Tuesday, March 17, 2009

TỪ CHẾ ĐỘ TOÀN TRỊ SANG THỂ CHẾ DÂN CHỦ (3)

Từ chế độ toàn trị sang thể chế dân chủ
Gene Sharp


Chương Hai
Những Hiểm Nguy Trong Vấn Đề Thương Thuyết

Khi đương đầu với những vấn đề gay go như chạm trán với chế độ toàn trị (như đã khảo sát ở Chương Một), một vài người lầm lạc lại sa vào tình trạng tuân phục tiêu cực. Người khác, không thấy viễn tượng đạt đến dân chủ, có thể rút kết luận họ phải chịu chấp nhận chế độ toàn trị hầu như hiện diện thường trực, mong muốn với phương tiện “hòa đàm”, “thỏa hiệp” và “thương thuyết”, họ có thể cứu vớt một vài yếu tố tích cực và chấm dứt bạo hành. Bề mặt, vì thiếu nhãn quan thực tiễn, lối suy nghĩ này có hấp lực.

Cuộc đấu tranh quan trọng chống lại chế độ toàn trị bạo tàn không cho thấy một viễn tượng êm ả nào. Tại sao lại phải đi vào con đường này? Chẳng lẽ không có ai biết suy nghĩ và tìm cách đối thoại, tìm phương cách chấm dứt từng bước một chế độ toàn trị ? Chẳng nhẽ các nhà dân chủ không thể kêu gọi lòng nhân ái thường tình của kẻ độc tài và thuyết phục họ giảm thiểu từng giai đoạn ách thống trị của họ và cuối cùng có thể dứt khoát chấp nhận thiết lập thể chế dân chủ ?

Đôi khi có người lập luận sự thật không phải chỉ ở một bên. Có thể các chiến sĩ dân chủ đã hiểu lầm kẻ độc tài, những người có thể đã hành động vì những động cơ tốt trong những tình huống khó khăn? Hoặc một vài người có thể nghĩ rằng, kẻ độc tài sẽ vui vẻ tự rút lui trước tinh thế khó khăn của đất nước nếu họ được khuyến khích và dẫn dụ. Cũng có người lập luận kẻ độc tài cần giải pháp “lợi – lợi” (win – win), trong đó mọi người đều có lợi. Một lập luận khác cho rằng những rủi ro và đau khổ trong một cuộc so đọ trong tương lai có thể không cần thiết, nếu đối lập dân chủ sẵn sàng chấp nhận giải quyết một cách ôn hòa cuộc tranh chấp bằng phương thức đàm phán (thậm chí với sự trợ giúp của một vài cá nhân chuyên nghiệp hoặc một chính quyền khác). Phải chăng điều này thích hợp hơn là một cuộc đấu tranh khó khăn, ngay cả khi đó là một cuộc đấu tranh bất bạo động không phải là cuốc chiến võ trang quân sự?

Giá trị và Giới hạn của Thương Thuyết

Thương thuyết là một phương tiện hữu ích để giải quyết một vài vấn đề xung đột và không nên bỏ qua hay gạt bỏ khi chúng thích hợp.

Trong một vài tình huống khi những vấn đề tranh chấp không phải là những vấn đề cơ bản, và do đó có thể chấp nhận một thỏa hiệp, thương thuyết là phương tiện quan trọng để dàn xếp một cuộc xung đột. Một cuộc đình công của công nhân đòi tăng lương là một ví dụ điển hình về vai trò thích hợp của thương thuyết trong một cuộc xung đột : một cuộc thương thuyết dàn xếp có thể thêm một số điểm vào những điểm đã được hai bên đề nghị lúc ban đầu. Tuy nhiên xung đột lao động với các nghiệp đoàn thương mại có phần hơi khác với các cuộc xung đột trong đó sự hiện hữu tiếp tục của một chế độ độc tài tàn ác và việc thiết lập tự do chính trị được đưa ra thảo luận.

Khi những vấn đề đưa ra thảo luận là những vấn đề cơ bản, có ảnh hưởng đến các nguyên lý tôn giáo, vấn đề tự do của con người hoặc toàn bộ phát triển tương lai của xã hội, thương thuyết không phải là phương tiện đi đến một giải pháp ổn thỏa cho cả đôi bên. Trên một số vấn đề cơ bản không thể nào có thỏa hiệp được. Chỉ có sự chuyển đổi tương quan quyền lực nghiêng về phía đội ngũ dân chủ có thể bảo quản một cách thỏa đáng các vấn đề cơ bản. Một cuộc chuyển đổi như vậy sẽ xảy ra bằng phương pháp đấu tranh, không qua ngã thương thuyết. Điều này không có nghĩa là thương thuyết không bao giờ được sử dụng. Vấn đề ở đây là thương thuyết không phải là phương pháp thực tiễn để đánh đổ chế độ độc tài khi không có đội ngũ đối lập dân chủ hùng mạnh.

Lẽ cố nhiên, có thể việc thương thuyết không còn là một chọn lựa nữa. Kẻ độc tài đã cố thủ vững chắc, cảm thấy yên ổn ở vị thế của họ, có thể từ chối thương thuyết với đối lập dân chủ. Hoặc, một khi thương thuyết khởi sự, các nhà thương thuyết dân chủ có thể biến mất và không ai nghe nói đến nữa.

Thương thuyết để đầu hàng ?

Những cá nhân và nhóm chống lại chế độ toàn trị và chủ trương thương thuyết thường có những động cơ chính đáng. Đặc biệt khi đấu tranh quân sự đã tiếp diễn năm này sang năm nọ để đánh chế độ độc tài nhưng không đạt thắng lợi cuối cùng, khiến mọi người thuộc mọi khuynh hướng chính trị đều mong muốn hòa bình. Thương thuyết đặc biệt trở nên một nhu cầu của đối lập dân chủ ở những nơi và vào lúc ấy, kẻ độc tài có thế thượng phong về quân sự rõ rệt và sự hủy hoại và thương vong của khối lượng dân chúng theo cánh chống đối không thể chịu đựng được nữa. Sẽ có một thúc bách mãnh liệt muốn tìm kiếm một con đường khác có thể cứu vãn một vài mục tiêu của nhóm dân chủ đồng thời chấm dứt vòng quẩn bạo lực và phản bạo lực.

Lời mời “hòa bình” của kẻ độc tài bằng phương thức thương thuyết với đôi lập dân chủ lẽ cố nhiên là không thành thật. Kẻ độc tài có thể chấm dứt bạo lực tức khắc, nếu họ thực sự muốn ngưng tiến hành cuộc chiến chống lại bản dân của họ. Họ có thể tự ý, không cần phải mặc cả, tái lập việc tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền, thả các tù nhân chính trị, chấm dứt tra tấn, ngưng mọi chiến dịch quân sự, rút lui khỏi chính quyền và tạ tội với nhân dân.

Khi chế độ toàn trị vững mạnh nhưng luôn có sự chống đối gây khó khăn liên tục, kẻ độc tài có thể mong thương thuyết để đối lập đầu hàng dưới nhãn hiệu “hòa bình”. Việc kêu gọi thương thuyết có vẻ hấp dẫn, nhưng những hiểm nguy đáng ngại có thể đang rình rập ngay trong phòng thương thuyết.

Mặt khác, khi đối lập đặc biệt vững mạnh và chế độ toàn trị thực sự bị đe dọa, kẻ độc tài có thể tìm cách thương thuyết ngõ hầu vớt vát quyền kiểm soát và tài sản được phần nào hay phần ấy. Trong cả hai trường hợp, không có trường hợp nào người dân chủ giúp cho kẻ độc tài đạt được mục đích của họ.

Các chiến sĩ dân chủ cần đề cao cảnh giác những cặm bẫy do kẻ độc tài chủ ý đặt ra trong tiến trình thương thuyết. Kêu gọi thương thuyết những vấn đề căn bản về tự do chính trị có thể là một nỗ lực của kẻ độc tài để dẫn dụ các nhà dân chủ đầu hàng một cách êm thắm trong khi đó chế độ toàn trị vẫn tiếp tục sử dụng bạo lực. Trong những trường hợp xung đột loại này, thương thuyết đóng vai trò chủ yếu vào lúc cuối của cuộc đấu tranh ở giai đoạn mà quyền lực của kẻ độc tài đã thực sự bị triệt tiêu và họ tìm sự an toàn bản thân để đi đến phi trường quốc tế.

Quyền lực và công lý trong những cuộc thương thuyết

Nếu những phán đoán về việc thương thuyết có phần khắc nghiệt, có lẽ nên thêm một chút tính chất lãng mạn trong đó để nó được dịu dàng. Cần có óc phán đoán sáng suốt để xét xem thương thuyết vận hành ra sao.

“Thương thuyết” không có nghĩa là hai bên ngồi lại với nhau trên căn bản bình đẳng rồi đàm phán và giải quyết những khác biệt đã gây nên xung đột giữa hai bên. Có hai sự kiện phải được lưu ý. Thứ nhất, trong thương thuyết, không phải công lý tương đối của hai quan điểm và mục tiêu đối nghịch quyết định nội dung của hiệp ước được thỏa thuận. Thứ hai, nội dung của hiệp ước đã được thỏa thuận thường được quyết định do tương quan quyền lực của mỗi bên.

Có nhiều câu hỏi khó cần được đặt ra. Mỗi bên có thể làm được gì sau này để thực hiện mục tiêu của mình nếu phía bên kia không chấp nhận thỏa hiệp trên bàn thương thuyết? Mỗi bên có thể làm gì sau khi thỏa thuận đã được ký kết nếu phía bên kia không giữ lời và dùng lực lượng sẵn có để chiếm đoạt mục tiêu bất chấp hiệp ước?

Thương thuyết không đạt được kết quả nếu đem giá trị đúng và sai của vấn đề ra bàn thảo. Mặc dầu những vấn đề này được đưa ra bàn thảo quá nhiều, kết quả thực sự trong thương thuyết phát xuất từ việc lượng định về cán cân quyền lực tuyệt đối và tương đối của hai bên. Chiến sĩ dân chủ có thể làm gì để bảo đảm yêu sách của mình không bị bác bỏ ? Kẻ độc tài có thể làm gì để tiếp tục kiểm soát và vô hiệu hóa chiến sĩ dân chủ ? Nói cách khác, nếu có thỏa thuận, rất có thể đó là kết quả do mỗi bên lượng định so sánh tiềm năng của cả hai bên và dự tính làm thế nào để cuộc đấu đá công khai kết thúc.

Cũng cần phải chú ý mỗi bên sẵn sàng nhượng bộ điều gì để đạt đến thỏa thuận. Trong một thương thuyết thành công luôn có thỏa hiệp, có sự đồng ý về số lượng ở giữa hai số lượng được đưa ra. Mỗi bên giữ lấy phần mình muốn và nhượng bộ một phần mục tiêu của mình.

Trong trường hợp các chế độ toàn trị cực đoan, các lực lượng dân chủ nhượng bộ điều gì cho kẻ độc tài ? Những mục tiêu nào của kẻ độc tài mà phe dân chủ sẵn sàng chấp nhận ? Các chiến sĩ dân chủ có thể nào trao cho kẻ độc tài (hoặc một đảng chính trị hoặc một bè đảng quân sự) một vai trò thường trực dựa trên căn bản hiến pháp trong chính quyền tương lai ? Vai trò của dân chủ ở đâu trong cuộc dàn xếp này ?

Giả sử mọi việc đều diễn biến tốt đẹp trong thương thuyết, cũng cần phải tự hỏi : Kết quả là một loại hòa bình nào ? Đời sống khá hơn hay tệ hơn nếu các chiến sĩ dân chủ khởi sự hoặc tiếp tục đấu tranh ?

Kẻ độc tài “dễ chịu”

Kẻ độc tài có nhiều lý do và mục tiêu thúc đẩy duy trì sự thống trị của họ: quyền lực, địa vị, phúc lợi, thay đổi cục diện xã hội và những vấn đề tương tự. Chúng ta nên nhớ tất cả những điều này sẽ không còn nếu họ từ bỏ vị trí kiểm soát của họ. Ngay trong lúc thương thuyết kẻ độc tài sẽ cố gắng bảo toàn mục tiêu của mình.

Cho dù kẻ độc tài có hứa hẹn gì đi nữa trong mọi cuộc đàm phán, chúng ta cũng không thể quên là kẻ độc tài sẽ hứa đủ mọi thứ để có được sự chấp thuận của đối lập dân chủ và sau đó vi phạm một cách trâng tráo chính những thỏa ước đó.

Nếu các chiến sĩ dân chủ chấp thuận ngưng kháng cự để kẻ độc tài đình chỉ đàn áp, họ sẽ thất vọng não nề. Ngưng kháng cự rất ít khi đem lại đình chỉ đàn áp. Một khi lực lượng kìm hãm của đối lập quốc nội và quốc tế bị bãi bỏ, kẻ độc tài có thể đàn áp bạo tàn hơn lúc trước. Sự sụp đổ của kháng chiến nhân dân thường kéo theo sự sụp đổ của lực lượng đối trọng từ trước đến nay đã hạn chế quyền kiểm soát và sự thô bạo của chế độ toàn trị. Kẻ độc tài có thể rảnh tay trừng trị bất cứ ai. Krishnalal Shridharani đã viết: “Vì kẻ độc tài có quyền lực chỉ gây tổn thương được khi chúng ta thiếu sức mạnh đề kháng.”(5)

Kháng cự, chứ không phải thương thuyết, thiết yếu cho một cuộc thay đổi nhằm giải quyết xung đột trong đó có những vấn đề căn bản. Trong hầu hết mọi trường hợp, kháng cự phải tiếp tục để buộc kẻ độc tài từ bỏ quyền lực. Thành công thường được quyết định không do thương thuyết nhưng do việc khôn ngoan sử dụng những phương tiện thích hợp và dũng mạnh nhất mà kháng chiến có thể có được. Luận điểm của chúng ta, sẽ được khai triển chi tiết ở phần sau, nhằm chứng minh sự chống đối chính trị hoặc đấu tranh bất bạo động là phương tiện dũng mạnh nhất chúng ta có để đấu tranh cho tự do.

Hòa bình kiểu nào ?


Nếu kẻ độc tài và người dân chủ đều nói về hòa bình, chúng ta cần suy nghĩ một cách cực kỳ sáng suốt vì hiểm nguy rình rập. Không phải những ai dùng từ ngữ “hòa bình” cũng muốn hòa bình trong tự do và công lý. Chấp nhận đàn áp hung bạo và thu động phục tùng kẻ độc tài tàn bạo đã gây ra tội ác với hàng trăm ngàn người không phải là hòa bình thực sự. Hitler luôn kêu gọi hòa bình, nhưng có nghĩa phục tùng ý muốn của y. Hoà bình của kẻ độc tài thường là hòa bình của tù ngục hoặc của nấm mồ.

----------------------------------------------------------------------------

(5) Krishnalal Shridharani, War Without Violence: A Study of Ghandi’s Method and Its Accomplishments (New York:Harcourt, Brce, 1939, and reprint New York and London: Garland Publishing, 1972), p.260
---------------------------------------------------------------------------
Còn có những nguy cơ khác. Các thương thuyết gia có thiện ý đôi khi lầm lẫn mục tiêu của việc thương thuyết với tiến trình của thương thuyết. Hơn thế nữa, các nhà thương thuyết dân chủ hoặc các chuyên viên thương thuyết ngoại quốc chấp nhận hỗ trợ cuộc thương thuyết, có thể vì hành động độc nhất này, đã giúp kẻ độc tài trở thành chính thống trong nước cũng như trên trường quốc tế mà trước đây họ vẫn phủ nhận vì việc chiếm đoạt chính quyền, vi phạm nhân quyền và chính sách tàn ác. Mất đi tính chính thống mà họ cố tìm, kẻ độc tài không thể nào tiếp tục ngự trị vô hạn định. Quý vị đại diện cho hòa bình không nên cung cấp tính chính thống chọ họ.

Những lý do để hy vọng

Như đã trình bầy trước đây, cấp lãnh đạo đối lập có thể cảm nhận bó buộc phải tiếp tục thương thuyết vì họ cảm thấy tuyệt vọng trong cuộc đấu tranh cho dân chủ. Tuy nhiên cảm giác bất lực này có thể biến đổi. Các chế độ độc tài không vĩnh cửu. Nhân dân sống dưới chế độ toàn trị không nhất thiết nằm trong vị thế yếu mãi và chế độ toàn trị không thể nào giữ được quyền lực vô hạn định.

Aristotle từ lâu đã ghi nhận: “… Chính quyền đầu sỏ và chế độ độc tài là những chế độ non yểu hơn hết tất cả các định chế… Ở khắp mọi nơi, các chế độ độc tài không tồn tại lâu dài.” (6) Các chế độ độc tài đương đại cũng có những nhược điểm của chúng. Những nhược điểm của họ có thể trở nên trầm trọng hơn và quyền lực của kẻ độc tài có thể bị đánh tan. ( Ở Chương Bốn, chúng ta sẽ xét đến những nhược điểm này vào chi tiết hơn.)

Lịch sử cận đại cho thấy những yếu kém của các chế độ toàn trị và cho thấy chúng có thể sụp đổ trong một thời gian tương đối ngắn: ví dụ như chỉ cần mười năm – 1980-1990 - để đánh ngã chế độ toàn trị Cộng Sản tại Ba-lan, năm 1989 tại Đông Đức và Czechoslavakia (Tiệp Khắc) chỉ trong vòng mấy tuần. Tại El Salvador và Guatemala năm 1944 cuộc chiến đấu chống lại kẻ độc tài quân phiệt bạo tàn, cố chấp chỉ cần khoảng chừng hai tuần lễ. Chế độ quyền lực quân sự của Shah tại Iran suy sụp trong vòng vài tháng. Chế độ độc tài của Marcos tại Phi-luật-tân sụp đổ trước sức mạnh của quần chúng trong vòng vài tuần năm 1986 : chính phủ Hoa Kỳ đã mau chóng bỏ rơi Tổng Thống Marcos khi sức mạnh của đối lập trở nên rõ rệt. Cuộc đảo chánh bất thành của cánh cực đoan tại Liên Bang Xô-viết vào tháng Tám năm 1991 đã bị ngăn chặn trong vòng vài ngày do sự chống đối chính trị. Và sau đó, nhiều quốc gia trước đó bị đàn áp từ lâu đã chỉ trong vài ngày, tuần lễ và tháng đã lấy lại độc lập của mình.

Thành kiến xưa cho rằng phương pháp bạo lực luôn luôn đem lại kết quả mau chóng và phương pháp bất bạo động luôn luôn đòi hỏi một thời gian dài nay không còn giá trị nữa. Mặc dù việc thay đổi những tình trạng tồn tại và xã hội này đòi hỏi nhiều thời gian, cuốc chiến đấu hiện nay chống chế độ toàn trị đôi khi diễn ra tương đối mau chóng với phương tiện đấu tranh bất bạo động.

Thương thuyết không phải là giải pháp thay thế duy nhất cho một cuộc chiến tiếp tục tiêu hủy phía bên này và đầu hàng phía bên kia. Những thí dụ vừa mới trình bày, cũng như những phần đã liệt kê trong Chương Một, cho thấy một giải pháp khác dành cho những ai vừa muốn hòa bình và tự do : đối kháng chính trị.

-------------------------------------------------------------------------------------
(6) Aristotle, The Politics, transl. by T.A. Sinclair (Harmondsworth, Middlesex, England and Baltimore, Maryland: Penguin Books 1976 [1962], Book V, Chapter 12, pp. 231 and 232.
------------------------------------------------------------------------------------

Chương Ba
Quyền Lực Từ Đâu Đến ?

Tiến đến một xã hội tự do và hòa bình lẽ cố nhiên không phải là một công việc đơn giản. Nó đòi hỏi kỹ năng chiến lược lớn, khả năng tổ chức và kế hoạch. Trên hết mọi sự, nó đòi hỏi quyền lực. Các chiến sĩ dân chủ không thể nào hy vọng đánh đổ một chế độ độc tài và thiết lập tự do chính trị mà không có khả năng áp dụng một cách hữu hiệu quyền lực của chính mình.

Nhưng làm sao có thể làm được điều này? Loại quyền lực nào các chiến sĩ dân chủ có thể huy động đủ để đánh tan chế độ toàn trị và hệ thống quân sự và công an to lớn của họ? Câu trả lời nằm trong việc hiểu biết quyền lực chính trị, một điều thường bị lãng quên. Hiểu biết sâu sắc về vấn đề này không khó khăn. Một vài chân lý căn bản xem ra rất đơn giản.

Ngụ ngôn “Hầu Công”

Một ngụ ngôn Trung Hoa vào thế kỷ thứ 14 do Lưu Cơ viết, phác họa khá rõ việc thiếu hiểu biết về quyền lực chính trị (7):
Thời chế độ phong kiến nhà Chu có một lão già sinh sống nhờ bắt đàn vượn làm việc cho lão. Thiên hạ gọi lão là “Hầu công”. Mỗi sáng, lão già tụ họp những con vượn trước sân nhà và ra lệnh cho con vượn đầu đàn dắt các con khác lên núi để hái hoa quả trong bụi và trên cây. Luật lệ quy định là mỗi con vượn phải nộp cho lão già một phần mười hoa quả thu lượm. Con nào không nộp đủ sẽ bị quất đánh tàn nhẫn. Tất cả các con vượn đều cay đắng chiu khổ, nhưng không dám than phiền. Một hôm, một con vượn nhỏ hỏi các con khác:-Có phải lão già trồng tất cả các cây ăn trái và bụi rậm? Các con khác trả lời:-Không, chúng mọc tự nhiên. Con vượn nhỏ hỏi thêm:-Chúng ta có thể nào lấy hoa quả không cần xin phép lão già ? Các con khác trả lời: -Phải, tất cả chúng ta có thể lấy được. Con khỉ nhỏ nói tiếp:-Như vậy tại sao chúng ta lại phải lệ thuộc lão già, tại sao chúng ta lại phải phục vụ cho y? Trước khi con vượn nhỏ chấm dứt câu nói, tất cả các con vượn khác chợt thoát cơn mê và tỉnh ngộ. Đêm hôm đó, đợi lão già ngủ say, các con vượn phá vỡ hết hàng rào chắn giam hãm chúng và phá tan trại giam. Chúng cũng lấy hết hoa quả lão già cất trong kho dự trữ, đem tất cả vào rừng và không bao giờ quay trở lại nữa. Cuối cùng lão gìa chết vì đói.

Úc Ly Tử bàn rằng: “ Có một số người trên thế gian cai trị người dân bằng xảo thuật, thay vì những nguyên lý chính trực. Họ có khác gì lão thư công không ? Họ không nhận biết đầu óc đần độn của họ. Một khi người dân được sáng mắt, xảo thuật của họ không còn tác dụng nữa.”

Các nguồn chủ yếu của quyền lực chính trị

Nguyên lý thật đơn giản. Kẻ độc tài cần sự trợ giúp của nhân dân mà chúng cai trị, không có sự hỗ trợ này họ không thể nào bảo toàn và duy trì được các nguồn của quyền lực chính trị. Các nguồn của quyền lực chính trị gồm có:

• Uy lực, lòng tin của quần chúng cho rằng chế độ có tính chính đáng và họ có bổn phận phải tùng phục.
• Nhân lực, số lượng và tầm quan trọng của các người và các nhóm tuân phục, cộng tác hoặc hỗ trợ cho kẻ cai trị.
• Kỹ năng và kiến thức, cần thiết cho chế độ để thực thi những hoạt động riêng và do sự hợp tác của các cá nhân và nhóm cung cấp.
• Những yếu tố không hiển hiện, yếu tố tâm lý và tư tưởng khiến cho con người tuân phục và hỗ trợ cho kẻ cai trị.
• Tài nguyên vật chất, mức độ kẻ cai trị kiểm soát hoặc chiếm ngự tài sản, tài nguyên thiên nhiên, nguồn tài chánh, hệ thống kinh tế và các phương tiện liên lạc và chuyên chở, và
• Chế tài, trừng phạt, đe dọa trừng phạt hoặc thẳng tay trừng trị kẻ bất tuân và không chịu cộng tác để bảo đảm sự thần phục và hợp tác, cần thiết cho sự hiện hữu của một chế độ và việc thi hành các chính sách của họ.

Tuy nhiên tất cả những nguồn quyền lực này tùy thuộc vào tinh thần chấp nhận chế độ, vào sự khuất phục và tuân hành của quần chúng và vào sự cộng tác của vô số người và nhiều cơ chế của xã hội. Những yếu tố này không vững chắc.

Việc quần chúng hợp tác toàn diện, tuân phục và hỗ trợ sẽ gia tăng tiềm năng của các nguồn cần thiết cho quyền lực và do đó khuếch đại khả năng quyền lực của bất cứ một chính quyền nào.

Mặt khác, sự bất hợp tác của quần chúng và của các cơ chế với kẻ hành hung và kẻ độc tài làm giảm thiểu và có thể cắt đứt tiềm năng quyền lực mà tất cả các kẻ cai trị đều lệ thuộc. Không còn sử dụng được các nguồn cung cấp, quyền lực của kẻ cai trị yếu dần và cuối cùng tan rã.

Lẽ dĩ nhiên, kẻ độc tài dễ nhạy cảm với các hành động và ý nghĩ đe dọa khả năng hành động tùy tiện của họ. Vì vậy kẻ độc tài có khả năng đe dọa và trừng phạt những ai bất tuân, đình công bãi thị hoặc không chịu cộng tác. Tuy nhiên, câu chuyện không chấm dứt ở đây. Đàn áp và ngay cả bạo hành không phải lúc nào cũng đạt đến mức độ khiến người dân tuân phục và cộng tác giúp cho chế độ vận hành.

Nếu, mặc dù có đàn áp, nguồn cung cấp quyền lực có thể bị ngăn chặn hoặc bị cắt đứt trong một thời gian đủ để tạo áp lực, kết quả sơ khởi có thể là gây nên sự chao đao và rối loạn trong hàng ngũ của chế độ toàn trị. Điều này chắc chắn dẫn đến sự suy giảm quyền lực của chế độ toàn trị. Lâu ngày, việc ngăn chặn nguồn cung cấp quyền lực có thể gây nên sự tê liệt và bất lực của chế độ, và trong trường hợp nghiêm trọng, đánh đổ chế độ. Quyền lực của kẻ độc tài sẽ chết một cách chậm chạp hoặc nhanh chóng vì nguồn lực chính trị bị cạn.

Mức độ tự do hay chuyên chế của bất cứ một chính quyền nào, như thường thấy, phần nhiều là phản ánh quyết tâm tương đối của người dân muốn có tự do và ước vọng và khả năng chống cự lại nỗ lực ức hiếp họ.

Trái ngược với quan niệm của quần chúng, các chế độ độc tài chuyên chế lệ thuộc vào quần chúng và xã hội họ cai trị. Như khoa học gia chính trị Karl W. Deutsch ghi nhận năm 1953:
Quyền lực chính trị chỉ mạnh khi nào nó không được sử dụng nhiều. Nếu quyền lực chuyên chế phải đem áp dụng mọi lúc để chống lại nhân dân, chắc chắn nó không còn mãnh lực bao nhiêu về lâu về dài. Vì các chế độ độc đoán cần nhiều quyền lực để đối phó với người dân hơn là các loại chính quyền khác, những chế độ như vậy cần những tập quán phục tùng trung thành và phổ biến trong nhân dân, hơn là trông chờ vào sự hỗ trợ tích cực của ít ra những thành phần nhân dân có phẩm chất lúc cần thiết. (8)

Một lý thuyết gia Anh vào thế kỷ thứ 19, ông John Austin mô tả hoàn cảnh của chế độ toàn trị phải đương đầu với nhân dân bất mãn. Austin luận rằng nếu đại đa số nhân dân quyết tâm đánh đổ chế độ và sẵn sàng chấp nhận đàn áp để làm việc này, thì quyền lực của chính quyền và những người ủng hộ chính quyền, không thể nào bảo vệ được chính quyền đáng ghét này. Nhân dân chống đối không thể bị ép buộc quay trở lại tuân theo và thuần phục luôn mãi, Austin kết luận.(9)Niccolo Machiavelli trước đó cũng đã biện luận rằng thái tử “… có tất cả quần chúng là kẻ thù không bao giờ bảo toàn được cá nhân của mình; ông càng bạo tàn bao nhiêu, chế độ của ông càng suy yếu bấy nhiêu.”(10)

Việc áp dụng những hiểu biết này vào thực tế chính trị đã được các kháng chiến quân Na-uy chống lại cuộc xâm lăng của Quốc Xã chứng minh, và như đã viện dẫn ở Chương Một, người Ba-lan, Đức, Tiệp, Slovak anh dũng và nhiều dân tộc khác đã chống lại sự đàn áp và chuyên chính Cộng Sản và cuối cùng giúp đánh đổ sự thống trị của Cộng Sản tại Âu Châu. Điều này cố nhiên không phải là những hiện tượng mới mẻ: trường hợp kháng chiến bất bạo động được thấy ít ra vào 494 năm trước Công nguyên khi nông nô bất hợp tác với chủ nhân quý tộc La-mã.(11) Đấu tranh bất bạo động đã được nhân dân áp dụng ở vào nhiều thời điểm tại Á Đông, Phi Châu, Mỹ Châu, Úc-Á và quần đảo Thái Bình Dương, cũng như tại Âu Châu.

Ba trong số những yếu tố quan trọng nhất để xác định mức độ kiểm soát hay thiếu kiểm soát của chính quyền là:
thứ nhất (1) ước vọng thực tế của quần chúng muốn giới hạn quyền lực của chính quyền;
thứ hai (2) độ bền thực tế của các tổ chức độc lập và các định chế của nhân dân trong việc thu hồi hàng loạt nguồn cung cấp quyền lực; và
thứ ba (3) khả năng thực tế của quần chúng không quy thuận và trợ giúp chế độ.

Trung tâm quyền lực dân chủ

Một trong những đặc điểm của xã hội dân chủ là sự hiện hữu độc lập với nhà nước của vô số các nhóm và cơ sở phi chính phủ. Trong đó bao gồm,ví dụ như gia đình, tổ chức tôn giáo, tổ chức văn hóa, câu-lạc-bộ thể thao, cơ chế kinh tế, hiệp hội thương mại, hội đoàn sinh viên, các đảng phái chính trị, làng xã, hội đoàn láng giềng, câu-lạc-bộ vườn tược, tổ chức nhân quyền, ban nhạc, hiệp đoàn văn chương và nhiều tổ chức khác. Các cơ cấu này quan trọng vì nhằm phục vụ mục tiêu của chính họ và đồng thời giúp thỏa mãn những nhu cầu của xã hội.

Thêm vào đó, các cơ cấu này có ý nghĩa chính trị lớn. Họ cung cấp nền tảng của các nhóm và cơ sở, nhờ đó quần chúng tác động lên hướng đi của xã hội họ và chống lại các nhóm khác hoặc chống lại chính quyền khi họ cảm nhận quyền lợi, sinh hoạt hoặc mục tiêu của họ bị xâm phạm một cách bất công. Các cá nhân riêng lẻ, không phải là thành viên của các nhóm này, thường không có đủ khả năng gây ảnh hưởng đáng kể lên các thành phần khác của xã hội, càng ít hơn đối với một chính quyền và chắc chắn không đủ để đối phó với một chế độ toàn trị.

Vì vậy, nếu sự tự trị và tự do của các cơ chế này bị kẻ độc tài cướp đi, quần chúng sẽ không còn nơi nương tựa. Cũng vì vậy, nếu các cơ chế này bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính quyền trung ương hoặc bị thay thế bởi những cơ chế mới cũng bị kiểm soát, các cơ chế này có thể được dùng để chế ngự cả các cá nhân thành viên lẫn các lãnh vực khác của xã hội.

Tuy nhiên, nếu các cơ chế dân sự độc lập (nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền) duy trì hoặc lấy lại được sự tự trị và tự do, các cơ chế này vô cùng quan trọng trong việc thì hành sách lược chống đối chính trị. Đặc điểm chung của các ví dụ mà chế độ độc tài đã bị phá hủy hoặc bị suy yếu như đã nêu trên là việc quần chúng và các cơ chế xã hội toàn khốidũng cảm áp dụng chống đối chính trị.

Như đã trình bày, những trung tâm quyền lực này cung cấp những cơ sở thuộc về định chế mà từ đó quần chúng có thể tạo áp lực hoặc chống lại việc độc đoán kiểm soát. Trong tương lai, họ sẽ là thành phần nền móng của cấu trúc không thể thiếu trong một xã hội tự do. Tính cách độc lập và sự trưởng thành liên tục của họ vì vậy thường là một điều kiện tiên quyết để cuộc đấu tranh giải phóng đi đến thành công.

Nếu chế độ toàn trị đã thành công phần lớn là nhờ phá hủy hoặc kiểm soát các cơ chế độc lập của xã hội, đối với chiến sĩ kháng chiến, việc thành lập những nhóm xã hội và cơ chế độc lập hoặc chiếm lại quyền kiểm soát dân chủ trên các cơ chế còn tồn tại hoặc chỉ bị kiểm soát một phần, là một điều quan trọng. Vào thời kỳ Cách Mạng Hungaria những năm 1956-1957, vô số các hội động dân chủ xuất hiện, rồi kết hợp lại với nhau để thành lập trong vòng vài tuần lễ một hệ thống liên đoàn các cơ chế và cơ cấu quản lý. Tại Ba-lan vào cuối thập niên 1980, các công nhân duy trì công đoàn Đoàn Kết bất hợp pháp và trong một vài trường hợp, chiếm quyền kiểm soát các công đoàn thương mại do nhà nước Cộng Sản thống trị. Những tiến triển như vậy có những hậu quả chính trị rất quan trọng.

Lẽ dĩ nhiên, tất cả những điều trên không có nghĩa làm suy yếu và đánh đổ chế độ độc tài là một việc dễ dàng hoặc mọi cuộc đọ sức sẽ thành công. Chắc chắn điều ấy không có nghĩa là cuộc đấu tranh không có tổn thất sinh mạng, vì những kẻ vẫn tiếp tục phục vụ cho bọn độc tài chắc chắn sẽ trả đũa nhằm ép quần chúng hợp tác và tuân phục trở lại.

Dù thế nào đi nữa thì nhận định trên về quyền lực cũng cho thấy việc chủ ý phá hủy chế độ toàn trị là một việc khả thi. Đặc biệt các chế độ toàn trị có những đặc điểm khiến cho chúng trở thành rất yếu đuối khi chống đối chính trị được khéo léo thực thi. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét chi tiết những đặc điểm đó.

(còn nữa)


No comments: