Wednesday, January 20, 2010

DÂN OAN : NẠN NHÂN của LUẬT ĐẤT ĐAI

Dân oan: nạn nhân của luật đất đai?
Gia Minh, phóng viên RFA
2010-01-20
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Victims-of-injustice-and-land-dispute-turn-up-nationally-01202010125050.html
Nhìn lại thập niên đầu của thế kỷ 21 tại Việt Nam, nhiều người dân từ mọi miền đất nước thường lên tiếng kêu ca về tình trạng bị thu hồi đất đai-tài sản.
Tình cảnh này dần dần đã hình thành nên hoạt động khiếu kiện của những người dân bị chính quyền các cấp xử oan, nhất là trong việc thu hồi đất đai- tài sản, trở thành một phong trào qui tụ nhiều người từ mọi miền đất nước về ngay tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để kêu chính quyền trung ương giải quyết.

“Dân Oan”
Tra cứu những tự điển Tiếng Việt do các nhà xuất bản trong nước mới phát hành gần đây, từ ‘dân oan’ vẫn chưa thấy có.
Tuy nhiên trên thực tế khi đến tại khu vực trước phòng tiếp dân tại 110 Cầu Giấy, Hà Nội hay ở đường Võ Thị Sáu tại thành phố Hồ Chí Minh, người ta thấy có những người đang ngày này qua ngày khác cầm đơn để khiếu nại về những oan khuất mà họ quả quyết do chính quyền từ cấp địa phương gây nên cho họ.
Vào tối ngày 15 tháng giêng vừa qua, chúng tôi liên lạc được một số người đang tạm trú tại vườn hoa ở số 2 Thụy Khuê, Hà Nội và họ lại bày tỏ nguyên nhân khiến họ phải bỏ nhà cửa, người thân để ra tận Hà Nội, ăn chực- nằm chờ kêu nài chính quyền trung ương giải quyết những oan sai mà họ phải gánh chịu bao năm qua.
Đa số những người dân oan đều nêu ra nguyên nhân chủ yếu là chính quyền địa phương thu hồi đất đai- tài sản của họ một cách bất minh, rồi chia chác sử dụng bất hợp lý mà những khiếu nại của họ không được giải quyết; thậm chí còn xử ức cho họ.

Một người Ninh Bình trình bày: "Đã đến năm thứ năm rồi, gia đình chúng tôi phải ăn tết ở trên này (Hà Nội). Họ cưỡng chế di dời gia đình chúng tôi để trồng công viên cây xanh, và số tiền bồi thường không ‘ăn thua’. Cụ thể gia đình tôi có 33 mét mặt đường đất thổ cử, 40 mét mặt đường đất nông nghiệp, tổng cộng đất của gia đình 1320 mét vuông."

Một lão bà ngoài 80 tuổi từ tỉnh Khánh Hòa ở miền Trung nói về trường hợp của gia đình bà: "Tôi khiếu kiện từ năm 1990 cho đến nay về vấn đề hợp tác xã lấy đất ruộng, bò của gia đình tôi. Tôi đã khiếu kiện đến bốn cấp từ xã, huyện, tỉnh đến trung ương; thế nhưng chưa có cấp nào giải quyết cho chúng tôi."

Một người quê Bạc Liêu cho biết việc thu hồi đất đai có mồ mả của tổ tiên gia đình anh và rồi không được trả lại: "Chính quyền ‘cướp’ đất mà gia đình chúng tôi cho mượn làm nghĩa trang từ hồi chiến tranh. Sau khi giải tỏa nghĩa trang chính quyền không trả đất lại cho gia đình và rồi cũng không đền bù, buộc lòng chúng tôi phải ra Hà Nội nằm đây."

Có người vì đấu tranh chống tham nhũng nơi làm việc để rồi lại bị trù dập, quá uất ức phải đi khiếu kiện. Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Hiệu từ tỉnh Tuyên Quang: "Tôi là công chức nhà nước công tác 31-32 năm rồi và nghe lời Đảng Cộng Sản chống tham nhũng nên bị kỷ luật và sa thải. Họ còn đuổi tôi ra khỏi chổ ở. Dù họ có kỷ luật những người mà trong cuộc chống tham nhũng tôi tham gia nêu ra; nhưng lại không trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho tôi."

Đủ mọi thành phần
Những người dân oan đi khiếu kiện trong thời gian qua gồm đủ mọi thành phần. Ngay cả những người được cho là có công đối với cách mạng, cũng trở thành dân oan nhưng chuyện kể của bà Nguyễn Thị Vân, từ Nam Sách, Hải Dương:
Gia đình tôi là gia đình liệt sĩ. Tôi viết câu ‘Người hy sinh, đất mất luôn, than ôi Đảng thấu nổi buồn này không?!. Gia đình tôi rất khổ, giờ chỉ còn túp nhà 12 mét vuông. Họ lấy đất của chúng tôi rồi bày mưu thế nào không ra quyết định trả đất, mà giờ thì có những gia đình khác xây nhà ngay trên đất nhà của chúng tôi.

Ông Vũ Khải ở Ninh Bình là người từng tham gia quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết: "Tôi là bệnh binh, phải nằm ở đây. Các ông ấy quá đáng quá, làm sai quá."

Những người chịu cảnh oan sai không chỉ là dân thường, mà cả những cơ sở tôn giáo cũng gặp trường hợp tương tự không kể nhà chùa hay nhà thờ, dòng tu.
Giáo xứ Thái Hà mà ai cũng biết với vụ với khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng, và Hồ Ba Giang. Linh mục Nguyễn Văn Khải, phát ngôn nhân cho biết:
Họ không dựa trên những cơ sở và bằng chứng pháp lý để đối thoại; trong thực tế họ cố tình ém nhẹm, phủ nhận những bằng chứng hiển nhiên chứng minh quyền sử dụng đất Hồ Ba Giang của Nhà Thờ…
Thế rồi như câu chuyện khá ly kỳ của Dòng Thánh Phao Lồ ở thị xã Vĩnh Long.Vào năm 1977 chính quyền địa phương bắt các nữ tu rời khỏi cô nhi viện mà họ đang sở hữu, hoạt động với lý do nuôi trẻ mồ côi để lớn lên chống phá cách mạng. Những nữ tu phụ trách bị giam giữ.
Nay nhà dòng yêu cầu chính quyền tỉnh Vĩnh Long phải sửa sai và trả lại cơ sở cho họ, thế nhưng nơi đó đang được xây dựng thành công viên..

Lập luận của chính quyền
Những người dân oan tỏ ra bức bách, phẫn uất vì cách giải quyết của các cấp chính quyền. Có những người suốt mấy mươi năm qua đi khiếu kiện vẫn chưa đi đến kết quả gì bởi các cấp chính quyền từ cơ sở đến trung ương đùn đẩy qua lại:
Họ nói thuộc quốc hội, rồi lại chuyển sang Ủy ban Ngân sách giải quyết; nhưng tất cả không giải quyết, nơi này chỉ sang nơi khác, chúng tôi cứ ngồi chờ vậy…Nếu chúng tôi làm gì thì ‘các ông ấy’ nói chúng tôi chống đối, đi gây rối mất trật tự công cộng, và có thể bắt bỏ tù. Trong chiến đấu chúng tôi không ngại, mà nay cứ làm gì sai phạm là bị cho vào tội khác…

Thái độ giải quyết của những cơ quan thẩm quyền cũng làm người bị oan khiên bức xúc: "Phải nói thẳng ra là các cơ quan có thẩm quyền vô trách nhiệm đối với dân. Họ lấy sức mạnh quyền uy của nhà nước để trấn áp dân, chứ không có lương tâm."

Hồi tháng 7 năm 2007, chừng 500 người dân oan từ gần 20 tỉnh, thành ở khu vực phía nam tập trung tại văn phòng hai Quốc hội Việt Nam để lên tiếng yêu cầu giải quyết những oan sai mà họ phải chịu.
Thế nhưng sau gần một tháng giăng biểu ngữ và nằm tại đó, chính quyền đã huy động mọi lực lượng đến giải tán, và cưỡng bức đưa dân oan thuộc tỉnh nào về tỉnh đó. Biện pháp này cũng chẳng khác mấy khi chính quyền dẹp cuộc biểu tình của người nông dân tỉnh Thái Bình hồi năm 1997.

Tuy vậy trong số đó có những người vẫn cương quyết bám trụ tại Hà Nội để kêu oan, dù phải đói khát, ngủ ở vườn hoa, hằng ngày đi làm thuê, làm mướn hay nhặt rác, xin ăn.
Tôi già không còn làm mướn được nữa thì đi xin ăn để theo kiện cho bằng được.
Bà con 62 tỉnh thành ra đây giờ khó khăn, người thì đi nhặt rác, người thì làm thuê, làm mướn. Già cả mà cũng phải cố gắng để theo kiện đến cùng.

Mong mỏi thật đơn giản của họ là được trả lại những gì thuộc quyền sở hữu của họ:
Tài sản, nhà cửa đất đai đều bị thu sạch, nay 18 quyền cơ bản của người dân cũng bị mất. Chúng tôi có nguyện vọng là các cấp lãnh đạo giải quyết theo đúng luật pháp để chúng tôi có được những quyền con người.

Vào đầu năm nay, tại cuộc họp Ủy ban Trung ương Phòng chống Tham Nhũng, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ bức xúc trước nạn chính quyền địa phương thu hồi đất của dân và chia chác cho nhau.
Những người dân oan vẫn còn nuôi niềm hy vọng những quan chức chính phủ như ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ biến bức xúc như ông nói tại hội nghị phòng chống tham nhũng thành hành động cụ thể để nổi oan của họ được giải tỏa.
Nếu ước vọng đó sớm thành sự thật thì hẳn trong tương lai từ điển Tiếng Việt không cần phải cập nhật từ dân oan nữa.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.





No comments: