Tuesday, January 19, 2010

CHÍNH QUYỀN CẦN PHẢI BIẾT KHOAN DUNG

Chính quyền cần phải biết khoan dung
Việt Hoàng
Đăng ngày 18/01/2010 lúc 16:59:14 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4518
600 năm về trước, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã từng nói:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo…

Nguyễn Trãi không chỉ nói lên chính nghĩa của thời đại mình mà ông còn để lại cho hậu thế bài học quan trọng rằng để chiến thắng và thành công thì phải có chính nghĩa và tấm lòng bao dung. Đó cũng là phép xử thế của bất cứ chính quyền tử tế nào, từ các chế độ phong kiến ngày xưa cho đến các chế độ dân chủ nhất trên thế giới ngày hôm nay.

Các chính quyền thu phục được nhân tâm sẽ quản lý xã hội tốt hơn là dùng bạo lực để trấn áp hay đe doạ người dân. Trong binh pháp xưa hay chính sách ngoại giao hiện đại thì cũng phải theo nguyên tắc “tiên lễ, hậu binh”, đàm phán không được mới dùng đến vũ lực. Giải pháp dùng sức mạnh luôn là lựa chọn sau cùng khi không còn lựa chọn nào khác.

Phép trị dân cũng vậy, chính quyền phải “hướng dẫn”, chỉ bảo cho người dân biết cái hay cái phải để mà hành xử trong cuộc sống, “trừng phạt” luôn là “bất đắc dĩ” và là biện pháp cuối cùng. Chính quyền cần phải biết kiên nhẫn, lắng nghe và thuyết phục người dân để đi đến đồng thuận.

Lẽ đời là như vậy, nhưng các chế độ cộng sản thì lại khác. Học thuyết cộng sản đề cao tính “chuyên chính vô sản”, “đấu tranh giai cấp” và “tập trung dân chủ”…Chính vì vậy họ không có các khái niệm “nhân nghĩa” hay “bao dung” như vừa nói ở trên. Với cộng sản chỉ có một biên pháp duy nhất là nếu không nghe theo họ thì sẽ bị “đàn áp”. Mao Trạch Đông có câu nói để đời là “Chân lý nằm trên đầu họng súng”.

Chính quyền cộng sản Việt Nam tuy đã cầm quyền hơn 60 năm và mặc dù đang sống ở thế kỷ 21 nhưng tư duy và cách hành xử của họ đối với người dân vẫn không thay đổi. Họ vẫn không thừa nhận các tiếng nói đối lập, họ vẫn không biết khoan dung và tha thứ. Cách hành động của họ vẫn không khác các chế độ phong kiến bạo ngược ngày xưa chút nào.

Tất cả những ai không đồng tình với họ đều bị “bêu riếu”, “bôi bẩn” “lăng mạ” sau đó là “bắt bớ và tù đày”. Ông Trần Anh Kim vừa bị kết án 5 năm rưỡi vì tội “lật đổ chính quyền cách mạng”. Ngày mai các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long cũng sẽ ra toà với tội danh trên. Đồng thời các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Hữu Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh, Vũ Hùng, Phạm Văn Trội và Trần Đức Thạch sẽ được phúc thẩm với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”.

Cứ theo quan điểm của nhà nước mà cho những người này là “có tội” đi chăng nữa thì việc gán ghép cho họ những tội danh hết sức vô lý như vậy có làm cho hình ảnh của chính quyền sáng sủa lên được tí nào không? Liệu có thuyết phục được những người dân khác tin vào lời kết án đó không? Tôi nghĩ là không! “Tuyên truyền” dù là “chống nhà nước” thì cũng không phải là tội. Nhà nước suốt ngày này qua ngày khác “tuyên truyền” cho chủ nghĩa xã hội, cho học thuyết Mác-Lê nin, cho tư tưởng Hồ Chí Minh, cho con đường đi lên cộng sản (mà không ai biết là ở đâu và bao giờ thì tới được) thì có ai kết tội họ đâu? Giả sử những người yêu nước bị bắt và kết án trên có “tuyên truyền” cho một xã hội dân chủ “hoang tưởng” thì cũng không vì thế mà bỏ tù họ được.

Khi bị chỉ trích quá nhiều trong những phiên toà vô lý đó nhà nước Việt Nam đã đổi tội danh cho họ thành “Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Lời kết tội này lại càng hài hước và lố bịch hơn nữa. Những người bị bắt chỉ có vài người với vài trang tài liệu và với vài tên xưng (của các tổ chức không phải ai cũng biết đến) mà có thể “lật đổ chính quyền nhân dân” thì quả là không còn gì để nói! Những người bị bắt không hề có quân đội vũ trang, họ không có các chiến khu, không có vũ khí, không đe doạ tính mạng của ai, họ cũng không tấn công vào công sở nhà nước, thậm chí họ cũng chưa từng một lần kêu gọi dùng bạo lực…thì làm sao có thể kết tội họ là “lật đổ chính quyền”?

Một chế độ luôn tự hào là đã đánh thắng các cường quốc trên thế giới như Pháp, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, một chế độ “của dân do dân vì dân” và là chế độ luôn có “chính nghĩa sáng ngời” lại có thể bị vài người dân “lật đổ” được hay sao? Và nếu không thì tại sao lại kết án họ nặng nề thế? Chẳng lẽ chính quyền mất hết tự tin đến như vậy? Giả sử những người bị bắt này có sai thì hãy để dư luận người dân phán xét, chính quyền cần phải biết bao dung, tha thứ.

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ kinh tế đến chủ quyền đất nước, Việt Nam cần làm cho thế giới tin tưởng để hậu thuẫn và giúp đỡ Việt Nam. Việc kết án những người đối lập với những bản án nặng nề đi ngược lại các cam kết của Việt Nam với thế giới sẽ khiến chính quyền Việt Nam trở nên “không giống ai”, và đồng thời cũng đi ngược với những giá trị đạo đức của ông cha để lại.

Bất cứ một chính quyền nào cũng phải biết thương dân, biết bao dung và tha thứ.

Những người bị bắt và kết án trên đều là những người yêu nước, trăn trở mong muốn cho đất nước thay đổi tốt đẹp hơn. Họ đều là những người có học thức, có tâm hồn cao quí, dám xả thân vì lý tưởng của mình. Họ là những tấm gương sáng cho mọi người học tập. Thay vì kết án họ chính quyền hãy trả tự do cho họ. Nhân dân Việt Nam sẽ phải mang ơn những người dám đấu tranh cho lẽ phải và công bằng.

Những người bị bắt đều có thể sống một cuộc sống “bình thường” thậm chí là tốt hơn rất nhiều so với nhiều người khác. Họ đấu tranh không vì bản thân họ mà vì tất cả mọi người, một mai khi đất nước có dân chủ thì tất cả mọi người dân Việt Nam đều được hưởng chứ không chỉ mình họ. Nếu không có sự dấn thân và hy sinh của họ thì biết bao giờ đất nước mới thay đổi? Họ là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Hãy dành cho họ những tình cảm trân trọng và yêu mến thay vì bàng quan và vô cảm.

Chính quyền Việt Nam đáng ra cũng phải vui mừng vì có những người dám nghĩ dám làm, dám ưu tư và lo lắng cho tương lai của đất nước. Một quốc gia mà mọi người sống trong đó đều thờ ơ, bàng quan và vô cảm với chính trị, với mọi chuyện ở xung quanh thì quốc gia đó sẽ không có tương lai. Dân tộc đó luôn phải cúi đầu trước các dân tộc khác.

Nếu Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là đảng cầm quyền thì những người bị bắt này thay vì kết án, sẽ được tôn vinh. Họ sẽ có một chổ đứng xứng đáng trong lòng dân tộc Việt Nam.

Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

© Thông Luận 2010




No comments: