Monday, March 30, 2009

NẠN NHÂN MỚI CỦA VEDAN

Sông Rào Trổ - “nạn nhân” mới của Vedan

Thứ Hai, 30/03/2009, 07:22 (GMT+7)

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=308662&ChannelID=3

TT - Vụ Công ty CP hữu hạn Vedan VN ở Đồng Nai gây ô nhiễm trầm trọng sông Thị Vải chưa có hồi kết thì “nhà máy chế biến tinh bột mì Hà Tĩnh” (một trong bốn chi nhánh của công ty này) cũng bắt đầu gây ô nhiễm mặc dù mới chạy thử.

Khi vừa đến cầu Rào Trổ, cách Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh chừng một cây số thì tôi bắt đầu ngửi thấy mùi khó chịu.

Rẽ vào xóm Mỹ Lạc (xã Kỳ Sơn) nằm sát phía sau bức tường nhà máy trưa 27-3, tôi nghe nhiều người dân phản ảnh: “Hơn một tháng nay dân phải hứng chịu mùi hôi thối kinh khủng quá. Mùi bay nồng nặc khắp làng suốt 24/24 giờ. Gió càng mạnh mùi càng bốc. Lặng gió mùi càng nặng. Gió trở chiều nào thì mùi xộc về hướng đó. Đêm đầu tiên ngửi mùi thối, nhiều nhà dân cứ tưởng chuột chết trong nhà nhưng tìm mãi không thấy con chuột nào cả. Có lúc mùi thối y như mùi phân heo.

Đến khi nhìn thấy bạt ngàn bã sắn của nhà máy Vedan phơi trắng đồi, bà con mới biết do bã sắn ủ lâu ngày nên khi phơi dưới nắng nóng mới sực mùi lên như thế. Dân ở vùng ô nhiễm gọi là mùi Vedan Hà Tĩnh”.

Hôi thối chiếm chỗ

Qua sông Rào Trổ, tôi sang xã Kỳ Lâm mới biết người dân ở đây còn phản ứng gay gắt hơn nhiều, bởi vùng dân cư này nằm phía nam nhà máy nên phải hứng chịu phần lớn mùi hôi thối mỗi khi gió nam thổi từ nhà máy qua. Ông B. ở xóm Kim Hà, xã Kỳ Lâm than: “Khi chưa có nhà máy, đây là vùng ven của những cánh rừng bao quanh nên khí hậu rất trong lành. Bây giờ hôi thối đã chiếm chỗ”.

Sông Rào Trổ còn có tên là sông Nậy, bắt nguồn từ vùng rừng Cẩm Kỳ, giáp biên giới Việt - Lào. Trước khi chảy qua xã Kỳ Sơn, sông Nậy chia làm hai nhánh. Nhánh nhỏ đổ về hồ Kẻ Gỗ. Nhánh lớn chảy qua xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh rồi đổ vào sông Gianh (thuộc địa phận huyện Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình).

Nhiều người dân xã Kỳ Lạc ở hạ lưu sông Rào Trổ nói: “Dòng sông này bao đời trong xanh nhưng bây giờ thấy xuất hiện nhiều váng nước màu đen và bốc mùi khó chịu. Chúng tôi thật sự lo ngại khi thấy những con cá chết trôi dạt về - một sự lạ mới xảy ra kể từ khi nhà máy Vedan Hà Tĩnh khởi động”.

Trở lại xã Kỳ Sơn, tôi theo anh K. men theo thung lũng chạy dài phía sau hàng rào nhà máy để ra sông Rào Trổ. Cả hai đều phải cởi áo rồi đội lên đầu để tránh sự kiểm tra rất ngặt của các vệ sĩ bảo vệ xung quanh khu vực nhà máy. Đi chừng 300m chúng tôi dừng lại nơi bãi cát phủ màu trắng bạc, nồng nặc “mùi Vedan”.

Đó là váng nước thải đang cô đặc lại, dày khoảng 3cm. Anh K. đưa tay vạch vào váng nước thấy dưới lớp màu trắng bạc là bã sắn màu vàng. Ngước lên bờ, tôi nhìn thấy miệng cái mương lớn giữa ngổn ngang đá đang róc rách nước. Từng đám ruồi nhặng bay vù vù trong các kẽ đá. Cạnh mương thoát nước là cái chòi gác nhưng không thấy vệ sĩ trực gác. Tôi trèo lên dưới chân chòi gác, nhìn thấy phía cuối mương là khu vực sản xuất và bãi phơi bã sắn cũng nồng nặc “mùi Vedan”.

“Do thiết kế sơ suất!”

Ông Trương Vĩnh Chu - giám đốc nhà máy - cho biết: “Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh là một trong bốn chi nhánh (cùng với ba nhà máy ở Gia Lai, Bình Thuận, Bình Phước) thuộc Công ty CP hữu hạn Vedan VN có trụ sở đóng tại Đồng Nai. Nhà máy này khởi công tháng 8-2007, hoàn thành tháng 10-2008, có công suất 400 tấn củ sắn tươi/ngày. Ngày 11-2-2009 nhà máy bắt đầu chạy thử. Thời gian chạy thử đến hết tháng 4-2009, đầu tháng 11 sẽ hoạt động chính thức”.

Ông Chu cũng thừa nhận có nghe dư luận người dân địa phương phản ảnh sự ô nhiễm ngay từ khi nhà máy chạy thử, nhưng “không khẳng định đúng, sai vì khu vực này vốn là môi trường cây xanh nay xuất hiện mùi từ nhà máy nên dân thấy lạ. Chế biến dứa thì có mùi dứa, chế biến sắn thì có mùi sắn và chuyên gia của tôi cam đoan mùi này không độc”. Tôi hỏi nhà máy có xả nước thải ra sông Rào Trổ không thì ông Chu khẳng định “không hề có”. Nhưng khi tôi cho ông xem những hình ảnh nước thải từ nhà máy đang tạo nên những váng đặc bên bờ sông thì ông Chu im lặng một lát rồi nói: “Tôi biết nơi anh chụp ảnh rồi. Hệ thống mương ấy là để dẫn nước mưa nhưng do sơ suất trong khâu thiết kế nên nước thải chảy lẫn vào”.

Sau gần một giờ lần theo hệ thống các con mương và đi quanh bốn hecta bãi thải, tôi phát hiện hai mương nhỏ dẫn nước thải từ khu vực sản xuất đổ vào mương lớn. Tôi hỏi ông Chu: “Đây có phải là thủ phạm gây ô nhiễm sông Rào Trổ”. Ông Chu nói: “Tôi thành thật xin lỗi và hứa sẽ khắc phục ngay. Khắc phục xong mới quyết định cho nhà máy hoạt động”.

-------------------------------------

Sẽ đình chỉ hoạt động nếu không thực hiện đúng cam kết

Chiều 28-3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ cho biết: “Sau khi nghe tin về sự gây ô nhiễm của nhà máy, UBND tỉnh đã giao Sở TN-MT kết hợp cảnh sát môi trường đến kiểm tra. Ngày 30-3 sau khi hai cơ quan này có báo cáo thì tỉnh sẽ có kết luận cuối cùng. Quan điểm của tỉnh là nhà máy phải giữ đúng cam kết của công ty “mẹ” (Công ty CP hữu hạn Vedan VN) trước khi xuất hiện nhà máy này, về quy chuẩn đối với hệ thống nước thải, chất thải rắn, kể cả môi trường không khí. Nếu nhà máy không giữ đúng những cam kết trên thì tỉnh sẽ đình chỉ hoạt động, kể cả chạy thử”.

Có vi phạm

Chiều 29-3, giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh Nguyễn Doãn Sáng và thượng tá Hoàng Việt Thành - trưởng Phòng cảnh sát môi trường Công an Hà Tĩnh - đều cho biết đoàn kiểm tra đã phát hiện hai hồ lớn nước thải chưa qua xử lý tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh. Hai hồ nước này và các bãi phơi bã sắn không đúng quy cách chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Họ đã báo cáo UBND tỉnh về thực trạng này. Theo họ, khi nhà máy còn gây ô nhiễm thì không thể hoạt động được.

VŨ TOÀN

No comments: