ thông tin tại INSA và trở về nước, làm việc cho một hãng máy tính Pháp.

Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức là kỹ sư tin học - Giám đốc Công ty cổ phần internet một kết nối O.C.I.
Những năm đầu thập niên 2000, công ty điện thoại internet do ông thành lập và điều hành đã được coi là điểm sáng trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam, có nhiều bước đột phá, đầu tư sang các nước trong khu vực và Hoa Kỳ.
Ông còn là blogger Trần Đông Chấn, tác giả của nhiều bài phân tích kinh tế sắc sảo được giới bloggers đánh giá cao.

Doanh nhân Lê Thăng Long
tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, chuyên ngành viễn thông. Trước khi bị bắt, anh được biết đến như một doanh nhân rất thành công tại Việt Nam. Anh còn là người phụ tá đắc lực cùng Trần Huỳnh Duy Thức khởi xướng Phong trào Chấn Hưng nước Việt.

Đặc quyền xét xử?
Rõ ràng, tất cả các nhà dân chủ nói trên là những công dân tốt, hiểu biết sâu sắc về pháp luật Việt Nam và thế giới. Họ là những người có học, được đào tạo ở môi trường tiến bộ và hết lòng vì sự phát triển dân tộc.
Chuẩn bị bước vào phiên tòa, những đảng viên của Đảng Dân Chủ - chính đảng thượng tôn pháp luật từng sát cánh với Đảng cộng sản khai sinh nhà nước dân chủ sau 1945, đang phục hoạt và được nhiều người ủng hộ, lấy đấu tranh ôn hòa thông qua đối thoại làm căn bản.
Thật bất công khi một đảng này lại được quyền xét xử một đảng khác!

Dư luận cũng đang đặt câu hỏi: việc Đảng Cộng sản đem thành viên của Đảng Dân Chủ ra “xét xử” và việc hình sự hóa các hoạt động chính trị ôn hòa, trong khi chính phủ luôn tuyên bố Việt Nam không giam giữ tù chính trị và nhà nước bảo đảm thực hiện xã hội công bằng, dân chủ theo hiến định… vậy thì sự thật, công lý, lương tâm và đạo đức của lãnh đạo Nhà nước được hiểu như thế nào?

Điều này còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam khi đảm nhận những chức vụ quan trọng trong khu vực và tại Liên Hiệp Quốc.

Thời điểm hiện nay năm 2010, đã mở đầu thế kỷ 21 - thế kỷ hội nhập và toàn cầu hoá, kiểu toà án kangaroo, bản án đã nằm trong túi sẵn như cách đây hàng thế kỷ hoàn toàn không phù hợp với những gì Nhà nước Việt Nam đã cam kết với nhân dân và cộng đồng quốc tế.

Với phiên toà xét xử Trần Anh Kim đã kết thúc, thêm phiên toà sắp mở ra với thực trạng trên, dư luận trong và ngoài nước sẽ tiếp tục nhận định gì về pháp luật Việt Nam?
Chúng ta có thể cảm thông quá khứ nhưng dứt khoát không thể lấy quá khứ làm tiêu chuẩn áp đặt mãi tạo ra trì trệ tương lai.
Ai phạm tội và phạm tội gì, xin cứ để cho luật pháp quốc tế ngày nay và cả “bia miệng - bia đời” của đạo lý đất nước mấy nghìn năm văn hiến Việt Nam phán xét!

___________________________

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.


No comments: