Thursday, March 26, 2009

TRÒ CHƠI CÚT BẮT NGUY HIỂM TẠI BIỂN ĐÔNG

Một trò chơi cút bắt nguy hiểm tại biển Đông

Lê Mạnh Hùng
Đăng ngày 26/03/2009 lúc 03:11:38 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3643

Có một đôi chút gì mỉa mai khi chính phủ Hoa Kỳ gởi một chiếc khu trục hạm mới đến biển Đông để yểm trợ cho chiếc tàu do thám Impeccable vốn bị năm chiếc tàu của Trung Quốc quấy nhiễu. Chiếc khu trục hạm này có tên là USS Chung-Hoon, lấy tên một vị đề đốc gốc Trung Quốc vốn từng được huy chương Navy Cross, huy chương danh dự thứ nhì của nước Mỹ về những hành động anh hùng của ông trong chiến đấu chống Nhật trong thế chiến thứ hai.

Chiến hạm này có thể chạy mau hơn, chuyển hướng mau hơn và có hỏa lực mạnh hơn bất kỳ một chiến hạm nào của Trung Quốc có mặt tại hiện trường. Nhưng nhiệm vụ của nó không phải là chuẩn bị cho một cuộc đụng độ với hải quân Trung Quốc mà chỉ làm nhiệm vụ cảnh cáo phía Trung Quốc đừng có lập lại những hành động cũ nữa; để cho con tàu Impeccable tiếp tục nhiệm vụ là “vẽ bản đồ đáy biển đông, một biển đầy những đá ngầm, đảo san hô gây khó khăn cho tàu bè đi lại” và tuy, không nói ra, thu thập những tin tức tình báo về hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc tại căn cứ Tam Á đặt trên đảo Hải Nam cách đó 75 dậm.

Cuộc đụng độ dẫn đến việc gởi chiến hạm USS Chung Hoon đến biển Đông này là một thử thách đầu tiên mà Trung Quốc đưa ra cho ông Obama vốn dự trù sẽ gặp chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại Luân Đôn vào tháng tư tới.


Sự kiện xảy ra lần này tương tự với một sự kiện xảy ra vào năm 2001, khi một máy bay do thám điện tử của Mỹ EP-3 đụng với một máy bay chiến đấu F-8 của Trung Quốc khiến máy bay của Trung Quốc bị rớt, phi công bị thiệt mạng đồng thời máy bay EP-3 của Mỹ bị buộc phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam của Trung Quốc. Máy bay và phi hành đoàn bị giữ đến mấy tháng sau mới được trả tự do. So sánh với vụ xảy ra vào năm 2001 thì vụ mới nhất này không đến nỗi nghiêm trọng bằng, nhưng nó đã khiến cho các nhà phân tích trong vùng đang tự hỏi phải chăng nó báo hiệu một chuyện gì quan trọng hơn.

Mục tiêu của Trung Quốc có vẻ vẫn là khẳng định chủ quyền lãnh thổ của họ trên toàn bộ giải 200 hải lý đặc quyền kinh tế mà người Trung Quốc nói là của họ. Các luật lệ Trung Quốc và bản đồ mà Trung Quốc đưa ra đều xác định quyền của Trung Quốc kiểm soát các hoạt động bên trong khu vực này.

Trong khi đó, trên phương diện quốc tế, theo các chuyên gia về Luật Biển thì những khẳng định đó hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Lãnh hải Trung Quốc chỉ kéo dài ra đến 12 hải lý giống như tất cả các nước khác. Và bên ngoài khu vực 12 hải lý này, trên nguyên tắc, hải quân các nước khác có quyền hoạt động và nghe nhìn không hề bị cấm cản, và đó là điều Hải Quân Mỹ có vẻ muốn thực hiện cho đến cùng. Theo một tài liệu của hải quân Mỹ, hạm đội tàu ngầm mới gồm 30 chiếc tàu ngầm loại Virginia “sẽ mở rộng khả năng của tàu ngầm hoạt động bên trong tuyến phòng thủ của kẻ địch, không những để theo dõi mà còn để có thể phóng những vũ khí hùng hậu đến những mục tiêu trên đất liền cũng như ngoài biển”. Và những hệ thống mới “sẽ xây dựng trên khả năng vững chắc của chúng ta có thể cung ứng những thiết bị dò tìm nhạy cảm hơn nữa với những mục tiêu dù đi chậm hoặc yên lặng ở các vùng biển nông dọc theo bờ”. Và điều đó có nghĩa là những sứ mạng như của chiếc tàu Impeccable sẽ không thể nào bị ngưng lại.

Trong khi đó hành động của Trung Quốc có nghĩa là cần phải ngăn chặn phía Mỹ khả năng cản trở các hoạt động của lực lượng tàu ngầm cũng như các đơn vị hải quân khác của mình như nhận xét của Tai Ming Cheung (Trương Đại Minh) một chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại trường đại học California San Diego: “Đây có vẻ như là một cố gắng sớm của Trung Quốc nhằm thiết lập một pháo đài chiến lược trong đó các lượng lượng tàu ngầm và hải quân khác của họ có thể tự do hoạt động không bị sự can thiệp của hải quân Hoa Kỳ. Mỹ ngược lại, nhất quyết không để cho chuyện đó xảy ra vì họ vẫn nắm chủ quyền trên biển tại vùng Á châu và Thái Bình Dương từ trước tới nay rồi. Thành ra hai chiến lược đối nghịch đó từ hai phía cho thấy dấu hiệu rằng sẽ còn có những đụng chạm nữa trong tương lai.”

Một trong những câu hỏi hiện đang được bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Pearl Harbor bàn thảo là liệu việc sách nhiễu chiếc tàu Impeccable xuất phát từ lệnh của chính các cấp lãnh đạo chính trị tại Bắc Kinh hay là sáng kiến của các giới chức chỉ huy quân sự bên trong Giải Phóng Quân Trung Quốc (PLA) mà thôi. Một nhà phân tích của Mỹ nhận xét “Chuyện này khó có thể đến kết luận, nhưng đôi khi quân đội Trung Quốc tự đưa ra sáng kiến mà không cho ai biết.” Tuy nhiên ý kiến chung về phía Mỹ thì cho rằng chuyện này phải được phép trực tiếp từ Bắc Kinh bởi vì nó đã được cố ý xảy ra vào một thời điểm tế nhị nhằm thử thách vị tân tổng thống Mỹ.

Ngoài ra các phát ngôn nhân cho chính phủ Trung Quốc đã mau mắn lên tiếng khẳng định rằng Hoa Kỳ đã xâm phạm vào lãnh hải của Trung Quốc, trong khi ngược lại khi ngoại trưởng Trung Quốc, Dương Khiết Trì đến Washington để gặp tổng thống Obama thì tòa Bạch Ốc chỉ cho biết rằng cố vấn an ninh quốc gia, tướng James Jones đã “đặt vấn đề về sự kiện mới đây tại biển Đông”.

Điều các quan chức Mỹ tại Thái Bình Dương e ngại rằng phía Trung Quốc trong tương lai có thể tính toán sai lầm, tấn công vào một tàu chiến Mỹ. Và vị thuyền trưởng chiếc tàu này có nhiệm vụ phải tự bảo vệ, ông ta sẽ phải ra lệnh cho tàu của mình bắn vào tàu Trung Quốc. Hậu quả xảy ra khó có thể lường được. Nhưng dù chuyện đó không xảy ra, điều mà người ta chờ đợi là việc tái diễn lại trò chơi cút bắt mà Mỹ và Liên Xô thực hiện trong chiến tranh lạnh trong đó hai bên quấy rối lẫn nhau, nhưng không tạo ra thiệt hại đến nhân mạng.

Một điều mỉa mai nữa là sau khi tìm mọi cách để đuổi Mỹ ra khỏi vùng, các nước Đông Nam Á hiện đang mong cho Mỹ trở lại. Theo bản đồ, nơi mà chiếc tàu Impeccable đụng với năm chiếc tàu của Trung Quốc nằm gần với bờ biển Việt Nam hơn là đảo Hải Nam, nhưng Hà Nội lại không có một lời lên tiếng phản đối. Còn nhật báo Phippines Star của Philippines thì viết: “Phía Trung Quốc sẽ không bị thuyết phục từ bỏ việc họ đòi chủ quyền trên biển Đông hoặc bất cứ một nơi nào khác bằng những lời lẽ và lý luận. Việc đòi chủ quyền của họ cần phải được chống lại không những chỉ bằng cách thẳng thắn thực hiện những hoạt động hải quân trên hải phận quốc tế mà còn phải được công khai nói lên. Các nhà quan sát trong vùng đều đã biết rõ những tham vọng của Trung Quốc tại Đài Loan, biển Đông cũng như quần đảo Điếu Ngư.”

Lê Mạnh Hùng

© Thông Luận 2009

No comments: