Wednesday, March 25, 2009

LHQ NGHE TƯỜNG TRÌNH VỀ NHÂN QUYỀN VIỆT NAM

Hội Đồng Nhân Quyền LHQ nghe tường trình về Nhân Quyền Việt Nam

Ỷ Lan, thông tín viên RFA

2009-03-25

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/report-from-Geneva-on-the-HumanRights-situations-in-Vietnam-YLan-03252009104941.html

Hội đồng Nhân quyền LHQ nhóm họp tại Genève, đang xem xét báo cáo về tình hình nhân quyền tại các nuớc trước khi đại diện mỗi nước trực tiếp phúc trình vào đầu tháng 5 sắp tới.

Có mặt tại chỗ, thông tín viên Ỷ Lan của Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do gửi về bản tường trình như sau:

Điện Quốc liên, nơi Hội đồng Nhân quyền LHQ nhóm họp khóa thứ 10 từ ngày 2.3 đến 27.3.2009. Photo by Ỷ Lan/RFA

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/report-from-Geneva-on-the-HumanRights-situations-in-Vietnam-YLan-03252009104941.html/UN-Geneve-305.jpg

Đối thoại Nhân quyền

Mỗi 4 năm một lần, các quốc gia thành viên LHQ phải làm phúc trình trước Hội đồng Nhân quyền về tình trạng nhân quyền tại nước mình. Đây là thể thức mới, kể từ ngày Hội đồng Nhân quyền LHQ thay thế Ủy hội Nhân quyền vào năm 2006.

Thể thức này gọi là “Kiểm điểm thường kỳ toàn thế giới” hay UPR, Universal Perodic Review.

Tuy cuộc đối chất trực diện giữa Việt Nam, Hội đồng Nhân quyền LHQ và các quốc gia thành viên sẽ xẩy ra vào đầu tháng 5 sắp tới. Nhưng trên Trang nhà của LHQ đã đăng tải đầy đủ các phúc trình về Việt Nam.

Trước hết là bản phúc trình của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đệ nạp, song song với hai bản Phúc trình do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ tóm gọn tất cả những khiếu nại hay tố cáo của các tổ chức Phi chính phủ về những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, và của các cơ cấu LHQ liên quan đến quyền con người thông qua các phúc trình hay tố cáo gửi đến LHQ về những vi phạm nhân quyền trên các lĩnh vực xã hội, dân sự, tôn giáo, phụ nữ, trẻ em, v.v…

Ngoài ra trên Trang nhà LHQ cũng cho đăng toàn văn các Phúc trình của các tổ chức Phi chính phủ quan trọng trong thế giới, tố cáo những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, như Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, Ân Xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), v.v…

Hiện nay, kể từ ngày 2.3 cho đến 27.3, Hội đồng Nhân quyền LHQ họp khóa thứ 10 tại Điện Quốc liên ở Genève để xem xét tình hình nhân quyền trong thế giới.

Thực trạng Nhân quyền VN

Tại khóa họp lần thứ 10 này, vấn đề nhân quyền tại Việt Nam vừa được đề cập hôm thứ hai, 23.3, qua lời phát biểu của ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam.

Ông Võ Văn Ái phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève hôm 23-3-2009. Photo by Ỷ Lan/RFA

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/report-from-Geneva-on-the-HumanRights-situations-in-Vietnam-YLan-03252009104941.html/VoVanAi-Geneve-250.jpg

Ông Ái lên tiếng tố cáo nhà cầm quyền Hà Nội “vi phạm nghiêm trọng nhân quyền tại Việt Nam và thường xuyên không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế”. Ông Ái nói rằng:

“Chính sách Nhà nước Việt Nam không do các thiết chế quốc gia hoạch định, như là chính phủ hay quốc hội, mà mọi sự do Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định” và rằng “Đảng Cộng sản bất cần mọi cam kết với thế giới”.

Ông Ái cũng nêu lên những phương pháp đàn áp cơ bản dựa vào sự kềm kẹp quần chúng thông qua ba cơ chế Công an khu vực, Hộ khẩu, và Lý lịch, gây sức ép trên những người bất đồng chính kiến làm cho họ mất tinh thần. Mục đích là bóp nghẹt mọi tư tưởng bất đồng với đảng và nhà nước.

Đây là trường hợp đã xẩy ra cho Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị giam cầm hơn 26 năm và hiện bị quản thúc tại ngôi chùa của ngài ở Saigon.

Các luật gia Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân bị xử án tù vì tổ chức các khóa học về nhân quyền; người chủ Blog Điếu Cày bị tuyên án 30 tháng tù vì viết những bài đòi hỏi cải cách dân chủ; giam cầm hoặc thu hồi thẻ làm báo của các ký giả phát hiện những sự việc “nhạy cảm”.

Ông Ái cũng nêu lên trường hợp của các người tham gia biểu tình, như Phạm Văn Trội, Phạm Thanh Nghiên, Vũ Hùng, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh… bị bắt từ tháng 9.2008 nhưng chưa được xét xử.

Nhà cầm quyền còn đàn áp phong trào nông dân khiếu kiện gọi là Dân Oan chống lại việc cán bộ cướp đất, tài sản, hay đàn áp công nhân đình công đòi hỏi cải thiện đời sống và tiền lương vào lúc giá gạo tăng vọt 72% trong vòng một năm, hoặc đàn áp các cuộc biểu tình sinh viên và dân chúng chống việc mất đất, mất hai quần đảo Hoàng sa, Trường sa vào tay Trung quốc.

Ngoài ra, ông Võ Văn Ái còn tố cáo Đảng và Nhà nước sử dụng các “đạo luật gian ác” để dập tắt mọi sự phản kháng hay bất đồng chính kiến.

Các đạo luật này trái chống với các quyền được bảo đảm trong Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị của LHQ hay trong Hiến pháp Việt Nam: như các đạo luật về “an ninh quốc gia”, nghị định số 38 cấm biểu tình, chỉ thị chống đình công.

Pháp lệnh số 44 quản chế tại gia người công dân hoặc đưa vào nhà thương điên mà không thông qua sự xét xử tại tòa án, cũng như những đạo luật vừa công bố hạn chế trên lĩnh vực báo chí, Internet và hạn chế việc thiết lập blog.

Ông Võ Văn Ái cũng tố cáo việc khai thác quặng bauxite ở Tây nguyên có nguy cơ gây “đại nạn sinh thái”, mặc những lời báo động của các chuyên gia, những kiến nghị của dân cư địa phương, đặc biệt Thư ngỏ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu sách đánh giá lại việc quy hoạch khai thác bauxite trên Tây nguyên.

Đứng trước hiện trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng như thế, ông Võ Văn Ái kết luận lời phát biểu bằng việc yêu cầu Hội đồng Nhân quyền gây sức ép để nhà cầm quyền Việt Nam chấp nhận thường trực việc các “Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm bảo vệ những người đấu tranh cho nhân quyền, đặc nhiệm tự do ngôn luận và tự do tôn giáo viếng thăm Việt Nam”.

(Ỷ Lan, tường trình từ Genève)

--------------------------------------

Bạn nghĩ gì về tình hình Nhân quyền tại Việt Nam? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của Bạn email: vietweb@rfa.org; hoặc cùng tham gia thảo luận tại Trang blog Ban Việt ngữ RFA

Tin, bài liên quan

Quốc hội Úc điều trần về Nhân quyền Việt Nam

Giải pháp thực hiện tiến bộ Nhân quyền ở Việt Nam?

Nhân quyền VN: sự giằng co giữa Tiến bộ và Sa lầy

Nhân quyền ở Việt Nam dưới mắt các nhóm tôn giáo

Cảm nhận của người dân về Nhân quyền ở Việt Nam

Hoa Kỳ: Nhân quyền tại Việt Nam vẫn không được cải thiện

Nhân quyền tại Việt Nam?

Vận động dân chủ, thầy giáo Vũ Hùng bị mất việc

Nhiều nỗ lực vận động trước ngày diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ

No comments: